Thơ
Nhà thơ Lê Văn Ngăn - người con của Huế đã đi xa
21:47 | 18/03/2015

Nhà thơ Lê Văn Ngăn, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phương Mai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bình Định (1997 -2002), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, qua đời vào lúc 10 giờ 40 phút  sáng nay 27/2/2015 (mồng 9 Tết) tại Quy Nhơn sau thời gian dài trị bệnh.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn - người con của Huế đã đi xa
Nhà thơ Lê Văn Ngăn - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Nhà thơ Lê Văn Ngăn sinh ngày 15/01/1944 tại làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.

Tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy  Nhơn năm 1966. Cộng tác viên của tạp chí Việt từ năm 1968; đầu năm 1972 chính thức tham gia nhóm Việt. Trước 1975 tham gia phong trào học sinh,sinh viên yêu nước Huế (1965-1975), phóng viên Đài phát thanh Huế (1975-1978), có thơ đăng trên các tạp chí Việt, Đối Diện và các tờ báo của Tổng hội Sinh viên Huế, Vạn Hạnh...

Tác phẩm:

Trên đồng bằng (thơ, in ronéo), Vào một thời im bóng (thơ, in ronéo 1972),  Thư về Hà Nội, Viết dưới bóng quê nhà (2000), Thơ Lê Văn Ngăn (NXB Thuận Hóa, 2015). Thơ in trên các báo và tạp chí: Đối diện, Ý Thức, Trình Bày, Tư Tưởng,... Văn Nghệ, Tạp chí Thơ, Thanh niên, Sông Hương,...

- In thơ trên tạp chí Tiểu thuyết thứ 7 khi mới 12 tuổi

-Tác phẩm in chung: Tiếng hát những người đi tới (NXB Trẻ -1993), Thơ Miền Nam thời chiến, Tuyển tập Thơ Nhạc Họa Việt (NXB Trẻ -1997), Nhìn lại một chặng đường văn học (NXB TP.HCM -2000), Viết trên đường tranh đấu (NXB Thuận Hóa – 2005),...

- Giải nhì cuộc thi thơ do báo Văn Nghệ tổ chức năm 1991...

Ông là một người hoạt động xã hội thầm lặng, quan niệm của ông về giải thưởng của người làm văn nghệ chính là sự chia sẻ niềm rung cảm với mọi người, điều mà thi sĩ Lê Văn Ngăn luôn trăn trở: "Các nhà thơ có chân dung và tiểu sử trong các tập sách; còn các anh, những người tạo ra nguồn rung động cho người nghệ sĩ, các anh chỉ lặng lẽ ra đời, lặng lẽ làm việc, và cuối cùng lặng lẽ hóa thân vào đời con cái mình".

Văn Nghệ Huế xin giới thiệu đến bạn đọc chùm thơ của nhà thơ Lê Văn Ngăn đã đăng trên Tạp chí Sông Hương:


LÊ VĂN NGĂN

Người phu xe, từ biệt


từ biệt cha, người phu xe
từ biệt người còn mang trên mình những lằn roi của thời cũ
trong lằn roi ấy
chưa phai hình bóng những người khách đã bước lên xe
những quan lại, ả giang hồ, tu sĩ
chưa phai hình bóng người phu xe đứng vào chỗ con ngựa kéo xe
rướn mình về phía trước
quay tròn hai bánh xe quay tròn
quay tròn quay tròn, ngày tháng quay tròn
quay đến lúc những câu hỏi bắt đầu xuất hiện
hỏi về vẻ tốt tươi của người này
làm bằng vẻ tàn tạ của người khác

tất nhiên, trên những con đường của thời cha, xe ô tô chưa đến
nhưng mồ hôi đổi lấy một giá quá rẻ cộng thêm những lời nhục mạ
chẳng phải là chuyện tất nhiên
chẳng phải là chuyện tất nhiên, nếu có kẻ chỉ ngồi giữa cung điện để người khác lạy quỳ
vẫn được quyền tiêu xài cả đất nước
chẳng phải là chuyện tất nhiên, nếu người đem sức lương thiện kiếm lấy bát cơm
được ghi tên vào lớp người hèn hạ
như thế, hỡi người phu xe!
chung quanh người, kẻ cướp mồ hôi đang choàng vai với thần thánh và quyền uy
đang lúc chia chung mâm rượu

nhưng trước khi công bằng bước đến cầm lấy mâm rượu, trả lại cho những người đã làm nên mâm rượu
người phu xe còn phải chạy tiếp những bước lưu đày
còn phải đứng vào chỗ con ngựa
rướn mình về phía trước
quay tròn hai bánh xe quay tròn
quay tròn quay tròn, nắng đốt cháy nền trời mùa hạ và dinh thự nằm yên tĩnh dưới rặng cây
quay trong gió bấc quay xa dần những bóng người bên lò sưởi
quay tròn quay tròn, quay trở lại mái tranh khó đứng yên trong cơn bão
khuôn mặt người vợ đã từ lâu vắng vẻ nụ cười
đôi mắt những đứa con mù lòa trước dòng chữ
quay tròn quay tròn và người phu xe còn mất thêm nhiều thứ
mất cả trí nhớ về những ngày đã sinh ra từ lòng mẹ
những ngày đã được làm người.
từ biệt cha, từ biệt nỗi khổ
nếu nước mắt chỉ làm nhòe sự thật, con sẽ mở to đôi mắt
nhìn rõ đời cha
nhìn rõ trong chén cơm từ bàn tay cha mang đến cho những người thân yêu
có vị tình thương có lẫn mùi cam chịu
như thế, từ biệt cha có nghĩa là
từ biệt cả lòng tin vào số mệnh từ biệt cả thời đã tạo nên cha
bao nhiêu năm, số mệnh đã cản bàn tay người muốn hất kẻ cướp khỏi lưng người
bao nhiêu năm, số mệnh chỉ là mảnh giáp bao che kẻ cướp.

xin cha yên lòng nằm nghỉ
hai bánh xe đã thôi quay tròn đã thôi săn đuổi
và nếu giọt máu chưa hoen ố của cha còn sống trong cơ thể con, còn sống tiếp giữa thời công bằng đang bắt đầu
sự chết đôi khi chưa phải là điều thảm kịch.

Quy Nhơn
1983
(SH3/10-83)



Lời tạm biệt của những người lái tàu


Thưa quý vị hành khách
lát nữa, đoàn tàu sẽ đến ga phải đến
và bởi vì đã đi chung một chặng đường, chúng ta
không thể không nói với nhau
vài lời trước lúc tạm biệt

Trên chặng đường vừa qua
người sống không thể không nhìn đến sự sống
sự sống, với những bóng dáng và khuôn mặt,
đã lần lượt hiện ra ngoài khung cửa
sự sống còn mang trên vai dấu vết những năm chiến tranh những ngày tai họa
sự sống cắm cúi đóng những cột mốc cho tuyến đường mới
sự sống bắt nhịp cầu nối từ vực bất công qua bờ bến của công bằng
sự sống lau khuôn mặt đẫm ướt mưa đẫm ướt mồ hôi
sự sống cột lại chiếc khẩu trang để bước vào màng bụi xi măng, lửa và khói
sự sống đứng giữa bùn lầy, gieo hạt giống của mùa thịnh vượng
sự sống phơi ánh sáng và màu áo mới trên những mái nhà
sự sống cười nụ cười của đôi tình nhân ngồi cách xa tiếng ồn ào
sự sống cựa mình trong các em bé vừa lọt lòng mẹ
sự sống nẩy mầm trong những nạn nhân mới thoát khỏi bàn tay của nỗi bất hạnh
sự sống đưa mắt nhìn những người áo rách và nhủ thầm:
còn nhiều việc phải làm
tất nhiên, sự sống không có mặt
trong những gì đã chết.

Chúng tôi tiếc đoàn tàu đã không dừng lâu ở các cửa hàng cà phê và rượu
để biết ly đắng cay nào cũng chứa trong mình một chút niềm vui
mong quý vị hiểu chúng tôi cần thì giờ
để vượt nhanh hơn đêm tối
chúng tôi còn tiếc thêm một điều nữa: kẻ móc túi và kẻ bịp bợm
vẫn chưa chịu rời khỏi toa tàu
mong quí vị hiểu chúng tôi đã không ngừng lưu ý đến
những kẻ sẵn sàng đặt bàn tay bất an vào nỗi bình an
những kẻ đã đến từ phía ngược lại của đoàn tàu
những kẻ đã chạy tắt từ biên giới của một thời xa lắc
những kẻ đã từ lâu, ngồi xen giữa những người lương thiện, ẩn mình dưới lớp áo sạch.

Cuối cùng, xin quý vị quên chúng tôi với khuôn mặt thường cau có
khuôn mặt những người đang lúc bận rộn
khuôn mặt những người đang siết lại các cơ phận sắp rời
khuôn mặt những người không ngừng nhìn vào chiếc kim phương hướng
            những dấu hiệu của cơn bão
            những ngọn đèn và những tiếng còi
khuôn mặt chỉ trở lại bình yên vào lúc trời đã đầy sao
nhưng lúc ấy, quý vị đã êm đềm trong giấc ngủ.

Xin chào tạm biệt
hy vọng những hành trình mới…

Quy Nhơn 1984
(SH12/4-85)



Chị nấu bếp của các thứ đắng


Nơi khách sạn ấy
có những người đến để ngồi vào bàn ăn dọn sẵn
và có những người như chị nấu bếp
chị thường đứng bên bụi bặm, lửa, khói
đằng sau tình yêu, nghệ thuật, bông hoa

chị muốn biết những trái mướp đắng
thành thức ăn ngon
cuối cùng, sau nhiều lần thất bại
chị đã tìm thấy phép tính của đắng, cay, ngọt, bùi
đắng, cay, ngọt, bùi
thức ăn của chị gồm đủ thứ như thế

và chị còn một chất đắng khác
chất đắng trong ly cà phê
một người khách đã bảo chị: xin cho thêm chút đường
một người khác bảo: cà phê nầy quá ngọt
cứ như thế cho đến lúc chị nhận ra mỗi người có những chuyện giống nhau
không ai muốn thứ đắng quá
không ai muốn thứ ngọt quá.



Ghi ở một nhà hộ sinh


đây là đứa bé mới ra đời
từ cuộc hôn phối không tình yêu
bao nhiêu năm bao nhiêu nỗi buồn nơi người mẹ
đã in bóng vào khuôn mặt đứa con
con ơi, con ơi
tình yêu chưa tắt trong mẹ sẽ là chiếc khăn dịu dàng
lau sạch khuôn mặt con hết bóng tối
và mẹ sẽ soi đời mình vào khuôn mặt con
thấy lại chút hơi ấm đã từ lâu vắng vẻ
con ơi con ơi, tình yêu mới ra đời ơi
liều thuốc chữa nỗi đau ơi
phần thưởng dành cho nỗi đau ơi
mẹ tin: ngay cả những người bất hạnh nhất
cũng sẽ có ngày sung sướng



Một người cha đã nói như thế


có con, cha phải chia bớt tự do của đời mình
rời khỏi những con đường khuya, cha bước vào
ngồi ở thức canh bên giường bệnh
con người còn bé bỏng này
cần nắm những bàn tay mạnh hơn
để vượt qua một cơn sốt

cha đã chia bớt cho con một phần tự do, thứ quý nhất trên đời
và chẳng buộc con trả giá
trong cuộc sống này, vẫn có những người sống với nhau
không cần theo cách đổi chác

cha cũng không mong con ở mãi bên cha
chim non sẽ đến lúc rời tổ, bay vào trời rộng
con người sẽ đến lúc rời mái nhà mẹ cha, bước theo tiếng gọi của người tình
quả thật, sống gần nhau trong hôm nay
đã thấy trước một ngày không nhìn thấy nhau

ngày ấy, cha sẽ chủ thầm: niềm vui cũng thuộc phần kẻ nào
đã sinh ra người yêu
mong con đừng làm tắt ngấm niềm vui ấy
nghĩa là đừng rẽ vào con đường của kẻ cướp bóc
đừng uống ly bia làm bằng men bất công và mồ hôi của người lương thiện.

(SH20/8-86)



Bên hồ Thủy Ngữ


Gió đưa tình ta sang xa nhau
thời xuân thu gió thổi ngang đầu
quyến luyến mùi hương anh mang áo dạ
bóng đổ tường nghiêng một ngọn đèn dầu

mắt thẳm nghìn khơi không đổi hướng
rèm thiên thu còn hỏi trong tim
bước đi dưới rừng dương liễu dậy
sóng biển bừng lên sóng biển chìm

anh lại lui về thành thị cũ
soi mắt em trong tấm gương mờ
ngó qua mái ngói mây trời đục
biết đến đêm này khuya có mưa

vang hưởng từ khi em cười nói
là quanh đời tiếp tiếp truyền đi
lãng du đưa đẩy chân dừng lại
nỗi vui thầm mấy lá biệt ly

ngồi ở thành tây hồ thủy ngữ
chân thuyền quyên ơi anh lát gạch hồng
bông sen tàn bông sen còn lá
tình anh rồi nước trải giòng sông

đêm có khi anh nằm nghiêng mặt
nghe bến chờ thoáng điệu hành vân
tưởng người quân tử chưa thành vận
gảy độc huyền ca gọi tình nhân

tù và vang thúc hồn xe ngựa
tiếng chân anh lẫn tiếng cổ thành
ôi giấc hoàng thu càng nặng nợ
dù xa người yếm trắng thủy thanh

Huế, tháng 3/1962
(SDB - 3-2010)



Giới thiệu


Mẹ tôi sinh tôi ra dưới đáy xã hội
nuôi tôi lớn lên dưới đáy xã hội
Từ dưới vực sâu, tôi thường nhìn thấy một mảnh trời xanh ở trên cao
lắng nghe tiếng guốc vọng về từ dòng thời gian xa tắp
ước mơ một cảnh đời sáng tươi không phải của mình.

Mẹ tôi sinh tôi ra dưới đáy xã hội
nuôi tôi lớn lên dưới đáy xã hội
Bao nhiêu năm, qua bao nhiêu chiều nắng tắt, bao nhiêu mùa phượng hồng
mẹ vẫn lấy chữ nghĩa trộn với mồ hôi của mình
bện thành một chiếc thang vượt thoát.
Con ạ, đây là chữ nghĩa, mồ hôi và chiếc thang vượt thoát
con mau thoát khỏi cảnh sống tối tăm nầy
còn mẹ, mẹ không còn đủ sức để đi xa hơn nữa.

Giờ đây, tôi đã leo lên bờ vực tối, sống ngang hàng giữa mọi người
nhưng ở dưới xa, mẹ tôi vẫn một mình nằm lại
Hy sinh, tôi thường đọc thầm hai chữ ấy mỗi lúc đi qua các thương trường
để tin vẫn còn những người biết quên hạnh phúc của riêng mình
để nhớ đôi chút kiến thức của tôi vốn sinh ra
từ một người mẹ không biết chữ.

Giờ đây, trong những dòng chữ tôi viết giữa đêm khuya
dường như vẫn lấp lánh nước mắt của người đã khuất.



Không phải như thế
Riêng tặng Thái Ngọc San


Không phải chỉ một mình tôi dưới rặng thông đêm
vì bên tôi còn có tiếng chân em dẫm lên mặt đường mười năm trước
vì bàn tay tôi còn nguyên cảm giác khi chạm vào tà áo em mười năm trước.

Không phải chỉ một mình tôi trở về căn phòng trọ
ngồi lại bên ngọn đèn và trang sách mở
Ngỡ như em sắp thức dậy nhen lửa trong tiếng mưa khuya
đem tặng tôi ly cà phê rất nóng
Luôn luôn, em biết chế biến mọi chất đắng có thêm vị ngọt
để pha loãng nỗi phiền muộn trong tâm hồn người
để làm dịu những vết thương trong tâm hồn người.
Không phải chỉ một mình tôi đặt lưng xuống chiếc giường trống trải
Ngỡ như mới hôm qua
em còn cúi xuống thay chiếc áo gối đã nhàu
cười đùa với vài ý nghĩ vừa chợt đến
Phải,
em muốn chỗ nằm cũng phải sạch như cuộc sống những người lương thiện.

Có phải vậy không
hỡi người em thân yêu đang nằm lặng yên trong lòng đ
ất.



Hạnh Phước, người nữ của thành nhiễu nhương


Nhớ không Hạnh Phước, em đã giúp anh chịu đựng
Thị trấn tiêu điều ấy
Con đường liên tỉnh ấy
Những chiến xa mịt mù bụi đỏ
Cũng có khi trời u ám
Hàng cây muối trổ bông
Và ở tấm màn che hiện em bước ra
Chiều mới lại sau giấc ngủ
Nhớ không Hạnh Phước em không còn đi trên đô thị ấy
Không còn nụ cười soi vào tâm gương
Bão cát di chuyển trên trời và cổng trường anh đứng đợi
Cũng không còn căn phòng dưới thấp
Anh ngồi lắng nghe tiếng giày
Nơi đây
Mặt trời không soi tới
Trên mái nhà vô danh ấy thường khi có tiếng than van của cành lá

Hôm nào em khóc tức tưởi trên con dốc
Lòng anh đây như đồng cỏ mùa xuân
Thổi dạt một chiều bất tận
Nhớ không Hạnh Phước
Chúng ta hẹn cưới nhau sau khi hết chiến tranh
Mà lời âm vang theo hàng cây muối
còn đưa tới hôm nay
Giờ đây tuy tay anh sắp phải dính máu
Mắt anh sắp phải dò chừng
Nhưng bên kia biên cương thù hận
Em đang giữ tấm lòng anh trong suốt

Hãy giữ hộ anh nền xi măng trong quán rượu
Bàn chân em trắng và má em hồng
Dù những cánh lục bình còn trôi đi mãi
Nhưng tình anh vẫn là tiếng mưa
Giọt thánh thót quanh đời thầm lặng
Hãy giữ hộ anh những cánh quạt chưa quay
Cùng màu áo em tháng chạp
ấm lòng anh đêm nay

anh chẳng biết bao giờ gặp lại
trái cam em đến bên giường bệnh. Tiếng chim kêu
Hạnh Phước, Hạnh Phước
Chỉ có em là đàn bà.

Chỉ có em là đàn bà
Nên mỗi khi nghe tiếng giày trận giẫm lên cát
Anh thấy anh vẫn còn sống
Trái tim đã chìm sâu tận cùng giấc mộng
Thế nào anh cũng trở về
Vì còn gió cố quận gọi cánh ngựa hồ
Vì còn đôi tay em quấn quít
Đêm một thời xưa hoàng lan
Vì em là niềm hy vọng
Nên dù có chạy dưới làn mưa đạn
Anh vẫn tin
Anh vẫn cố gắng sống

Anh vẫn cố gắng sống
Để thấy mây vĩnh cửu trên các cổ tường
Để nhìn em tươi cười ngày đầu thu
Chân bước nhanh nhanh đôi guốc mới
Anh vẫn cố gắng sống
Dù khi sắp sửa ngậm vào miệng tấm thẻ bài
Mắt vẫn mở ra thấy sau màn mưa lửa
Em bước nhanh nhanh
Con đường liên tỉnh bây giờ sẽ nở đầy bông nhược hoa
Em gởi chờ anh lòng trinh tiết

Hạnh Phước Hạnh Phước
Người nữ của thành nhiễu nhương
Em có thấy chút hồn nhiên của thi sĩ
Sắp phải chịu tiêu hủy
Bao giờ nữa, mùi hương khổ ngãi trong tiết lập xuân
Dòng chữ đìu hiu thư viện cũ
Hạnh Phước Hạnh Phước
Người nữ của thành nhiễu nhương
Đôi vú em căng dòng sữa ngọt
Tâm thân anh đắp đời anh bơ vơ
Cảm xúc còn nặng mùi da thịt

Anh bắt đầu thấy trong cõi phù vân
Có Tổ quốc vinh danh văn chương cách mệnh
Vì trong nỗi khổ tâm thầm kín
Em đã chia sẻ
Vì trong cuộc lao tù mình anh nghe âm vang
Em đã mang tới tiếng sóng vỗ bầu trời cao
thiên nhiên hợp xướng
ước chi anh cụt mất một chân
để được đi mênh mông dưới bầu trời rộng
lúc ấy trên đất hứa ngày anh về
ánh mộng vàng lấp lánh
ước chi anh cụt mất một chân
để được nghe tiếng nạng gỗ gõ đều trên mặt đất
cùng nhớ lại dòng nước mắt em
chảy lờ mờ sau cửa sắt.



Sóng vẫn đập vào eo biển


1
Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển
nhắn cho tôi biết
rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng
Quy Nhơn Quy Nhơn đồng ruộng mía phía Tây
phất phới vườn bông gòn
những đầm nước mặn
im bóng cửa nhà
Quy Nhơn Quy Nhơn trên thảm nước xanh rờn của thuyền đánh cá và chim én
Buổi sáng hay chiều hôm từng chuyến phi cơ
tìm lòng em đáp xuống
dù em chỉ hiện ra bằng một dấu hiệu, ngọn đèn xanh, cánh cờ đo chiều gió
dù nắng rực rỡ trên các đỉnh đồi
dù mây tháng mười, không ngừng nghỉ, bay về một nơi khác
dù trên cao tôi nhìn thấy em
bình lặng
bày ra từng con đường, từng động mạch, những mái nhà rêu phủ, những chiếc áo cánh trên sợi dây phơi
chẳng phải em thiếu kín đáo, nhưng tôi biết em muốn gửi tới một điều gì
Quy Nhơn Quy Nhơn từng đêm bão cát thổi qua lòng em
và tôi, lặng lẽ dưới mái nhà
căng lòng mình ra như tấm áo
trên tấm áo ấy, bão cát chỉ gây ra lời hy vọng
che chở được em
giờ đây, đoàn quân xâm chiếm, theo từng nhịp cánh quạt ngừng, đổ bộ trên quê hương tôi
đã đặt trước mặt tôi những trại giam
giờ đây tôi không gần được em, nhưng tôi tin
nếu khi trở về thì khi nào tôi đến
em sẽ mở lòng em ra

Lòng em, những mái nhà tranh im lìm, nơi đó một quãng đời cũ
em còn cất giữ
và nếu một cuộc săn đuổi khác bắt đầu
em sẽ tự xé rách lòng em, che dấu những người bất khuất, những người đã gọi em
Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh
không muốn rút mình bên này các ranh giới trước tham vọng của kẻ thống trị, em còn muốn
tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên
và những vườn hoa bưởi
những vại nước lấm tấm bông cau
cũng có mùi hoa gạo
cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc
dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động

2
Sóng vẫn đập vào eo biển, chiều nay hay ngày trước
và lòng tôi, theo tiếng sóng của em, cũng chạy dài theo bãi cát
lang thang quanh những vùng yên lặng
dừng chân ở chiếc quán đông người
sóng vẫn đập vào eo biển
tiếng sóng dịu dàng và cương quyết
tiếng sóng chất chứa những gì khiến tôi xác tín một điều
vâng, điều ấy
chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được
vâng, điều ấy
giữa những khung cửa đầy bóng tối, hàng me cao
giữa mùi bánh nướng báo tin một ngày quang đãng
giữa tiếng xe thổ mộ lúc bình minh, vẫn còn những kẻ phản bội em
vẫn còn những kẻ từng sống bên em, nay đã mặc cho những kẻ xâm chiếm dày vò
vẫn còn những kẻ man trá, những kẻ thỏa hiệp, những kẻ dã tâm yêu hết mọi giống nòi
vâng, điều ấy
khi bạo lực còn bắt tay nhau
khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người
khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em
đây là điều tôi dứt khoát
quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
chết cho tình yêu
đấy là việc của con người
bao nhiêu năm ở gần em, những chiếc phi cơ đáp xuống buổi mai
rời khi trời tối
bao nhiêu năm, những chiếc xe lam, những thỏi đường mới lọc, những bàn tay trong những bàn tay
bao nhiêu năm em chưa trả lời cho tôi biết
nhưng tôi tin
dù nơi nào, trong ngục tù hay giữa cánh đồng
bằng tín hiệu của sóng biển
em vẫn cần gọi tôi về, lấy thân làm vật cản che chở em

3
Quy Nhơn Quy Nhơn, đồng ruộng mía phía Tây
phất phới vườn bông gòn
những cửa hàng lấm bụi, những chiếc ga tạm hoang tàn, những người định cư, những người tứ chiếng
nơi em
quê hương chẳng phải điều trừu tượng
điều ấy, tôi giữ trong lòng
và đi xa em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo biển.



Cha và con và ly cà phê buổi sáng

Trời sắp sáng rồi
Con ơi hãy thức dậy
Chúng ta sẽ qua quán cà phê bên kia đường
ngồi với chút yên tĩnh đầu ngày.
Vị đắng trong ly cà phê
không phải vị đắng cuộc đời.

Chúng ta sẽ quên chuyện thế giới đang xếp đặt những âm mưu
những bàn tay bẩn đang đục rỗng dần lòng tin bằng những khoản tiền tham nhũng
Chúng ta biết việc kiếm ra đồng tiền đẫm mồ hôi để nuôi sống gia đình
vẫn là việc nhân đạo.

Những vì sao vừa tắt trên nền trời, vài bông hoa trên cao vừa nở
như thể thời tuổi trẻ dù đã qua đi vẫn không quên gởi về những lời an ủi.
Chúng ta sẽ gắng vượt qua một ngày bận rộn
để có một buổi mai khác, một chút yên tĩnh khác.



Những người bạn và một miền quê


Chúng tôi về Thừa Lưu lúc còn trẻ
Đường đi mở ra bao nhiêu đầm bao nhiêu núi
Niềm hy vọng sáng lên ở chân trời, ngay cả lúc cơn mưa tầm tã.

Chúng tôi sẽ đến một nơi chưa phai nhạt tình người
sẽ gặp một người mẹ, một người em, bữa cơm chiều bên bếp lửa
Sáng mai nào
cây lá quanh vườn xanh ngắt dưới nền trời cuối đông
như thể một mùa xuân đến sớm
như thể qua đôi mắt của tình bạn, đã hiện ra một thế giới khác.

Chúng tôi về Thừa Lưu lúc còn trẻ, lúc chưa trải qua những thảm kịch
cứ ngỡ cuộc đời chỉ gồm những ngày vui kế tiếp.


L.V.N

(SDB15/12-14)
 








 

Tác giả: Lê Văn Ngăn
Các bài mới
Bên sông (26/11/2020)
Làng ấu thơ (22/04/2019)
Biển quê hương (01/04/2019)
Biển trăng (01/03/2019)
Cánh đồng xuân (05/02/2019)
Các bài đã đăng