Bút ký - Tản văn
Hỏi Tây Nguyên có buồn?
09:37 | 17/03/2017

NHỤY NGUYÊN

Bút ký

Hỏi Tây Nguyên có buồn?
Cưỡi voi ở buôn Jun

Trái ngược với mùa khô khiến những dải đất và núi đồi hoe vàng cỏ cháy, Tây Nguyên tháng 6 đang vào mùa mưa, đâu đâu cũng xanh mướt một màu.

Từ miền Trung nắng gió khô hanh, chạm đến cao nguyên đã bắt đầu se lạnh, vào tối bất chợt mưa rào. Nhâm nhi cà phê đặc sánh chỉ có ở vùng đất đỏ ba gian bạt ngàn bỗng như hòa với thiên nhiên làm một, hay đó là cảm giác được trở về quê mẹ xa xăm.

Tây Nguyên có 3 thứ độc mộc, cấu thành bản sắc văn hóa đặc sắc, là k’pan, trống độc mộc và thuyền độc mộc. Những loài gỗ chủ yếu thường dùng là cây sao, cà chít. Cây cà chít cứng, không dẻo bằng sao, lại nhiều thớ, có mắt nên dễ bị mục mắt khiến nước vào, thường chỉ dùng làm k’pan và trống. Bây giờ loài sao đã bị đốn hạ quá nhiều, nhất là những cây có đường kính từ mét rưỡi trở lên. Đỉnh Chư Yang Sin là khu rừng hoang sơ hiếm hoi bậc nhất còn lưu giữ nhiều loài gỗ quý, sừng sững. Người dân sở tại cho hay nếu một người khỏe mạnh phát đường leo đến đỉnh cũng phải mất ba ngày. Cây sao hội đủ ba yếu tố cơ bản của thuyền độc mộc: chịu mưa nắng ngoài trời, thẳng tưng và rất nhẹ. Thuyền độc mộc non mỏng manh rùng rình song người chèo đò bảo phải hai người lăng mới dìm nổi nó, và nếu ngập nước cũng dễ nổi. Bằng kỹ thuật và sự hỗ trợ của máy móc, mỗi cây sao làm thuyền độc mộc người ta sẽ xẻ lòng tận dụng được nguyên phần ròng của nó. Thử hình dung, xưa đồng bào chỉ dùng cây rìu để đẽo, vậy là phần ròng cây gỗ bị băm vụn thành chám, rất tốn kém và uổng phí. Nói vậy để thấy bây giờ làm thuyền độc mộc cũng cần thiết, để lưu giữ một bản sắc có tính thực dụng cao. Dĩ nhiên, những chiếc thuyền được đồng bào đẽo từ xưa bao giờ cũng quý hơn hết. Ở buôn Jun hiện còn hơn chục chiếc độc mộc rất xưa, ngoài chở khách tham quan còn là phương tiện mưu sinh sông nước của người dân. Nhiều lúc vắng khách, lũ trẻ lại bơi chèo đùa nghịch, và từng chiếc độc mộc buông neo trông thật lẻ loi giữa viền trời xanh thẳm. Thật khó tả cảm giác bồng bềnh đi thuyền độc mộc trên hồ Lăk từ bên này bờ của buôn Jun qua bên kia, thuộc buôn M’Liêng. Cuốc bộ thêm một đoạn sẽ được thấy những ngôi mộ cổ, đánh dấu tập tục của người Êđê thuở trước. Sau một năm, khổ chủ sẽ làm lễ bỏ mả, tức từ đó không người thân nào còn đến thăm mộ nữa, những ngôi mộ thành vô chủ, trở về với núi rừng bờ bụi. Thế nên không ngạc nhiên khi những lùm cây mọc kín trên những ngôi mộ cổ và nếu không được người dân sở tại nhận diện sẽ khó thể nhận ra hình dáng của những ngôi mộ buồn tủi đó nữa.

Tượng nhà mồ là nét tinh hoa góp phần tạo nên hồn cốt Tây Nguyên. Để tìm một bức tượng nhà mồ đẽo từ mấy chục năm về trước là hiếm. Nhà mồ nay xây xi măng, nhiều ngôi có cả cửa kính, gạch hoa lót nền. Có những khu mộ nhìn xa hay chụp ảnh, ngỡ là khu dân cư sầm uất, không tin nổi đó lại là cõi âm. Tượng nhà mồ vắng bóng. Một số điểm du lịch sinh thái vẫn thuê các điêu khắc gia tạc tượng nhà mồ phục vụ khách thưởng lãm. Thú thật, nó chỉ gợi lên chút hoang sơ sót lại của rừng già, chứ không thể chạm tới mảng phiêu du đầy ngẫu hứng hút cả nỗi buồn cõi thế. Người thợ vốn là con dân bản, tạc tượng bằng rìu và chỉ dùng đục sửa nguội chút ít. Họ đẽo bằng linh cảm, bằng trực giác với những nét thô song nhìn vào như rệu rã, như thấy thế giới tan chảy trong đôi mắt thẳm sâu mang thông điệp về sự vô thường. Loại tượng này dựng ngoài trời, bên các ngôi mộ, đòi hỏi phải dùng loại gỗ có sức chịu đựng nắng mưa ít nhất trên chục năm trời. Những bức tượng mới được đẽo không còn nguyên hồn cốt, lại dùng gỗ thuộc nhóm hai nhóm ba, trong lúc loại tượng cũ hư hao dần qua thời gian và mất trộm. Nhiều tay chơi sớm phát hiện ra giá trị nghệ thuật tâm linh và còn là giá trị từ chính khúc gỗ của tượng, đã lấy trộm và tẩu tán theo nhiều hướng khác nhau.

Ghé vào quán cà phê khuất ở góc của Nhà Đày Buôn Mê Thuột, nom ngoài bình dị, vào trong thật kinh ngạc trước hàng ngàn hiện vật quý của Tây Nguyên được sưu tập về: nào chiêng, ché, trống, các vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày của đồng bào, thuyền độc mộc v.v. Có những loại ché thuộc lò gốm ở Phú Yên đã thất truyền ba trăm năm, trên mình in hình những chú rùa đá đắp nổi và cả rùa biển. Đồng bào còn trang trí trên đó những loài vật quen thuộc với người Kinh như thằn lằn, nhện, cho thấy sự giao thoa văn hóa, cũng như nói lên tinh thần gắn kết giữa các dân tộc. Mấy chục chiếc trống chồng lên nhau, hàng trăm chiếc chiêng treo dãy dài từ nhỏ đến lớn, mà toàn hàng độc. Đặc biệt là những chiếc thuyền độc mộc mà nay nếu có tiền cũng khó mua nổi. Thuyền độc mộc và k’pan dễ tìm hiểu, còn trống độc mộc nhiều người cứ băn khoăn không hình dung ra trong lòng nó như thế nào? Vợ chồng cô chủ đã không luyến tiếc giá trị vật chất hao hụt qua hành động đầy nghĩa hiệp là lột luôn một cái trống nhằm thỏa mãn những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu, tò mò về “ruột gan” của nó. Trống đục từ một thân cây, đủ biết cây lớn đến nhường nào. Những chiếc trống không cái nào cùng loại; to, nhỏ, dài, ngắn, méo, tròn. Lúc bọc da rồi (thường là da bò rừng, bò tót), để chỉnh âm, họ dui một lỗ ở hai mặt trống nhỏ bằng ngón tay út, lớn thì bằng cổ tay con nít, tùy thuộc vào âm thanh đã vừa ý người thợ hay chưa, được gọi là “Tai trống”. Không thước đo, khuôn mẫu, người thợ của rừng đã đục trống theo bản năng và sự mách bảo của linh giác, của hồn thiêng.

Tây Nguyên có những thứ vô tri lại biết níu chân khách lạ, ấy là đất đỏ và đá. Đá ở trên dãy núi thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sing từ dưới nhìn lên cứ nhấp nhánh lóe trắng hoa cương. Đá vùi trong đất thuộc nương rẫy vườn tược thì sẫm đen, sần sùi. Người dân mỗi lần làm vườn gặp cục nào liền gom lại, lâu ngày thành đống, thành bờ độc đáo. Đáng chú ý hơn là đá cây lên màu mỡ gà vằn vện, đường kính từ 40 - 60cm, ngắn cũng vài ba mét, dài có khi chục mét, viên nào cũng 6 cạnh nên dân thường gọi lục lăng. Loại đá này từng cây phẳng phiu chồng lên nhau dưới lòng đất như vậy như được xẻ gọt sắp lên bởi bàn tay con người, chẳng lý giải nổi? Tây Nguyên là thế. Có những thứ đồ bỏ lại thật giá trị trong trang trí nhà cửa, quán hàng. Như cây cà phê tách vỏ rồi nhúng a xít loãng cho mất nhựa; những đoạn cây nổi u cục rất bắt mắt làm lan can hay xẻ đôi ốp tường thì hết ý. Một chi tiết nhỏ: thân cà phê nếu không ngâm nước sẽ không thể tách được vỏ. Cũng như bạn muốn nhặt một hạt gỗ quý ở rừng khộp về ươm, phải đợi mấy năm trời chưa chắc đã nẩy mầm, bởi vỏ nó cực dày và cứng. Ai biết cách thì đem hạt đốt đi rồi mới ươm… Sau những vụ đốt rẫy xuất hiện nhiều mầm cây là vì thế. Rừng có quy luật tồn tại thầm kín của nó.

 

Mưu sinh bằng thuyền độc mộc trên hồ Lak

Cách mươi năm về trước, Tây Nguyên đúng nghĩa vùng đất của rừng. Con đường lên hang Đak Tour từng là nơi giấu cán bộ cách mạng cấp cao, rừng nối dài đến chân núi. Bây giờ giữa núi và con đường, rừng biến mất, thay vào đó là ruộng nương. Hơn thế ở những dãy núi phía ngoài sớm thành “sa mạc”, đến dãy núi phía sau mới thấy màu xanh của loại rừng... hậu thế. Rừng khộp trước hết là một danh từ chung chỉ những loài gỗ quý thân đứng mọc trên núi đá khô cằn, lá to hấp thụ năng lượng mặt trời, tích dầu như cây teck, sao, cà chít, dầu. Vào mùa khô tất cả cây cỏ mọc dưới chúng đều chết, đỏ quạch một màu. Những loài cây này nhờ tích dầu, vỏ dày chịu nóng, chúng sẽ tồn tại bằng cách rụng hết lá, chỉ giữ lại một chỏm trên đọt, và dầu chứa trong thân sẽ giúp chúng vượt qua cửa tử. Mùa mưa cây cỏ lên xanh, rừng khộp lại tỏa nhánh, quang hợp trữ dầu tiếp tục hành trình sống mãnh liệt của mình.

Rừng hẹp. Những loài sống qua mấy đời người như cẩm lai, căm xe, cà chít, gỗ đỏ, gỗ mật, trắc, hương huyết, cà tè... vơi dần trên những khu rừng mọc ở núi thấp. Gỗ cà chít có thớ hai chiều, bào về phía nào cũng thuận, qua thời gian nó sẽ lòi ra những thớ nhỏ bằng que tăm. Gỗ hương huyết cây lớn bị đốn hạ quá nhiều, lại chậm lớn nên ngày càng hiếm. Ở cầu thang ngôi nhà của A Ma Công có dùng loại gỗ này. Sau hàng trăm năm, nom thấy bạc phếch nhưng đưa lưỡi dao cạo qua liền lộ màu đỏ au. Tại Nhà Đày Buôn Mê Thuột, ở các dãy nhà thời Pháp xây dựng đã sử dụng loại gỗ quý hương huyết, cà chít làm cột trụ. Những chiếc đinh đóng vào cột từ hồi ấy giờ ghỉ sét, thấy cả những lỗ sâu, riêng gỗ vẫn trơ như trụ bê tông chưa hề có dấu hiệu xuống cấp.

Gỗ hiếm, những ngôi nhà dài của đồng bào cũng dần được thay thế vật liệu hiện đại như mái lợp tôn, tường xi măng, cột kèo bê tông cốt thép. AKo DHông là một trong những buôn còn lưu giữ khá nguyên vẹn những ngôi nhà truyền thống. Có một ngôi nhà mới làm lừng lững ở gần con dốc lại là quán nhậu, dài khoảng 40m; trên 20 cột đứng đều là gỗ đắt tiền rất hiếm, và cũng có thể chúng được mua từ Lào. Tốp thợ làm ngôi nhà dài này mất một năm trời ròng rã, nghe đâu riêng tiền công đã khoảng 2 tỉ, tiền gỗ thì khỏi tính đến. Dân ăn chơi muốn đến đây dĩ nhiên phải rủng rỉnh, phần nhiều khách sộp cưỡi xe hơi đến cho phù hợp với uy danh của quán. Ở những ngôi nhà dài khác phục vụ khách qua đêm tại bản Jun, chủ nhân vẫn đặt chiếc k’pan được xem như một phần không thể thiếu trong kết cấu tổng thể. Khác biệt là k’pan không đẽo nguyên từ một thân cây mà chân được lắp riêng, cũng dễ hiểu vì bây giờ không dễ kiếm một cây gỗ lớn như vậy. K’pan theo tiếng Ê đê nghĩa là con rếp; người dân vào rừng hạ cây, đẽo hình ghế vếch lên ở hai điểm cuối, để biết cây gỗ phải có đường kính trên 1 mét, dài có khi trên chục mét; xong thì hàng trăm người cùng gánh về bản. Đêm nghỉ lại ở ngôi nhà dài gần bờ hồ Lak, nằm trên chiếc k’pan đủ rộng trở mình, nghe tiếng lợn kêu phía dưới sàn của ngôi nhà khác thấy thời gian thật quý giá. Cửa sổ nhỏ, ở những ngôi nhà xưa cửa rộng hơn, và người ta ngồi trên k’pan vừa đánh chuông vừa nhìn ra, tiếng chuông vang xa lên cả những chóp núi quanh năm mây phủ… Lũ mối chẳng rõ từ đâu, gặp mưa liền bay đầy không gian, lòn cả vào nhà. Trở dậy bước ra, vô số mối sau một lúc bay đã mất cánh, bò khắp mặt đất. Người ta nói rằng con mối nào lần về đến tổ sẽ trở thành vua chúa. Điều này có lý, bởi chúng thường kiệt sức trước lúc tìm ra lối về, hoặc kiến tha, bị con người gom bắt. Nhìn những cặp mối dắt nối nhau quanh quẩn tìm ổ thật dễ thương mới thấy cuộc sinh tồn khắc nghiệt với những loài vật nhỏ bé.

Nghỉ lại bên hồ Lăk là một trải nghiệm thú vị. Những con voi của buôn Jun sẽ chở bạn ra giữa hồ, nghịch ngợm lội chỗ sâu đến ngập mình, khách sẽ thấy dập dềnh và nước bắt lên mát lạnh mình mẩy. Từ trong buôn bầy heo đen sì ùa ra ăn cỏ. Lúc chủ đuổi, chúng vụt chạy lên bờ nhanh bằng cả loài chó cũng rong chơi bên mép nước. Một trận mưa bất chợt ụp xuống. Gió lùa từ hồ rười rượi. Rồi im ắng, bầu trời trong veo trở lại, lớp mây bạc hiện ra ở viền trời. Loài voi khổng lồ từ đại ngàn trở về sống bên con người là một bước ngoặt vĩ đại. Huyền thoại săn voi rừng A Ma Công đã vĩnh viễn trở thành hồn thiêng của rừng già. Tên thật của ông là Y PRung ÊBan. Người nào lúc có con sẽ được gọi là A Ma. Con của Y PRung ÊBan là Kông, vì thế có tên là A Ma Kông (bố của thằng Kông). Ngôi nhà gỗ hàng trăm tuổi mà nhân vật của núi rừng này sinh sống đặc biệt không kém với mái lợp bằng ngói gỗ. Ngôi nhà lưu giữ rất nhiều những vật dụng săn voi như dây thừng dài 90m bện từ da của 7 con trâu đực rồi đem phơi trên cây ròng rã ba tháng, có sức bền hơn cả một đời người; mu rùa dùng đựng cơm và đồ khô; tấm nệm lót lưng voi nhà được lấy từ vỏ cây lộc vừng đập xốp phơi khô, còn tấm nệm bằng da min (trâu rừng) chỉ dành cho thợ đã săn được trên 72 con voi, thật đáng nể; cạnh đó là cái kẹp cổ voi rừng làm từ loài cây nhô những u nhánh khiến nó đau đớn mà khuất phục. Dẫu được thuần dưỡng, có con vẫn quật ngã cây lớn cho thỏa nỗi nhớ rừng quay quắt. Bản Đôn với những lão voi hiếm hoi sót lại từ đại ngàn. Bầy đàn của chúng phần bị tiêu diệt dưới nhiều lý do, phần thiếu thức ăn đã di cư rồi mất hút. Những con voi già tội nghiệp trộm nghĩ có thể là một dạng đầy tớ cho sự hưởng thụ. Mỗi lúc có khách cưỡi, người bán mía cạnh đó mời chào, nó khựng lại đòi ăn như trẻ nít; trong lúc người quản tượng sẽ dùng móc sắt móc vào u trên đầu, voi rất sợ nên đành rảo bước. Những con voi chờ khách, nếu ai mua mía cho một con, tức thì những con khác rung rinh hướng về phía đó thèm thuồng trông như những chiếc túi khí chực dứt dây xích bay vèo đi. Một ấn tượng khó phai khi ngồi trên lưng voi dạo quanh bản Đôn hay lội giữa đầm hồ, bởi sau thế hệ những con voi này hẳn là khoảng trống mênh mông của rừng. 

Từ xa xưa đồng bào dân tộc sống dựa vào rừng và họ cũng chính là những người giữ rừng bậc nhất. Một nhà sưu tập bảo chủ nhân của thuyền độc mộc là những người thật sự tôn trọng rừng. Họ có một điều kiện bắt buộc là không bán thần linh của con thuyền độc mộc, nên buộc phải gọt một lớp gỗ ngoài ở toàn thân con thuyền; cây là của Yàng nên họ giữ lại lớp thời gian xem như giữ Yàng ở lại. Những cây gỗ quý to lớn chủ yếu chỉ dành làm công trình cộng đồng; mỗi khi muốn hạ, họ làm lễ thỉnh xin thần cây dời chỗ. Ngày nay thật đau đớn khi nhìn những cây gỗ quý lừng lững bị đốn ngã ào ào chỉ vì lợi ích hẹp hòi. Loài thủy tùng ngày trước có rất nhiều, đơn cử ở huyện Krông Năng nguyên một hồ mọc toàn thủy tùng. Theo thời gian cứ thưa dần, cạn kiệt. Nhiều cây chết rụi hàng trăm năm chìm dưới bùn nước, nay được phát hiện, người ta thường đem đẽo làm độc bình tuyệt đẹp, gỗ lên màu ngọc bích lóng lánh. Tìm một cây thủy tùng thật khó. Đoạn đường ra huyện Buôn Hồ, ngang cầu Rô Xi nhìn về phía tay trái xuôi theo dòng nước may còn đó một cây thủy tùng, nó đứng đó cô đơn cùng tận! Rừng chảy máu liên miên và vết thương ấy dường như không bao giờ lành. Nhiều dự án đốn rừng già rồi trồng vào đó những loài chóng lớn - là một sự thật đến khôi hài. Lại có một dự án can thiệp nghiêm trọng vào rừng đặc dụng, vĩ đại đến mức tách cả dòng Sê Rê Pốc khiến một đoạn dài mấy chục mét vơi cạn. Sông mênh mông là vành đai bảo vệ rừng hữu hiệu, nước cạn rừng sẽ yếu dần, lâm tặc dễ dàng lội qua chặt phá. Ở bản Đôn và nơi khác ngày trước suối xối xả tuôn, đêm nằm sâu trong bản cũng nghe rầm rì âm hưởng của núi rừng huyền hoặc, rồi bỗng ráo cạn! Dòng chảy thay đổi đột ngột, nhiều loài cây từ lâu bình yên tồn tại sẽ không đủ thời gian thích ứng, cũng chết. Sông núi do tạo hóa kiến tạo có nguyên lý cân bằng hàng triệu năm; khai thác mỏ quặng, tách dòng chảy là góp phần hành xử thô bạo với quy luật tự nhiên, những con dân của rừng mất luôn nguồn nước, đẩy họ vào một hoàn cảnh sống khắc nghiệt muôn vàn đau khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần. Những con người biết bao thế hệ sống nương vào dáng núi, vào bóng mát của cây và mạch nước rừng thiêng lại bắt đầu những cuộc thiên di buồn bã.

N.N
(SH306/08-14)

 

 

 

 

 

Tác giả: Nhụy Nguyên
Các bài mới
Nhịp sóng xanh (03/10/2017)
Các bài đã đăng
Tết Xưa (07/02/2017)
Mưa An Cựu (21/12/2016)