Bút ký - Tản văn
Khói phủ cao sơn
09:46 | 01/06/2017

Bạch Mã có mối lương duyên thuần khiết với mây, đến cái tên gọi cũng bắt nguồn từ những áng mây quanh năm quần vũ trên chóp núi.

Khói phủ cao sơn
Đường lên Bạch Mã - Ảnh: tác giả

Tích xưa kể rằng, nơi đỉnh núi cao vời vợi ấy, cảnh nguyên sơ đẹp như chốn đào nguyên khiến các vị tiên trên trời rất thích thú. Họ thường cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ, bày cuộc vui giữa non nước hữu tình. Khi các tiên ông mải mê ngồi tỉ thí, đàn ngựa mải mê tìm cỏ non nên đi xa mãi bàn cờ. Trận cờ kết thúc, các vị tiên gọi ngựa nhưng chẳng thấy đâu. Đợi ngựa lâu không được, các tiên ông đành phải tự bay về trời. Đàn ngựa từ đó vô chủ, lang thang khắp núi rừng, hóa thành những đám mây trắng quanh năm vờn núi. Những đám mây đó hệt như đàn ngựa trắng chờ chủ đón về, chờ mãi cho đến tận bây giờ. Người nghĩ ra tích này ắt phải là kẻ muốn chăn mây trên chốn tiêu sơ và tên gọi Bạch Mã (ngựa trắng) ra đời từ đó. Núi được mây ôm vào lòng, tô dáng núi đậm đà giữa nước non. Núi như mọc ra từ mây, mây khoát tên lên núi, mây núi quyện vào nhau.

Núi đặt tên theo mây không hiếm, mỗi nơi mỗi vẻ. Đứng trên Hải Vọng đài, chỉ cách một đầm nước Cầu Hai mà xứ sở đã có hai tên ngọn núi gắn với mây trời. Núi Túy Vân (mây say) hiên ngang trấn biển ở Vinh Hiền và Bạch Mã dõi vọng sự hùng vĩ hiếm có suốt cuộc đất Trung phần. Chợt nhớ đến ngọn núi thiêng khác là Yên Tử, dân gian thường bám nghĩa là núi mây tía. Nơi đây, những áng mây trôi lững lờ được ánh sáng mặt trời chiếu rọi tạo nên sắc màu rực rỡ như pháp lành tỏa diệu. Xưa, núi này còn có tên là Bạch Vân (mây trắng), mới hay tánh linh người Việt rất chuộng mây, trong mắt ắp mây, mây cư ngụ khắp nơi. Những cư dân sông nước ngàn đời bám đồng bằng, bốn bề bát ngát lúa xanh, bằng phẳng và cam chịu. Chỉ có núi - mây sừng sững một góc trời kia dìu họ thắp lên chí vá biển lấp trời, hay bước ra cơn mộng trần ai, tìm chốn an yên tu mình về nguồn cội của ẩn sĩ.

Điều ngẫu nhiên là ở Bạch Mã cũng có một ngôi chùa lấy tên Bạch Vân mới được phục dựng gần đây. Trong một lần đi khảo sát thực địa vào năm 2007, ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã và sư Quảng Trí đã tìm được một bức tượng Phật và dấu tích nền chùa cổ, cho đến nay vẫn chưa xác định niên đại cụ thể ra sao nhưng chắc chắn là trước khi người Pháp lên đây khai thác nghỉ dưỡng. Một ẩn tăng nào đó đã tìm chốn thâm sơn cùng cốc để dựng am tu tập, lánh xa nhân thế rồi chìm khuất vào những áng mây trắng Bạch Mã. Chuyện chùa cổ phát tích lan nhanh trong nhân dân, được Phật tử thập phương đóng góp công đức dựng nên ngôi chùa mới lấy tên chữ là Bạch Vân Tự. Ngôi chùa nhỏ dễ tìm dọc đường lên Vọng Hải Đài, gần biệt thự Phong Lan và nhà máy nước Bạch Mã. Những tượng Phật bằng đá trầm mặc tọa lạc bên sườn núi, sau lưng là cỏ cây xanh ngát, dừng bước nơi đây tâm người bộ hành thư thái, ân hưởng chút pháp lành nơi núi cao xanh thẳm.

*

Quần sơn Bạch Mã hiện diện nơi đây hàng triệu năm trước, chứng kiến bao cuộc thăng trầm của xứ sở. Từ những người cổ đại sống cậy núi rừng, đến những cư dân Champa trên vùng đất Amaravati, cộng đồng các dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Vân Kiều và cuối cùng là lớp cư dân Việt. Có thời kì người Champa định lập kinh đô ngay dưới chân núi Bạch Mã vì địa thế vùng Bạch Mã chân mây rất thích hợp để lập một kinh đô theo truyền thống Bàlamôn. Ba mặt giáp núi và một mặt hướng biển, phòng thủ tốt và cảng thị để đi ra bên ngoài. Nhưng rồi kinh đô của vùng Amaravati đã không thành hiện thực như Vijaya (Quy Nhơn). Rồi tiếp những cuộc mưu sinh nơi rừng thiêng nước độc của bao lớp lớp cư dân bám vào cuộc đất sinh tồn. Thân xác họ vùi chôn vì sơn lam chướng khí, cọp dữ rắn độc. Những cuộc chiến chinh cả ngàn năm vong sử lưu dấu chân băng ngàn vượt thẳm. Người Việt bám vào rừng để sống, vô tình khiến rừng phải chịu những vết thương suy kiệt. Nhưng chưa bao giờ Bạch Mã được chú ý khai thác một cách có hệ thống từ các triều đại thay nhau trị quốc. Các sử quan, học giả phong kiến cũng không chép gì nhiều về cuộc núi này, hay cắm một cột mốc đánh dấu sự hiện diện nơi đây. Người Việt không có tính phiêu lưu chinh phục để biến đây thành một nơi “đáng để sống”, hay tâm thức của cư dân nông nghiệp chỉ dừng lại ở ruộng đồng, làng nước. Hoặc giả vì sơn khê là chốn linh thiêng, chướng khí, ở vào thời điểm ấy, người ta không biết khai thác Bạch Mã vì mục đích gì ngoài những sản vật và hơn nữa, phương tiện kĩ thuật không đủ khả năng để như người Pháp làm đường lớn leo dọc sườn núi. Triều Nguyễn trong giai đoạn cầm quyền của mình, chọn Huế làm kinh đô cũng không nhắm Bạch Mã làm núi thiêng như bức bình phong thủy Ngự Bình, nơi an giấc nghìn thu của vị vua đầu triều Gia Long như núi Thiên Thọ hay là núi trấn hải, quốc tự như Túy Vân. Bạch Mã, đỉnh cao nhất, hùng vĩ nhất dường như bị bỏ trống, một khoảng lặng thâm trầm trong suốt chiều dài lịch sử.

Và rồi Bạch Mã được chú ý dưới thời Pháp thuộc qua con mắt của một chính quyền thuộc địa, tìm mọi cách bóc lột nhân dân ta, nhưng lại yêu chuộng thiên nhiên, biết cách bảo tồn thiên nhiên theo cách riêng của họ. Điều này giống như vườn bách thảo khổng lồ của người Pháp tại Gia Định (Sài Gòn) sau khi chiếm xong tỉnh này năm 1861. Họ chú ý đến những cá thể rừng quý hiếm sinh sống trong những khu rừng rậm của Bạch Mã, ở đây chính là loài Gà lôi lam mào trắng, tên khoa học là Lophura edwardsi, đã khơi dậy ý hướng bảo tồn sinh thái nơi đây vào năm 1925, lúc người Pháp cơ bản ổn định vùng đất trung phần và ào ạt khai thác các nguồn lợi thuộc địa. Chính quyền sở tại đã soạn thảo một dự án thành lập vườn quốc gia rộng 50.000ha là một diện tích khá lớn thời đó bao gồm phần rừng của Huế và Quảng Nam để đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp. Đến ngày 28/07/1932, Bạch Mã được phát hiện lần đầu tiên do một kỹ sư trưởng ngành cầu đường là M.Girard và chính nhân vật này chỉ huy công trình làm đường lên khai thác Bạch Mã thành khu nghỉ dưỡng sinh thái. Độ cao tương đối với khí hậu mát mẻ của Bạch Mã rất thích hợp với thể trạng của cư dân ôn đới như người Pháp. Năm 1942 - 1943 là thời kì hoàng kim của Bạch Mã với những khu nhà, biệt thự chen chúc nhau giữa thảm rừng xanh, trong thung lũng, trên đỉnh núi, sườn đồi, cạnh con đường quanh co dốc ngược. Nhà ở đây xây đủ kiểu, phần lớn mang đậm kiến trúc Pháp, được làm bằng đá hoặc gỗ để phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp và Việt trong bộ máy thuộc địa thời đó. Các nhà bằng gỗ gọi là các chalet được làm từ cây gỗ trong rừng. Một quần thể 139 biệt thự, nhà ở, trong đó có 2 khách sạn Morin va Bany, nhà hàng tạp hóa Chaffanjon. Nơi đây trở thành một phố núi đầy sương trên đỉnh Bạch Mã. Và một tuyến đường ô tô nhỏ 19km được nối từ quốc lộ ngoài Cầu Hai lên gần tới đỉnh tạo điều kiện giao thông dễ dàng hơn.

Dạo quanh con đường mòn trong đêm, tôi mường tượng những căn nhà xưa kia vàng ánh đèn mờ tỏ trong màn sương. Những gia đình quây quần bên nhau chuyện trò. Tiếng đàn đâu đó vang lên cung trầm trong khuya vắng. Người ta còn nghe được tiếng cầu kinh từ một nhà thờ, bài thánh ca cất lên ấm nồng. Người ta sống dường như cách biệt với đô hội dưới kia, nên sự ăn ở cũng lắm công phu. Một người từng có gia đình sở hữu 1 chalet nơi đây là ông Thân Trọng Ninh cho biết có 3 nơi cung cấp thực phẩm cho phố núi là cửa hàng tạp hóa Chaffanion, nhà hàng Morin Frères và một nhà hàng Việt là Socoa. Thực phẩm được chuyển lên chủ yếu từ xe tải của các nhà hàng vào 9 giờ sáng hằng ngày. Phố núi còn được cung cấp thêm các loại thức ăn tươi sống tôm, cua, cá mực do người dân dưới đầm Cầu Hai - Đá Bạc mang lên. Họ phải gánh gồng cuốc bộ từ khuya và thường đi theo đoàn có người bảo vệ đánh trống khua chiêng để phòng thú dữ như gấu, cọp dọc đường. Những tháng ngày vàng son đó rồi cũng lùi vào dĩ vãng. Lịch sử sang trang mới, người Pháp bỏ cuộc ở Đông Dương, Bạch Mã chìm vào giấc ngủ của lãng quên.

139 công trình kia trở thành hoang phế, một thị trấn chết mục trên núi cao. Tất cả bỏ mặc cho nắng gió, mưa mù, cỏ dại thay nhau chôn vùi và thi thoảng những bàn tay con người lên đây bới móc tìm chút mưu sinh bằng cách triệt giải những gì có thể đổi lấy miếng cơm manh áo. Những phế tích biệt thự cổ hiện vẫn còn rải rác đó đây. Gần biệt thự Kim Giao mới xây, kiến trúc thô kệch chẳng ăn nhập gì với cảnh quan là lổn nhổn đống đổ nát của biệt thự xưa. Cái còn lại là vòm tò vò lớn, chỉ còn lại một nửa, gắn với bức tường nứt nẻ một vệt dài sâu hoắm. Hoàng hôn xuyên nắng qua ô cửa, những huy hoàng ngủ quên thức dậy trên phiến đá đổ nát nắng mưa. Chúng lăn lóc đây đó, rêu mốc đen kịt, xù xì như thứ xà bần tội nghiệp vứt bừa trên cỏ dại. Lạ kì thay ở đó mọc lên những đóa tường vi mỏng manh, tinh khiết. Thân tường vi mảnh dẻ, bò thành dây leo quấn quanh tường đá, vươn cao qua đầu đám cỏ dại khoe sắc diện thắm tươi. Tường vi kết hoa thành chùm, màu hồng nhạt, rực rỡ nở trên hoang tàn. Nghe đâu, đây là giống hoa do người Pháp mang lên trồng, mấy chục năm rồi vẫn còn bám đất nơi đây, sống lảng nhảng quanh những ngôi nhà đổ. Phế tích bừng lên một sức sống từ lụi tàn mới, sự hoài sinh từ vẻ đẹp hoang phế, bé nhỏ mong manh như tường vi, nhưng đầy mê dụ như lời ca của ánh tà dương.

Bạch Mã còn có những địa danh, chỉ nghe thôi đã thấy hấp dẫn, như “Thung lũng của những hòn đá ca hát”, “Thung lũng con rùa”, “Đường các ngọn núi”, “cầu Hướng đạo”… Tất cả đều do các thành viên của phong trào Hướng đạo Đông Dương đặt tên. “Thung lũng của những hòn đá ca hát” là một trong nhiều địa điểm cắm trại của các hướng đạo sinh khi xưa. Và biệt thự Phong Lan ở km 18 từng là trại Huấn luyện hướng đạo Đông Dương. Phong trào hướng đạo có thể kể đến công lao và sự dẫn dắt của cụ Hoàng Đạo Thúy, giáo sư Tạ Quang Bửu và đông đảo các hướng đạo sinh từ các trường trong thành phố Huế như Quốc Học, Đồng Khánh, Hàm Nghi... Phong trào hướng đạo một thời sôi động, rèn luyện ý chí, kĩ năng, tinh thần tự lập của thanh niên và gieo truyền tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Ngày nay phong trào một thời của thanh niên Huế chỉ còn hoạt động lẻ tẻ, thỉnh thoảng chỉ có những đoàn võ sinh, các bạn trẻ ưa phiêu lưu cuốc bộ 19km từ cổng lên tới đỉnh rèn luyện ý chí và sức khỏe mà thôi.

Rồi những vườn rau xanh mơn mởn, ngập đầy các loại hoa quả xứ ôn đới Sapa, Đà Lạt như cà chua, dâu tây, cà rốt, su su, đậu Hà Lan... Tiếc là những vườn rau như thế bây giờ không còn xanh nhiều trên Bạch Mã, thỉnh thoảng điểm xuyến ở nhà Bảo An vài giàn su su, vài luống rau xanh hiếm hoi trên khu đất đối diện biệt thự Phong Lan đủ để cung cấp nhu cầu hằng ngày. Giả có một ý định nào đó khôi phục lại những vườn rau tràn đầy sức sống, hương vị, Bạch Mã có lẽ đã tạo nên một điểm nhấn mới trong lòng người thưởng ngoạn.

*

Mọi thứ dường như chìm đi cho đến cái mốc đáng ghi nhớ vào tháng 6/1962, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính có tờ trình một dự án về việc thành lập “Quốc gia Lâm viên Bạch Mã - Hải Vân” với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, có diện tích 78.000 ha với những luận điểm và luận cứ đầy sức thuyết phục. Tác giả kêu gọi bảo vệ gấp: “Rừng là điều kiện tất yếu để duy trì quân bình trạng thiên nhiên cho môi trường sinh trưởng của động thực vật, để giữ lại tính chất “thường trì” của địa chất và thổ nhưỡng”. Kỹ sư Nguyễn Hữu Đính còn dự trù các công tác để tổ chức quản lí lâm viên, nhân sự, kinh phí và lộ trình. Thế nhưng chiến tranh nổ ra làm gián đoạn tất cả mọi nỗ lực của một con người tận tụy với thiên nhiên.

Ngọn núi trầm mặc, yên bình ấy cuối cùng cũng bị chiến tranh sờ gáy. Người Mỹ đánh dấu đỉnh Bạch Mã là một cứ điểm quan trọng về quân sự để kiểm soát và bảo vệ tuyến đường liên vận Huế - Đà Nẵng. Tháng 08/1973, Mỹ cho đổ bộ một tiểu đoàn lính bảo an, chiếm đóng và xây dựng công sự, sân bay trực dã chiến tại cao điểm Bạch Mã. Một tháng sau, quân giải phóng mở trận tấn công chiếm đóng cao điểm Bạch Mã. Trận chiến diễn ra ác liệt, cuối cùng lực lượng bên kia bị đánh tan, buộc phải rút lui. Đơn vị bộ đội sau đó đào công sự và 2 địa đạo phòng thủ để giữ chốt. Địa đạo số 1 có tổng chiều dài 214,68m; địa đạo thứ 2 có tổng chiều dài là 45,80m và nhiều hầm trú ẩn nhỏ có thể chứa được 15 - 20 người. Ngày nay, leo lên Vọng Hải Đài vẫn còn sân bay dã chiến với trảng cỏ rộng, sim mua, lau sậy mọc um tùm. Những địa đạo lâu ngày mưa gió bị sụp nhiều đoạn, thỉnh thoảng dọc đường xuất hiện những lối vào cỏ mọc tua tủa, đá lởm chởm dưới chân. Những dấu tích buồn của quá khứ vẫn đọng lại trên mái tóc mây trắng nghìn thu của Bạch Mã, xao xuyến như một nốt trầm lạc nhịp. Chiến tranh, biến động chia ly một Bạch Mã yên bình, thanh khiết với con người, chỉ còn lại một Bạch Mã lấm sẹo và đầy bất trắc.

Mãi một thời gian sau, năm 1986, khu rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được thành lập với diện tích là 50.000ha. Đến ngày 15/07/1991, Bạch Mã chính thức được mang tên Vườn Quốc gia Bạch Mã, với tổng diện tích là 22.031ha. Gần đây, vào ngày 02/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 01/QĐ -TTg về việc điều chỉnh mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích là 37.487ha. Theo quy hoạch mở rộng, Vườn nằm trên địa bàn ranh giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích 34.380ha và Quảng Nam, có diện tích 3.107ha. Ngày nay, đây là một trong những khu vực bảo tồn thiên nhiên lớn của Việt Nam, là một trong những điểm du lịch sinh thái hoang sơ nhất ở miền Trung.

*

Bạch Mã là nơi có nhiều thảo mộc và cầm thú quý hiếm. Rừng ở đây còn giữ bản chất nguyên thủy. Chính núi cao đã cứu rừng vì độ dốc đứng nên khó khai thác, không bị nạn du canh du cư tàn phá. Trên những chóp núi đó, thực vật cực kì phong phú, từ tùng đến diệp loại. Đi quanh các con đường mòn trong rừng hay chỉ cuốc bộ dọc đường chính cũng đủ thấy tầng tầng lớp lớp thực vật phong phú các loài. Ví như cây kim giao, tên khoa học là Podocarpus neiifolius, được cho là có khả năng phát hiện - khử thuốc độc. Ở độ cao lí tưởng, cây kim giao sinh trưởng rất nhanh. Thứ cây có giá trị cao nên người dân đua nhau chặt trộm làm đũa. Rồi những chòm dương xỉ thụ dạng, cho ta cảm giác như đang đứng vào kỉ Jura với những kiểu dáng thực vật cổ sinh đầy hình tượng.

Đẹp nhất phải kể đến những cây hoàng đàn giả hay còn gọi là tùng Bạch Mã có dáng vẻ khẳng khiu, màu lá xanh đậm, lạnh. Loại thực vật lá kim, quanh năm xanh tốt, không mấy khi rụng lá, và đặc biệt là “nếp kiệm giản” (nước), một phẩm chất cao quý mà con người mong ước. Một bóng tùng cheo leo bên dốc núi, cành khảng khái vươn ra giữa ngàn mây. Tùng Bạch Mã phong trần cùng giá lạnh, gìn giữ cốt cách với tiết trời quanh năm lạnh lẽo nơi núi cao. Cây mạnh mẽ cắm rễ sâu vào đá sỏi, cành quẩy gánh tang bồng với nước mây, lá xanh muôn thuở, trầm ngâm thấu chuyện nghìn thu. Tùng giờ được nhân giống dọc đường lớn, những lối mòn Ngũ Hồ, xuống thác Đỗ Quyên đều thấp thoáng bóng tùng nơi bờ đá. Ngắt một lá vân vê tỏa mùi thơm thanh cao như thứ trầm xanh dễ chịu xông nơi cánh mũi. Tôi ngồi dưới cội tùng bóng đổ, hưởng chút phong lãm của cổ mộc đứng đầu cây trăm họ. Ba lô trên vai trút xuống đất, thứ hành trang đánh dấu ta chẳng thuộc về nơi này với trăm thứ của nhân sinh. Thế cuộc ngoài kia vẫn chảy không ngừng, thuộc về hay không thuộc về cũng chỉ là bèo trong ao, bèo đâu dạn dĩ để đủ như tùng, thông đứng giữa trời mà reo. Cái chí phóng lãng - không dính mắc của người xưa thật đáng mong cầu.

Lối mòn quanh co trước mặt rồi mất hút vào xa xăm của cây lá. Một người đi giữa rừng bắt gặp lối mòn tức mừng rỡ vì tìm được đường đi, lối ra. Có ai dám tách ra khỏi lối mòn để xăm xăm băng lối cùng hoang vu. K nói, “Chân lí là đất không lối mòn”. Chúng ta chưa bao giờ lắng nghe mình. Ánh sáng cùn mòn theo tạp niệm, chính mình đánh mất quyền năng thắp đuốc trước vạn sự.

Đại ngàn Bạch Mã đầy sức sống là vậy, nhưng cũng là mâm cỗ của những đám người trục lợi từ núi rừng. Có lần, chúng tôi du khảo lên Nam Đông, vào thác Trượt gần xã Hương Phú mới phát hiện ra những khoảnh rừng bị tàn phá không thương tiếc. Bạch Mã gục đau những vết sẹo lòng.

Có lần chúng tôi đi lang thang xuống Ngũ Hồ, hôm ấy trời mù mịt suốt một ngày dài. Đường xuống Ngũ Hồ thăm thẳm bậc dốc, cây lá bốn bề đặc một màu trắng sữa. Lang thang từ hồ này qua hồ khác, mỏi chân nghỉ bên bờ đá, tôi đưa tay bứt một ngọn cỏ lập lờ mặt nước, đưa lên mũi ngửi, chao ôi thơm mùi quen thuộc. Chợt nhớ lời anh bạn, ở Bạch Mã, dọc những bờ suối, loài thạch xương bồ sống rải rác đó đây. Thứ cây được người Huế cho là đã làm thơm dòng sông chảy qua kinh thành nên sông mới có tên Hương. Tìm thấy thạch xương bồ thật là một cuộc hạnh ngộ không gì bằng trên chốn núi cao thẳm này. Thạch xương bồ Bạch Mã mọc thành bụi nhỏ, nhìn xa giống như cỏ ấu, dáng đậm, mùi thanh nhã. So với thạch xương bồ các nơi, giống thạch xương bồ nơi đây dáng cây đậm hơn, lá to chắc khỏe, lá già còn cho hoa cỡ đầu ngón tay màu xanh nằm giữa thân lá. Một cuộc sống nơi núi cao, suối thác khiến sức lực nó kiên cường hơn. Bờ suối thơm nơi những bụi thạch xương bồ chen chúc nhau mọc. Loại cây này có sức sống bền bỉ, không cần nhiều đất, chỉ cần nhúng một phần rễ trong nước, rễ khỏe mạnh len lỏi vào kẽ đá giữ chân qua ngày tháng cứ thế mà sinh trưởng. Ngửi mùi thạch xương bồ quen thuộc, cảm giác giống như chúng tôi đang ở bên sông Hương, lững lờ những ngày quen thuộc.

Mỗi cỏ cây trên vùng quần sơn Bạch Mã mang hơi thở của đại ngàn. Khi nhắc đến “đại danh hoa” của núi rừng Bạch Mã phải kể đến đỗ quyên. Giống hoa này thuộc loại sơn thạch lựu, màu đỏ, nở dọc các con suối trong rừng vào dịp tết và mọc nhiều nhất tại một ngọn thác được lấy hoa để đặt tên. Trong văn hóa Đông phương, loài hoa này biểu tượng cho sự dịu dàng và đầy nữ tính. Tính cách hiền thục của người phụ nữ xưa được ví như loài hoa này. Người Pháp xem hoa đỗ quyên tượng trưng cho sự thành công và vinh quang.

Giống Đỗ Quyên Bạch Mã có màu đỏ, tượng trưng cho tình yêu thắm nồng, cháy bỏng. Cái sắc đỏ tươi tắn của Đỗ Quyên Bạch Mã như những ngọn nến cổ sơ thắp lửa trên màu xanh đại ngàn sâu kín. Màu đỏ ấy bước ra từ truyền thuyết của loài chim cùng tên, một ngày hót thống thiết, hót hao kiệt sức mình, máu rỏ xuống hóa thành. Hoa hoài sinh từ tiếng xướng ca của chim thiêng, da diết tiếng vọng thẳm dội của thái hư. Đứng trước thác trắng mây mù, tôi đau đáu dải khăn hồng điểm tô màu thác. Hoa rung rinh trong gió, gió ngân dội lời ca uyên ương ôm mộng chốn tiêu sơ. Đỗ quyên có đức năng của loài hoa nơi rừng thẳm, lay động lòng người vì vẻ hoang dại dịu dàng hiếm có. Dáng hoa hiền lành, kiệm hạnh mọc thành bụi nhỏ nơi bờ suối, rễ cần mẫn chen trong kẽ đá hút lấy dưỡng chất của non thiêng. Đỗ Quyên không kiêu sa như trà mi, vương giả như mẫu đơn, phong lãm như hoàng mai. Hoa mạnh mẽ vươn mình giữa muôn giống loài khác, trổ dải hoa làm nao lòng kẻ tha nhân. Hoa cheo leo nơi đỉnh thác cao 300m, an vị mình trên đá khô cằn, chỉ có nước là dư thừa vô kể, hùng vĩ dội xuống thung sâu. Đỗ quyên nơi đây không thể tách rời thác như rằng thể phận của hoa sinh ra là để tô thắm núi non cô tịch, gieo một nốt vui giữa cung trầm của rừng hoang liêu mù mịt khói sương. Chỉ có sương đêm im lặng nằm trên cánh hoa mới biết nỗi niềm sâu kín của thể phận bất hoàn ấy.

*

Chúng tôi từng thơ thẩn trên con đường chiều. Bóng đổ mù mịt. Mắt em thoáng buồn. Giờ tất cả mọi thứ đã bay xa, như áng mây lùa qua tóc, ướt đẫm, mịt mù một lúc rồi tan biến trong đất trời bao la…

Tôi nghĩ đến chóp núi cô đơn. Đức Phật Thích Ca là minh dẫn toàn hảo của đặc năng núi rừng. Khi phát tâm đi tìm chân lý, Đức Phật đã trải qua 11 năm “ăn rừng ở rú”, học đạo với đủ loại pháp môn nơi núi rừng đầy cao nhân. Và phút giây Đức Phật chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác huy hoàng cũng đã ghi dấu nơi cảnh hùng vĩ của núi rừng, dưới cội cây Bồ đề hương pháp. Giá được ngồi nghe bầy vượn già kể chuyện liêu trai, kể những tháng năm núi già khóc than hiu quạnh. Quần sơn Bạch Mã hiển hiện đó như nguồn trưng dẫn về sự kiến tạo điêu tuyệt của tự nhiên. Để rồi đây, khi bội thực cuộc sống phù hoa, núi cao là nơi thanh tẩy cho những tâm hồn phóng lãng. Từ đó, ý du tử cứ mãi nổi trôi mây trắng, nổi trôi trên quần sơn ru giấc nghìn năm vĩnh cửu màu xanh của hy vọng, của bình minh, của chân lý. Và một người đã đánh rơi một ý nghĩ của tự do để thức tỉnh mình vào lúc mặt trời ngự lạc trên đỉnh cao sơn, nơi đàn Bạch Mã xây tháp mây trắng hiển hiện hào quang thơm tho như thoạt kì thủy.

Bạch Mã, lập hạ, 4/2015 

Lê Vũ Trường Giang

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nhịp sóng xanh (03/10/2017)
Các bài đã đăng