Bút ký - Tản văn
Cây hoa sữa, mười người thương trăm người ghét
09:10 | 25/05/2017

Trong hàng trăm loài cây xanh đô thị, có lẽ cây Hoa sữa là cây gây nhiều ấn tượng cho nhiều người nhất.

Cây hoa sữa, mười người thương trăm người ghét

Ai đã từng tiếp cận thơ ca nói về cây Hoa sữa mà chưa từng gần gũi với nó thì xem đó là một đối tượng tuyệt vời. Với thơ ca hiện đại, Hoa sữa từng làm cho bao người ngây ngất. Trong hàng chục bài thơ nói về Hoa sữa, có đến 6 bài mang tên “Hoa sữa” đăng ở website Thi Viện, trong đó bài của Hải Như, với 16 câu mà có đến 12 lần điệp từ “hoa sữa”. Nhưng dù sao thì tính phổ cập cộng đồng của thơ cũng chưa bằng nhạc. Hàng chục bài hát ca tụng vẻ đẹp, hương thơm của loài cây Hoa sữa, được hát đi hát lại đây đó, đã góp phần rất lớn vào việc gây ấn tượng khó phai đối với cộng đồng người Việt khắp ba miền. Nào là “... Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em... (Hoa sữa - Hồng Đăng)”, (... Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió... (Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn), “... Nhớ phố Khâm Thiên, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng... (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp)”, “... Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ, đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương... (Im lặng đêm Hà Nội - Phú Quang)”, “... Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp... (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa - Trương Quý Hải)... Có lẽ cũng từ đó, trong tâm khảm của nhiều nhà quản lý đô thị, Hoa sữa là một loài cây cho hoa đẹp, hương thơm, nên phát triển là một việc làm hay. Do vậy, Hoa sữa đã có điều kiện lên ngôi, nhiều thành phố, thị xã, thị trấn của hàng chục tỉnh thành khắp cả nước đã từng rộ lên phong trào trồng Hoa sữa.

Khách quan mà nói, ngoài tiếng vang qua thơ và nhạc, cây Hoa sữa còn tạo bóng tốt, cho hoa màu trắng sữa đẹp, nên đã được dẫn giống trồng làm cây bóng mát nhiều nơi. Tất nhiên, trong môi trường đô thị việc chọn nơi trồng và mật độ trồng là điều quan trọng. Lạm dụng trồng dày đặc ở khu dân cư sẽ gây ra hội chứng hoa sữa nồng nặc rất khó chịu. Ai đã từng chung sống với hàng hoa sữa vào độ sung sức, trăm hoa đua nở, chịu cảnh đêm đêm ngửi mùi hoa hăng hắc nồng nặc, đến nỗi viêm mũi dị ứng, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu thì Hoa sữa là một đối tượng đáng gờm. Đã có quá nhiều bài báo phản ánh nhược điểm này của cây Hoa sữa trên vỉa hè đường phố ở một số khu đô thị. Cư dân thành phố nhiều nơi đã tha oán, kêu van, rồi ngậm ngùi chấp nhận, vì họ chẳng làm sao thay đổi được thực trạng. Đó là chưa nói, lắm trường hợp vào mùa nắng nóng, trong khi mọi người đang mong có thêm màu xanh, thêm bóng mát, thì cả hàng cây hoa sữa bị sâu bệnh tấn công, cành lá khô cháy, tiêu điều, xơ xác; đến mùa quả chín nứt nẻ rồi khô đi, nhưng không rụng mà cứ treo lủng lẳng thành từng mảng trông tựa những về rác thải khó nhìn, càng ngửi càng nhức đầu, dị ứng mũi. Ở nhiều địa bàn trung du và thượng du trong khu vực miền Trung, mặc dù đã có sẵn nguồn gen bên cạnh, nhưng vì quen gọi dưới một tên gọi khác là Mò cua hay Mù cua, nên cũng từng chạy vạy bỏ tiền ra tìm mua cho bằng được Hoa sữa Hà Nội về trồng. Khi cây trưởng thành, đơm hoa nở nhụy thì người trồng mới ngờ ngợ rằng quê mình đã có.

Toàn thân cây Hoa sữa có nhựa mủ màu trắng đục như sữa nên nó có tên tiếng anh là Milky pine. Đây là một loài cây gỗ rừng, mọc tự nhiên rải rác ở ven rừng tự nhiên, ven sông, ven suối. Gỗ nhẹ, dùng làm nhiều đồ dùng thông thường, đặc biệt một thời được dùng làm bảng con cho học sinh nên các nhà khoa học thực vật đã thống nhất lấy từ Latin “scholaris (thuộc về nhà trường)” làm tính ngữ cho tên khoa học của nó - Alstonia scholaris; và cũng vì thế mà nó còn có tên tiếng Anh là Blackboard tree. Vỏ cây Hoa sữa được dùng trị một số bệnh đường ruột và do ở Australia người dân thường dùng vỏ cây để chữa sốt nên nó còn có tên Autralian fever bark. Cây thuộc họ Trúc đào - Apocynaceae, phân bố ở miền Nam Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam - với tên gọi là Đường giao thụ), Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Queensland.

Một điều thú vị là trong khi chúng tôi vẫn còn mơ màng ngữ nghĩa của tên gọi Mò cua, thì một lần khảo sát thực vật ở thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, khi tiếp xúc với người dân bản địa, tôi lại được nghe họ gọi tên cây là “Mò đam” khiến trong tôi đã tự hình thành một câu hỏi mới, chưa có lời giải “Người xưa đã dùng bộ phận nào của cây để mò cua, bắt đam?”.

Qua một số thông tin vừa nêu, chúng tôi nghĩ rằng nhìn ở góc độ đa dạng hóa chủng loại cây xanh thì cây Hoa sữa không phải là loài cần loại ra khỏi hệ thống cây xanh đô thị. Điều quan trọng là nên trồng vừa phải, điểm xuyết vài ba cây ở các công viên lớn và đặc biệt nên tránh trồng quá gần khu dân cư. Theo quyết định số 06/2014/ QĐ-UBND ngày 27/01/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cây Hoa sữa được xếp vào danh mục hạn chế trồng. Nhưng theo chúng tôi, nên cấm trồng cây này trên đường phố như ở một số thành phố lớn đã làm, chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh đã quy định qua quyết định số 52/2013/QĐ-UBND.



 
Đỗ Xuân Cẩm

Tạp chí Sông Hương Online

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nhịp sóng xanh (03/10/2017)
Các bài đã đăng