Bút ký - Tản văn
Nghe lại "Câu hò bên bến Hiền Lương"
09:46 | 28/03/2017

PHẠM PHÚ PHONG

Nghe lại "Câu hò bên bến Hiền Lương"
Cầu Hiền Lương xưa - Ảnh: internet

Trong cuộc hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ XXI do khoa Văn học, Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, tôi gặp lại người bạn cũ là giáo sư tiến sĩ Huỳnh Như Phương, người quê gốc ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, học đại học và ở lại lập nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh.

Thời đó, anh đang học năm cuối ở Đại học Văn khoa Sài Gòn thì miền Nam giải phóng. Tốt nghiệp, được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy, nhưng để củng cố lập trường quan điểm, người ta cử anh đi học dự thính hệ thống chuyên đề năm cuối ở khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi quen thân anh từ đó. Trong câu chuyện hành lang bên lề hội thảo, anh tâm sự rằng: “Tôi rất khát khao muốn đi Huế một chuyến, ra thăm anh em và nhân thể ra thăm cầu Hiền Lương một lần. Nhiều lần tôi đã đi ngang qua chiếc cầu lịch sử ấy nhưng chưa lần nào dừng lại, nhất là năm nay kỷ niệm sáu mươi năm ký kết hiệp định Genève, ông cũng như tôi, ông còn lạ gì tâm trạng của thế hệ chúng ta, những người sinh ra quanh cái cột mốc lịch sử ngày chia cắt đất nước, luôn phải hướng về ngoài đó, nơi có cha, có chú, có người thân đi tập kết...”. Phương bỏ lửng câu nói, mắt nhìn như xuyên cả không gian ra ngoài ngàn dặm, đậu xuống dòng sông đôi bờ giới tuyến ấy. Trong hơn 140.000 cán bộ, quân nhân từ miền Nam tập kết ra Bắc luôn ngóng trông về quê hương, kéo theo gấp ba, gấp bốn lần con số ấy, là vợ con, cha mẹ ngày trông đêm ngóng theo chiều ngược lại. Từ trong sâu thẳm lòng tôi, đâu đó đang vang lên da diết những vòm cong âm thanh trong bài hát của Hoàng Hiệp: “Bên ven bờ Hiền Lương/ chiều nay ra đứng trông về...”. Tôi vừa từ ngoài đó về. Tôi góp nhặt, nâng niu và nung nấu từng mẩu vụn ký ức. Nhưng tài năng văn chương chỉ dừng lại ở mấy bài điểm sách, nên loay hoay mãi vẫn chưa viết được gì. Bạn ơi, làm sao tôi quên được cái thời điểm sông Bến Hải trở thành dòng sông giới tuyến, chảy tràn vào lịch sử dân tộc, xoáy sâu vào chia cắt cuộc sống của mỗi dòng họ, gia đình.

Sông Bến Hải chảy từ Tây sang Đông, bắt đầu từ biên giới Việt - Lào, từ mỏm Bò Ho thuộc dải Đông Trường Sơn ra đến Cửa Tùng, nơi rộng nhất gần Cửa Tùng rộng 200 mét, nơi hẹp nhất ở đầu nguồn hẹp đến mức “nhảy qua không ướt mũi giày” (Nguyễn Tuân). Cũng vì quá hẹp, quá cạn mà sông còn có tên là Bến Hói. Sông đoạn đầu nguồn có tên là Rào Thành. Đoạn sông có cầu bắc qua, ngày trước thuộc làng Minh Lương, nên tên sông cũng gọi theo tên làng. Đến thời Minh Mạng, vì sợ phạm húy nên chuyển từ Minh sang Hiền. Tên cầu Hiền Lương bắt nguồn từ đó. Đoạn cuối sông có tên là Bến Hai (có lẽ bắt nguồn từ Bến Hói, thường quen gọi là Bến Hải). Phải chăng Bến Hai là cái tên định mệnh về sự chia đôi đất nước sau này?

Hội nghị Genève, khai mạc tại thành phố Genève (Thụy Sĩ) vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, nhằm bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương, gồm có chín phái đoàn tham dự, đại diện cho chín quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Lào và Cambodia (hai phái đoàn Lào và Cambodia chỉ được tham gia dự thính, nguyện vọng của họ được trình bày thông qua đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), do Anh và Liên Xô làm đồng chủ tịch. Sau hơn mười ngày làm việc, vấn đề cứu vãn hòa bình ở Triều Tiên không đạt kết quả, ngày 8 tháng 5 năm 1954 (nghĩa là sau chiến thắng chấn động địa cầu Điện Biên Phủ một ngày), hội nghị Genève bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Khi phân chia ranh giới tạm thời để tập kết quân đội, tránh những xung đột quân sự có thể xảy ra, “hai bên mặc cả với nhau, Pháp đề nghị ở vĩ tuyến 18, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì muốn ở vĩ tuyến 13. Ngày 9/7/1954, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra đề nghị hạ xuống vĩ tuyến 14, Pháp vẫn giữ quan điểm vĩ tuyến 18. Ngày 13/7, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại hạ yêu cầu xuống vĩ tuyến 16 và đến ngày 19/7 thì hai bên thỏa thuận ranh giới tạm thời sẽ ở vĩ tuyến 17, phù hợp với ý kiến của các nước Anh, Mỹ” và cũng phù hợp với quan điểm của Trung Quốc “không quan tâm đến lợi ích của những người cộng sản và dân tộc chủ nghĩa tại ba nước Đông Dương. Trung Quốc thỏa hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh thổ bất lợi đối với lực lượng bản xứ” (trang mạng Bách khoa toàn thư Wikipedia) như thỏa thuận giữa Pháp và Trung Quốc trong các phiên họp trước đó và tuyên bố của trưởng phái đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai. Hóa ra, từ thời ấy, người ta đã sợ miền Bắc đông dân nhiều đất, dễ thắng lợi trong tổng tuyển cử, sợ Việt Nam sớm thống nhất, nói chung là sợ láng giềng giàu mạnh…

Nhớ lần đầu tôi qua cầu Hiền Lương vào sau năm 1975. Bắc Nam đã đoàn tụ rồi. Những người thân tập kết ra miền Bắc, tưởng chỉ hai năm, không ngờ thành hai mươi mốt năm, cũng đã trở về. Nhưng cái khao khát về miền Bắc xã hội chủ nghĩa vẫn còn nóng hổi trong thế hệ thanh niên chúng tôi thời đó. Tôi rủ người bạn tên là Trần Quang Bảo, nay là Trưởng phòng xe lái Sở Giao thông Thừa Thiên Huế, lên tàu chợ đi Hà Nội chơi. Thời đó, miền Bắc chưa có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tư nhân như bây giờ, chỉ có hệ thống nhà khách của các cơ quan nhà nước. Muốn vào đó nghỉ, phải có các loại giấy như giấy đi đường, giấy giới thiệu, giấy công tác… Hai thanh niên tóc dài, quần loe, nhìn vào là nhận ra ngay cái máu phiêu lưu của thành phần tiểu tư sản chưa được gọt rửa sạch như chúng tôi, lấy đâu ra các thứ giấy tờ đó. Đêm, trải ni lông trên sàn gạch đường phố bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ôm túi xách cài ngang người, gối đầu lên đôi giày sandal ngủ. Sáng ra, hai đứa thức dậy, cả hai đôi giày không cánh mà bay. Với cái đầu ngu đần thời ấy, chúng tôi nghĩ chỉ có phố Hàng Giày mới có bán giày, nên lôi thôi chân đất, đi qua nhiều dãy phố, tìm cho ra phố Hàng Giày… Sau nhiều lần suy tính, đành quay về nơi tôi có người thân đang công tác là một bà thím dâu đang dạy học ở Vĩnh Linh, người mà tôi chưa gặp mặt bao giờ. Lúc này, trường tiểu học thím dạy đang còn ở Hồ Xá, nhà tranh, tường trét đất. Ăn cơm chiều xong, thím bảo thằng con đầu mới 6 tuổi dẫn hai anh lên trường học, kê bàn, móc màn ngủ. Chúng tôi chờ đêm xuống mới hỏi đường đi bộ ra thăm cầu Hiền Lương. Càng đi càng xa, dưới những ngọn đèn đường thưa thớt, vàng như màu đất, như màu da của những con người gần suốt cả cuộc đời chiến đấu, hy sinh để có ngày thống nhất. Không biết đi được bao nhiêu cây số, đôi chân mỏi nhừ vẫn chẳng thấy cầu, đành quay về ngủ, sáng mai nhìn cầu từ trên chuyến xe đò chen chúc, tôi vẫn thò đầu nhìn được cái thành cầu nửa xanh nửa vàng, nhìn dòng nước trong xanh của dòng sông Bến Hải, cuối cùng cũng xuôi về biển cả.

Cầu Hiền Lương chỉ dài 178 mét. Cầu thì ngắn nhưng lòng nhớ thương giữa hai miền thì dài đến mấy mươi năm. Trước Cách mạng, bất kể người sang kẻ hèn đến đây đều qua sông thì phải lụy đò. Sau đó, do nhu cầu giao thông, người ta làm phà để chở được nhiều hơn, nhưng cũng là phà chèo phà chống mà thôi. Vì vậy, trước khi có cầu sắt, bờ phía Nam vẫn có một cái chợ, gọi là chợ Phà, một kiểu chợ vùng tề trong kháng chiến, tồn tại cho đến khi cắm cột mốc giới tuyến mới tan hẳn. Pháp bắc cầu Hiền Lương năm 1950, nhằm mục tiêu phục vụ cho công việc chiếm đóng lâu dài. Cầu có 7 nhịp, 7 khung sắt kháp vào nhau. Sắt cầu sản xuất tại Anh, ván cầu gỗ thông “made in American” mang nhãn hiệu US - Virginia, nhân công làm cầu là đám công binh trong quân đội viễn chinh Pháp và tù binh người Việt. Cầu được làm sẵn, tháo rời từng mảnh, cho máy bay chở đến và thả dù xuống đất, rồi lắp ráp lại. Hai năm sau 1952, sân bay và cầu Mường Thanh ở Điện Biên Phủ cũng được xây dựng theo kiểu ấy, nên nhìn mặt mũi hai cây cầu hao hao giống nhau như anh em sinh đôi, vì nó cùng là con đẻ của kiểu cầu dã chiến. Cầu dài 178 mét, với 894 tấm ván, khi chia đôi, mỗi bên giữ 89 mét, nhưng do cỡ ván khác nhau, nên 450 tấm thuộc về miền Bắc, miền Nam chỉ còn 444 tấm mà thôi. Câu chuyện bảo quản cầu, sơn cầu, thay ván gỗ bị mục, cũng là một cuộc chiến tranh dài hai mươi mấy năm, thể hiện rõ mục tiêu đối đầu của hai phe đối địch: một bên coi đây chỉ là giới tuyến quân sự có ý nghĩa tạm thời, luôn nung nấu khát vọng hòa bình, thống nhất và kiên trì, nhẫn nại, thậm chí nhường nhịn, làm đủ mọi cách để đạt được; một bên coi là biên giới vĩnh viễn với tuyên bố “biên giới của Hoa Kỳ dài đến sông Bến Hải” (Ngô Đình Diệm) và tìm mọi cách để khẳng định chủ quyền, chia cắt lâu dài. Chẳng hạn chuyện sơn cầu, lần đầu cầu được sơn lại vào năm 1955, ta thuê tiểu đoàn 26 công binh Pháp làm rồi trả tiền cho họ. Nhưng bắt đầu từ lần sơn thứ hai vào năm 1958, phía miền Nam không đồng ý sơn chung, mà mỗi bên tự sơn lấy, nên cứ chờ ta sơn xong, bờ Nam mới bắt đầu sơn màu khác, lại còn đề nghị mỗi bên chỉ nên sơn 84 mét, hai bên chừa lại 10 mét giữa cầu để thể hiện rõ sự chia cắt. Nước sơn bên này chẳng những không thể điệp màu với nước sơn bên kia, mà còn không nên nối liền ngay với nhau. Thành ra, nếu thế, cầu có đến ba màu. Đúng là một việc làm ngớ ngẩn. Càng ngớ ngẩn hơn khi gần đây, đọc báo Văn nghệ (số 16, ngày 19/4/2014) nhà văn Đình Kính nói rằng, “Ban quản lý di tích Hiền Lương - Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị), cho biết vừa hoàn thành việc phục hồi màu sơn cho cầu Hiền Lương theo nguyên gốc. Cụ thể, một nửa phía Bắc cầu được sơn lại màu xanh hòa bình, nửa phía Nam được sơn màu vàng, là hai màu sơn của của thời kỳ đất nước còn chia cắt”. Thảo nào, hôm đi Điện Biên Phủ về, đoàn tôi có ghé ngang qua đó, xe có dừng lại để các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp hình, tôi thấy người ta đang sơn lại cầu hai màu vàng xanh, cứ tưởng màu vàng là màu sơn lót, không ngờ rằng những người lãnh đạo công tác bảo tồn di tích nơi đây lại có “sáng kiến” trung thành với lịch sử đến mức làm đau lòng những người đang sống hôm nay và cả con cháu mai sau!

Hiền Lương là cây cầu lịch sử bắc ngang qua dòng sông lịch sử. Sông Bến Hải là con sông lịch sử lại vắt ngang qua một thời đại lịch sử, chảy giáp ranh giữa nô lệ và tự do, giữa chia cắt và thống nhất, giữa chiến tranh và hòa bình. Đó là những vấn đề căn cốt của số phận một dân tộc tuy nhỏ, nhưng giàu truyền thống yêu nước và đoàn kết, phải gánh chịu bao nhiêu áp lực, bao sự chèn ép của những nước lớn, mà cho đến nay tuy thời thế đã khác, nhưng ít nhiều vẫn còn bóng dáng những nước lớn cố tình che khuất. Dốc ngược lịch sử, chúng ta dễ nhận điều mà giấy trắng mực đen vẫn còn ghi rõ: “Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời”, như điều 6 bản tuyên bố chung ghi rõ: “Các bên không nên coi đường ranh giới quân sự là biên giới lãnh thổ hay chính trị” và cả khoản a, điều 14 cũng đã ghi rõ: “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo qui định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy.” (Theo tài liệu đã dẫn). Trong khi từ năm 1956 đến năm 1959, có đến hơn hai mươi lần chúng ta gửi công hàm đề nghị tiến hành tổng tuyển cử, thì chính quyền Sài Gòn im lặng, chỉ trả lời bằng hành động tổ chức các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” được bắt đầu từ mùa hè năm 1955, làm cho hàng nghìn người từng tham gia kháng chiến bị giết. Trong mười lăm năm đầu của cuộc chiến tranh, tính trung bình mỗi năm không dưới hai mươi lần ta đề nghị tạo mọi điều kiện để “nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân” (Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa 2, 1955), thì Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn cố tình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng ác liệt. Họ lấy lý do là Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, trưởng phái đoàn Mỹ Bedell Smith và trưởng phái đoàn của cái chính quyền quốc gia do Pháp vừa dựng lên cách đó sáu tuần là Trần Văn Đỗ, đã không ký vào hiệp định. Không ký, nhưng điều nào có lợi cho họ thì họ thực hiện, điều nào có hại thì thôi. Không ký, nhưng họ vẫn cử người tham gia Hội nghị Trung giá (từ 4/7 đến 27/7/1954) bàn về việc rút quân, tham gia rút quân và vận động, lừa phỉnh hơn một triệu người dân thường di cư vào Nam, nhưng tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì họ từ chối. Tổng thống chế độ Sài Gòn Ngô Đình Diệm ngoan cố là bởi thời điểm đó dân số miền Bắc đông hơn miền Nam khoảng hơn hai triệu người, tổng tuyển cử họ sợ thua phiếu. Hơn nữa, theo điều tra xã hội học của các nhà khoa học Mỹ thời đó, có khoảng hơn 80% dân số Việt Nam tín nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thua là cái chắc. Vì trong tay họ chỉ có tiền Mỹ mà không có chính nghĩa. Mà thua thì sụp đổ chiến lược toàn cầu của người Mỹ. Vì vậy, họ kiên quyết chống đối hòa bình thống nhất. Họ cố biến dòng sông giới tuyến tạm thời, chiếc cầu dã chiến tạm thời thành biên giới, không chỉ chia cắt về địa lý, về chính trị, mà còn lâu dài dai dẳng cứa vào lòng người, hễ đụng đến là rỉ máu, nay nhắc đến còn xót xa.

Tôi may mắn hơn anh Huỳnh Như Phương là được thăm Hiền Lương - Bến Hải nhiều lần. Có lần tôi ra cầu Hiền Lương ở lại khá lâu, có thời gian đếm từng miếng ván cầu, xoa tay vào những thanh sắt cầu còn nóng và thơm mùi nắng, tìm đường xuống bến sông vốc nước mát vào đôi tay, hắt tạt tràn lên mặt… Đó là lần đi cùng với anh Trần Bá Đại Dương, nay là nhà báo, đang công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, đâu vào mùa hè khoảng năm 1982, 1983 gì đó, chúng tôi đi thực tế sáng tác với tư cách là thành viên Câu lạc bộ Sáng tác văn học trẻ của Thành đoàn Huế. Thời đó, đời sống còn nghèo, đến mức phải vuốt thẳng giấy bao thuốc lá để làm giấy nháp, nhưng năm nào Câu lạc bộ cũng xuất bản được tuyển tập thơ văn cho các tác giả trẻ. Câu lạc bộ do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đỡ đầu; lúc này vừa chuyển từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, về Hội văn nghệ Bình Trị Thiên để thành lập Tạp chí Sông Hương. Câu lạc bộ do anh Phạm Tấn Hầu làm chủ nhiệm, tôi và anh Bửu Nam, nay là phó giáo sư tiến sĩ, giảng dạy ở Đại học Sư phạm Huế làm phó chủ nhiệm. Nơi đây, đã quy tụ một đội ngũ những người viết trẻ, sau này trở thành những tác giả thời danh, những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Lập, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Đương, Hồ Thế Hà… Chuyến đi thực tế sáng tác của tôi và Trần Bá Đại Dương, do Hội Văn nghệ bảo trợ. Từ Huế, chúng tôi bỏ xe đạp lên xe đò, ra đến bến xe Đông Hà, xuống xe đạp xe đạp cây số ra cầu Hiền Lương, ở lại đó buổi trưa ăn xôi tự bới theo, chiều mát đạp xe về Cửa Tùng có xã lo nuôi ăn, đêm vác chiếu ra biển ngủ, chờ những thuyền đánh cá trở về, người ta nướng cá tươi nhâm nhi cùng mấy cốc rượu đế. Tất nhiên, nơi đây từng là nơi nghỉ mát của các danh gia vọng tộc, nhưng những ngôi biệt thự của Khâm sứ Trung kỳ, của Quốc vương Lào, của vua Bảo Đại, hoặc những khách sạn lớn như Hotel Cáp, đã bị bom Mỹ hủy diệt, xóa sạch không còn dấu vết. Thời ấy, ở Huế đời sống vẫn còn khó khăn, vừa qua thời ăn độn bo bo, lại chuyển sang thời độn sắn. Ở Cửa Tùng, cơm trắng cá tươi, rau sạch, dưa, bí nhiều, chúng tôi lại đang tuổi thèm ăn. Ăn cho no, sáng lần mò các địa đạo, nghe các nhân chứng kể chuyện chiến tranh, chuyện bà con bắt tàu Mỹ, chuyện Mỹ ném bom sụp địa đạo; chiều và đêm ra biển ngóng thuyền về. Không biết sự thật có diễn ra hay không, nhưng tôi vẫn nhớ như in trong tâm tưởng, rằng chiều nào ngồi trên bờ biển tôi vẫn nghe những nhịp điệu âm thanh trôi dạt dào như sóng biển, những âm vực cao và xa trong bài Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ…”. Lại cái đôi bờ da diết ấy, như thiết tha, như mời gọi, như cứa vào da thịt, tim gan, cứ cựa quậy, sống mãi trong những ô ngăn của ký ức, nó lớn lên và già đi cùng với tuổi tác của đời tôi.

Sau này, tôi đã tham dự trại viết nhiều lần ở Đà Lạt, Cửa Lò, Tam Đảo… có trại qui mô đến hơn bốn mươi người, kéo dài đến cả tháng, tất nhiên chế độ ăn uống, phương tiện làm việc tốt hơn, có máy tính, có phòng máy lạnh và có cả phương tiện thông tin liên lạc qua mạng, nhưng không có chuyến đi nào để lại sức sống lâu bền trong ký ức tôi bằng chuyến đi Cửa Tùng năm ấy. Chuyến đi không chỉ giúp cho tôi những hiểu biết về đất và người Vĩnh Linh, mà còn bồi dưỡng những tình cảm trong sáng, lành mạnh và cao đẹp trong tâm hồn tôi, nhất là đã cho tôi tận mặt, ngắm nhìn một cách tỉ mỉ dung mạo chiếc cầu Hiền Lương trên sông tuyến Bến Hải. Và, bây giờ khi nghĩ về cây cầu và dòng sông, tôi vẫn nghĩ bằng cảm quan của thời xa xưa ấy.

Một trong những phẩm chất làm nên vẻ đẹp trong tâm hồn con người là luôn đồng vọng về quá khứ. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để thế hệ mai sau vẫn giữ được mạch nguồn của tình cảm đã từng được tượng hình trong tâm tưởng cha ông. Không ít người đã lo lắng rằng, thế hệ trẻ bây giờ đang lao theo những cuồng vọng vật chất mà lạt lòng với quá khứ của cha ông. Không hẳn thế đâu. Bằng chứng là hai anh em song sinh, là hai họa sĩ Thanh và Hải, sinh ra ở Quảng Bình sau khi chiến tranh kết thúc hằng chục năm, đã bỏ công, của và cả tâm huyết làm phim về cầu Hiền Lương - Bến Hải. Bằng chứng là, hôm tôi đang đi trên xe ra dự đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ngang cầu Hiền Lương, còn thấy nhiều cặp thanh niên nam nữ tuổi mười tám, đôi mươi đi xe máy ngang cầu còn dừng lại chụp ảnh trên bãi cỏ xanh ngắt, bên cạnh tấm biển có ghi “Nơi đặt cột cờ của chính quyền Sài Gòn”... Còn bao nhiêu dẫn chứng khác nữa. Vấn đề chính là ở chỗ, những người có trách nhiệm như ngành bảo tồn di tích, thôi đừng nghĩ chuyện khôi phục “màu sơn chia cắt” mà hãy làm sao cho các cháu có chỗ để đến thăm, có bóng mát để vui chơi, có cái để đọc để hiểu, để nghe lại Hoàng Hiệp, Nguyễn Tài Tuệ và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác, nối liền đời sống dòng sông và chiếc cầu trong một dòng chảy lịch sử, vọng về quá khứ để hướng đến tương lai.

P.P.P
(SH305/07-14)

 

 

 

 

 

Tác giả: Phạm Phú Phong
Các bài mới
Nhịp sóng xanh (03/10/2017)
Các bài đã đăng
Men mưa Huế (24/03/2017)