Tôi vẫn thường thắc mắc không hiểu có ai sống với nhau tròn trăm năm không? Bởi tuổi của đời người mong manh, chẳng ai chờ ai, rồi lại nghĩ mình có ngộ nhận chữ nghĩa trăm năm đó không?
Hôm trước ngồi xem truyền hình trực tiếp chương trình Khóa sol vàng về Trịnh Nam Sơn, mọi người đều thấy Giáng Tiên người tình của nhạc sĩ lên sân khấu. Họ đã kể về những năm tháng thăng hoa cho tình yêu, cho âm nhạc và họ hạnh phúc với những gì đang có. Hầu như giới yêu nhạc đều biết họ chỉ là đôi tình nhân mà không cần những lời chúc thiên thu bách niên giai lão. Ừ đâu phải cần trăm năm, đâu phải là vợ chồng để có thể yêu nhau. Trên thế gian này, họ chưa phải là duy nhất nhưng họ cũng như những người yêu nhau khác vẫn là trăm năm của nhau.
Từ xưa đến nay, đám cưới nào, ngày hợp hôn người ta cũng có lời chúc y hệt nhau để dành cho đôi tân hôn là Trăm năm hạnh phúc. Không hiểu họ lấy đâu ra lời chúc đó khi đời người hiếm ai đến được trăm năm. Một cuộc hôn nhân tồn tại trăm năm càng có thể nói là không có, nếu có thì có lẽ xa xôi quá chưa ai biết được. Có lẽ nên hiểu trăm năm là giới hạn cho tận cùng đời người và trăm năm của hôn nhân là tồn tại đến khi còn người về với cát bụi. Còn cuộc sống thực không hiếm cặp chỉ yêu nhau mà không “cuồng điên mơ trăm năm sau” (Trịnh Công Sơn) nhưng cuộc tình của những người đó tồn tại với thời gian, họ luôn bên nhau. Và có nhau đó là năm tháng họ sống có ý nghĩa bằng tình yêu đích thực nhất của mình. Lâu lắm rồi, tôi có nghe một ai đó nói rằng “Hôn nhân là dệt bài thơ ái tình ra bằng văn xuôi”, nghe qua đã thấy trúc trắc, chông gai lắm rồi. Thôi thì ý nghĩa của lời nói này xin để những người yêu nhau rồi đi đến kết thúc bằng một đám cưới hay tờ giấy hôn thú kết luận. Tôi không dám đem thực tế của riêng mình hay vốn kiến thức ít ỏi ra bình luận khi những chông chênh riêng mình không biết đặt tên ra sao? Chợt nhớ đã có lần trên hình ảnh của Nhạc sĩ Phạm Duy có viết hai câu thật hay: “Về đi người tình già/ Làm gì có trăm năm mà đợi”. Tự nhiên những ngậm ngùi bủa vây trong tôi mà không biết vương vấn từ đâu khi đọc được những dòng chữ đó. Tôi vẫn nhớ Phạm Duy có bài hát Kiếp nào có yêu nhau nổi tiếng từng làm chao đảo bao người đang yêu. Hay ông sau những năm tháng từng trải đã ngộ ra, đã hiểu nhiều hơn xưa?
Xét cho cùng thì cung bậc tình yêu cũng khắc nghiệt với con người. Đó là khi phải chờ đợi, phải hy vọng dù có khi chỉ xa nhau có vài phút, có một chút đoạn đường nhưng là cả đời người không đi tới nổi. Khắc nghiệt như xem lại đoạn phim có cảnh Romeo và Juliette phải chết, tàn nhẫn như lời của bài hát Khi loài thú xa nhau. Chính vì thế nên lòng tự nhủ thôi thì đừng cuồng điên mơ trăm năm làm gì. Cứ nhìn lên sân khấu âm nhạc đó đi, người ta không là vợ chồng nhưng họ bất tử cùng âm nhạc, lời hát họ dành cho nhau để làm nên giai điệu đẹp, từ đó họ chứng thực mình có nhau khi tiếng hát bay lên. Cao quý hơn hết là họ được công chúng chấp nhận khi tên của họ gắn liền với nhau. Mơ gì trăm năm để có nhau, rồi tình yêu vỡ vụn, rồi chết yểu, rồi là hư không. Thế giới này quá rộng nên biết bao người tình cờ đi qua nhau như hai đường thẳng song song, dẫu có dẫn đến chân trời cũng không gặp nhau. Phải chăng hai đường thẳng ấy có khi trở thành một sai lầm mà không ai còn muốn nhắc tới. Và giấc mơ trăm năm đã qua là vết cắt xót xa đau?
Đi qua một chặng đường, người ta không phải ai cũng chiêm nghiệm được những gì bỏ lại sau lưng. Lắm lúc cuộc đời là chốn dạo chơi. Lắm lúc cả là một quãng đường để tranh đấu vô cùng mệt mỏi. Có nhau để cùng đi đến con đường răng long đầu bạc cũng chưa phải là kết thúc? Không phải là thế giới của riêng ai để từng cuộc tình đi qua vội vã mà không mơ về trăm năm để nhận lời chúc phúc của nhân thế. Đó là cái kết có hậu mà ai cũng ưa. Nhưng không phải cuộc tình nào cũng happyend, không phải là trăm năm như thế. Hãy nhìn cặp tình nhân âm nhạc kia đi, họ đâu phải là vợ chồng, đâu là trăm năm của nhau, nhưng họ đã dâng hiến cho đời nhiều đứa con tinh thần cao quý. Chừng đó quá đủ cho một kiếp người sống để yêu nhau. Chuyện tình của họ được người yêu nhạc nhìn nhận, cũng chỉ là một trong những chuyện tình đẹp của âm nhạc, có những cuộc tình tri âm tri kỷ ngoài đời thường mang sự lặng lẽ cho nhau. Mặc dù những tình yêu như thế chỉ giới hạn trong hiểu biết của riêng người viết thì trên thế gian này hẳn cũng có những tình yêu mà đâu phải chờ trăm năm mà mọi người chưa được biết? Tất nhiên những người có tình yêu như thế, họ không hề cổ súy cho giấc mơ đừng cuồng điên mơ trăm năm sau bởi họ không có con đường nào khác hơn khi ai nấy đều có nửa riêng của mình. Như khi viết về một ca từ nào đó, người nghe gần như biết tác giả dành riêng cho ai, khi bóng dáng của trăm năm về như bóng mây. Hẳn những ai yêu nhạc Trịnh đều không lấy gì ngỡ ngàng khi người nữ danh ca Khánh Ly tuyên bố “Anh ấy là một nửa của tôi” để nói về người nhạc sĩ huyền thoại đã làm nên tên tuổi của cô, người được mệnh danh là viết tình ca hay nhất thế kỷ. Rất nhiều người đã trân trọng lời nói thật lòng ấy và xem đó là sự mặc nhiên bởi họ từng tôn trọng tình yêu âm nhạc tuyệt vời này. Vĩnh viễn khi lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên, cả hai đã chứng thực một tình yêu âm nhạc vĩnh cửu. Bởi ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trong không gian âm nhạc nào thì câu hát “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” đã thật sự là một triết lý, triết lý của tình yêu, triết lý của hạnh phúc, triết lý nhân văn của con người. Nếu con đường trăm năm của họ bỏ ngỏ, đợi chờ nhau trong thiên thu thì ý nghĩa trăm năm đó còn tuyệt diệu hơn cả trăm năm bách niên giai lão.
Dù không mơ trăm năm sau nhưng tình yêu mãi mãi là chuyện của trăm năm. Thế mới biết cuộc đời ai cũng muốn dệt bài thơ ái tình ra bằng văn xuôi bởi đó là đỉnh cao nhất của tình yêu dù biết có trăm năm hay không. Trong đời sống khi cất lên một lời thơ thì đó là kết tinh của chuỗi nghĩ suy, là sự sắp xếp của những ngôn từ đẹp nhất. Có ai phủ nhận nghĩ suy không bắt đầu bằng những mảng ghép của từ ngữ đâu? Bởi vậy tình yêu có sự hiện diện đầy khập khiễng của văn xuôi, của giấc mơ trăm năm và cả những lời ru cháy bỏng…
Võ Ngọc Lan
(SDB18/09-15)