Đi mót lúa là đi lội ruộng chỉ còn toóc (rạ) để lảy, cắt những bông lúa còn sót lại sau khi gặt. Đi mót khoai là đi dò tìm, mò mẫm rồi hí húi bới đào những củ khoai lang còn nằm lại do chui sâu trong lòng đất nên khi cày hai bên vôồng (ngoài Bắc gọi là luống, còn Nam Bộ lại gọi là liếp) để dỡ khoai đã không được lấy lên. Đi mót lạc là đi xăm xoi rồi moi chọt những bụi lạc “hủi”, tức là những bụi lạc mà phần thân cây đã bị chết trước khi thu hoạch nên khi nhổ lạc người ta đã bỏ lại v.v. Nhưng không chỉ có vậy. Cũng như trăm ngàn công việc khác nhau trên đời, đi mót ngày mùa cũng đòi hỏi kỹ năng thành thạo, cũng trải nghiệm những buồn, vui, cũng để lại nhưng kỷ niệm khó quên của một thời nhỏ dại.
Đó là vào những năm giữa thập kỷ thứ năm của thế kỷ hai mươi. Lên tám, chín tuổi thì ngoài thời gian đến trường đi học là tôi đã biết đi mót để đỡ đần mẹ tôi phần nào trong cái cảnh chạy ăn từng bữa lúc bấy giờ. Nhà tôi lúc ấy lại chẳng còn lấy một tấc ruộng nào. Mùa gặt đến hầu như nhà nào cũng có thóc phơi trên sân, rơm chất thành đống mà nhà mình thì chẳng có một chút hơi hướng nào của mùa cơm mới nên tôi càng tủi thân. Chỉ còn cách là đi mót lúa. Mót lúa để có cơm mới cúng ông bà, tổ tiên. Mót lúa để có thêm cơm ăn, nhất là thứ cơm nấu bằng gạo mới. Hồi đó đối với chúng tôi cơm là thực phẩm quan trọng nhất trong các bữa ăn hàng ngày, còn thức ăn là dưa, nhút, tương, cà, xôm lắm thì có thêm mấy hột lạc rang muối. Bữa trưa và bữa tối, tôi và anh cả đều là con trai, lại đang tuổi lớn nên mỗi người được ba lưng đọi cơm hấp (độn) khoai đao (củ dong riềng) hoặc khoai lang, nhưng ăn hết rồi mà vẫn còn thấy thòm thèm. Mẹ tôi thường nói đùa, không biết đến bao giờ mới giao được đũa bếp (đũa cả) cho các con. Chẳng là cầm đũa bếp thì sẽ nhận trách nhiệm quan trọng là chia cơm cho mọi người trong bữa ăn. Vì vậy, khi mùa gặt đến là tôi hăm hở tranh thủ đi mót. Lúa vụ chiêm ở quê tôi đều được cấy cày ở các thửa ruộng sâu. Mùa gặt lúa chiêm, lội xuống ruộng vào buổi trưa đúng là “nước như ai nấu chết cả cá cờ”, còn nắng đốt trên đầu cùng với gió nam cào như muốn thiêu cháy những túm tóc cứng cạu. Nhưng ngán nhất lại là những con đỉa “mén”. Những con đỉa “trâu” tuy trông thì dễ sợ nhưng còn nhìn thấy để kịp xua đuổi, kịp khoắng chân khiến nó mất phương hướng, còn những con đỉa mén bé như cái tăm lại thoắt ẩn thoắt hiện, chỉ cần không để ý nhìn xuống mặt nước chốc lát đã thấy ngứa nơi cổ chân. Ngày ấy giống lúa chiêm cao hơn giống lúa ngày nay. Thợ gặt dùng vòi hái là cái tay tre uốn cong ở đầu thân hái, móc gom mấy bụi lúa với nhau rồi đẩy lưỡi hái cắt xoẹt khoảng một phần ba phía trên của cây lúa. Gom, cắt vài ba lần như vậy sẽ được chặt tay nắm thành một “tay” lúa. Những “tay” lúa này được những người thợ gặt khéo léo dùng chính các dé lúa quấn lại và đặt tạm lên đám “toóc”. Khi các “tay” lúa đã nằm ngổn ngang trên đám “toóc” thì một trong số những người thợ gặt sẽ quay lại dùng những đoạn toóc nối lại để bó thành “gồi” và “lượm”. Ba “tay” bó lại thành một “gồi”. Bốn “gồi” thành một “lượm”. Tùy theo khả năng người gánh, ba, bốn, năm… lượm được bó lại thành một đầu gánh. Người ta cắm ngập hai đầu nhọn của đòn xóc vào hai bó lúa này thành một gánh lúa rất gọn gàng. Những đứa trẻ đi mót như tôi, cũng có khi có cả những người lớn tuổi nữa, chỉ lội xuống ruộng khi đám ruộng đã được gặt gần xong, biến thành ruộng toóc, ruộng rạ. Đảo mắt thật nhanh, chân lội cũng phải thật nhanh khi nhìn thấy những bông lúa còn sót lại của những nhánh lúa có chiều cao bé hơn các cây lúa khác nên đã không bị lưỡi hái cắt đi. Nhưng khoái nhất là khi nhìn thấy những nhánh lúa bị đổ rạp xuống mặt nước mà cái vòi hái của thợ gặt đã không gom đến. Những bông lúa kiểu đó lại thường rất sai hạt và hạt lại rất mẩy. Có lẽ vì thế nên đầu bông lúa mới nặng trĩu và kéo cả nhánh lúa nghiêng ngả. Những đứa trẻ đi mót như chúng tôi chỉ cần nhìn thấy những bông lúa nặng trĩu, mẩy hạt như thế là sướng rơn cả người, khoái chí vung tay “lảy” thật nhanh. Bàn tay phải kẹp con dao mót bằng ngón cái và ngón giữa thọc vội đến ngang “cổ hẻn” của bông lúa, tức là chỗ mắt nối giữa thân cây lúa và bông lúa, còn ngón tay trỏ như cái vòi hái luồn nhanh sang bên phải cái “cổ hẻn” ấy để móc bông lúa vào giữa ngón trỏ và lưỡi dao mót. Hất nhẹ tay ra phía trước là “cổ hẻn” của bông lúa đã được lưỡi dao mót sắc ngọt lảy đứt. Thế là phần “cổ hẻn” của bông lúa được ngón trỏ và ngón cái kẹp chặt. Cứ thoăn thoắt như vậy, đảo mắt thật nhanh, lội thật nhanh, phát hiện thật nhanh và “lảy” thật nhanh. Chỉ chốc lát là các bông lúa rặt những hạt, tịnh không có một cái lá lúa nào lẫn vào, đã được lèn chặt trong cái khoảng không giữa ngón cái và ngón trỏ. Thế là đã có một “tay” lúa mót ném vào cái thúng được đội trên đầu hoặc cắp ngang hông bằng cánh tay trái. Gọi là “tay” cho nó sướng bụng những kẻ đi mót như chúng tôi, chứ thật ra, một “tay” lúa mót chỉ được khoảng một vài lạng, trong khi một tay lúa gặt phải có đến ba, bốn cân lúa hạt. Để “lảy” mót lúa thành thạo, cũng phải mất dăm buổi tập dần. Buổi đầu lóng ngóng có khi còn bị đứt tay vì con dao mót sắc lẹm, lưỡi dao dày chỉ nhỉnh hơn cái lá tre một chút, còn cán dao cũng chỉ to hơn quả ớt mà thôi. Sung sướng nhất là khi gặp được những chủ ruộng hoặc những cô bác thợ gặt tốt bụng, thương người. Thương những đứa trẻ đi mót như chúng tôi, họ thường cho hoặc dúi cho chúng tôi nửa tay, có khi cả một tay lúa gặt. Cả tay lúa gặt chứ không phải là tay lúa mót đâu nhé! Bây giờ xem chương trình truyền hình “Lục lạc vàng” có cảnh người đi mót lúa lội ruộng tay cắp thúng, tay thò xuống nhổ cả thân cây lúa đưa lên miệng cắn đứt ngang thân cây lúa rồi ném bông lúa vào thúng mà thấy nó kỳ kỳ không ổn thế nào ấy. Ai lại mót lúa theo kiểu như thế kia chứ?
Mùa gặt dù vụ chiêm hay vụ mùa cũng chỉ diễn ra trong vài ba tuần nên ngày nào đi học về, ăn vội bữa trưa xong là tôi lại thúng cắp hông, dao mót dắt dây lưng lao ra đồng. Đi mót vụ chiêm tuy phải lội nước, đội nắng và bị đỉa cắn nhưng thường mót được nhiều hơn do lúa hay bị đổ. Từ trưa đến xẩm tối, ít nhất cũng phải xuống mót được ở dăm bảy mảnh ruộng, lảy được một vài chục “tay” lúa mót và may mắn thì cũng được người ta dúi cho một vài “tay” lúa gặt. Thế là tối về đã có được dăm ba cân lúa tươi. Còn đi mót vụ mùa thì sướng hơn nhưng lại mót được ít hơn, một buổi nhiều lắm cũng chỉ được một vài cân vì lúa không bị đổ, lại mọc đều. Tuy mót được ít nhưng tôi vẫn thích đi mót lúa vụ mùa hơn. Thích hơn vì ruộng khô, trời nắng hanh, gió nhẹ, lội ruộng đi mót mà cứ như đi ngắm đồng lúa vàng rực đến nao người mà chẳng đổ một giọt mồ hôi nào. Ruộng khô nên cái mùi thơm của rơm rạ, của hạt lúa ngày mùa cũng trở nên tinh khiết hơn, quyến rũ hơn chứ không bị cái mùi bùn lấn át như trong mùa gặt vụ chiêm. Ruộng lúa vụ mùa lại lắm châu chấu, ngoài Bắc gọi là con muỗm ruộng lúa. Còn những con mà ngoài Bắc gọi là châu chấu thì quê tôi lại gọi là cào cào. Mà cào cào thì lắm loại lắm. Các loại cào cào chúng tôi chỉ bắt về cho chim, cho gà ăn hoặc buộc dây cho trẻ con chơi mà thôi. Bắt được những con châu chấu béo múp, dùng cọng rơm xâu lại, treo lủng lẳng ở cái dây buộc ngang lưng, nghe chúng đạp tanh tách vào nhau không chỉ vui tai mà còn tưởng tượng ra được cái mùi thơm ngậy đến chảy nước miếng khi nghĩ đến cảnh tối về được đem nướng chúng trên bếp lửa rồi chia cho mọi người. Vụ lúa mùa lại còn nhiều chim bay về nữa chứ, nhất là chèo bẻo, “trúc quay”. Nhiều hôm mải nấp rình đánh nhựa dính bắt chèo bẻo, thả chuồn chuồn bắt “trúc quay”, nên tối về trong thúng chỉ được vài “tay” mót. Dùng nhựa dính bắt chèo bẻo, “trúc quay” trong những ngày gặt mùa là một thú vui đặc biệt hấp dẫn và không bao giờ quên được của tuổi nhỏ chúng tôi. Chọn một nhánh lúa thật cao, cứng, tuốt hết hạt lúa chỉ còn trơ cọng rơm, bôi nhựa dính vào phần trên các cọng rơm, lấy sợi chỉ buộc một con chuồn chuồn voi vào “cổ hẻn” của bông lúa để khi bay quanh, chuồn chuồn không bị dính nhựa. Thế là được một cái bẫy dính để bắt chim chèo bẻo. Cúi thật thấp và luồn lách chọn một chỗ nấp thật kín trong ruộng lúa chín chưa gặt và nhẹ nhàng đưa cái bẫy dính này lên cao khỏi ruộng lúa. Chèo bẻo trông thấy chuồn chuồn lè xè bay quanh cọng rơm sẽ lao tới bắt mồi và bị dính nhựa. Còn bẫy “trúc quay” thú vị và hấp dẫn hơn nhiều. “Trúc quay” là một loài chim thường bay lượn liên tục và bắt mồi trên không. Chúng tôi chỉ biết người ta gọi tên nó là “trúc quay” nhưng cũng chẳng biết cái tên này có trong từ điển các loài chim hay không. Mà có khi cái tên chim “trúc quay” chẳng qua là do bọn trẻ đánh bẫy nhựa dính bịa ra mà thôi. Chẳng là “trúc” theo phương ngữ quê tôi là bị lật nhào, lộn nhào. “Bổ trúc đồi” có nghĩa là ngã lộn đầu xuống đất. Lấy một sợi tóc bôi nhựa dính cắm vào đuôi một con chuồn chuồn voi, xong thả chuồn chuồn cho bay lên cao. “Trúc quay” trông thấy chuồn chuồn bay khó khăn sẽ lao tới đớp mồi và sẽ bị sợi tóc dính nhựa quấn quanh, quay tròn lao đầu rơi xuống. Đúng là vừa “trúc” vừa “quay”. Vẫn biết cái trò bẫy chim tốn nhiều thời gian và do vậy sẽ mót được ít lúa, đọi cơm sẽ vơi hơn, nhưng bọn trẻ đi mót chúng tôi thà chịu đói, chịu mắng nhưng vẫn không tài nào cưỡng lại được. Bẫy được chú chim chèo bẻo hay vồ được chú “trúc quay” lao xuống còn thấy sướng hơn được người ta cho cả lượm lúa.
Mùa gặt tháng năm, tháng mười quanh quẩn cũng chỉ dăm ba tuần. Xen vào giữa hai mùa gặt chính còn có vụ lúa “trấn”, tức là lúa ngắn ngày vụ thu hay còn gọi là lúa ba giăng. Không biết có phải vụ lúa này thường bị ngập nước do những cơn lũ đầu mùa, nhiều khi gặt không kịp nên được gọi là vụ lúa “trấn” chăng. Chả là “trấn” theo thổ ngữ quê tôi có nghĩa là nhúng nước. Lúa “trấn” lụt sớm không kịp gặt, khi nước rút, hạt lúa bị thối nên chỉ còn những kẻ đi mót như chúng tôi lội ruộng để bòn mót những bông lúa may ra còn có thể ăn được mà thôi. Lại còn ruộng sâu vụ chiêm gặt xong chưa kịp cày, lúa “chét” đâm bông là bọn tôi lại lội xuống lảy, bòn lúa “chét”.
Xen giữa các mùa gặt lúa tháng năm, tháng mười, lúa trấn là mùa cày khoai lang, mùa nhổ lạc. Đầu vôồng khoai là nơi dễ bị sót khoai nhất, mà chỗ đó thường củ khoai lang lại to nữa chứ, lũ đi mót chúng tôi vớ được cứ gọi là mừng ú. Nhưng mót được khoai lang nhiều nhất là khi người ta cày khoai chạy lụt. Khoai lang ngập lụt không để lâu được, dễ bị thối, thường có cái mùi thum thủm nhưng lại khá ngọt và phải luộc ăn ngay hoặc luộc xong đem thái ra phơi khô làm khoai “deo” để ăn dần. Có lẽ khoai “deo” là một thứ đặc sản riêng của quê tôi chăng? Miếng khoai lang nấu chín, phơi khô thành “khoai deo” trở nên dai cứng, trong và bóng như một miếng hổ phách. Sáng sớm mùa đông mưa phùn, gió rét, cắp sách đến trường với cái bụng đói mà có được mấy miếng khoai “deo” trong “bâu áo”, vừa chạy cho kịp giờ học vừa cố nhai cho mềm miếng khoai “deo” thì đã là sướng như tiên rồi đó. Sau mùa nhổ lạc, ruộng nương chưa kịp cày vỡ, đất bãi sông toàn là đất bồi mềm xốp nên chỉ đợi trận mưa rào là chúng tôi chạy ù đi nhặt “lạc xói”. Đó là những trấy lạc, có khi cả những túm lạc bị đất mềm phủ lên còn sót lại trên ruộng, trên nương, trên bãi bị mưa rào dội xuống lộ ra trắng ngà.
Khác với mùa bửa cau, mùa đi củi cháy hay mùa tát ao đi hôi cá, mùa ngược ngàn… mùa đi mót của chúng tôi gần như diễn ra quanh năm, lúc nào cũng có cái để mà đi mót cả. Rồi những tháng năm vật lộn với cuộc sống cũng qua đi, nhưng những kỉ niệm đi mót ngày mùa vẫn còn mãi như là một niềm tự hào về sự trải nghiệm cuộc đời mà dễ gì ai cũng có được.
Tống Trần Tùng
Tạp chí Sông Hương