Thơ
Kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Đôi chi tiết về bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây
09:32 | 23/02/2017

Nhà thơ PHẠM TIẾN DUẬT - Bài viết này được cố nhà thơ Phạm Tiến Duật viết khi ông còn sống, với những kỉ niệm nhỏ xung quanh bài thơ nổi tiếng "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây". xin trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc.

Kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Đôi chi tiết về bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ 2 bên phải) tại Hội nghị mừng công của Bộ đội Trường Sơn mùa khô 1970-1971

Bài thơ Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây tôi sáng tác hồi cuối năm 1969 tại một làng nhỏ bên bờ sông Son của tỉnh Quảng Bình, làng Cổ Giang, một làng nghèo khó mà nền nếp. Cái làng ấy ở không xa nơi cổng đường 20 xe ngang dãy núi Trường Sơn. Thấm thoát đã gần ba mươi năm rồi. Tuổi đất, tuổi người dài ra cũng ối chuyện mà tuổi tác phẩm – của bất kỳ ai – dài ra cũng không ít chuyện. Từ nhiều năm nay, trong các băng nhạc Karaoke có chạy bài hát cùng tên phổ thơ tôi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp làm nhạc. Câu thơ Cái gạt nước xua đinỗi nhớ của bài thơ ấy được băng hình đánh chữ là Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ. “Xua tan” như thế thì còn gì là tình yêu. Băng hình không chỉ “xua tan” nỗi nhớ mà còn “xua tan” cả thơ ca nữa. Lỗi ấy của người làm băng chứ không phải của nhạc sĩ. Cũng phải nói thêm rằng những người làm băng ấy vi phạm bản quyền, phớt lờ tác giả. Câu chuyện ấy chỉ làm tôi buồn cười chứ lạ sao không thấy bực mình. Thì văn hóa tới đâu thì làm tới đó, chứ biết làm sao. Mà họ có làm văn hóa đâu, họ làm kinh tế đấy chứ. Một thời ngỡ tưởng gần mà đã hóa ra xa.

Ở bài hát, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây là một bản tình ca trong chiến tranh. Một anh, một chị yêu nhau trong xa cách. Còn ở tác phẩm thơ, yếu tố tình ca trộn lẫn với quân ca. Có tám dòng thơ nhạc sĩ không phổ. Ở khổ thứ hai từ trên xuống. Một dãy núi mà hai màu mây/Bên nắng bên mưa khí trời cũng khác/Như anh với em như Nam với Bắc/ Như đông với tây một dải rừng liền. Và ở khổ thứ hai từ dưới lên: Đông sang tây không phải đường thư/Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo/ Đông Trường Sơn cô gái ba sẵn sàng xanh áo/ Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh. Như vậy, trong thơ không chỉ có hai người mà còn có hai lực lượng. Ba chữ như ở đoạn trên nói rằng đây chỉ là ví dụ mà thôi. Âm nhạc viết theo thể hát nói trữ tình đã cộng hưởng rất đẹp với thơ.

Cả bài thơ, như đã nói, làm xong cuối năm 1969, nhưng hai dòng đầu tiên thì có trước đó gần hai năm. Bây giờ, nhận vật tạo hứng cho thơ đang sống ở Hà Nội, một họa sĩ đã thành danh. Hồi ấy, anh ta yêu một cô y tá ở phía đông Trường Sơn. Ngồi chung một ca-bin xe đi sang phía tây, suốt đường anh ta nhắc đến người yêu. Nỗi nhớ của anh ra lây lan sang cả tôi, sang cả người lái xe. Mãi đến khi trời mưa, cái gạt nước phía trước mặt đã giúp tôi viết hai dòng đầu tiên: Anh lên xe trời đổ con mưa/Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ.

Bài thơ được viết sau nhiều chặng đường vượt rừng gian nan. Cho đến nỗi, nếu chưa từng ở rừng, vượt rừng thì khó bề thông cảm hết với thơ ấy, bài ấy. Chẳng hạn như câu này: Nước khe cạn, bướm bay lèn đá không phải là một câu thơ tả đẹp mà là một quan sát đáng run sợ của lính trinh sát. Nếu thấy cảnh ấy vào lúc chập chiều thì cầm chắc là đói vì không thể có nước nấu cơm. Mười cây số vuông quanh đí không thể có nguồn nước. Hay là câu này: Muỗi bay rừng già cho dài tay áo, một bạn Việt kiều và một nhà thơ Pháp đã dịch là Muỗi bay, mọi người mặc áo măng tô vào thì thật buồn cười. Họ không đi lính thì trách sao được.

Bây giờ, đọc lại nghe lại, như một người ngoài cuộc vô cảm tôi vẫn thấy trong lòng bồi hồi. Từ nhiều năm nay thật nhiều bài thơ người ta gọi là thơ tình, nhiều ca khúc người ta gọi là tình ca. Nhưng sao nghe chỉ thấy tán tỉnh, có lúc tán tỉnh đến thô lỗ. Thấy quá nhiều sự ích kỷ nhuộm vào các câu chữ. Nhớ lại thời ấy, không phải để tự khen mìn và đồng đội của mình mà rưng rưng cảm động. Hình như, không yêu được số đông người thì cũng khó mà yêu lấy một người. Sự ích kỷ với thiên hạ có chứa lực phản.

Không, không chỉ một tôi viết Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây mà cả con muỗi, con bướm, cái gạt nước, ngọn măng rừng và đồng đội của chúng ta cùng viết.

P.T.D

TRƯỜNG SƠN ĐÔNG - TRƯỜNG SƠN TÂY

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?

Em thương anh bên ấy Tây mùa Ðông
Nước khe cạn, bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư

Ðông sang Tây không phải đường thư
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh

Từ nơi em gửi tới nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn

(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

 

VỪA LÀM VỪA NGHĨ

PHẠM TIẾN DUẬT

Phạm Tiến Duật có một tập tiểu luận chỉ chuyên về công việc làm thơ khi nghề thơ trong ông đã thật chín, thật sâu sắc. Và có lẽ Phạm Tiến Duật là nhà thơ luôn giữ được những tư duy và cảm xúc gần gũi với những cây bút trẻ, ngay cả khi ông không còn trẻ nữa...

 

VỀ NHỮNG LỜI KHUYÊN
CỦA XUÂN DIỆU

1

Nhiều người bảo thế và chính Xuân Diệu cũng không cãi, rằng ông là loại gái già, lắm điều. Cứ như ông là người có quyền quát mắng người khác, chả coi ai ra gì. Ông gọi đám hậu sinh chúng tôi là đám nhà thơ thiếu uý. Với tôi, chữ nhà thơ là bậc hai rồi, bậc một như ông thì ông gọi là thi sĩ. Còn chữ thiếu uý thì đúng rồi, chỉ hơn lính trơn tí chút. Xuân Diệu gây không ít sự khó chịu cho nhiều người. Tất cả là do ông yêu đời, yêu người, sống nồng nàn với xung quanh nên mới khắt khe như vậy. Khi Xuân Diệu mất, tôi vinh dự được phân công thảo điếu văn. Cái câu "một cây rừng đổ xuống, cả cánh rừng trống vắng" đến bây giờ tôi thấy vẫn đúng. Cái tôi học đầu tiên ở Xuân Diệu chưa phải là thơ, mà là lối sống. Với tôi, Xuân Diệu là người trung thực nhất và thực hành cái trung thực ấy một cách triệt để, mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng. Trước hết là thái độ trung thực của ông khi nghĩ về trung thực. Ông nói câu này với nhiều người, rằng chỉ có thể trung thực tương đối. Một mét không phải lúc nào cũng là một trăm xăng-ti-met, một mét có thể chỉ là chín mươi chín xăng-ti-mét. Nhưng chỉ có tám mươi thôi thì không thể là một trăm được. (Cái ví dụ ấy ông dùng thời bao cấp là hợp lắm, vì các mậu dịch viên rất nhiều thủ thuật bớt xén). Chẳng thà ông nói như thế và sống như thế còn hơn ối người cứ nói một mét là một trăng xăng-ti-mét mà khi thực hành thì chả có tấc thước nào.

Một lần trước giờ Giao thừa, ông bảo tôi:

- Hà Nội sắp sửa lên đồng. Người Hà Nội trùm miếng vải đỏ lên đầu lắc lư. Rồi pháo nổ, giấy hồng điều nhuộm đỏ mặt đất. Đấy là miếng vải đỏ người Hà Nội vừa gạt từ trên đầu xuống. Họ biến thành các ông hoàng, bà chúa để rồi chỉ một vài hôm sau lại trở thành người thường, cái bụng lép kẹp.

Một lần khác ông bảo tôi:

- Em có biết Việt Nam lúc này là ai không? Là ông chiêm tinh quản lý sao trời! Ông ta cứ ngửa mặt lên các vì sao mà dưới chân mình có cái hố rất to lại không biết.

Ấy là ông sớm phát hiện cái hố quan liêu bao cấp. Ông tuyên bố với tôi rằng ông là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, nhưng chỉ ủng hộ chủ nghĩa xã hội thông minh, không ủng hộ thứ chủ nghĩa xã hội hình thức và ngu dốt.

 

2.

Vào một ngày Tết, tôi thưa với Xuân Diệu rằng, được chơi với ông thân thiết hàng ngày như thế, được ông chỉ vẽ cách thẩm thơ, các ngón nghề phê bình lấy ở đâu ra, mà chưa bao giờ được ông khuyên một câu nào về nghề nghiệp làm thơ, nay sang xin ông một lời khuyên, thì Xuân Diệu bảo:

- Khuyên một câu thì khó. Vậy tớ cho cậu ba lời khuyên: "Một là, làm thơ không được cơ hội, nhưng khi đăng thơ phải rất cơ hội; hai là, bên cạnh việc làm thơ phải nghĩ đến chuyện làm giàu. Nghèo quá cũng làm thơ mòn mỏi; ba là, phải có hai loại thơ (câu này xin vong hồn ông tha thứ, tôi phải thay một chút lối nói, nguyên văn thô quá, bất tiện) một loại khô và một loại tươi. Loại tươi dành cho bạn bè".

Lúc ấy tôi không dám cãi thày nhưng lòng không phục. Thời gian trôi đi tôi càng ngẫm càng thấy ông khuyên thực và sâu sắc vô cùng.

ĐÀN BÀ NÔNG NỔI

1.

Anh Minh là đồng đội cũ của tôi phải trông người nhà mấy ngày đêm liền ở Bệnh viện Phụ sản. Đấy cũng là lý do tôi bước lên các bậc cầu thang của ngôi nhà 5 tầng chỉ dành riêng cho phụ nữ ấy. Trên các bức tường của các chiếu nghỉ có các tấm biển viết một câu dặn làm tôi rất đỗi ngỡ ngàng và kinh ngạc nữa: "Đi nhẹ, nói nhỏ, không hắt sữa lên tường!". Tôi hoàn toàn không hiểu. Có lẽ các cô, các chị, các mợ đến đây sinh nở đã nhất tề vạch vú tưới ướt 5 tầng nhà của bệnh viện bằng sữa của chính mình nên mới có khẩu hiệu quyết liệt như vậy. Mà họ làm thế để làm gì? Hỏi ra, người đàn ông lớ ngớ là tôi mới biết một tục kiêng cữ của người phụ nữ đất này. Khi cẵng sữa (cẵng: từ địa phương quê tôi, nghĩa là căng đến mức không căng hơn được nữa) các chị cần vắt bớt thì vắt lên tường hay vào đâu thì tuỳ, không được vắt xuống đất, kiến bâu, làm mất sữa về sau. Thì ra đàn bà có nhiều bí mật hơn cánh ta vẫn tưởng. Nghĩ thế, tôi bỗng thấy hoang mang về những gì mình đã viết về các em, các chị, các mẹ.

Trong suốt những năm chiến tranh, đồng nghiệp của tôi và tôi đã làm thơ, viết văn, làm báo về người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong niềm xúc động, tự hào và kính trọng sâu sắc. Nhưng hình như mới chỉ vẽ được cái hình, cái dáng mà chiều sâu của tâm can thì chưa nói được bao nhiêu. Chỉ nội một chuyện bầu sữa cho con, lúc sữa đang thừa mà đã lo lúc thiếu. Còn bao điều người phụ nữ Việt Nam thầm lặng nghĩ, thầm lặng làm, ngày này qua ngày khác, chẳng cần ai ghi công, chẳng cần ai khen ngợi.

Cũng là người phụ nữ anh hùng nhưng hẳn cái anh hùng của phụ nữ Pháp, phụ nữ Đức, phụ nữ Nga... không giống cái chất anh hùng của phụ nữ Việt Nam. Và cái phẩm chất tốt đẹp của cuộc đời thường nhật hôm nay của các chị cũng riêng một nét Việt Nam, dầu các chị có nhuộm tóc mang màu châu Âu đi nữa.

Thế thì những câu thơ cứ nhảy xếch lên để ngỡ ngôn vinh phụ nữ lại hoá ra làm họ méo mó đi. Em khát khao anh khi mùa xuân về, cho em khát khao, khát khao anh!... Nếu là thơ viết để thầm lặng đọc đã thấy ghê ghê. Đằng này lại còn được phổ nhạc, lại được ca sĩ mặc váy xẻ gào lên: Cho em khát khao anh, khát khao anh! Thì bao nhiêu nữ tính bay biến cả. Hay là thời hiện đại, hại điện, phải thế? Hay là bây giờ là thời kỳ phản tỉnh, cứ nói ngược lại cái đã nói, là mới? Xưa ca tụng Thị Kính thì nay ca tụng Thị Mầu. Cái gì xưa e ấp thì nay xé toang, là mới?

Mà tại làm sao bàn về văn chương lại nói đến sữa? chúng tôi, chúng tôi không bàn đến sữa. chúng tôi có nghĩ đến sinh thêm con đâu. Nghĩ thế, già đi. Bên cạnh tình yêu còn phải chơi bời nữa. Mà kiến bu, mà mất sữa, có sao? Chúng tôi đã có vi-na miu! (tôi vừa viết theo lối nhà quê, phải viết Vinamilk). Thế thì lối sống đó cũng phải thay đổi. Lối sống thay đổi thì lối viết cũng thay đổi.

Có phải có một số người lập luận như thế không?

 

2.

Mà có lẽ trong hàng nghìn, hàng vạn người viết cũng nên có người có khuyến nghị để các chị và các nhà thơ nữ, dầu là tuổi nào đi nữa, biết rằng còn có những người bảo thủ, trong đó có nhiều cây bút nữ, không muốn đổi mới phẩm hạnh dân tộc. Rằng chính trong các chị cũng đã có những cây bút nói nên, sống lăng nhăng mới hiện đại! Rằng cứ sổ toẹt mọi chuyện mới đạt được sự hoà nhập quốc tế! Khổ lắm, các chị không cần viết những câu khêu gợi thì chúng tôi, những người đàn ông dồi dào sức lực đã xao xuyến rồi. Mở vừa thôi, mở quá lại sợ. Tôi van các chị đấy.

Mà các chị phải viết về những gì mà cánh đàn ông chúng tôi lớ ngớ không hiểu, như chuyện tôi và anh Minh không hiểu về chuyện vắt sữa lên tường. Nếu chỉ viết về ném tạc đạn, về bắn súng thì chắc chúng tôi không kém các chị. Và nếu viết để than vãn sự cô đơn, trách cứ thằng chồng phụ bạc, viết để tiếc một đời con gái thì chúng tôi nghe mãi cũng thấy chán. Chán thơ, chứ không phải chán các chị. Mà đàn bà đâu có thường. Chính cũng các cụ riễu đấy: Đàn bà nông nổi giếng khơi. Giời ơi, giếng khơi mà nông nổi ư? Lao đầu xuống đấy có mà chết toi!

 

TEM VÀ NHÃN


1.
 
Dán tem cho các sản phẩm hàng hoá là một loại sáng kiến có giá trị ở cấp quốc tế. Mặt hàng được Nhà nước dán tem là mặt hàng chứa đựng sự thoả thuận của cộng đồng (ít ra là trên danh nghĩa) về các loại trách nhiệm của người sản xuất ra mặt hàng đó.

Các tập thơ, các tập văn cũng là một loại hàng hoá, dầu có sang trọng là hàng hoá đặc biệt, sao không được dán tem?

Tựu chung lại thì trên đời này, hàng hoá chia làm hai loại: loại để chơi, không có thì cũng không chết và loại để duy trì cuộc sống hàng ngày gọi tắt là loại để dùng. Rượu, thuốc lá, nước hoa... có thể xếp vào loại để chơi. Một trong những thuộc tính của loài người là lười biếng, thích chơi hơn thích làm. Chính vì điều này mà các hàng hoá thuộc loại để chơi thường bị đánh thuế rất cao và ở quốc gia nào cũng vậy, nhóm hàng này thường bị đè ra dán tem trước. Với các tập thơ, tập truyện ngắn, tập tiểu thuyết, trước khi dán tem, chắc là Tổng cục Thuế cũng lúng túng không biết nên xếp cái thứ hàng này vào loại nào trong hai loại đã nêu.

 

2.

Các nhà văn, nhà thơ, theo danh hiệu người đọc phong cho hay tự phong, gần đây rất hay dùng chữ khẳng định mình. Người ta không chỉ nói mà còn có rất nhiều hành tung để khẳng định mình.

Khẳng định mình bằng cách in ấn ồ ạt. Khẳng định mình bằng cách làm các bìa sách phô trương với các tên sách nghe to tát đến rợn tóc gáy. Khẳng định mình bằng cách tung ra các định nghĩa như thể chuẩn bị dán lại nhãn mác mới cho thi ca. Thơ là sự thoát xác tuyệt đối. thơ là sự đi không đường trở về. thơ là sự lạ lùng không thể lạ lùng hơn. Thơ là một loại ngôn ngữ điên khùng. Thơ là sự ăn ngủ của trai gái. Thơ là cái hộp đen không thể khám phá... Nói gì cứ nói, chả ai đánh thuế. Có lẽ cách nói giật gân trong văn học gần đây là do có nhiễm màu thị trường. một trong những cách khẳng định mình của các nhà sản xuất là nêu các định nghĩa cho sản phẩm, càng giật gân càng dễ nhớ. Nhưng khổ một nỗi, định nghĩa một đằng, chất lượng một nẻo. Thơ cũng vậy mà nước khoáng cũng vậy. L. là một phần tất yếu của cuộc sống. Cứ làm như người ta không uống thứ nước của các ông, các bà thì người ta lăn đùng ra chết không bằng.

 

3.

Thực ra thì sách văn học đã được dán tem rồi, ấy là cái lô-gô của nhà xuất bản. Ngày xưa ấy à, chui được vào nhà xuất bản X, nhà xuất bản Y là khó lắm. Có cây bút cho đến cuối đời cũng chưa có được tập sách nào do nhà X, nhà Y xuất bản. Bây giờ thì dễ ợt. Thế thì có tem cũng bằng không tem. Người tiêu dùng là bạn đọc vô cùng lúng túng không biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Còn nhãn mác của sách văn học cũng có từ xưa rồi. Mỗi tên người là một nhãn mác. Đó là những nhãn mác sang trọng nhất trong tất cả các nhãn mác gọi là hàng hoá.

P.T.D

(Nguồn: Tạp chí Thơ)

Các bài mới
Bên sông (26/11/2020)
Làng ấu thơ (22/04/2019)
Biển quê hương (01/04/2019)
Biển trăng (01/03/2019)
Cánh đồng xuân (05/02/2019)
Các bài đã đăng
Thơ Xuân 2017 (07/02/2017)
Chùm thơ Lưu Ly (14/10/2016)