Thơ
Thơ phổ nhạc vận động cho hòa bình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
09:01 | 31/03/2017

Thiền sư được bầu là một trong “Những vị anh hùng châu Á”, được xem là một “Ông Thầy tu danh tiếng - tích cực lo cho hoà bình”, “Ông thầy tu của cả mọi thời”, từng được Mục sư Martin Luther King Jr. (Nobel Hòa bình 1964) đề cử giải Nobel Hòa bình, được Đại học Harvard, Đại học Hồng Kông vinh danh. Thiền sư Nhất Hạnh, người Việt Nam duy nhất được tạc tượng để vinh danh, tưởng nhớ tại Mỹ.

Thơ phổ nhạc vận động cho hòa bình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Ảnh: Internet)
Ngày nay, với hàng trăm địa chỉ trên mạng toàn cầu – đặc biệt với trang langmai.org, người ta có thể tiếp cận được ngay cái rừng thông tin về Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh với tên húy là Nguyễn Xuân Bảo được sinh ra vào ngày 11 tháng 10 năm 1926, ở một làng quê thuộc huyện Quảng Điền nằm về phía bắc Cố đô Huế, Năm 16 tuổi, Xuân Bảo tập sự xuất gia, năm 17 tuổi thọ giới Sa Di ở chùa Từ Hiếu. Theo học Phật học đường Bảo Quốc. Năm 1949 thọ giới lớn trong giới đàn Ứng Quang, pháp danh Trừng Quang, pháp tự Phùng Xuân, pháp hiệu Nhất Hạnh. Thiền sư Nhất Hạnh thuộc thế hệ thứ 42 của Tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán. Năm 1961 Thiền sư du học nước ngoài. Trước khi về nước (1964) từng được mời dạy học ở Đại học Columbia Hoa Kỳ. Về nước Thiền sư vận động phổ biến Phật giáo dấn thân, góp phần mở Đại học Phật giáo Vạn Hạnh, thành lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, mở nhà xuất bản Lá Bối in ấn phát hành những tác phẩm Đạo Phật đi vào cuộc đời, cho ra đời Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ, vận động cho hòa bình Việt Nam. Từ mùa hè năm 1966, Thiền sư xuất ngoại vận động quốc tế cho hòa bình Việt Nam, rồi bị lưu vong ở nước ngoài gần 40 năm.
 
Do hoàn cảnh phải lưu vong ở nước ngoài, Thiền sư đã khai sáng Đạo tràng Mai thôn (Plumvillage) trong lòng nước Pháp, tu viện Bích Nham (Mỹ), Tu viện Lộc Uyển (Mỹ), Tu viện Mộc Lan (Mỹ), Maison de L'Inspir Paris (Pháp), Viện Phật học ứng dụng châu Âu (EIAB) (Đức), Viện Phật học ứng dụng châu Á (AIAB) (Hồng Kong).v.v.
 
Thiền sư từng được mời thuyết trình tại Quốc Hội Hoa Kỳ, Quốc hội Cộng hòa Pháp, Quốc Hội Ấn Độ, từng được mời pháp thoại ở World Bank, ở Đại học Harvard, Trung tâm tra cứu thông tin khổng lồ của nhân loại Google đã tìm đến cầu tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. Được Thái Lan mời về Thái Lan đổi mới Phật giáo Thái Lan. Thiền sư Nhất Hạnh là một Thiền sư Việt Nam có ảnh hưởng lớn nhất nhì ở Phương Tây và cả ở Phương Đông, một giảng viên, một nhà văn, một nhà thơ, một nhà khảo cứu, một nhà hoạt động xã hội, một nhà vận động cho hòa bình không những cho Việt Nam và cho cả thế giới.
 
 Thiền sư Nhất Hạnh là tác giả của trên một trăm đầu sách về Đạo Phật pháp môn Làng Mai, về thơ, văn, văn hóa Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Ý, Thái Lan.v.v.), phát hành khắp thế giới, có nhiều đầu sách thuộc loại sách bán chạy nhất (Best Seller) ở Hoa Kỳ, ở Trung Quốc, ở Pháp.v.v.
 
Thiền sư được bầu là một trong “Những vị anh hùng châu Á”, được xem là một “Ông Thầy tu danh tiếng - tích cực lo cho hoà bình”, “Ông thầy tu của cả mọi thời”, từng được Mục sư Martin Luther King Jr. (Nobel Hòa bình 1964) đề cử giải Nobel Hòa bình, được Đại học Harvard, Đại học Hồng Kông vinh danh. Thiền sư Nhất Hạnh, người Việt Nam duy nhất được tạc tượng để vinh danh, tưởng nhớ tại Mỹ. Nhóm tượng “Remember Them: Champions for Humanity”, gồm 25 nhân vật nổi tiếng đấu tranh cho quyền con người trên thế giới, từ Martin Luther King tới Franklin Delano Roosevelt tới Maya Angelou, Cesar Chavez và Mahatma Gandhi.v.v.
 
 

Tổng thống Franklin Deleno Roosevelt (bên trái), Mẹ Teresa, Thiền sư Nhất Hạnh và Tộc trưởng da đỏ Joseph
 
Với một ít thông tin như vậy cũng đã đủ chứng tỏ Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một bậc vĩ nhân rồi. Cho đến nay chưa có một tác giả nào, một nhóm nhà nghiên nào trình bày một cách đầy đủ về sự nghiệp của Thiền sư. [Tôi tin sẽ có một viện Nhất Hạnh của Phật giáo hay của Nhà nước sẽ ra đời để đảm trách việc nầy]. Hôm nay, trong buổi giới thiệu Thơ phố nhạc của Thiền sư, tôi chỉ dám đề cập đến Thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhưng không phải là cuộc đời làm thơ của Thiền sư, cũng không phải toàn bộ Thơ phổ nhạc của Thiền sư[1] mà chỉ mạo muội đề cập đến một sự kiện “Thơ phổ nhạc vận động hòa bình” của Thiền sư mà thôi. Tôi trình bày sự kiện nầy vì nó đã ảnh hưởng lớn đến chí hướng yêu nước, khát vọng hòa bình của nhiều người làm thơ, soạn nhạc thế hệ tôi[2].   
 
*
*    *  
 
Sau cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, sinh viên Huế chúng tôi nghĩ tình hình miền Nam sẽ khá hơn. Nhưng không ngờ sau đó Tổng thống John F.Kennedy bị ám sát, Phó Tổng thông Lyndon B. Johnson lên thay, Chính phủ Mỹ thực hiện nhiều toan tính leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 2-8-1964, chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Chiến tranh của Mỹ mở rộng ra miền Bắc Việt Nam. Để phục vụ cho việc leo thang chiến tranh, người Mỹ dựng lên ở Sài Gòn nội các quân phiệt Nguyễn Khánh, ban hành Hiến chương Vũng Tàu thâu tóm mọi quyền lực vào tay quân đội dưới trướng ông Nguyễn Khánh, ban bố tình trạng khẩn trương trên toàn miền Nam, cấm ngặt việc nói, viết, bình luận hai chữ “hoà bình”. Cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh và đồng bào Phật tử Huế nổ ra trong đêm 20-8-1964 (kỷ niệm một năm bị “Kế hoạch nước lũ” của gia đình họ Ngô tàn sát Phong trào đấu tranh chống Diệm ở các đô thị miền Nam Việt Nam), cũng chỉ dám nêu khẩu hiệu chống chế độ “quân phiệt” Nguyễn Khánh chứ không ai dám nói đến hai từ “hoà bình”. Bởi vì hai từ “hoà bình” lúc ấy dưới mắt chính quyền Sài Gòn tương đương với hai từ “Việt Cộng”. Mà “Việt Cộng” là bị đặt ra “ngoài vòng pháp luật” . Người bị chụp mũ “Việt Cộng” có thể bị bắn bỏ bất cứ lúc nào. Lúc ấy bọn Sinh viên chúng tôi, phần lớn xuất thân trong các gia đình ở nông thôn, tận mắt nhìn thấy và hứng chịu sự dã man của bom đạn Mỹ gây ra cho người thân, cho làng xã mình mà không dám hé môi tố cáo, phản đối chiến tranh của Mỹ. Đầu năm 1965, đột nhiên một cánh chim hoà bình bay đến giữa các đô thị miền Nam - thi phẩm Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thiền sư Nhất Hạnh - một nhà sư du học ở Âu Mỹ mới về Việt Nam vào năm 1964. Qua thơ, Thiền sư đã phát ngôn hộ khát vọng hòa bình của chúng tôi. Sinh viên Huế chuyền tay nhau ngấu nghiến đọc Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện và khóc với nhiều hình ảnh trong thơ. Nhiều người làm thơ, nhiều họa sĩ đoàn viên Sinh viên Phật tử nương theo thơ Nhất Hạnh làm thơ, vẽ tranh chống chiến tranh của Mỹ. Đoàn Sinh viên Phật tử Huế xin lãnh đạo Giáo hội cho tổ chức triển lãm tranh của Hoạ sĩ Lê Minh Trường. Được Giáo hội đồng ý. Thế rồi, nhân có đủ mặt quan khách (kể cả đại diện chính quyền và quân đội Vùng 1 chiến thuật) đến dự triển lãm chúng tôi giới thiệu tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thiền sư Nhất Hạnh để gióng lên “tiếng nói hoà bình”.
 

"Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện" thơ Nhất Hạnh do Lá Bối xuất bản đầu 1965
 
Cuộc triển lãm tranh được tổ chức ngay tai Nhà giảng chùa Từ Đàm Huế. Chuyện giới thiệu tập thơ thì giữ tuyệt mật không báo cho các thầy biết. Vào một buổi chiều mưa phùn lạnh lẽo cuối năm Giáp Thìn (đầu năm 1965), Phòng tranh Quê Nghèo của Lê Minh Trường tại nhà giảng chùa Từ Đàm được cắt băng khai mạc. Phòng tranh có khoảng 25 tấm. Ngoài một vài bức tranh sơn dầu vẽ trên toan (toile) phần lớn tác giả dùng phấn màu vẽ trên bố (bao gạo), giẻ rách, vải tận dụng từ áo quần rằn ri của lính biệt kích, lính dù quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Nội dung các bức tranh tả thực cảnh nông thôn nghèo bị chiến tranh tàn phá rất cơ cực. Tôi nhớ nhất là bức vẽ trên bao bố hình ảnh một bà mẹ với vẻ mặt quắt queo như một trái cau khô bên giàn bầu, giàn bí nghiêng đổ. Đây là cuộc triển lãm phản chiến đầu tiên ở miền Nam Việt Nam những năm sáu mươi. Người xem dù với tư cách gì, thuộc tầng lớp nào cũng đều rất xúc động. Sự xúc động đang lắng sâu thì đột nhiên Lê Minh Trường đến máy phóng thanh tuyên bố đại ý:   

- “Thưa quý vị, cám ơn quý vị  đã có những lời khen tặng cho các bức tranh nghèo của tôi. Nhưng sự thực, tôi đã lấy một phần cảm xúc từ trong tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thiền sư Nhất Hạnh. Tôi xin giới thiệu một vài bài trong tập thơ để quý vị thưởng thức và cảm nhận thêm thân phận làm người Việt Nam mà tôi đã gởi gắm trong các bức tranh”.

Trong lúc mọi người đang ngơ ngác, Lê Minh Trường giở tập thơ và đọc ngay bài đầu tiên:

“Hoà Bình

“Sáng nay vừa thức dậy

nghe tin em gục ngã

nơi chiến trường

nhưng trong vườn tôi, vô tình 

 khóm tường vi vẫn nở thêm 

 một đoá

tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở

nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng

 điều tôi ước mơ?”


Bài thơ mang tựa đề Hoà bình, nội dung nói lên cái thực trạng chiến tranh đang sát hại con người một cách oan uổng. Hai từ “hoà bình” làm cho các quan chức chính quyền có mặt trong Phòng triển lãm phải nhíu mày. Nhưng vì tác giả bài thơ là một vị Thiền sư tốt nghiệp ở Đại học Princeton ở New Jersey, và từng dạy Giáo tỷ giảo (so sánh về các tôn giáo) tại Đại học Columbia NewYork mới về Việt Nam ít lâu nên không ai dám có ý kiến gì cả. Riêng anh chị em Sinh viên Phật tử thì quá mừng. Nhờ bài thơ của Thiền sư Nhất Hạnh mà chúng tôi có thể gióng lên được hai từ “hoà bình” một cách công khai.

“Nổ súng khai hoả” rồi mà vẫn thấy được bình yên, Lê Minh Trường “thừa thắng” đọc tiếp các bài Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngọn lửa dữ, Ruột đau chín khúc, Sàigòn ơi đập tan đi ảo ảnh…trong tập Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Không khí trong nhà giảng bắt đầu căng thẳng. Lê Minh Trường say sưa đọc, không cần biết quan khách và người xem tranh đang nghe thơ trước mặt mình là ai, đang phản ứng trên nét mặt như thế nào. Với cử chỉ khẩn trương, Trường lật vội các trang thơ, mắt liếc nhìn vào các sĩ quan cao cấp ở Vùng I chiến thuật và đọc tiếp bài Chiến tranh (tr. 19-20). Trong đó có câu “Kẻ thù chúng ta không phải con người - dù con người Việt Cộng - giết con người đi rồi, chúng ta ở với ai?” 

Một quan chức (tôi không còn nhớ tên) bước vội đến nhìn sát vào trang thơ trên tay Lê Minh Trường xem thử đó là lời thơ của Thiền sư Nhất Hạnh hay lời người đọc thơ “cương” thêm. Ông định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Thầy Thích Đức Tâm (Phụ trách các đoàn thể Thanh niên của Giáo hội Phật giáo) biết ý, khoát tay bảo:

- “Hôm nay khai mạc phòng tranh, đọc thơ như vậy là đủ rồi”.

Chúng tôi thấy được như vậy cũng đã đủ rồi. “Con người Việt Cộng” bị đặt ngoài vòng Pháp luật đi qua thơ Thiền sư Nhất Hạnh đã hiện diện hợp pháp giữa khuôn viên chùa Từ Đàm. Chúng tôi nhờ Thiền sư Nhất Hạnh đã nói lên được “ước vọng hoà bình”, phản đối chiến tranh của Mỹ đang gieo rắt trên quê hương Việt Nam.

Lễ khai mạc Phòng tranh Quê Nghèo của Lê Minh Trường kết thúc. Sau đó chính quyền Thừa Thiên và An ninh quân đội cho người lên nghiên cứu tác giả và tác phẩm Phòng tranh Quê Nghèo, nghiên cứu ai là người tổ chức. Thầy Đức Tâm sợ chúng tôi bị bắt nên đứng ra nhận trách nhiệm: “Triển lãm và giới thiệu sách tại chùa thì chùa đứng ra tổ chức chứ ai?”  Để đối phó với những bất trắc có thể xảy ra, sau mấy ngày triển lãm, chúng tôi giúp Lê Minh Trường thu tranh về và phân ra gởi vào nhà các bạn thân.

Tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thiền sư Nhất Hạnh có một tác dụng rất lớn. Không những trong giới sinh viên học sinh và trí thức, mà ngay cả giới sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng bị tác động. Trung úy Thái Luân (Nguyễn Phước Sông Hương) ở Sư đoàn I sáng tác và cho lưu hành tập thơ Vùng Tủi Nhục tố cáo chiến tranh do Mỹ đạo diễn rất dữ dội. Bản thân tôi với tư cách là một sinh viên Phật tử, tranh đấu trong tinh thần bất bạo động cũng làm một loạt thơ chống bạo động, chống chiến tranh. Con người luôn nhân danh một lý tưởng gì đó để chém giết và cuối cùng cũng nhân danh một cái gì đó để giết luôn mình (bài Nhân Danh), anh em họ hàng giết nhau (bài Hai Người Lính); tất cả quá khứ để lại là tội lỗi, nghèo đói, nhọc nhằn, chiến tranh, tuổi trẻ phải biết thương nhau để cùng nhau tranh đấu cho hoà bình, làm sao “cho súng phải thở dài, cho tàu bay khóc với, cho lựu đạn im tiếng, cho đường vũ khí qua tim” (bài Tâm ca số 5 - Để lại cho em).

Nhạc sĩ Phạm Duy rất đồng cảm với xu thế tranh đấu của tuổi trẻ đô thị lúc ấy cho nên ông đã cho ra các loạt bài Tâm Ca, Tâm Phẫn Ca, trong đó có nhiều bài ông phổ thơ của chúng tôi. Mở đầu các loạt bài hát nầy là bài Hoà Bình của Thầy Nhất Hạnh (đổi tựa đề thành Tôi Ước Mơ).
 
 
 
Sau đó là bài Để Lại Cho Em, bài Nhân Danh, Chuyện hai Người Lính (phổ thơ của Tâm Hằng - Pháp danh và cũng là bút danh của tôi), Bi Hài Kịch (của Thái Luân). Nhưng nổi tiếng nhất là bài Kẻ Thù Ta với lời ca do nhạc sĩ Phạm Duy phát triển từ một câu thơ trong bài Chiến Tranh của Thiền sư Nhất Hạnh. Loạt bài Tâm Ca, Tâm Phẫn Ca được tuổi trẻ đô thị lúc đó rất hoan nghinh và hát vang trong các cuộc tụ tập mít-tinh, biểu tình chống Mỹ, chống chiến tranh

Sau khi được nghe bài Để Lại Cho Em do chính nhạc sĩ Phạm Duy hát, Thiền sư Nhất Hạnh rất xúc động. Rồi ngay sau đó Thiền sư viết cuốn sách nhỏ Nói Với Tuổi Hai Mươi.
 

Để lại cho em (Tâm Ca số 5) Thơ Nguyễn Đắc Xuân, Phạm Duy phổ nhạc (Giữ Thơm Quê Mẹ, tập san Văn Nghệ, Lá Bối xb, số 5 / 26-10-1965, tr.57-59)
 
Trong chưong mở đầu Nói với tuổi hai mươi, Thiền sư viết:

Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài Tâm ca số năm của anh. Buổi họp mặt gồm có chừng ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là “Để lại Cho Em”, những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những người trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu.” (Thích Nhất Hạnh, Nói Với Tuổi Hai Mươi, Lá Bối, Sg 1965, tr. 3)

Chuyện cũ đã qua, không ngờ hơn bốn mươi năm sau, vào năm 2007 tôi được Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusett mời sang Boston (Hoa Kỳ) trình bày đề tài Phong trào văn thơ âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964-1966 tại miền Nam Việt Nam. Và, cũng qua chuyến đi này các Việt Kiều cho biết đúng 40 năm trước (1967), Mục sư Martin Luther King cũng đã sử dụng một câu thơ của Thiền sư Nhất Hạnh được phổ nhạc trong Tâm ca số 7 (Kẻ thù ta) làm khẩu hiệu cho một cuộc tuần hành vận động hòa bình ở Mỹ lúc ấy.

Báo Los Angeles Times, số ra ngày Chủ nhật 14-1-2007, số đặc biệt về Martin Luther King- nhà đấu tranh cho dân quyền người da đen Hoa Kỳ. Mẩu báo này có đăng tấm ảnh Mục sư Martin Luther King dẫn đầu cuộc tuần hành gồm trí thức và các nhà hoạt động chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đặc biệt, phía sau đoàn tuần hành là tấm biểu ngữ lớn giăng cao viết bằng hai thứ tiếng Anh và Việt.
 


Mục sư Martin Luther King dẫn đầu cuộc tuần hành

 
“Kẻ thù ta đâu có phải là người/Giết người đi thì ta ở với ai”

"Men are not our ennemies,

If we kill men, with whom shall we live?
",

và nguyên văn tiếng Việt (hai câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Tâm ca số 7) : 

"Kẻ thù ta đâu có phải là người - dù là người Việt Cộng. Giết người đi thì ta ở với ai?"   

Cuộc tuần hành này diễn ra vào tháng 3-1967 tại thành phố Chicago - trung tâm thương mại và công nghiệp lớn thuộc Tiểu bang Illinois. Tấm ảnh nầy sau 40 năm mới được công bố và nó cũng nhắc tôi nhớ lại, cũng chính vào năm 1967 – cách đây đúng 48 năm, Thiền sư Nhất Hạnh đã được chính Mục sư Martin Luther King Jr. (Nobel Hòa bình 1964) đề cử giải Nobel Hòa bình.

Hòa bình là lý tưởng Thiền sư Nhất Hạnh vận động không mệt mỏi, không e ngại phải đi giữa hai lằn đạn. Sau biến cố 11/9/2001 - Tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới ở Hoa Kỳ bị bọn khủng bố đánh sập, dân chúng Hoa Kỳ phẫn nộ dữ dội, đòi dùng vũ lực trừng trị những nước bị nghi đã dung dưỡng bọn khủng bố. Thiền sư Nhất Hạnh không e ngại hoàn cảnh phẫn nộ giận dữ ấy, Thiền sư đã đến nước Mỹ thỉnh cầu Hoa Kỳ hãy tự hiểu mình và hãy dùng ngoại giao thay cho vũ khí ở Afgha - nistan và Iraq. Lời thỉnh cầu ấy đã có ảnh hưởng tốt ở Hoa Kỳ.

Tháng 5-2008, đoàn Tăng, Ni, Cư sĩ Phật giáo Làng Mai có trên 400 người về Hà Nội dự Đại lễ Vesak 2008. Bài thuyết trình chính do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đảm trách được xếp thứ hai với nhan đề ”Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh”. Việc ngăn ngừa chiến tranh bắt nguồn từ tự thân mỗi con người thông qua sự tỉnh thức trong hiện tại. Vì ”Chỉ có tỉnh thức, con người mới có thể sử dụng ái ngữ, biết lắng nghe để ngồi lại chuyển hóa hận thù và sự hiểu lầm lẫn nhau”.
 

Tăng, ni và cư sĩ Làng Mai tham dự Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc 2008 (Vesak 2008) tại Hội trường Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (từ ngày 13 đến 17-5-2008)
 

Thuyết trình chính thức thứ hai: Thiền sư Thích Nhất Hạnh trình bày ”Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh”
 
Năm 2008 tổ chức Vesak tại Hà Nội, Đất nước Việt Nam đã có hòa binh hơn 30 năm, chiến tranh đã lùi xa  nên nhiều người Việt Nam không hiểu hết giá trị cái chân pháp ”con người có tỉnh thức nhân loại mới có hòa bình”, ”có hiểu mới có thương”. Nhưng từ Vesak 2008 đến nay (2015), thời sự trên thế giới đã chứng tỏ chuyện giết người, giải quyết những bất ổn bằng vũ khi, bằng chiến tranh đều không thành công. Vì thế, để tránh những vụ như Tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới bị bọn khủng bố đánh sập (11-9-2001), vụ Tuần báo châm biếm Charlie Hebdo bị khủng bố ở Paris (7-1-2015), các nước Mỹ, Pháp chủ trương phải thân thiện với người theo đạo Hồi trên đất nước mình. Phương Tây sau nhiêu năm đe dọa Iran bằng vũ lực không thành công, nay đã phải hòa hoãn với Iran về vấn đề vũ khí hạt nhân. Ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có những bất đồng sâu sắc chuẩn bị giải quyết bằng chiến tranh, nhưng thấy sẽ không có nước chiến thắng nên đã ngồi lại với nhau. Cái chân pháp mà Thiền sư Nhất Hạnh đưa ra trong Vesak năm 2008 ”Chỉ có tỉnh thức, con người mới có thể sử dụng ái ngữ, biết lắng nghe để ngồi lại chuyển hóa hận thù và sự hiểu lầm lẫn nhau” có thể nói đã trở thành triết lý cứu nhân loại Thế kỷ XXI nầy.   


Việt Nam nổi tiếng anh hùng trong chiến tranh chống ngoại xâm, Việt Nam ngày nay với pháp môn Làng Mai, Thiền sư Nhất Hạnh một Champion không mệt mỏi vận động cho hòa binh là một đóng góp lớn cho thế giới. Cuộc vận động quốc tế của Thiền sư bằng pháp thoại, bằng diễn thuyết, bằng sách báo, bằng thơ văn và phương tiện nhanh nhất, rộng nhất đối với tuổi trẻ là thơ phổ nhạc. Tôi nghĩ rằng những bài thơ phổ nhạc vận động hòa bình của Thiền sư Nhất Hạnh năm mươi năm trước – tôi trình bày trên - vẫn còn nguyên giá trị với con người ngày nay. Tuổi trẻ thế giới nếu họ được thấm nhuần nội dung của các bài hát loại ấy chắc chắc không bao giờ họ trốn đi theo nước Hồi giáo tự xưng IS để giết người cả. Thơ mang tư tưởng hòa bình của Thiền sư Nhất Hạnh đã xuất bản hàng trăm bài. Mong sao mai đây sẽ có thêm nhiều bài được phổ nhạc nữa để tuổi trẻ Việt Nam ca hát đem lại sự an lạc cho xã hội thời hội nhập nầy. Tôi tin sự mong ước của tôi sẽ trở thành hiện thực.


Huế - Hà Nội 29-3-2015

[1] Những bài thơ được phổ nhạc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà tôi đã được nghe: Ý thức em mặt tròi tỏ rạng –Nhạc và lời Thích Nhất Hạnh, Hà Thanh hát;

Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai - HÀ THANH phổ nhạc và trình bày

Từng bước chân thảnh thơi - Hà Thanh hát

Cẩn Trong- Thơ Nhất Hạnh, Hà Thanh hát

Bướm bay vườn cải hoa vàng- T. Pháp Niệm hát

Tìm Nhau – Thơ Thích Nhất Hạnh - Anh Việt  phổ nhạc.

Thông Điệp - Đây là một bài thơ rất được phổ biến trong giới nhân bản và tôn giáo tây phương. Bài này đã được thầy tự tay dịch ra Anh ngữ, vào khoảng năm 1965. Tổ chức F.O.R đã in bài thơ này trong một thiệp chúc giáng sinh. Bản dịch tiếng Anh đã được nhạc sĩ Donald Swann phổ nhạc. Tại đại nhạc hội tổ chức tại Luân Đôn ngày 16.3.1971, có thầy tham dự, nhạc sĩ Donald Swann đã trình diễn bản nhạc này. Tại Hoa Kỳ nhạc sĩ Richard Wunder cũng phổ nhạc bản dịch Anh ngữ của bài thơ và ông cũng đã trình diễn bài này với giọng tenor, nghệ sĩ Mary Ellen O’Neil đệm dương cầm trong một đại nhạc hội tổ chức tại Salt Lake City ngày 6.1.1976. Bài thơ này cũng được nữ sĩ Michele Chamant dịch ra Pháp văn. Bản dịch này được nhạc sĩ Graeme Allwright phổ nhạc và trình diễn tại rạp Olympia và sau đó đi trình diễn rất nhiều nơi trên đất Pháp trước khi đưa vào đĩa nhạc Questions... Do nhà Intersong thực hiện năm 1978 (Theo langmai.org).

[2]  Phong Sơn, Tường Phong Nguyễn Đình Niên, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân, Thái Luân .v.v.

 

Theo Gác Thọ Lộc

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Bên sông (26/11/2020)
Làng ấu thơ (22/04/2019)
Biển quê hương (01/04/2019)
Biển trăng (01/03/2019)
Cánh đồng xuân (05/02/2019)
Các bài đã đăng
Huế ngủ (29/03/2017)