Bút ký - Tản văn
Thời làm báo trong rừng
15:02 | 28/03/2018

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Thời làm báo trong rừng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Ngày thoát ly lên rừng (mùa hè 1966), tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường được Thành ủy cho ở trong một cái nhà lá dựng ở lưng chừng một ngọn đồi sau dãy núi Kim Phụng. Đến bữa có người phục vụ bưng cơm lên ăn. Thật thoải mái, không phải lo sinh nhai, không phải lo giữ lời ăn tiếng nói sao cho hợp pháp, không còn sợ bị bọn mật vụ, CIA đến viếng nhà, đến trụ sở đấu tranh "hỏi thăm sức khỏe".
 
Khi còn ở Thành phố, trong lòng chúng tôi chất chứa biết bao đề tài, nhưng khổ một nỗi không có thì giờ để ngồi viết cho hết. Lúc nầy được rảnh rang, chúng tôi định sẽ viết "những tác phẩm lớn". Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường khởi sự viết cuốn tiểu thuyết "Cửa rừng", tôi dự định sẽ làm "một tập thơ dài". Hằng ngày cơm nước xong, chúng tôi mang võng ra bờ suối ngồi viết giữa tiếng chim kêu vượn hú rất nên thơ. Nhưng rất tiếc là sự hấp dẫn ấy kéo dài không được bao lâu. Nguyên do của sự mất hứng thú này là một câu hỏi ném ra giữa trang giấy: Viết xong ai in? Không in được thì viết làm gì? Thế là giữa chúng tôi, dù không ai bảo ai, mỗi người cũng đã nghĩ đến việc phải "đổi nghề" cho thích hợp với "hoàn cảnh mới". Cuộc sống của chúng tôi bắt đầu có những ngày trống rỗng chen vào. Những sách báo chúng tôi thường đọc ở thành phố, ở đây không có. Một ít sách lý luận Mác - Lênin từ miền Bắc mang vào, đọc đi đọc lại hoài cũng thấy mệt.
 
Một hôm anh Thanh Hải ở Ban Tuyên huấn qua thăm chúng tôi, trong câu chuyện thơ văn tranh đấu, anh bảo:
 
- "Đọc mấy tờ báo tranh đấu ở Huế tôi thấy các anh viết nhiều lắm, bây giờ chưa đi nhận công tác, các anh nên tranh thủ viết đi!"
 
Tôi có cảm tưởng anh Thanh Hải nói chuyện chơi cho vui nên đáp lời anh rằng:
 
- "Viết rồi nhà in đâu mà in? Vô lẽ viết để bỏ trong cặp chơi cho vui sao anh?
 
Anh Thanh Hải hơi khó chịu, hình như anh cố nén sự bực mình xuống và đáp lời tôi một cách bất ngờ rằng:
 
- "Mình cũng có nhà in, không in được tác phẩm gì lớn chứ như báo tranh đấu dưới Huế thì kỹ thuật của mình ở đây còn in đẹp hơn!"
 
Tôi hơi ngỡ ngàng. Để chinh phục lòng tin của tôi, anh quay lấy xắc-cốt bằng vải cứng đã bạc màu giở đưa cho tôi mấy tờ báo rồi nói tiếp:
 
- "Đây là tờ Cờ Giải Phóng - cơ quan của Đảng bộ, đây là tờ Vùng lên của Thành đoàn Huế. Mấy anh xem thử ra sao!"
 
Tôi cầm lấy mấy tờ báo, liếc mắt đọc qua những hàng tít lớn và tên tác giả ghi ở hàng cuối mỗi bài như Thanh Hải, Hải Dương (tức Nguyễn Khoa Điềm), Trần Vàng Sao, Ngô Kha... Những cái tên dù nhiều hay ít đã gợi lên trong tôi một sự thân quen và mến phục. Anh Thanh Hải là một nhà thơ đã được gặp Bác Hồ nhiều lần, chúng tôi được nghe tên anh ngay hôm đầu tiên đặt chân vô chiến khu. Anh Hải Dương nhà ở Vỹ Dạ - nơi tôi thường lui tới trong những ngày còn học Quốc Học, anh Trần Vàng Sao tức Nguyễn Đính đã từng hoạt động văn nghệ với tôi ở Huế và anh Ngô Kha, dù tôi biết là chưa quen bao giờ, nhưng cái tên anh lại trùng với tên một người bạn trí thức đang bị kẻ thù lùng bắt ở Huế, chúng tôi chưa biết số phận anh ra sao.
 
Lật tờ báo xem thấy báo in đẹp, chữ rất to, có nhiều vi-nhét vui mắt. Chỉ thua báo ở thành phố là không có ảnh in cờ-lít-sê.
Không dấu được niềm vui trong lòng, tôi hỏi anh Thanh Hải:
 
- "Nhà in của mình có lớn không anh? Mình cũng có máy phát điện để vận hành máy chứ nhỉ?"
 
Anh Thanh Hải cười:
 
- "Không có máy phát điện, nhưng máy vẫn "chạy" được. Đó là sự sáng tạo của anh em mình, kẻ thù không thể nào hiểu được!".
 
Tôi hơi ân hận về sự thơ ngây của mình. Nhưng dù sao cái tin ở trên rừng này cũng có nhà in, cũng ra báo vui quá làm cho tôi không quan tâm gì đến sự thiếu sót của mình nữa. Tôi tự nhủ trong lòng: "Thế thì mình chưa đến nỗi phải gác bút đổi nghề".
 
Vào buổi xế trưa ngày lễ Nô-en năm 1966, Thành ủy Huế vừa họp xong thì máy bay B.52 thả bom đúng ngay cơ quan. Nhà cửa bay tung hết. Chỉ có chị Hường (chị nuôi) bị thương còn không ai hề hấn gì. May mắn thật. Buổi chiều hôm đó, Thành ủy bố trí cho anh Thuyết (Hoàng Phủ Ngọc Tường) và tôi qua công tác ở báo Cờ Giải Phóng thuộc Ban Tuyên huấn, Hòang Phủ Ngọc Phan qua báo Vùng lên của Thành Đòan Huế. Ngay tối hôm đó, cơ quan Tuyên huấn nấu kẹo đậu phụng liên hoan chào mừng chúng tôi về công tác, nhân thể giới thiệu với chúng tôi anh em cán bộ trong cơ quan luôn. Năm tháng qua chúng tôi là khách của Thành ủy, giờ đây mới được làm cán bộ, chúng tôi rất thích. Đáng lẽ cái phút liên hoan nầy vui lắm mới phải, nhưng tiếc là bị trận B.52 lúc xế trưa giờ nầy nó vẫn còn âm vang trong tai, tôi hơi buồn ngủ nên muốn cho cái "thủ tục" nầy diễn qua nhanh để tìm chỗ treo võng ngủ. Giọng bác Ưng Trí (cháu nội của Tuy Lý Vương, Phó Ban Tuyên huấn) nói đều đều, đến đọan giới thiệu bộ phận nhà in bỗng vui lên làm cho tôi phải chú ý:
 
- "Đây là đồng chí Võ Văn Linh phụ trách nhà in Sông Hương, đây là đồng chí Nguyễn Mậu Vinh nguyên là một học sinh đệ tứ trường Hàm Nghi, là công nhân chủ chốt của nhà in.. . Công tác báo chí của hai anh có quan hệ mật thiết với nhà in. Vì thế hôm nay hai đồng chí nhà in tuy ở xa cũng đại diện cho công nhân ra thăm hai anh!"
 
Trong khi mệt mỏi buồn ngủ không biết sao đầu óc tôi lại tỉnh ra dần. Tôi đọc được trong lời giới thiệu của bác Ưng Trí có một cái gì đó rất tin tưởng và tự hào về bộ phận nhà in. (Mãi về sau nầy làm quen với cuộc đời kháng chiến tôi mới dần dần hiểu hết. Giúp việc cho Thành ủy lãnh đạo có hai bộ phận quan trọng bí mật tuyệt đối là cơ quan điện đài (vô tuyến điện và nhà in). Đã có lần ân hận vì một câu hỏi thơ ngây trước mặt anh Thanh Hải nên buổi tối hôm ấy tôi không dám nói năng gì.
 
Sau buổi tối ấy, chúng tôi bắt đầu cuộc đời làm báo kháng chiến.
 
Báo Cờ Giải Phóng nghe rất oai chứ thật ra “tòa sọan" chỉ có bốn người: anh Thanh Hải phụ trách chung, anh Lê Khánh Thông (người Hương Sơn, Hà Tĩnh) trình bày và khắc gỗ, anh Thuyết và tôi - vừa viết vừa là người biên tập. Sau có thêm anh Ngô Kha ở trên về thay anh Thanh Hải. Để chuẩn bị số báo Tết năm Đinh Mùi (1967), chúng tôi đi chặt cây đẵn gỗ làm một cái "tòa soạn" riêng ngay bên dòng suối nước chảy róc rách. Dựng nhà xong thì cuốc đất đào hầm. Không may đào trúng một ngay một tảng đá to. Vô lẽ giỡ nhà đi dựng chỗ khác nên phải cố gắng khới từng mảnh đá nhỏ để làm cho được căn hầm có thể che chở cho bốn mạng người. Hì hà hì hục đào mãi cũng không xong, anh em nhà in cử người ra đào giúp cho chúng tôi. Đồng chí Linh quê ở Phù Ninh Đồng Dạ (Phong Điền), người vạm vỡ, nhanh nhẹn lại rất vui tính, thấy chúng tôi thay nhau xuống bờ khe đục đá làm hầm, Linh cười:
 
- "Mấy ông nghệ sĩ thấy suối đẹp đến làm nhà ở chơi chứ không nghĩ là dưới lòng suối chỗ nào không có đá!"
 
Cười cho vui rồi Linh xắn tay áo ka-ki ám khói nhảy xuống bổ đá đào giúp chúng tôi. Thấy Linh có vẻ "chịu chơi" tôi gạ chuyện hỏi về cái nhà in Sông Hương. Linh cho biết đầu năm 1964, nhà in đã ra đời để phục vụ chỉ đạo của Ban cán sự Thành phố Huế. Linh là người "sáng lập" ra cái nhà in nầy. Lúc đầu nó chỉ có một bộ chữ và một cái ru-lô đúc bằng a-dao. Chữ tít không đủ, nếu cần thì phải lấy gỗ cây thị khắc chèn thêm vào. Với phương tiện như thế chỉ in được truyền đơn mà thôi. Kỹ thuật tuy đơn sơ như vậy nhưng hàng chục năm mình vẫn chưa làm được. Khi những tờ truyền đơn in "ti-pô" xuất hiện đồng bào mình tin tưởng là Cách mạng đã về lại đâu đây. Quân lính địch lượm được tài liệu in ti-pô chúng hoang mang và kháo nhau "Việt Cộng đã bước vào thời kỳ họat động chính quy rồi". Nhà in đã phục vụ đắc lực cho Phong trào Đồng khởi vào tháng 7-1964. Sau “đồng khởi“ vùng giải phóng được mở rộng ở các xã vùng ven, nhất là ở hai huyện Phú Vang và Hương Thủy. Thành ủy Huế ra đời, thanh niên ở thành phố và các vùng nông thôn ra tham gia cách mạng khá đông, lực lượng nhà in được bổ sung để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới. Lực lượng được bổ sung lần nầy có các đồng chí Vinh - người Vân Thê, học sinh; Mua - học sinh người Thanh Thủy Chánh, Lê Văn Sinh, thanh niên ở Đình Môn (khu vực lăng Gia Long) Nguyễn Lê Huy - học sinh Huế, v.v. Đầu năm 1965, Linh ra miền Bắc xin máy móc phương tiện kỹ thuật vào để hòan chỉnh một cái nhà in. Linh xin được mấy bộ chữ, giấy in và một cái máy in cải tiến. Năm 1965 nhờ có máy in tờ báo Cờ Giải Phóng rồi báo Vùng lên ra đời. Khi đã có máy in rồi, cái bàn dập và cái ru-lô được mang về vùng sâu tiếp tục in truyền đơn phục vụ cho sự chỉ đạo của tuyến trước. Bám sát cơ sở lãnh đạo lúc ấy là các anh Hoàng Lanh, Nguyễn Xuân Ngà. Thỉnh thoảng có anh Trần Anh Liên trên căn cứ xuống một thời gian.
 
Nhờ đào cái hầm đá mà tôi biết được đôi nét lai lịch của nhà in Sông Hương. Đào hầm đá xong, chúng tôi tập trung viết số báo Tết. Bài thơ đầu tiên của tôi xuất hiện ở chiến khu đăng trên số báo Tết này. Vì lúc đó còn phải giữ bí mật nên tôi lấy biệt hiệu Thiên Tứ, trong lúc đó anh Hòang Phủ Ngọc Tường có tên là Thuyết, viết báo với các bút hiệu Cung Mi, Thế Ngọc. Hai cái tên Thuyết, Tứ nầy chúng tôi được gọi suốt 9 năm kháng chiến.
 
Tờ Cờ Giải Phóng khổ nhỏ (bằng một phần tư khổ báo Nhân Dân) 8 trang, chỉ in trong bốn ngày là xong. Đọc tờ báo có đăng bài của mình lần đầu tiên giữa chốn rừng xanh âm u, tôi xúc động hết sức. Tôi cầm tờ báo đưa ra xa rồi lại kéo nó vào gần, tôi nghiêng qua rồi ngoảnh lại ngắm nghía không chán mắt. Những hàng tít quan trọng màu đỏ, thơ in chữ xiên nét chữ sắc sảo, không lèm nhèm như báo chí địa phương thời bấy giờ. 
 
Năm 1967, các vùng giải phóng lại mở rộng thêm, yêu cầu tuyên truyền báo chí lớn hơn. Nhà in Sông Hương được bổ sung công nhân. Lần này tòan nữ thanh niên gồm các đồng chí Dễ, Nhớ, Tuyết, cô Nhung.
 
Năm 1967, ngoài nhiệm vụ phục vụ tuyên truyền, Nhà in còn phải lo một khối lượng giấy mực in lớn chuẩn bị phục vụ chiến dịch Xuân 1968. Nhà in cho người về Văn Xá, dòng Thiên An, làng Thanh Thủy thượng mua giấy in (phần lớn là giấy manh). Tôi và anh Thuyết được chỉ thị làm một tờ báo ronéo để tuyên truyền trong nội thành. Học tập óc sáng tạo của công nhân nhà in, tôi đích thân về Hương Trà nhờ anh Thọ (Bí thư) mua hộ một tấm gương phẳng khổ lớn hơn tờ giấy tangxin một chút. Nhờ văn phòng Thành ủy mua giấy tangxin, mực in ronéo và giấy in ronéo. Kỹ thuật in ronéo theo kiểu cải tiến này là dùng ru-lô bôi đều mực in lên mặt tấm kính. Sau đó úp tờ tăngxin đã đánh máy xuống tấm kính, mực in theo những khe giấy sáp đã bị máy chữ đục thủng tươm ra, chúng tôi đặt nhẹ giấy ronéo lên đó và vuốt đều. Thế là xong. Từ một người viết tôi đã trở thành một anh "công nhân in". Báo Việt Trẻ ra đời. Tờ báo này là sự nối tiếp tờ Nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam Việt Nam rất được chú ý của chúng tôi hồi đầu năm 1966 ở Huế. Ngoài việc in báo Việt Nam Trẻ, bộ phận in ronéo đã đỡ cho nhà in Sông Hương bớt một phần gánh nặng in ấn tài liệu chuẩn bị cho sự ra đời Mặt trận Liên minh Huế. Tác phẩm cuối cùng được in bằng ronéo lúc ấy là tập thơ Nổi lửa phát hành vào giữa những ngày giải phóng Huế mùa Xuân năm 1968. Anh em sinh viên Huế nhận được báo Việt Nam Trẻ và tập thơ Nổi lửa họ cứ tưởng là chúng tôi làm ngay giữa thành phố nầy. Đến nay, nhiều người còn giữ và mang đến tặng chúng tôi làm kỷ niệm.
 
Để làm nên chiến thắng mùa Xuân 68, nhà in Sông Hương đã đóng góp xương máu một người, lại là người chủ chốt nhất của nhà in- đồng chí Võ Văn Linh. Linh hy sinh trên đường đem tài liệu vừa in xong về Huế. Đồng chí Vinh thay Linh quản lý nhà in. Sau đó anh Hồ An ở nhà in tỉnh Thừa Thiên (cũ) (anh An là một công nhân có kinh nghiệm, bám căn cứ suốt thời kỳ khó khăn nhất của chiến trường) về bổ sung.
 
Chiến dịch Mậu Thân xong, chiến trường Thừa Thiên - Huế gặp khó khăn chưa từng thấy. Lực lượng cách mạng có lúc phải lui qua đến tận biên giới nước bạn Lào. Thiếu lương thực anh chị em Nhà in Sông Hương ăn môn vót, môn thục và môn trâu vẫn bám máy, hằng tháng, báo chí, tài liệu tuyên truyền vẫn ra đều đều. Năm 1969 nữ đồng chí Dễ về Hải Cát để mua lương thực đã hy sinh. Địch đánh phá dữ dội, nhiều khi nhà in phải ở cách xa lãnh đạo và Ban Tuyên huấn đến hai ngày đường. Nhà in là một loại "công nghiệp nặng". Máy móc vật tư của nhà in nặng đến 5 tấn. Hai người mới gùi nổi một hộp chữ. Trong những lần di chuyển hay chạy càn, chúng tôi rất khâm phục những đồng chí gùi cái nền thép và cái ru-lô (hai bộ phận chính của máy in). Chúng vừa nặng nề vừa cồng kềnh, chui lủi trong rừng vướng víu rất khó xoay xở. Chỉ có anh An, Vinh, Huy - những người mạnh nhất của nhà in mới đủ sức tải món cơ khí nặng nề ấy.
 
Nhà in bao giờ cũng đặt tại những nơi hiểm hóc và tuyệt đối bí mật. Không phải tất cả mọi người trong Ban Tuyên huấn đều được phép vô nhà in. Trong mọi cuộc biệt kích, bọn Mỹ - ngụy luôn luôn đặt mục tiêu tìm diệt cho được điện đài và nhà in giải phóng của ta. Trong mấy năm ấy dấu chân biệt kích đi khắp nơi, năm 1966 chúng đã men vào đến cửa ngõ cơ quan Thành ủy, nhưng chưa bao giờ chúng đánh hơi được Nhà in Sông Hương đặt ở hướng nào. Sự thiệt hại lớn nhất của Nhà in Sông Hương xảy ra vào năm 1969 tại thôn Chà Tang (xã Hương Hữu). Lúc ấy "anh bạn" Điện đài mang máy đến đặt ở gần nhà in mà truyền phát tin nhưng vì nguyên tắc bí mật anh em nhà in không biết. Máy bay thám thính OV10 dò tìm được khu vực điện đài, chúng gọi máy bay đến ném bom. Bom không trúng điện đài mà lại rơi xuống chính giữa nhà in. Anh em công nhân may mắn vô hầm kịp, còn tòan bộ máy móc, chữ in hư hại cả. Sau đó anh An dắt một đòan công nhân vượt bảy ngày đường lên Nhà in khu ủy Trị Thiên - Huế xin chi viện. Chẳng bao lâu Sông Hương lại tiếp tục họat động lại như cũ. Lần nầy không những chỉ in hai tờ báo Cờ Giải Phóng và Cứu lấy Quê hương (tờ báo của Mặt trận Liên minh do anh Hòang Phủ Ngọc Tường phụ trách ra đời từ sau chiến thắng Xuân 68) mà còn in cả tập sách Huế 71 do Hòang Phủ Ngọc Tường biên soạn (tập này chỉ in được mấy chương rồi phải dừng vì chiến dịch 1972).
 
Từ 1972 trở đi, phong trào cách mạng ngày càng khởi sắc cho nên nhịp độ họat động của nhà in Sông Hương cũng tăng trưởng không ngừng. Đối với chúng tôi, thời kỳ có nhiều kỷ niệm sâu sắc chính là những năm ở chiến trường có nhiều khó khăn nhất. Báo Cờ Giải Phóng từ khổ nhỏ cuối năm 1967, trở thành khổ lớn đầu năm 1968. Nhưng đến năm 1969, chiến trường ác liệt quá, anh em cán bộ nằm đất ngủ hầm không thể ngồi giở một tờ báo lớn ra trước mặt mà đọc được, buộc lòng phải thu nhỏ tờ báo xuống bằng bàn tay. Lực lượng viết, người thì ra tuyến sau, người đau nằm bệnh viện, người lo vào rừng đào củ chuối củ mài, môn trâu môn voóc nuôi anh em, nhiều số báo chỉ có một người viết. Tuy thế vẫn có đầy đủ xã luận, tạp ghi, tin tức, thơ văn, và báo ra đều kỳ. Bởi vì đồng bào mình mỗi lần chờ lâu không thấy báo về, họ cứ lo “Cách mạng đã bị tiêu diệt rồi” thì nguy lắm. Sự hiện diện của tờ báo in ti-pô nó quan trọng đến như thế cho nên với bất cứ giá nào cũng phải bảo đảm cho báo ra đúng kỳ.
 
Tết năm 1969 chúng tôi ở làng Giồng. Đây là cái tết khó khăn đói kém nhất của chiến khu Huế. Tối 30, chúng tôi đào được một soong gô môn voóc, định vừa ngồi nấu ăn vừa nghe giao thừa trên radio, bất chợt anh Trần Anh Liên (Quyền Bí thư Thành ủy) đến thăm "tòa soạn" và đón giao thừa với chúng tôi. Món quà Tết độc nhất anh Liên mang đến năm ấy là tập thơ Huế mùa xuân bằng bàn tay mà anh em Nhà in Sông Hương đã cố gắng hòan thành vào chiều 30 Tết. Không có dầu thắp đèn, anh Liên nhờ đồng chí Hoa - một thanh niên Hải Phòng (làm cần vụ) ra ngoài rừng chặt tre bọp bọp làm mấy bó đuốc mang vào đốt lên để đọc thơ. Ánh đuốc sáng rực xua tan cái màn đêm buốt lạnh và huyền hoặc như trong truyện thần thoại. Giọng anh Liên chính gốc Hà Nội, sáng, đẹp, đọc hết thơ anh Trường Xuân (tức Lê Chưởng) đến thơ Thanh Hải, Trần Phương Trà, Thế Ngọc (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Tâm Hằng (Nguyễn Đắc Xuân)... Mấy cây đuốc bọp bọp cháy hết thì Huế mùa xuân cũng dến bài cuối cùng. Những bài thơ ấy đã in trên báo thế mà khi sưu tập lại in thành một cuốn sách trông nó có vẻ "bề thế" ngay. Một số bài trong tập nầy được Nhà xuất bản Giải Phóng chọn lại đưa vào tập Trong bước quân đi in ở Hà Nội mấy năm sau đó.
 
Mỗi lần nhớ lại những ngày làm báo gian khổ trên rừng tôi lại thấy quý những gì tiện nghi, thuận lợi hôm nay. Bởi thế tôi rất sợ tên mình phải ký dưới những bài viết không vì lợi ích của nhân dân.
 
N.Đ.X
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhịp sóng xanh (03/10/2017)
Đời tóc (21/06/2017)