Bút ký - Tản văn
Giấc quê trong vườn mẹ
15:46 | 06/02/2020

NHỤY NGUYÊN

(Bút ký)

Giấc quê trong vườn mẹ
Nhà văn Nhụy Nguyên

Mỗi lần về quê là như được trở về nguồn thơ dại, với những gì thân thuộc, sự hồn nhiên; tôi như được trở về miền sâu thẳm của tâm thức luôn lưu dấu những gì đẹp nhất của đời người, và ở trong khu vườn của mẹ còn đó cây cỏ thân quen luôn dành cho người xa quê biền biệt.

Theo chuyến xe thường đi khởi từ Huế, mỗi lần đến xã Thụ Lộc (Hà Tĩnh) quê tôi tầm ba bốn giờ sáng, điểm đánh dấu làng là cầu Trù có từ thời chiến tranh, đến nay đã được thay mới song cơ bản vẫn hình dung ra nét xưa. Tôi nhớ những thanh sắt gỉ sét của nơi thân cầu. Nhớ hai bên có đường đi bộ hẹp mà không có lan can vịn, dắt xe trên đó hay đi bộ ai yếu bóng vía cứ sợ ngã xuống sông, vậy mà có lão ngầu đời đã khoanh tay đạp xe qua. Những đứa mới lớn và thanh niên thì trưa chiều vẫn đứng trên cầu nhảy ùm xuống sông, xoáy thành một vùng lớn phía dưới, mất tăm một lúc mới ngoi đầu lên ê hề đứa khác còn ngại đứng trên. Lần này tôi dừng lại giữa thân cầu nhìn về phía xa rú Hồng cách nhà tôi chỉ mấy cây số đi bộ. Ngọn núi mờ xa đen sẫm, ngày xưa ngoại và mẹ vẫn thường đi mót củi. Đi bộ từ sáng tinh, mót cho được hai ôm, bó lại rồi gánh về đến nhà trưa trật. Mẹ kể có lần đi gom củi thành đống, lúc sắp bó tự dưng linh cảm điều chi, mẹ thầm khấn, bỗng có con rắn bò ra rồi chui mất hút vô bụi. Mẹ nói trời thương, nếu không cứ thò tay bó củi như trước không khéo bị rắn độc cắn rồi. Tôi tin giác quan thứ sáu mà mẹ đã dùng đúng lúc, và tôi còn tin những gì mình chưa thấy chưa nghe bằng mắt thường nữa.

Rú Hồng với bao kỷ niệm. Lũ tôi hồi học cấp hai đã rủ nhau trèo lên đó hái sim, ăn đen thui môi miệng, no tròn, về nhà chừng tối mịt. Rú Hồng nhỏ nhưng với tôi cũng uy linh như dãy núi Hồng Lĩnh mang tâm thế của vùng đất Nghệ Tĩnh xưa. Hồi nhỏ tôi vẫn nhầm giữa rú Hồng và núi Hồng Lĩnh, lớn lên mới hiểu nó khác nhau nhiều song niềm thân thương không khác. Vừa rồi núi Hồng Lĩnh cháy, lửa ngút ngàn giữa gió Lào và cái nắng trên 40 độ. Ngày thứ ba núi vẫn cháy. Màu xanh chuyển qua đỏ, lửa táp lên bầu trời. Từ một ngọn đồi ở Huế tôi vẫn ngỡ mình có thể nhìn thấy ngọn lửa cuồng ấy. Tôi nhìn lên bầu trời phía quê nhà. Chỉ có mây. Núi Hồng vẫn cháy. Khói cuộn bầu trời. Không ai kêu thấu trời để mưa tuôn xuống dập lửa. Khói cứ bốc cao, nhưng rồi khói cũng hòa vào mây, như mây, mà mây thì hư huyễn giữa trời lẵng lặng mà trôi.

Nay đứng trên cầu Trù, tôi nhìn về hướng núi Hồng Lĩnh, không thấy gì ngoài vùng tối, mà ngọn núi vẫn xanh nguyên sơ trong ký ức… Tiếng cá quẫy dưới sông kéo tôi trở về. Con cá chắc lớn lắm. Thời nay ở sông quê còn con cá quẫy mạnh vậy sao. Có lẽ nó là cá cụ, con cá sõi đời quẩn quanh ăn rêu ở dưới chân cầu và biết cách trốn biệt những tấm lưới cùng bao chướng nạn để sống đến bây giờ, để trong thanh vắng lại quẫy dội đục cả một miền ký ức trong veo. Một hình ảnh xưa cũ như thước phim chiếu qua tâm tưởng. Ông chài cất lên con lươn vàng chóe. Sự thật là vàng chóe, dài và lớn bằng cổ tay. Trông qua như lưỡi gươm vàng mềm oặt quơ lên bầu trời loáng ánh nắng chiều ngược vó. Mọi người gần quây lại xem, trầm trồ rồi bỏ đi. Mụ vợ mang con lươn cùng mớ cá ra chợ bán, ai nhìn nó cũng lắc đầu, đành đưa về, rồi nghe nói ông chài đem thả nó về sông. Tôi tưởng lại ở góc gần đó xưa có cái chòi thả vó, suốt đêm sáng ngọn đèn dầu. Buổi sáng chiều ánh nắng chiếu vô chòi đẹp mê. Hồi đó chưa ai biết đến máy ảnh, sau này có người mở tiệm chụp cho học sinh trước trường cấp ba song chưa nghĩ đến chụp ảnh nghệ thuật. Những chiếc đó thắp đèn phía trong dãy dài giữa sông, nay thì không còn nữa. Mà đâu còn cá mú mà đơm. Những phương tiện đánh bắt rầm rộ một thời như dí điện, dùng bom mìn đã triệt sản những loài cá mú nay chỉ còn trong quá vãng.

Thuở ấy dưới sông có mấy cái chuôm. Chuôm, là sức chung của mấy người chặt đọt và nhánh tre đem xuống cặm giữa sông, đợi ít ngày cá thấy mát kéo nhau đến ở, mấy người ra lẹ làng lội xuống vây lưới, rồi rút nhánh tre, kéo mẻ lưới lên bờ lúc mặt trời vừa xuống. Họ đùm cả lưới như vậy về sân nhà, phân loại cá và bắt đầu chia đều cho những ai tham gia. Rất nhiều người trong xóm đến mua cá, còn lũ trẻ vây quanh xin những con lạ về nuôi, nhờ vậy chúng gần như được phóng sanh. Giờ tất cả chỉ là kỷ niệm. Cá sông quá hiếm. Nghề đánh cá như nơm, nhủi, đó, thả lưới, cất vó đã không còn. Tôi nhớ hình ảnh những dịp hạn hán sông cạn, bên xã khác khoảng mấy chục người dùng nơm sắp hàng ngang từ bên này qua bên kia sông, cứ vừa nơm và đi như vậy để bắt cá. Tiếng dô hò lúc ai đó bắt được con cá to vang dậy. Có người nơm được con cá tràu khủng, đưa lên bờ, nó bật khỏi xô nước rồi dựng vây mà bước. Tự nhiên thấy thương, muốn tới hất nó xuống nước. Cái hình ảnh đôi vây cá nhô cao như chân con thú nhằm hướng bờ sông bước dũng mãnh cứ ảm ảnh tôi mãi. Rồi những thước phim ký ức lúc người dân trong xã đào kênh dẫn nước đến trạm bơm, từng cục đất lớn được chuyền tay nhau từ dưới lòng sông lên bờ, đàn ông đàn bà và thanh niên đủ cỡ. Nhọc nhằn, mà vui như hội.

Tôi đứng như vậy trên cầu Trù cho đến tinh mơ mới bắt đầu cuốc bộ về. Ngôi nhà thân thương. Những ngõ xóm còn đó, những khuôn mặt thuở xưa gợi về. Những hàng cây thót mót hai bên ngõ vào nhà cô bạn không còn, và hình như nó đã tiệt giống ở làng. Bao nhiêu loài cây nữa dần dà biến mất trong sự thờ ơ của người nông dân khi tiện nghi bắt đầu tràn về. Nhớ cây tra trước nhà vẫn trổ hoa vàng gần giống với hoa giằng xay dùng lá nấu canh chua. Cây tra có chỗ nổi u, chỗ bị ăn ruỗng vẫn vươn cành tỏa bóng, hoa vàng rực rụng đầy ngõ. Trong một truyện ngắn tôi viết dành tuổi thơ có đoạn: “Nó nhớ cây tra đầu ngõ xóm luôn trùm bóng lên quán mụ Nghiêu. Mùa cây tra trổ bông, lũ con nít thường găm hoa vào que, hứng gió làm chong chóng xoay tít mù trời. Chúng tranh nhau nhặt hoa tra rụng, chẳng đứa nào dám trèo lên hái. Gốc tra tư lự, nghiêm trang với cái dáng sù sì già cỗi. Nó cũng chẳng hiểu vì sao giữa thân cây u một cục lớn bằng cái mủng gàu mẹ bé Mi thường mang đi chợ, nhưng rỗng ruột. Người làng bảo đấy là nơi trú ngụ của Thần. Mẹ bé Mi thì bảo: ông Tiên ở trong đó. Ông Tiên rất hiền. Vậy nhưng nó biết, bé Mi sợ lắm. Ban đêm, hễ qua đó là bé Mi bắt mẹ bồng. Lũ con nít xóm chừng chập choạng, chúng cầm tay nhau thành bầy rồi hét lên mà chạy qua. Còn mụ Nghiêu thì đêm nào cũng thắp nhang vái cây tra sau khi dọn quán”. Gần cây tra có hai cây bời lời lớn. Rồi bụi cây sử quân tử thơm lịm mỗi khuya… Tiếng chó sủa vang khiến tôi như từ giấc mơ tỉnh lại. Con chó mẹ thường kể qua điện thoại. Ba mất rồi, chỉ mẹ trong ngôi nhà rộng quá, con chó làm vơi bớt bóng tối mênh mông. Tôi không gọi mẹ, một chốc thấy điện trong nhà sáng, rồi tiếng mở cửa.

Mẹ đứng nhìn ra hiều hậu, nụ cười như đã thấy tôi trong bóng tối đang nhạt dần. Mẹ đợi tôi bước đến chỗ ánh sáng chiếu ra, nhìn kỹ lắm, như xem dạo này gầy hay nhỉnh hơn. Rồi mẹ vào bật bếp nấu cái gì đó. Tôi lại giếng. Chiếc gàu xưa đen thui, thanh cầm mòn khuyết, tôi thả gàu xuống nghe đánh tong rất đặc. Nước giếng mát rượi giữa cái nắng nóng đỉnh điểm miền Trung, tôi hấp nước vào mặt, rồi xối òa rửa chân. Mẹ ngồi nhẩm tính thời gian làm giếng, rồi nói đã hơn 50 năm. Hồi đó xi măng hiếm lắm. May có đứa học trò của ba chở xuống cho mấy yến. Ba thuê ông thợ xây qua đúc 6 cái khuôn. Giếng như một minh chứng của thời gian quê kiểng. Tôi múc nước đầy những chiếc thau và xô ở nền. Ngày hè xa lắc, nắng hạn, nước giếng múc nhiều quá bị đục, ba nói mấy anh em tôi khảo. Đầu tiên là múc cạn nước, rồi tôi tụt xuống giếng theo sợi dây cáp chắc chắn có thắt từng nút. Gàu lần này là chiếc xô nhỏ, tôi vét từng lớp đất đổ vào, phía trên phải hai người mới kéo lên nổi. Thằng em út quan tâm nhất mấy con cá xin ở chuôm về thả dưới ấy. Tôi nhẹ nhàng bắt con cá bống gửi lên cho vào nhăng nước ở tạm vài ngày. Lại nhớ năm lụt nước giếng dâng chỉ cần cầm gàu nơi tay là múc đến, nên có con ệnh oạng và con nhái nhảy vào không ai biết, đến lúc nước rút xuống dưới xa mới thấy lâu lâu lò đầu lên thở. Thả gàu xuống múc thì nó lặn. Rồi mặc chúng. Sau này giữa khuôn giếng bị lở, nước mấp mé vỗ vào, thấy con nhái nằm lọt chỗ khe đó, nơi có một cây dương xỉ mọc chỉa lên. Màu xanh của cây hòa với màu xanh của rêu giếng lồng bầu trời bông mây tạo nên một không gian huyền ảo lạ lùng. Nó chỉ gợi lên sự xốn xang trong tôi mà không thể định nghĩa ở cái tuổi ngây thơ dạo ấy. Xa lắm rồi. Mà giờ giếng nước vẫn còn, vẫn trong và mát neo giữ bóng quê làm thao thức cả những vòm trời sao.

Tôi lên nhà thắp nén nhang. Ngày nào đó ba vẫn nằm trên chiếc giường cạnh bàn thờ này, cùng giá sách và chiếc bàn ba ra đủ loại đề bài cho học sinh. Nay ba vẫn cười trong ảnh, mà không đón tôi nữa. Cánh cửa sổ vừa mở toang, luồng gió xa xăm lùa vào. Gió nhắc tôi nhớ về bụi tre cạnh góc nhà ngang, mỗi đêm trở mùa nhánh tre cào mái nhà nghe như một sinh thể đang đánh thức những niềm sâu kín nơi miền hoang sơ. Tiếng gà gáy trong cơn mớ ngủ. Mẹ nuôi đàn gà như nuôi con chó, để vơi trống vắng. Tôi tỉnh rụi, cứ nghĩ không thể ngủ được nữa. Hương cau theo gió thoảng vào rồi cuốn đi mùi nhang loãng trong đêm mờ sương. Nhưng rồi tôi đã ngủ vùi lúc nào, mãi khi tiếng mẹ lục đục thức tôi. Mở mắt nhìn ra, trời chưa sáng hẳn. Tôi xuống bếp, mẹ đang rửa mấy củ khoai cho vào chiếc niêu đất, phía trên rải ít lạc. Tôi thấy cái võng, liền nằm xuống đu đưa. Võng gần cửa sổ, nằm nhìn thấy cây na và cây đu đủ nhiều quả màu vàng loang. Tôi chập chờn giữa tỉnh và mê. Rõ ràng tiếng gà gáy đâu đó, tiếng chim trong veo chuyền cành hân hoan ngày mới, tiếng bò rống từng đợt, tiếng người lớn và trẻ từ ngõ xóm, tôi xác định được cả vị trí những âm thanh phát ra, tiếng nói của người nào dẫu vài chục năm không nghe giọng họ. Nhưng sao mớ âm thanh khi nổi khiến tôi biết quờ chân lắc võng, khi chìm tựa hồ lún vào giấc mơ. Và trong tiềm thức tôi vụt thốt lên rằng mình đang giữa một thiên đường. Tôi vẫn cảm nhận được ánh nắng chiếu vào mặt song không hề muốn dậy. Tôi muốn được nằm mãi như vậy đến trưa chiều; cho đến khi tiếng chó sủa váng bởi có khách vào gọi ngay tên mình…

Nắng sớm mai vàng hươm. Khu vườn đã vắng ba song còn đó những cây đào ba trồng, vườn trước vườn sau mỗi xuân về đều trổ hoa. Có cây vươn cành qua thành chìa ra đường lộ. Rồi tết đó tôi về, hoa nở bung như không còn thấy lá. Mừng lắm, ai cũng khen. Nhưng rồi tôi thấy lạ, chưa bao giờ cây đào bung nụ như vậy. Linh cảm một điều gì đó. Ừ, thì năm ấy ba không gượng thêm tuổi nào nữa…Lá đào ngày hè chị và mẹ lâu lâu lại hái nấu nước gội đầu rất thơm. Chợt thấy quả xoài mẹ đặt trên dĩa. Tôi à lên, xoài của ba đây! Cây xoài là kỷ niệm giữa ba và mẹ. Một người học trò của ba mang quả xoài lớn từ trong Nam ra làm quà thầy mình, mẹ lấy hạt xoài đó gieo vào lòng đất, bây giờ thành cây xoài vươn cao cạnh cây mảng cầu xiêm. Mùa đầu tiên cho trái ngọt, chua thanh. Mẹ nói cả thảy được 45 quả, sáng nay mẹ hái quả thứ hai cuối, tức trên cây chỉ còn một quả, tôi liền ra ngóng lên và chụp hình làm kỷ niệm. Nhớ ba… Cả cây ổi gần giếng nữa, đã mấy mươi năm, thân gãy, giờ nhánh mọc lên thành một cây khác. Hồi còn nhỏ, anh em tôi được giao nhiệm vụ ra sông lấy bùn gồng về đắp lên gốc ổi. Cây đào lớn nhất nằm ngay ở con đường ngõ đi vào, nó sống với ba lâu lắm rồi, sống với anh em chúng tôi từ hồi còn học phổ thông.

Mẹ hái từ vườn một đúa rau, nào rau khoai, rau ngót, rau dền đất, rau sam, rau sâm, bông bí, lá ngò tàu. Mẹ nói sáng nào cũng có rau nấu với mì tôm, lúc thì với miến. Tôi thấy một bụi mơ lông non mởn, đọt vươn lên dưới nắng sớm liền hái cùng lá đinh lăng, lá tía tô, ăn với mì tôm mẹ nấu ngọt lịm. Tôi thích cái bát nhôm, cái dĩa sứ hình con cá chép trong lòng sót lại từ mấy mươi năm, thích cái hũ cái chum thời bà nội để lại, thích bộ ấm chén rạn nứt còn để dưới chân giường vàng quạch. Quý hơn nữa là hai cái cối đá một to một nhỏ còn úp nơi góc sân, gợi lên cả một thời kham khó. Ngày ấy mẹ đạp xe đi đong khoảng một tạ lúa trên chợ xa, anh em tôi đi học về sớm là đạp chiếc xe nam đi ngước. Ba thì cứ khoảng tuần lại cọc cạch mười lăm cây số mua khoai về ăn sáng và hấp chêm vào nồi cơm trưa tối. Khoai dong, khoai lang, sáng nấu chung một nồi lớn, thêm chút muối. Ngày trời nắng đã nhọc nhằn, trời mưa trơn trượt, giá lạnh mà áo không đủ ấm, mưa gió tạt ngang những đoạn đường đồng trống hai bên, thương mẹ thân gầy… Nhưng làm hàng xáo chủ yếu vào mùa hè, mẹ được nghỉ dạy. Trưa về, ăn cơm xong nghỉ chút là chúng tôi trút lúa vào cối xay, bắt đầu thay nhau cầm cán vừa đẩy vừa kéo tạo nên một vòng tròn. Xay lúa thủ công, lúa còn nhiều và gạo không trắng, nên tiếp theo cho vào cối lớn giã. Giã xong hết rồi chị và mẹ mới ngồi lại tràng, sảy để vớt lúa, phần gạo còn phải dần để cho sạch cám. Cám và chỗ lúa lộn thì làm thức ăn nuôn lợn gà. Đến khoảng nửa chiều mẹ đạp xe đi chợ bán gạo, mua về chút đồ ăn. Còn phần tấm để dành, thường mẹ nấu trước lúc đi ngủ, ủ nồi vào trong tro bếp, sáng ra cháo đặc lại xắn vào chén ăn ngon không tả được trong thời đói kém.

Cái cối đá thanh có bán kính khoảng nửa mét, và thêm phần thân trày dài khoảng 4 mét. Trày dài phải đứng phía cuối đạp bằng chân cho nổi đầu lên dập mạnh xuống. Ngồi ở cối thường là chị, lúc trày nhấc thì dùng tay đảo gạo cho đều. Ban đầu gạo còn nhiều lúa được trút vào cối, cần sức giã nên phải hai đứa học sinh như anh em tôi. Nhiều bận chỉ có tôi đạp cối, sáng ra cuốc bộ đến trường còn mỏi, trưa về giữa nắng thì khỏi nói vì bụng đói meo. Mẹ nói cái cối đó mua hết một trăm ba mươi đồng, bằng 3 tháng lương giáo viên của mẹ lúc đó, chưa tính tiền thuê chuyến xe bò chở về đến nhà nữa. Cái cối con cũng làm từ đá thanh, dùng đâm vừng lạc để ăn với cơm và chấm khoai luộc. Cái trày cầm tay được tôi chặt từ cây đỗ nhân lâu năm bị bão quật gãy, cưa lấy phần dưới gốc, ròng ăn cả ra ngoài, giã nhiều láng bóng. Ngồi ở bậu cửa nhìn ra hai cái cối trước vườn mà khung cảnh hồi xưa hiện về như phim. Ngôi nhà tranh chỗ vách nứa, chỗ vách đắp bùn nhồi với rơm, nền nhà cũng bằng bùn của lòng sông quê, lâu ngày phẳng lì, mùa hè nằm mát lạnh. Mẹ nói hai cái cối ấy là kỷ niệm ai nài xin mấy cũng không cho. Tôi múc nước từ giếng lên chùi rửa cho nó. Ký ức bám bụi tưởng phai mờ giờ bỗng sáng trưng như ánh nắng chiếu vào khu vườn của ba mẹ, trong và huyền ảo lạ lùng.

Thẩn tha khắp khu vườn rộng. Ngày xưa chỗ này ba trồng rau canh giới, rau húng, quế, rau cải ăn sống, đậu cô ve. Trong sân ba làm giàn su le, vài ngày hái được cả trăm quả để mẹ và chị đi bán. Mấy cây cau bên hiêng giếng. Bao nhiêu loài cây trong vườn nhà và quanh xóm đã dần mất. Có lẽ từ khi những người nông dân quê tôi bớt nhọc nhằn, con cái lớn lên đứa học hành thành đạt, những đứa làm công nhân giờ địa vị cao xa, có đứa qua nước ngoài gửi tiền về làm những ngôi nhà ngất ngưỡng choáng lộn. Nhiều người nông dân đã có thể ngồi salong xem phim truyện và nhiều thứ khác trong màn hình kỹ thuật số và cả máy điện thoại tân thời kết nối muôn phương. Những cây cỏ từ xưa hiếm dần không ai hay. Về quê, tôi vẫn vào ngồi với cậu. Vườn cậu còn rộng hơn vườn mẹ, lại còn có ao, quanh bờ là hàng cây tro lâu đời. Có một loài hoa không biết mình là hoa, ấy là giằng xay, lá hình bàn tay năm ngón, mỗi trưa hè nhà tôi đều hái nấu canh chua. Hoa giằng xay vàng và phía trong cùng màu đỏ sậm. Chao, ngút ngàn kỷ niệm. Giữa trưa nắng là vậy, tôi và mấy thằng bạn vẫn lên đồng tìm trái đèn lồng ăn. Trái hình chiếc đèn lồng nên gọi tên vậy, hạt phía trong; khi cái đèn lồng vàng rụi là trái cũng chuyển từ xanh qua vàng, ăn ngọt khay cổ. Nhiều lúc bọn tôi lấy lá dứa về róc, đan thành cái ú bằng bàn tay. Nhớ lần đi cùng con bạn gần nhà hái đậu bóc vỏ nhét vào ú no tròn, rồi cho nó. Con bé chạy về luộc, nửa chiều đến chìa tôi xem, tôi mở ra đổ vào tay nó những hạt đậu xanh căng mẩy. Rồi hai đứa rủ nhau vào lùm Bù Lù tìm trái bùng tru ăn. Trong lùm còn nhiều loại cây, có cả củ mài chống đói nữa. Chim cũng nhiều loại, đậu nhiều nhất ở cây chầm ki. Trái chầm ki to nhai có bã, ngọt thanh; trái nhỏ dành làm đạn bắn ống thóc. Nhét trái vào lỗ ống làm bằng hóp hoặc lóng đọt tre, tra hạt lọt vào rồi đẩy đầu đũa theo để nén hơi khiến hạt phía trước bung đi, bắn trúng thì cách dăm mét cũng đau điếng. Lùm Bù Lù ngày nào cũng có trẻ lùng nên tìm mãi mới thấy một chùm bùng tru ẩn trên cao, một nửa phía cuối chùm đã chín đen, phần trên màu đỏ ói, trái mập bằng ngón tay. Tôi trèo lên hái nguyên cả chùm không rớt trái nào, đẹp như bông hoa. Chợt mùi hoa trập trội thoảng đến. Hoa vàng xen với lá xanh, thường hoa thơm vào tối nhưng chiều nay có lẽ lùm vắng quá nên hương tỏa. Cũng không đứa nào nhớ đến loài hoa này, người lớn thì lâu lâu vẫn nhắc trong lùm Bù Lú có cây trập trội lâu năm. Tôi hái một nắm đưa cho con bé hàng xóm, cũng không hiểu sao lại hái, lại đưa cho nó. Có lẽ giữa loài hoa này và tôi có sợi tơ nối từ cõi hư vô chăng.

Tôi nhìn qua vườn hàng xóm, hồi xưa là vườn tro đủ lợp cả mái nhà, thường đêm dơi vẫn bay xàn xạt như ma trơi. Cái hiên ấy bao kỷ niệm với người bạn của ba. Tôi nhớ khói thuốc lào bên ấm nước chè giờ vẫn ngòn ngọt nơi cuống họng, nhớ lần hút thử say bật ngả dưới nền đất mát lạnh gáy. Mẹ gọi từ phía sau chái bếp. Ở nhà một mình mẹ vẫn thường lượm củi quanh vườn nấu nước trên chiếc kiềng ba chân thuở nào bá một lớp bồ hóng đen sì. Mấy con mèo thấy tôi liền chạy khỏi bếp, rúc vào gian nhà đầy bàn ghế một thời ba dạy kèm lũ học trò thân thương dưới mái lán lợp tranh dột nát. Mẹ nói về con mèo lần trước tôi đi rồi nó vào nhà tìm hoài. Lần ấy, ngày nào thấy nó nằm phơi nắng giữa sân tôi đều ngoắt lại nhưng nó hơi ngại. Đến lúc tôi đi vẫn chỉ chạm vào một lần khi nó lim dim ngủ. Thế rồi lúc tôi đi mẹ nói nó vào nhà tìm hai ngày cứ kêu váng lên. Mẹ còn nói nó là con mèo hay nhảy lên người ba mỗi lúc ba được mẹ đỡ ngồi trên ghế nhìn ra vườn, lúc ba đã không còn cử động đôi tay nữa… Mẹ nói nó là con mèo bà, vẫn cho lứa cháu bú hoài; mà giờ bị ai bắt làm thịt rồi tội quá. Tôi nghe mà tâm can có gì nằng nặng đau đau, mãi mới hiểu - là từ “ba” lẫn trong lời mẹ nói. Vì ba mất rồi! Mà nắng còn trong veo nhường ấy trong khu vườn của mẹ. Nắng chiếu sâu cả vào trong gian nhà chính, hắt sáng lên ban thờ có tấm ảnh ba cười hiền mãi mãi…

 

N.N

 

 

 

 

 

Tác giả: Nhụy Nguyên
Các bài đã đăng
Nhịp sóng xanh (03/10/2017)