IV
...Nhạc giáo đường trôi trên thi thể của hoàng hôn
của hư vô của miền tuyệt vọng cháy sáng
nhạc hoang đường trôi vào miền vô thức
giữa không gian u tịch với từng bước linh hồn
đàn chim lưu đày mang cánh hoa lys bay lên
trên bầu trời sợi tóc mun đã bay đi làm gió
em bây giờ là khói xanh
lửa trả tự do
bây giờ tôi chẳng còn là mối gậm mòn sách trên ghế cũ
tôi là thuyền độc mộc khuấy nước trường giang
thơ hành trình đi qua miền địa ngục
không có tình yêu mây bay cao
chỉ có mình tôi với rong rêu ưu phiền
buổi mai trầm tư
với đôi tay trần chơ vơ như thỏi sắt
mọi người câm lặng trao nhau sợi dây chuyền tội lỗi
con muỗi mắt tuyệt mệnh trên cánh hoa phù dung
quê hương mình mang nhiều vết thương
mọi người hãy tự đặt tên mình bằng số phận
đó là điều dị nghị của người mang trái tim bằng lá khô
tôi lớn lên để tiễn đưa bạn bè từ giã cuộc sống
như người già hát bài ngủ mộng bình thường
thôi còn gì những buổi trời mưa lá cây xanh
đứa con trai khoác áo chim hồng bay qua đỉnh núi
với cái chết từ bi như thạch cao
anh em bè bạn tôi đi theo dấu sương mù
bốn bức tường tuyệt mệnh chôn vùi vết chân chim
khi trăng non rụng trên tấm hình hài rã mục
em ôm vành khăn tang
cúi đầu làm con gái Việt Nam
trong thung lũng tình yêu đã lạnh giá
em đốt cháy niềm tuyệt vọng
trên ngọn lửa hằng cửu sáp trắng
cầu nguyện những người con trai Á Châu
ra đi như thiên thần
ôi tim mẹ đã rã rục
với lòng tin em
như cành hoa mai buổi tối
tôi không thấy mặt trời tinh tú
trên miền phù sa
chỉ có hỏa châu
đâm mù mắt tôi
VIII
… tôi thường ca tụng vẻ huyền diệu của cánh đồng
nơi hội họp bốn mùa của sự phì nhiêu
nơi tôi may áo gấm cho bầy chim vô sắc
lúc nhàn rỗi không có gì để làm
tôi xin chiếc chiếu hoa ngũ cốc
làm nơi tự tình của ngày lập xuân
cuộc hôn phối đa đoan của đời mình
là lý do mầu nhiệm
nếu bể không có những đứa con ngang tàng
như con sao biển đã đi qua nhiều đại lục
nếu bóng tối chẳng hiểu gì
tiểu sử về mái tóc em
thì quả đồng hồ
chỉ là một trái cam
dành cho người bệnh
thôi
em hãy châm lửa đâm mù mắt tôi
xin đừng căng dây đàn trái đất nầy
tôi vẫn là người chỉ còn một giác quan đơn độc
để nghe dây đàn chùng
cũng như em
chỉ còn một nụ cười
để xua đuổi già nua
xin mọi người hãy biết ơn dây đàn chùng
hãy nghe hơi thở phong trần qua bao nhiêu thời thạch khí
và cho tôi
nhìn nếp nhăn bao la trên vừng trán mẹ
vết thương mưng mủ trong mạch máu quê hương
ôi tiếng đàn không thanh âm không hương sắc
như nước mắt vốn là loài vô tri
tất cả chỉ là dây đàn phiền não
chiến tranh là lời cổ động của kẻ phi nhân
thôi bây giờ
chẳng còn gì
khoảng hư vô như cánh tay gối đầu
giấy trắng là cánh đồng của bầy ngựa già đi lang thang
trên những miền không có suối nước
tôi chỉ gặp một loài hoa đá
khi em không còn ở trên đường tôi đi
thì cây phi lao chuốt thành mũi nhọn
làn nước bạc kia chỉ là con dao của người tự sát
đã bỏ quên
người điêu khắc tự do nửa đêm thức dậy
nói về chuyện lưu đày
tất cả rồi lãng quên
não tủy không nhớ lời huyết quản
bàn tay không nhớ lời trái tim
mùa thu không nuôi tiếng chim muông
lá hoa không thương tình mặt đất
linh hồn tôi
cũng ra đi
trong cõi trừu tượng
em là trái hỏa châu đốt ta thành tro bụi
bây giờ tội lỗi như đồng tình
tôi chỉ còn hồn tôi trong gió lốc cuồng si
với vần thơ hoang đường cưu mang nhục thể
như khúc hát độc huyền của kẻ câm
xin đừng trách tôi là người phù thủy
ngôn ngữ đã phí phạm thần kinh tôi như một lũ con hoang
đêm đêm nhìn trời
gọi sương khuya vỗ về thắc mắc
nhưng đôm đốm đã đánh thức mùa thu dậy
ưu tư vằng vặc như trăng khuya
tôi vốn mang trong người muôn quả tim
như cây trên rừng nhiều lá
sự sống từng giờ lay động bằng tiếng khóc trẻ thơ
ôi thế trần
lời châm biếm ngọt ngào như trái chín đong đưa
thôi còn gì
chuyện của người đãng trí và chiến tranh
hơi thở cũng mủn dần như mặt đất
thời gian về lớp áo cũ của không gian
lời vô tri bay đã cao
như ánh mắt từ trên đỉnh núi
mạch đất quê hương giờ lạnh rồi
sao mắt mẹ còn mở
sách trên án thư cũng ngủ khuây
nhưng hồn mẹ vẫn thao thức
con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu.
Minh họa trong bài của NGUYÊN KHAI và RỪNG (phụ bản trong Tập NNCNĐT, xuất bản 1970)
(TCSH41/02&03-1990)