Trúc không che ngang mà che nghiêng...
“Khuôn mặt em đâu phải chữ điền, Trúc không che ngang mà che nghiêng”
Ai dám chất vấn thơ Hàn Mặc Tử, trong khi “Lá trúc che ngang mặt chữ điền" đã được xem là một trong những câu thơ kinh điển trong thơ tiền chiến? Xin thưa, đó là Tô Kiều Ngân. Mỗi nhà thơ có cách nhìn khác nhau về ngoại giới, tuy vậy điều phát hiện của Tô Kiều Ngân thật thú vị. Hàn Mạc Tử là khách thơ qua thôn Vỹ, từ cảm tình lưu luyến với giai nhân mà yêu luôn cả vườn ai. Còn với Tô Kiều Ngân thì những khu vườn đó là đất chôn nhau, rất quen thuộc thân thương, anh hiểu rất rõ dáng nét của cảnh của người nơi ấy.
“Nghìn năm mây trắng” (NXB Văn hoá Sài Gòn, 2-2008) là nỗi hoài nhớ sâu đậm mà Tô Kiều Ngân dành cho quê mẹ. Huế trong thơ anh là tiếng hò ru em da diết: “Hai tay cầm bốn tao nôi, tao thẳng tao dùi, tao nhớ, tao thương”. Là mùi hương của cây sầu đông tỏa bóng bên đường. Là chiếc áo cổ y phơi trong vườn, ngoài giậu nắng. Là nhánh rong non vương nhẹ mái chèo trong làn nước Hương Giang...
Xa quê đã bốn mươi năm, những hình ảnh ấy vẫn lắng sâu trong tâm hồn anh, không hề lãng quên trong tất bật đời thường. Một phần vì quê hương ấy đẹp quá, lung linh trong ký ức không dễ gì phai nhạt. Một phần vì bản chất đa cảm và nhân hậu của người thơ. Và có lẽ cũng có phần vì cuộc đời anh gắn với tiếng sáo, tiếng thơ, mà Huế chính là thơ, là nhạc. Huế đã xa nhưng Huế vẫn rất gần trong từng ngày sống của anh. Cội nguồn cảm hứng của anh chính là ý niệm về tình tự quê hương, trong anh quê hương gắn liền với tình yêu và nghệ thuật:
“Nếu lại được em ru bằng giọng Huế,
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa,
Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt,
Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô...”
Thơ Tô Kiều Ngân hay vì câu chữ nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng trước hết là hay ở chỗ chí tình, cái tình chân thật và thiết tha khiến câu thơ như có linh hồn. Chất Huế hiện rõ trong thơ anh: Ta cảm nhận được qua từng câu chữ một nét mềm mại, cái vẻ mềm mại thư sinh của con trai Huế, tinh tế mà dịu dàng, mộc mạc mà da diết. “Ở xứ Huế ni cấy chi cũng nhẹ, Chỉ có tình là nặng bằng non”.
Thôi Hiệu ngày xưa viết “Hạc vàng bay mất từ xưa, Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay” Đọc tập thơ của Tô Kiều Ngân tôi cứ tưởng trong ấy có cả hạc vàng và mây trắng, cả ngày xưa và bây giờ, kỷ niệm thì rạng ngời trong dĩ vãng mà những lời thơ ngọt ngào cứ lãng đãng bay hoài như mây trắng nghìn năm.
Con người không có rễ, nó có đôi bàn chân” đã có người nói thế. Từ bao thế kỷ rồi, cuộc sinh tồn đã đưa con người vào những hành trình lớn để mở rộng chân trời trước mắt. Dù vậy, con người vẫn có rễ, rễ con người không ở dưới chân mà ở trong tim. Bởi vì, “Người ta có nhiều nơi để đến, Chỉ một nơi thân thiết để quay về”.
Huế trong thơ Tô Kiều Ngân là thế đó, một miền nhớ thương để cả đời người ngoái lại.
“Bà con mình bỏ Huế đi cũng lắm,
Nhưng người về với Huế cũng đông thêm,
Đi hay ở, vẫn thiết tha với Huế,
Vẫn bao lần nghe Huế nhói trong tim...”
Đọc hết thơ rồi, mà trong lòng vẫn còn dư vị nhói đau ngọt ngào từ nỗi nhớ một chốn về...
T.T.M