Men theo con đường bê tông sạch sẽ và khang trang bên cạnh con kênh rộng đang được đầu tư xây dựng lại, chúng tôi say sưa để chìm mình trong nồng nàn hương lúa mùa gặt, trong cơn gió lồng lộng đang vi vu trên những hàng cây mát rượi thổi đến từ đâu đó phía đầm phá Tam Giang. Có lẽ từ bao đời nay được trầm lắng, được sống bằng cái khí chất thiên nhiên đó mà dường như làng đã gom hết cả những cảm giác mênh mang buộc trên những tên đất, tên người, trên những mảnh vỡ đâu đó của phiến đá rớt ra từ một góc thành Hóa Châu xưa. Làng nhìn ra đồng. Cánh đồng ngút ngàn lơ mơ ánh khói bốc lên từ những mảnh ruộng đã thu hoạch xong. Chúng cứ bảng lảng như những phút giây thăng hoa nào đó của một đời người, như mời gọi ta đến và đẩy đưa ta trong nỗi nhớ miên man.
Rồi tim tím. Rồi xanh non. Và mơn mởn. Những sắc màu ấy cứ đan xen nhau trên những luống đất dài trong những khoảnh sân vườn vuông vắn. Là sắc màu của rau đấy. Ở làng Thành Trung này con người đã biến những khát vọng ấm no muôn thuở thành niềm tin, thành nguồn năng lượng vô bờ trên mỗi tấc đất. Cả thế kỷ này, người dân đã gắn bó với những cây rau dền, rau thơm, xà lách, cải, ngò, hành, diếp cá, mồng tơi... để hình thành nên một sức sống mãnh liệt vượt qua lửa đạn chiến tranh, qua những khắc nghiệt của thời gian và của thiên nhiên. Thành Trung cũng như nhiều làng khác của xã Quảng Thành và cũng như nhiều làng khác của cả huyện Quảng Điền vốn là một vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế, thường phải chịu cảnh ngập lụt lâu ngày mỗi khi mùa lũ đến. Thế nhưng, đó cũng chính là lợi thế của những cánh đồng, của những mảnh vườn rau khi được đón nhận, được bù đắp bằng nguồn phù sa màu mỡ. Phù sa của con sông Bồ đã khiến những loài rau, nhất là rau được trồng ở làng Thành Trung trở nên nổi tiếng vì sự thơm ngon. Rau của làng Thành Trung nói riêng và xã Quảng Thành nói chung đã vươn đến những bến bờ mới. Những chợ đầu mối, những siêu thị ở Huế như Big C hay Thuận Thành, thậm chí ở tận Đà Nẵng cũng đã có sự góp mặt tươi xanh của những cánh rau sinh ra nơi miền đất thấp trũng này. Rau không những giúp người dân lo toan cuộc sống thường nhật, lo toan cho con cái học hành mà rau thực sự đã đem lại một cuộc sống ấm no, sung túc cho nhiều người.
Tôi đi giữa những mảng màu thời gian mà thời gian hình như đang mải mê thao thiết về những giọt mồ hôi và nước mắt đã ươm trải trên vùng đất này để hình thành nên một thứ gọi là “rau sạch”. Không một chút hóa chất trừ sâu, không một quy trình “bẩn”. Để rồi từ đó mà rau sạch Hóa Châu đã trở thành một thương hiệu nhiều người biết đến. Sản phẩm rau được làm nên bởi những bàn tay chai sần chất phác, bằng những giọt mồ hôi thấm đẫm từng thớ đất, và bằng cả những giọt nước mắt ngày mưa tháng giá mà hóa thân thành vị ngọt nuôi nấng giấc sinh sôi. Quanh năm, những tất tả sớm hôm cứ luân phiên nhau tan lẫn cùng với niềm vui được mùa để làm nên những bản tình ca xanh biếc mắt người, xanh biếc nỗi nhân gian đã ru ta bất tận trong mỗi cuộc đời của mỗi khoảnh khắc đi qua trong trí nhớ. Những ước vọng đã nảy mầm lên sau niềm trìu mến với đất đai mà thầm thĩ gọi ta về. Đừng lãng đãng vùi mình trong cuộc quên đâu đó mà hãy hít thật sâu vào lồng ngực cái hương thơm đơm trổ đất đai.
Thời điểm mà chúng tôi đến chưa phải là vụ rau chính nên làng như đang mơn man trong cái bất tận của niềm yên ả. Sắc màu mà chúng tôi bắt gặp trên những luống rau trái vụ ấy như chực tan hòa trong cái lung linh biến ảo của mùa thu rất đỗi dịu nhẹ, rất đỗi mơ màng. Bây giờ, vẫn có cảnh cứ khoảng 1 giờ sáng là hàng trăm chiếc xe máy như những núi rau di động nối đuôi nhau hướng lên thành phố và các vùng phụ cận mà chỉ còn cái thoang thoảng mỏng manh của những áng mây đưa, cái lưu luyến của đâu đây một tiếng hò lơ đễnh phía bên sông. Cả không gian như lắng lại trong những ánh mắt trong veo của lũ trẻ con đang nô đùa bên những góc xóm nhỏ. Chúng tôi ra về mà lòng cứ mang mang. Tất cả như những giấc mơ xanh chảy đầy trong những ngõ ngách của nỗi hoài niệm bâng khuâng. Thật khó nói được điều gì khi mỗi bước chân mình đi qua là mỗi cung bậc cảm xúc cứ muốn bật thốt. Chỉ biết rằng, một ngày về Thành Trung là một ngày tôi đã được chìm trong những nỗi miên man...
Trại sáng tác Văn học Quảng Điền 2012
Lê Tấn Quỳnh