Bút ký - Tản văn
A Lưới phố thị vươn dài
16:21 | 18/03/2015

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG
                                      Bút ký

Những thảm hoa vàng rực rỡ bám bên mái núi, lãng mạn trong nắng chói chang. Núi rừng miền Tây hùng vĩ đủ làm ngất ngây những tâm hồn khoáng đạt say mê khám phá. Đứng ở ngã ba Bốt Đỏ, đường Hồ Chí Minh như đôi cánh tay trần vạm vỡ của chàng Tơ Rứt trong truyện cổ Cơ-tu chém diều hâu cứu nàng Kalang Batưng xinh đẹp. 

A Lưới phố thị vươn dài
A Lưới hôm nay

Đã mười lăm năm kể từ lần đầu tiên tôi lên A Lưới, vào A Đớt, Đông Sơn trong chuyến đi ba ngày khám bệnh phát thuốc miễn phí cho bà con dân bản. Ngày đó A Lưới buồn hiu hắt, cảnh và người. Đọng trĩu trong tôi là hình ảnh hai vợ chồng trẻ đen đúa nhàu nhĩ nách theo ba đứa con nhỏ cũng nhàu nhĩ và đen đúa vừa nhận xong những gói thuốc chữa “đau đầu đau bụng đau ho” lếch thếch đi bộ về bản trong ánh chiều ảm đạm. Họ là gia đình cuối cùng trong buổi khám hôm ấy, vì ở tận rẫy xa nghe tin về muộn. Một vẻ gì cam chịu, chậm chạp, có phần tăm tối.Trong cuốn sổ tay nhàu cũ của tôi còn chi chít những ghi chép về một Đông Sơn hứng chịu hậu quả tàn khốc và dai dẳng của chiến tranh hủy diệt. Trụ sở xã nằm ngay trong khu vực trung tâm sân bay A So cũ, bấy giờ là một khu đất mọc đầy cỏ dại, những bụi sim mua lúp xúp và sót lại những quả bom chưa thể tháo mở được. Những hố bom ngập nước như những con mắt hậu chiến thao láo nhìn lên trời xanh A Lưới. Theo số liệu của Ủy ban 10-80, Ủy ban nhân dân tỉnh và các chuyên gia Canada (ngày ấy), mười sáu phần trăm dân số xã bị nhiễm chất độc da cam. Hàm lượng dioxin trong gan, mật, ruột gà, vịt, heo, bò ở vùng này cao hơn mức cho phép. Anh Đoàn Văn Hiền, 51 tuổi, xã đội trưởng, người có hoàn cảnh gia đình thật thương tâm. Anh vào bộ đội năm sáu tám, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau giải phóng anh về công tác ở Hồng Thái rồi Đông Sơn. Tám lần sinh con, thì đã bốn lần đau khổ chứng kiến những quái thai từ bụng vợ. Ở Đông Sơn có ba gia đình phải hứng chịu nặng nề như thế. Ngoài ra, những trường hợp dị tật bẩm sinh thông thường như sứt môi, hở hàm ếch, mất ngón… thì nhiều hung! Tôi đi sâu vào các bản làng heo hút nép mình bên chân dãy Trường Sơn, cảm nhận gánh nặng của chiến tranh, đói kém, bệnh tật…đè lên xám mốc những nếp nhà, những cảnh đời. Trong 198 hộ ở Đông Sơn có đến 148 gia đình chính sách, có công với cách mạng với 8 liệt sĩ, 11 thương binh; 114 hộ đói kém, còn lại là nghèo. Người dân ở đây hằng ngày lên rẫy trồng lúa trồng ngô trồng sắn. Bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đất trời thì bạc mà người thì đen, cứ không đủ ăn, cứ nghèo khó mãi. Nuôi được con heo, con gà bán chẳng ai mua vì mang tiếng là “nước độc”. Trẻ em lớn lên, ăn sống uống sít, lại mất vệ sinh nên thường mắc các bệnh đường ruột, hô hấp. Người dân sống trong cảnh tối tăm, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì điện chưa về tới. Tối tăm, nghèo đói thì lại đẻ nhiều. Hôm ấy khám bệnh cho một chị người Pa-cô, mới ngoài ba mươi mà đã sáu mặt con, tôi hỏi “Đẻ nhiều rứa lấy chi ăn?” Chị trả lời tỉnh bơ: “Có lúa ăn lúa, có sắn ăn sắn, lo chi!” Tôi nhìn chị với sáu đứa con vào khám bệnh mà ái ngại, đứa nào cũng đen đúa, còi cọc. Đứa bé nhỏ nhất địu trên lưng, khóc dặt khóc dẹo, chốc lở đầy đầu. So với đời sống người dân ở Đông Sơn, theo cảm nhận của nhiều người trong đoàn khám bệnh, thì A Đớt có vẻ khá hơn. Trụ sở xã vừa được xây mới, bên cạnh lại có bưu điện văn hóa, trông có vẻ khang trang. Nhưng sự khang trang ấy không làm sao che giấu nổi một đời sống còn ngổn ngang khốn khó bên trong. Người dân cũng đen đúa một nắng hai sương, làm lụng cả đời mà vẫn không đủ ăn. Phân thiếu. Giống cùn. Trồng quế thì tự phát, manh mún. Cũng giống ở Đông Sơn, giếng nước thì chua phèn, dơ bẩn. Còn nhớ sau buổi khám bệnh hôm ấy, tôi ngồi trò chuyện với anh Lê Văn Danh, chủ tịch xã, để thấy được nỗ lực vượt khó của một xã anh hùng trong kháng chiến. Anh cho biết hướng đi của xã vẫn là dựa vào cây lúa, thâm canh tăng năng suất, tiếp tục trồng mía, khai hoang và giãn dân. Anh tâm sự thành thật, thế mạnh của A Đớt là người dân một lòng đi theo cách mạng, đi theo Đảng, ngày xưa vậy bây giờ vẫn vậy. Tôi hiểu, xã có 300 hộ, đã có 184 gia đình có công với cách mạng, 263 người bị nhiễm chất độc hóa học. Mẹ Kăn Dương đã bao nhiêu tuổi rồi mẹ không còn nhớ. Chồng và năm người con trai của mẹ hy sinh năm nào, ở đâu, mẹ cũng không còn nhớ. Giờ mẹ sống với vợ chồng người con gái và tình thương của bà con thôn bản.  Bệnh tật hành hạ tuổi già của mẹ. A Đớt anh hùng vì những con người như thế. Chiến tranh đã qua đi hơn hai mươi năm, A Đớt vẫn còn nghèo. Tại sao? Chuyến đi đó về buồn quá, tôi viết bài “A Lưới không xa mà cũng không gần” đăng báo Thừa Thiên Huế, như một luận chứng đa cảm về vùng rẻo cao miền Tây không cách xa phố thị Huế bao nhiêu về không gian địa lý mà sao quá xa xôi thăm thẳm dân tình. Cũng giống hôm chúng tôi hỏi đường lên thác nước A Nor, một vẻ đẹp tự nhiên hoang dã và sâu khuất của núi rừng A Lưới, còn bao xa, một chị người Pa-cô chỉ tay ngược suối, theo hướng một ngọn núi cao, cười tủm tỉm mà rằng: “Ưa xa thì xa hung, ưa gần thì gần hung”…
 

A Lưới phố thị vươn dài


Từ đó, năm nào tôi cũng trở lại A Lưới, có năm vài ba bận, khi thì với tư cách bác sĩ khi thì lại là nhà văn thâm nhập thực tế đời sống. Bạn bè nhiều hơn, bà con nhiều hơn. Có hôm cuối tuần rảnh rỗi vợ chồng tôi lại phóng xe máy lên chơi với nhà Lyn Thủy, Đỏ, Azis, mẹ Kăn Hốt, già làng Cu Xe…, loanh quanh trong thôn A Hươr thanh bình của xã Nhâm có ngôi nhà rông truyền thống rộng rãi, mát mẻ hít thở bầu không khí núi rừng nghe lòng nhẹ tênh như sợi khói bếp nhà Dấu đun đượm buổi cơm chiều. Tôi ngụp lặn vẫy vùng trong dòng suối Bom. Tôi ngất ngây theo điệu lời cha chấp của mẹ Kăn Hốt khi mẹ ngừng tay dệt zèng. Tạm quên đi những rối ren phiền trược đời thường. Đêm cuối năm lạnh hơi núi, uống chén rượu khê nồng, ăn bữa cơm Ra-dư với cá xanh hấp vớt suối hồi chiều…, nghe bà con kể bao nhiêu là chuyện đời cũ mới. Từ bao giờ tôi đã mê đắm Nhâm? Từ bao giờ A Lưới thân thuộc trong tôi?
*

Mỗi lần lên A Lưới là một lần thấy khác, thấy nhiều đổi thay. Đoạn đèo A Co ngoằn ngoèo hiểm trở (đèo “mạ ơi”) ngày nào giờ đây đã được hạ thấp nhờ bạt núi và thêm nhiều cầu cạn băng qua vực sâu, đường trải nhựa phẳng lỳ rộng rãi uốn lượn quanh những sườn núi xanh ngợp ngàn cây ngay giữa mùa khô nóng rát. Trời,  cây gì kia toàn thân lá đỏ thẫm như một “độc cô” kiêu hãnh lạ lùng giữa ngàn xanh. Những thảm hoa vàng rực rỡ bám bên mái núi, lãng mạn trong nắng chói chang. Núi rừng miền Tây hùng vĩ đủ làm ngất ngây những tâm hồn khoáng đạt say mê khám phá. Đứng ở ngã ba Bốt Đỏ, đường Hồ Chí Minh như đôi cánh tay trần vạm vỡ của chàng Tơ Rứt trong truyện cổ Cơ-tu chém diều hâu cứu nàng Kalang Batưng xinh đẹp. Trong truyện, bao nhiêu thử thách nghiệt ngã vẫn chực chờ chàng… Thị trấn A Lưới ngày mỗi sầm uất hơn, một cơ thể phố thị miền cao vững chãi, cường tráng. Nhiều cửa hàng cửa hiệu, khách sạn nhà nghỉ khang trang rộn ràng đón khách miền xuôi. Chợ A Lưới tấp nập kẻ bán người mua với những bịch ớt dầm thơm nứt, món thịt bò “danh bất hư truyền”… là quà miền ngược không thể thiếu. Trước cổng Bưu điện huyện sáng nay một hãng ô tô danh tiếng lên tiếp thị xe hơi, bà con đứng chật quanh, người trầm trồ, kẻ bình phẩm. Một người trong đoàn thốt lên: “Có khác chi dưới phố?” Ờ, có khác chi Huế…

Từ Huế, A Lưới đã gần lại hay phố thị vươn dài?

Ngồi trò chuyện với vợ chồng già làng Cu Xết- Kăn Ruôh trong ngôi nhà gạch mới tinh tươm ở thôn Lê Ning (xã Hồng Bắc), chung quanh là khu vườn mận, vải, hồng trĩu quả… tôi dường như đã có câu trả lời. Một A Lưới đã thật gần, vì giờ đây phần lớn bà con dân bản đã tự tin hơn, chủ động hơn trong lao động sản xuất, không còn tâm thế thụ động, ỷ lại “chờ Đảng chờ Nhà nước”. Nhiều người mạnh dạn vay vốn mở gia trại, trang trại, phát triển chăn nuôi, trồng rừng…, năng động không kém người miền xuôi. Mẹ Kăn Ruôh, một nữ xã đội trưởng ngày nào chỉ huy bộ đội địa phương tham gia các trận đánh trên đồi A Bia (đồi Thịt Băm) lịch sử với những mẩu chuyện kháng chiến gian khổ đến cười ra nước mắt, giờ đây trỏm trẻm cười mãn nguyện vì gia cảnh vẹn toàn, con cái thành đạt. Cả hai vợ chồng gương mẫu từ ngày còn là cán bộ xã cho đến khi về làm dân: nhận đất trồng cà phê, trồng cây ăn trái, làm rẫy lúa, nuôi bò…, quần quật từ sáng cho đến tối mịt mới về nhà. Mẹ có bảy người con, người làm bác sĩ, người trong quân ngũ, hai người là công chức xã…, rồi đứa con út đang năm cuối đại học ở Thanh Hóa. Tấm bằng khen khuyến học cấp tỉnh của gia đình mẹ, ở trong vùng thâm sơn cùng cốc này, thật đáng trân trọng biết bao, nhất là trong thời buổi lạm phát bằng khen, danh hiệu này. Mẹ nói: bố mẹ khổ nhiều rồi, phải làm sao cho con cái có ăn có mặc, được học hành tử tế, xua cái đói cái nghèo, cái hủ tục, mang về cái ấm no.

Ông Quỳnh Nhất ở thôn A Bung xã Nhâm cũng là một con người như thế, đã mang cái ấm no về cho gia đình, cho bà con thôn bản. Vườn trại nhà ông là một mô hình trồng trọt, chăn nuôi nức tiếng của huyện, ngút mắt một vẻ đẹp kiến tạo trù phú: suối khe róc rách chảy qua những bờ ao, thửa ruộng, rẫy cà phê, rẫy sắn, vườn chuối, đồi tràm, quế… Ông khoe ao cá đầy rô phi, cá chép, cá trắm cỏ…Ông khoe hơn hai mươi thùng gỗ nuôi ong lấy mật và kể những kinh nghiệm nuôi ong tinh tế và hiệu quả, nhiều nơi trong cả nước về học tập. “Mình bày cho họ hết, biết chừng mô bày chừng nấy, không giấu giếm điều chi!”, ông nói thành thật. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, bản thân ông và gia đình đã vượt qua không biết bao nhiêu gian khó: Từ thuở du canh du cư dọc theo biên giới Việt- Lào cho đến khi chọn đất lập làng; từ ngày một thân một mình trên vùng đất dữ sau chiến tranh đầy rẫy đạn bom, hoang hóa do bị rải thảm chất độc hóa học; từ củ sắn củ khoai, cây chuối mà đi lên; từ buổi tự mày mò trồng tỉa cho đến lúc nhất quyết phải nhờ cán bộ chỉ cho cái khoa học kỹ thuật, áp dụng những mô hình hay từ các nơi. Nhiều người thấy gia đình ông làm được cũng về cùng ông, phát triển thôn bản. Ông bày cho họ cách làm ăn, nuôi trồng. Đời sống dân bản ngày mỗi đi lên. Ông kể, hộ ông Hồ Văn Lô ở thôn Ka Leng cũng nuôi trồng như ông chừ giàu có lắm, xây được nhà lầu hai tầng. Tôi chợt nhớ đến nhân vật Koài Tù Roáih trong truyện cổ của người Cơ-tu không những lao động giỏi giang mà còn bày cho dân làng cách làm ăn, cùng nhau xây dựng một cuộc sống sung túc. Ông nói: “Vui nhất là bây giờ đồng bào mình không còn nuôi cái thói lười biếng, chây ỳ, trông chờ ỷ lại… Ai cũng cố sức chăm chỉ làm việc để vươn lên!” Ông thú thật có được ngày hôm nay ông và bà con dân bản cũng nhờ nhiều cái dự án đầu tư của Nhà nước, từ cơ sở hạ tầng cho đến các dự án trồng rừng, cây công nghiệp, vay vốn ngân hàng chính sách… Từ sau ngày giải phóng, đặc biệt sau Đổi mới, hàng trăm dự án của tỉnh, của trung ương đã đổ lên A Lưới. Để rồi hôm nay không khỏi ngỡ ngàng nhận ra một A Lưới vạm vỡ phố thị dưới chân đại ngàn Trường Sơn. Sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư đại hội dân tộc thiểu số huyện lần thứ nhất (2009- 2014), A Lưới đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa… Thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/ người/năm, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2009. Bảy xã đạt được từ 10- 15 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 13/52 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp ngày càng cao. Năm 2013, huyện A Lưới là đơn vị thứ hai được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Có 13/21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 (theo tiêu chí mới)…Tỷ lệ  hộ nghèo giảm còn 13,64%, toàn huyện không còn hộ đói. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện tâm sự: “Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc A Lưới cảm ơn sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Kết quả đó thể hiện ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đó là một cuộc đấu tranh đầy cam go giữa thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, giữa năng động, sáng tạo với trì trệ, bảo thủ”. Có dõi theo những bước đi của A Lưới mới hiểu đây không phải là những ngôn từ sáo rỗng, sách vở giấy tờ. Với anh Nguyễn Mạnh Hùng, một cán bộ lãnh đạo huyện thế hệ 8X trẻ trung, năng động và đầy nhiệt huyết, tôi hoàn toàn tin điều đó. A Lưới đã gần hơn vì những con người biết tự đứng trên đôi chân chính mình, biết làm giàu, biết sống hồn nhiên mà đầy trách nhiệm với cộng đồng dẫu cho bao gian khó thử thách vẫn còn..

Có nghĩa là, từ Huế lên, giờ đây phố thị vươn dài.

Trại sáng tác văn học A Lưới, 22/5/2014
P.N.T

(2014 - Tác phẩm trong năm của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế)






 

Các bài mới
Nhịp sóng xanh (03/10/2017)
Các bài đã đăng