NGUYỄN NGUYÊN AN
(Trại sáng tác VHNT A Lưới, tháng 08/2017)
Đoàn Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế lên A Lưới, nơi mà mười năm trước đây tôi gọi: “Nơi nguồn sông chim hót”, một cuộc về nguồn thú vị nhưng chắc rằng không ít gian nan trong bầu trời tháng tám, có hôm nóng tới 38 độ C.
Người chúng tôi gặp đầu tiên là Anh hùng Kan Lịch, người dân tộc Pa Cô. Bà là một trong những nữ dân tộc đâu tiên băn rơi chiêc máy bay Đa-ko-ta ( Douglas C-47) trên chiến trường miền Tây Thừa Thiên - Huế. Hồ Kan Lịch sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước ở huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 14 tuổi, Kan Lịch tham gia cách mạng. Bà theo cậu ruột Hồ Đức Vai làm nhiệm vụ giao liên xã Thượng Ninh, vận chuyển hàng hóa cho bộ đội gồm giấy, bút mực, pin cối, nylon, thực phẩm cùng một số thư từ, công văn quan trọng từ đồng bằng lên vùng núi A Lưới. Quá trình vận chuyển, Kan Lịch bị địch bắt và giam ở Thừa Thiên Huế suốt ba tháng. Đầu năm 1963, Kan Lịch phụ trách một nhóm du kích 7 người bí mật đánh đồn A Lưới. Đội du kích đã lọt vào đồn rồi địch vẫn ngủ say. Mọi người bàn với nhau, sau khi tước hết vũ khí của địch thì Kan Lịch hô to đánh thức địch dậy để anh em tiêu diệt, “dậy đi, các đồng chí bộ đội nói chuyện”. Địch giật mình vùng dậy, tất cả bị tiêu diệt. Năm 1964, Kan Lịch chỉ huy 6 chị em du kích tập kích máy bay ở sân bay A Lưới. Trong tay Kan Lịch cùng đồng đội chỉ có một khẩu súng trường thu được của quân Pháp. Sau 2 ngày tập trung theo dõi giữa đồi tranh nắng nóng, máy bay Mỹ đã lọt vào vị trí phục kích. Khi máy bay vừa cất cánh, Kan Lịch ngắm bắn đúng vào vị trí bình xăng. Chiếc máy bay bốc cháy cách nơi xuất phát khoảng 1km, 60 tên lính và 1 đại tá Mỹ tử trận... Bà chỉ kể cho chúng tôi nghe vài thành tích trong nhiều chiến công của bà. Tháng 7 năm 1967, Kan Lịch được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua các lực lượng giải phóng miền Nam lần thứ 2 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Bà là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của dân tộc Pa Cô. Tháng 5 năm 1968, Kan Lịch được Quân khu Trị Thiên đưa ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người tặng cho một chiếc radio cùng một cây bút. Khi trở về Thừa Thiên, Bác Hồ dặn: “Làm anh hùng đã khó nhưng giữ được danh hiệu anh hùng càng khó. Cháu luôn phải phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó và làm gương cho bà con noi theo. Cháu nên học tập để biết đọc biết viết, để sau này còn giúp đỡ bà con...”. Kan Lịch vinh dự được gặp Bác Hồ 7 lần. Để nhớ ơn đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Kan Lịch lấy họ Hồ để làm họ của mình. Đến nay, bà đã vào tuổi 75 và nhiều bệnh tật, các bác sĩ thường đến thăm khám cho bà tại nhà, giúp bà có được cuộc sống bình yên chan hòa. Khi khỏe bà vận động bà con lên nương làm rẫy, tăng gia sản xuất, đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Bà còn là một người mẹ, người bà luôn tỏa sáng đạo đức phẩm hạnh của một anh hùng cho thế hệ trẻ ngày hôm nay noi theo, gìn giữ và phát triển...
Anh hùng Hồ Đức Vai (tức A Vai) mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên 6 tuổi, phải sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con làng xóm. Lớn lên theo cách mạng, lập nhiều chiến công, ông được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ khi còn rất trẻ. Ông cũng là người Pa Cô đầu tiên ở huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế, vinh dự được mang họ Hồ và được gặp Bác 5 lần. Chiến tranh đã lùi hơn 40 năm, nhưng những ký ức thời binh lửa vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ngưòi dân tộc Pa Cô này. “Từ năm 1961 A Lưới là một trong những căn cứ địa cách mạng chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong kháng chiến. Chứng kiến cảnh quân đội Mỹ dùng hình thức tàn độc giết hại bà con, A Vai không thế nén chịu cái cảnh đau thương ông đã tình nguyện tham gia đội du kích địa phương. Một năm sau, ông chính thức được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng. Với lòng nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu quả cảm, đội du kích do ông phụ trách đã đánh nhiều trận khiến cho quân địch ngày càng run sợ. Chỉ tính riêng trong năm 1961, A Vai đã cùng đồng đội, đồng chí của mình đánh trên 20 trận lớn nhỏ, diệt 32 tên địch, bắn bị thương 9 tên, làm sập hầm chông chết 1 tên và bị thương 50 tên khác. Lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở và dùng cách đánh du kích truyền thống, trong suốt năm 1962, A Vai đã nhiều lần cùng anh em đánh chặn thành công các trận càn của địch. Trận đánh mà A Vai nhớ nhất là vào ngày 11/7/1963. Khi đó, A Vai đang làm rẫy thì nghe tin địch càn vào xã A Ninh. Ông một mình vác súng chạy tắt rừng, đón đầu hướng di chuyển của địch. Sau khi đã tìm được vị trí mai phục ở núi A Sờ, đợi đội hình địch hành quân qua, ông dùng tiêu liên quét liên hôi. Sau loạt đạn, 3 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại hốt hoảng chạy tháo thân, bỏ dở cuộc càn. Năm 1965, ông được địa phương chọn đi dự Đại hội Chiên sỹ Anh hùng thi đua toàn miền Nam, tổ chức tại Tây Ninh. Trong số 32 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, có 2 du kích người dân tộc thiểu sổ, trong đó có ông và anh Pi Năng Tăk, dân tộc Răglai (tỉnh Ninh Thuận). Trong một lân được gặp Bác Hồ, Bác đã ân cần căn dặn anh: “Cháu đã làm cán bộ thì phải học cái chữ. Có biết đọc, biết viết mới nói tiếng Kinh rõ được, mới làm cán bộ của đồng bào, phục vụ cách mạng được...”.
Năm nay Anh Hùng Hồ Đức Vai đã 77 tuổi, mặc dù được các bác sĩ chăm sóc chu đáo nhưng ông cũng nhiều bệnh tật do tuổi già và vết thương cũ. Tuy vậy, ông luôn gắn bó với nương rẫy vườn nhà và còn nuôi 04 hồ cá để cải thiện đời sống gia đình.
Đoàn chúng tôi đi lên 853 bậc cấp và 7 đoạn đường dốc dài tổng cộng 1567m lên đỉnh đồi A Bia. Con đường nằm dưới bóng mát của rừng xanh và sự yên tĩnh mát lạnh của Đông Trường Sơn. Càng vào sâu, lên cao, sự bí ẩn của núi rừng càng trở hấp dẫn, nghe tiếng chim rừng, khám phá những cây cỏ lạ và những dấu tích chiến tranh còn lại. Thỉnh thoảng xuất hiện những biển chỉ dẫn: Trạm xá A Bia, Điểm rơi máy bay trực thăng Mỹ... Tuy vậy, ai lên đến A Bia đều thở hào hển nhưng đều cười, thở phào nhẹ nhõm vì đã chinh phục được đỉnh cao điểm 937 mét so với mặt nước biến, nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt-Lào - A Bia. Chiến tranh đã lùi xa cách ngày nay hơn 40 năm nhưng dư âm vẫn còn vang vọng trong tôi. Tôi thành kính đảnh lễ và tọa thiền tưởng niệm các hương linh liệt sĩ đã hy sinh và những người chết tại đây. Tại địa danh này, tháng 5 năm 1969, sau thất bại nhục nhã trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân (1968), đế cuốc Mỹ và bè lũ tay sai điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới là một trọng điểm. Địch chọn A Bia làm địa điểm tập kết quân gồm lực lượng 13 tiểu đoàn (trong đó có 8 tiểu đoàn Mỹ, 5 tiểu đoàn ngụy) kết hợp với lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng yếm trợ, mưu đồ hòng đẩy cơ quan Bộ Chỉ huy, bộ đội ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Biết trước âm mưu của địch, với quyết tâm tiêu diệt quân thù ngay từ đầu, trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 đã phối hợp nhịp nhàng cùng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích miền Tây đã tổ chức chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, tiêu diệt 1500 tên, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, tướng hai sao Mô – đi – Sơn bị thương nặng. Chiến thắng A Bia là nguồn cổ vũ lớn cho quân và dân ta, làm kinh hoàng, chấn động dư luận nước Mỹ, đồi A Bia như báo chí phương Tây phản ánh đó là tử địa, đồi Thịt Băm (Hamburger hill), địa danh chấn động trời Tây, nỗi khiếp sợ của binh lính Mỹ. Trong đoàn chúng tôi có anh Lê Quý Trọng là chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, hiện là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có người hỏi anh: “lên đồi HAMBERGER còn dấu tích gì trên đó không?”. Bạn tôi trả lời: “Còn vài hồ bom, còn bãi máy bay trực thăng của Mỹ mà cỏ cây lên xanh cả rồi! Lên để có cảm xúc và hồi tưởng lại một thời, cầu nguyện cho tất cả các linh hồn của cả 2 chiến tuyến siêu thoát an nghỉ dưới cõi vĩnh hằng. Và mong trái đất này! Những cánh rừng xanh bạt ngàn này luôn xanh mãi một màu xanh hòa bình, không còn chiến tranh nữa, để cho một Trường sơn dài xanh thơ mộng, nghe tiếng chim, nghe tiếng hú của thú rừng nguyên bản trời đất đã tạo hóa”. Và, nhà thơ Đặng Văn Sử cùng đi với tôi viết vội một bài thơ: “A Bia A Bia ban sơ/ Hồng hoang đất mẹ núi rừng Trường Sơn/ Những in dấu cồng chiêng, Giao Chỉ.../ Của thanh bình thâm uẩn ngàn năm/ A Bia dậy làn sóng dân – quân quét giặc/ Lập huyền sử những thông số còn ghi/ (3.1969, 3-324, 13, 1500, 2, 51...)/ Xay xác người... đồi hóa thịt băm/ A Bia Humburger Hill tái mùa lá rợp/ Nỗi niềm di tích, dấu chỉ còn ghi từ độ cao chín trăm – ba – bảy/ Khái quát vùng... hứng tiếng chim ca”
Sau bao năm tháng, ít ai có thể ngờ rằng đồi Thịt Băm (Hamburger hill) từng là nỗi khiếp đảm, “địa ngục trần gian” đối với lính Mỹ nay đã thay bằng một màu xanh mới tràn trề nhựa sống. Đồi A Bia huyền thoại trở thành một địa điểm du lịch nối tiếng trên dãy Trường Sơn. Một con đường bê tông dài 3,5 km, nối từ trung tâm xã Hồng Bắc đến đồi A Bia để phục vụ khách du lịch chinh phục quả đồi này. Tại khu vực đỉnh đồi, địa điểm sân bay trực thăng A Bia cũ đã được dựng một nhà bia tưởng niệm. Còn tất cả đều là rừng già. Ở góc đông nhà bia vài người phát hiện điểm lý tưởng. Từ đây có thể phóng tầm mắt xuống thị trấn A Lưới, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, bao bọc bởi trùng điệp núi rừng...
Lúc 5 giờ sáng, tại nhà nghỉ Thanh Quang A Lưới đoàn chúng tôi chạy ô tô ra viếng Nghĩa trang Trường Sơn, đến cầu treo Đakrông Quảng Trị trời đã bừng sáng, khởi đầu một ngày mới với cái nóng 38 độ C chào đón chúng tôi. Trong chiến tranh chống Mỹ, đoạn sông này là điểm vượt bí mật của tuyến đường mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh đầu tiên với ba bến vượt: Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xóm Rò... Những năm 1972 - 1975, một chiếc cầu sắt được bộ đội bắc qua sông, nối thông tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam. Sau ngày tổ quốc thống nhất, được sự giúp đỡ của nước bạn Cuba, cầu treo Đakrông đã được xây lại khá quy mô. Chúng tôi tiếp tục hành trình đến nghĩa trang Trường Sơn. Nhạc sĩ Lê Phùng Chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TT.Huế cùng các anh chị văn phòng Hội đã đứng đón sẵn. Chúng tôi thật xúc động tình cảm của Hội đối với anh em văn nghệ sĩ, không phải quý vị đã và đang lo chu đáo mọi thứ cho chúng tôi mà chính tấm lòng của quý vị có sự quan tâm đặc biệt từng thành viên, từng anh, chị em của hội. Khi nhạc sĩ Lê Phùng dâng hương tưởng niệm Bác và 10.263 liệt sĩ tên và không tên yên nghỉ ở Trường Sơn, anh đã biểu lộ lòng thành kính, tri ân sâu sắc, làm tôi nhớ bài thơ của Đại tá nhà văn Nguyễn Hữu Quý:
“KHÁT VỌNG TRƯỜNG SƠN
Nằm kề nhau
Những nấm mộ giống nhau
Mười nghìn bát hương
Mười nghìn ngôi sao cháy
Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng
Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn
Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn
Mười nghìn đôi tay mở rừng xé núi
Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm
Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều...
Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão
Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh
Mười nghìn cơn mưa mười nghìn cơn nắng
Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh
Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi
Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi
Mười nghìn vết đau mười nghìn vòng trắng
Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần...
Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn
Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn
Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc
Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta
Mười nghìn con đò thương về bến đợi
Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...
Mười nghìn tấm bia còn mười nghìn nữa
Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn
Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương
Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng
Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...
Mười nghìn khát vọng được về bên nhau !”
Tôi cũng nghĩ rằng: “Nếu nghệ sĩ nhiếp ảnh bắt được cảnh này, chắc sẽ có bức ảnh đẹp”.
Đoàn và văn phòng Hội Liên hiệp cùng cô Thảo văn phòng Hội Văn nghệ Quảng Trị tiếp tục đến sân bay Tà Cơn. Cụm cứ điểm Tà Cơn, nằm ở Bắc đường 9 được coi là khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố dày đặc và một sân bay cỡ lớn (sân bay Tà Cơn) dùng làm nơi cất và hạ cánh của các loại máy bay lên thẳng vũ trang, một số máy bay vận tải và phản lực chiến đấu. Sân bay có diện tích khoảng 10.000m2 nằm giữa căn cứ với một đường băng được lát bằng hàng ngàn tấn ri nhôm và ri sắt. Trong khu vực sân bay có trụ sở chỉ huy cứ điểm, đài chỉ huy sân bay, đài liên lạc... cùng hệ thống công sự phòng ngự dày đặc. Bảo vệ bên ngoài là một hàng rào dây kẽm gài bùng nhùng và những bãi mìn lớn...
Tà Cơn là tên gọi đế chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 - 1968, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điêm Khe Sanh. Địa danh này gắn với chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Hiện nay, di tích nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; cách đường Trường Sơn (đường 14 nối từ Khe Sanh vào Hướng Lập) hơn 400m về hướng Đông bắc; cách trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa - Thị trấn Khe Sanh 3km.về hướng Bắc. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12 tháng 12 năm 1986. Khe Sanh là một thung lũng hình lòng chảo được bao bọc xung quanh bởi các núi đồi trên một cao nguyên ở độ cao 800m, rộng chừng 60ha. Ở vào vị trí gần biên giới lại án ngự quốc lộ 9 nối từ Đông Hà Việt Nam với Nam Lào, Khe Sanh có một vị thế chiến lược khá lợi hại về quân sự không chỉ trên chiến trường Quảng Trị mà còn cả khu vực Đông Dương. Chính vì thế, giữa tháng 1/1964, sau khi sang nhận chức Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam, tướng 4 sao Oétmôlen đã vội vã đáp máy bay ra Quảng Trị để thị sát vùng Khe Sanh, và ngay từ đầu, viên tướng Mỹ đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc kiểm soát vùng đất này. Theo Oétmôlen, Mỹ có thể thiết lập ở Khe Sanh một tập đoàn cứ điểm quân sự như là một cái “chốt cứng”có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở phía Nam khu phi quân sự; biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn quân đối phương từ Lào sang theo đường số 9 và cũng là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm quấy nhiễu đôi phương dọc biên giới Việt - Lào. Đồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của “Việt Cộng”, đánh phá, cắt đứt các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Từ năm 1965 trở đi, quân Mỹ liên tiếp dùng máy bay rải chất độc hóa học khai quang xuống miền núi Hướng Hóa; đồng thời tiến hành các cuộc càn quyét, tổ chức gom 5.000 dân đang làm ăn sinh sống hai bên trục đường 9 vào các khu tập trung Tà Cơn, Làng Vây. Đầu năm 1966 Mỹ - ngụy thiết lập tuyến phòng thủ dọc đường 9 từ Đông Hà sang Lào bằng việc tăng cường quân Mỹ và quân ngụy cùng các binh khí, kỹ thuật để xây dựng các cứ điểm hỏa lực mạnh trên toàn tuyến hành lang chiến lược đường số 9 gồm: Đông Hà, Cam Lộ, Tân Lâm, Đầu Mầu, Đakrông, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Huội San...Trong đó, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh được coi là “cái bẫy chết người” chờ tiêu diệt “Cộng sản”. Cuối năm 1967, khoảng 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đã kéo đến Khe Sanh. Với cách bố trí như vậy, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động, được Mỹ - ngụy coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Tại đây có trung đoàn lính thủy đánh bộ 126 của Mỹ, một tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng và 8 đại đội lực lượng bảo an của ngụy đóng giữ, yểm trợ và chi viện khi lâm chiến. Bên cạnh đó là một loạt các căn cứ quân sự được xây dựng trên các cao điểm xung quanh như: 689, 682, 845, 832, 1009 (Động Tri).
Ở phía Tây nam và Đông nam Tà Cơn là quận lỵ hành chính Hướng Hóa và cứ điểm Làng Vây. Quân Mỹ thường xuyên có 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, các lực lượng pháo binh, thiết giáp và lực lượng quân ngụy với khối lượng binh khí kỹ thuật và hậu cần to lớn. Đó là chưa kể sự yểm trợ tối đa của các lực lượng pháo binh, không quân, kể cả những máy bay chiến lược 352 ở Hạm đội VII, đảo Guam.
Để đập tan những tham vọng ngông cuồng của Mỹ - ngụy, Chiến dịch đường 9 Khe Sanh được mở màn bằng trận đánh phục kích của bộ đội ta vào đoàn xe vận tải trên đoạn đường Tân Lâm, KLu ngày 13/1/1968, phá hủy 9 xe quân sự, diệt 100 tên Mỹ. Ngày 18/1 đánh địch ở cao điểm 845, L (khu vực Tà Cơn). Đêm 20/1 lực lượng ta bất ngờ tấn công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh mở đầu đợt 1 của chiến dịch giải phóng Khe Sanh. Ngày 21/1 tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa. Ngày 23/1 đánh chiếm Huội San và bắt đầu chiến dịch vây hãm Tà Cơn. Đêm 7/2/1968, lực lượng vũ trang Hướng Hóa cùng trung đoàn 24 (sư 324) tấn công giải phóng Làng Vây.
Từ ngày 8/2/1968, lực lượng vũ trang ta bước vào đợt 2 của chiến dịch: tấn công vây hãm cứ điểm Tà Cơn. Với khẩu hiệu “biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của đế quốc Mỹ” và dùng chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt đi đến tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm địch”; các tổ bắn tỉa tích cực hoạt động; pháo binh ta lúc bắn cấp tập, lúc bắn cầm canh làm cho lính Mỹ thường xuyên sống trong tính trạng căng thẳng. Địch phải dùng máy bay lên thẳng tiếp tế lương thực, nước sinh hoạt và vũ khí, đạn dược. Lính Mỹ hàng ngày bị giam chặt trong các hầm hào, lô cốt chật chội tại các cứ điểm không dám ra ngoài vì sợ bị bắn tỉa. Máy bay thả hàng tiếp tế cũng không vượt được lưới lửa phòng không của quân giải phóng. Tà Cơn thực sự trở thành chiếc “ghế điện” thành “nhà thương điên” đối với liên quân Mỹ - ngụy. Nỗi lo về một “Điện Biên Phủ thứ 2” ám ảnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ, buộc chúng phải ra lệnh mở chiến dịch ném bom rải thảm và đưa lực lượng lên cứu Khe Sanh. Tại Lầu Năm Góc, tổng thống Johnson chỉ thị cho tướng do lập “phòng tình hình” để theo dõi chiến sự Khe Sanh, ra lệnh cho các tham mưu trưởng Mỹ cam kết phải giữ vững Khe Sanh bằng bất cứ giá nào.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 1/4/1968, Mỹ - ngụy tiến hành cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh của một sư đoàn kỵ binh không vận lấy tên “Ngựa bay”, kết hợp với cuộc hành quân “Lam Sơn 270” của một lữ đoàn dù dự bị chiến lược ngụy và một tiểu đoàn biệt động quân, gồm tất cả 17 tiểu đoàn (có 13 tiểu đoàn Mỹ). Quân chủ lực ta còn 9 tiểu đoàn đứng chân ở mặt trận Khe Sanh bước sang đợt 3 của chiến dịch, chuyển trọng tâm sang tiêu diệt quân chi viện, đồng thời tiếp tục vây hãm Tà Cơn. Sau 47 ngày đêm bị quân ta chặn đánh, quân chi viện không những không cứu được Khe Sanh mà làm cho vòng vây Khe Sanh ngày càng bị thít chặt. Ngày 26/6/1968, quân Mỹ buộc phải rút khỏi Khe Sanh.
Từ năm 1998, công cuộc trùng tu, tôn tạo được bắt đầu nhưng do khó khăn về nhiều mặt nên chưa có gì đáng kể. Phải đến những năm từ 2002 trở đi thì việc tôn tạo di tích mới thực sự có được những chuyển động tích cực. Hiện nay, trong khuôn viên di tích sân bay Tà Con có một nhà Bảo tàng, một số hầm hào, công sự, đường băng đã được phục dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay, trực thăng, đại bác, xe tăng... về xe tăng, tôi thấy có thêm bốn chiến nữa được trưng bày để phục vụ nhu càu tham quan du lịch của khách tham quan trong và ngoài nước. Sân bay Tà Cơn đã và đang trở thành một điểm tham quan thu hút ngày càng đông du khách tuyến du lịch DMZ.
Trong đoàn chúng tôi, có một nhà điêu khắc trẻ đầy nhiệt huyết. Mờ sáng điêu khắc Phan Thanh Quang, giảng viên Khoa điêu khắc, trường Đại học Nghệ thuật Huế đã nổi lên nhưng tiếng dùi cui, làm thức tỉnh anh em, nhất là các anh nhiếp ảnh vội vàng chụp lấy công cụ của mình Lao vào bóng ngày nhờ nhờ sáng, đi sáng tác cho kịp bình minh, kịp buổi chợ đông. Anh Quang truyền tài năng, trí tuệ của mình vào từng thớ gồ bằng những “tút”, “táp”... mang âm hưởng của núi rừng, mỗi lần đi Trại có Quang không khí bông sôi động hơn. Quang dựa vào hình tượng người thổi Khèn để xây dựng một cô gái Tà ôi dệt zèng.
Tôi trở lại A Hươr, xã Nhâm trên con đường thảm nhựa và các đường bê tông hóa. Cả xã, cả huyện cùng lớn dậy mọi mặt, khác lạ hơn mười năm trước. Nhớ năm xưa cô Viên Thị Dít vừa thoăn thoắt bẻ bắp vừa hát cho tôi nghe bài: “Ó May Nhim Ape Ơi...” “Đừng khóc các đồng chí ơi, mình nhớ gia đình gửi lá thư. Đừng khóc các đồng chí ơi, mình nhớ quê hương mình gửi lời thăm... Đừng khóc các đồng chí ơi nhớ tới nhiệm vụ mình phải thực hiện cho nhanh. Đừng khóc các đồng chí ơi rút lui nhân dân thắc mắc. Đừng khóc các đồng chí ơi mình hy sinh nhân dân đều nhớ...” giọng hát của Dis tỉ tê như dòng suối mát chảy vào lòng tôi một hoài niệm mênh mang.
Ra chợ tạm A Lưới cách chợ cũ gần 1km bên đường Trường Sơn, tôi bất ngờ tao ngộ với những cánh hoa Mimosa ở xứ sở sương mù, đang run run cánh mỏng mảnh hồng mơ giữa rộn ràng thị tứ. Trong đầu tôi lời bài hát không trọn vẹn vang lên: "Mimosa từ đâu em tới đất này...". Tôi ngước mắt nhìn mái nhà Trường Sơn hùng tráng, nơi nguồn sông chim hót, nơi bắt đầu đô thị đang dang đôi cánh vạm vỡ của mình ôm ấp A Lưới và thành phố Huế thân thương của tôi nằm phía biển đông bằng tấm lòng và nhiệt huyết của những người GÌN GIỮ GÓC NON SÔNG.
A Lưới, ngày 14 tháng 08 năm 2017
N.N.A