Tiểu thuyết
Em còn gì sau chiến tranh?
13:40 | 06/10/2014

HÀ KHÁNH LINH
    Trích tiểu thuyết, chương III

Anh tỉnh dậy vừa kịp lúc nhận biết nhiều chỗ trên cơ thể mình rất đau... nhưng không nhớ là mình bị thương như thế nào.

Em còn gì sau chiến tranh?

- Hay lắm! Tỉnh lại rồi - vẫn đẹp trai như chưa hề...

Bác sĩ đến bên sờ tay lên bắp đùi anh đang băng bó trắng toát, lại sờ lên mặt... Anh khẽ đưa bàn tay lên chỗ gần tay bác sĩ, liền chạm phải một mảng băng bông cồm cộm. Cái gì thế nầy? Mặt cũng có vấn đề sao?! Anh tự hỏi cùng lúc cô y tá bưng khay y cụ đi ngang qua vừa nở nụ cười rất tươi. Trời đất, đó là Phương Anh! Nhưng Phương Anh không dừng lại chỗ anh, Phương Anh đến bên các thương binh khác. Bác sĩ nói:

- Anh có biết anh đang... giữ một sợi tóc của Phương Anh làm kỷ niệm không?

- Sợi tóc... của Phương Anh... Tôi... tôi... đang giữ làm kỷ niệm?...

Không để anh nói hết câu, bác sĩ nở nụ cười hóm hỉnh vừa đưa tay khoát bảo:

- Không phải băn khoăn nhiều! Cứ nằm nghỉ cho khỏe. Bị thương nhiều chỗ nhưng may là đều ở phần mềm cả. Riêng vết thương mặt thì được khâu bằng một sợi tóc của o Phương Anh...

Ra thế!

Anh nằm lặng yên và vỡ òa trong cảm xúc, như quên đi bao đau đớn từ các vết thương. Bác sĩ đã dùng tóc... trong phẫu thuật. Tóc của Phương Anh! Ôi chao...

Phương Anh đi đến chỗ của anh sau khi đã đi một vòng qua hết các gian bệnh cùng với bác sĩ thăm khám. Anh run giọng hỏi về sợi tóc. Phương Anh nói:

- Có chi mô? Bác sĩ Vận - Đội trưởng những lúc ngơi tay thường dùng panh cắt tóc của em - quấn quanh panh đưa vô nồi luộc, sát trùng, để dành sẵn khi phẫu thuật...

- Cái ông bác sĩ quá ư là... đẹp trai ấy (!) tự thò tay vô đầu của Phương Anh để cắt tóc sao?!...

Phương Anh nở nụ cười tươi giải thích:

- Tóc chỉ để dành may những vết thương mặt, khi cắt chỉ, vết sẹo sẽ nhỏ hơn nhiều - so với may bằng những sợi chỉ lanh...

Anh lặng im nhìn Phương Anh, lòng se thắt.

Phương Anh vội vã bước đi sau khi buông một câu:

- Anh cũng... đẹp trai đó chứ!...

Anh cảm thấy toàn thân mình rung lên. Làm sao Phương Anh hiểu được anh đã cảm nhận hạnh phúc dâng tràn trước lời khen tặng nầy của Phương Anh? Sự “ghen tuông” đối với vị bác sĩ Đội trưởng đẹp trai dường như đã tan biến hết. Càng hạnh phúc hơn khi chính khuôn miệng xinh đẹp ấy giải thích cho anh hiểu may vết thương mặt bằng tóc... của chính Phương Anh - Một đầu tóc rất dài và rất đẹp. Đẹp hơn cả giấc mơ, dài hơn cả nỗi niềm thao thức bất tận trong anh!... Giờ đây một sợi tóc tuyệt vời ấy đang làm chức năng hàn gắn vết thương trên mặt anh, một trong những vết thương của trận đánh vào đồn Lương Mai với những chiến công lẫy lừng tháng 7 năm 1967...

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

*

Về sau nầy, khi y học hiện đại đã dùng Agar chiết xuất từ Rau Câu để làm chỉ tự tiêu trong phẫu thuật - anh nghĩ - nếu thành tựu nầy của y học ra đời sớm hơn một chút - thì anh đã không có được hạnh phúc mắc nợ Phương Anh một sợi tóc! Món nợ ấy nhiều khi cũng bị thời gian phủ lên làm cho nhạt nhòa, làm cho mờ tối. Nhưng thỉnh thoảng ký ức được gội rửa, nó sáng long lanh trở lại và đẹp hơn cả thuở ban đầu! Rồi lại nhạt nhòa đi theo quy luật thời gian... Mấy hôm nay nó lại sống dậy mãnh liệt, nó làm cho anh không thể yên kể từ hôm ở Thủ Đức trở về Hà Nội.

Anh sắp sếp công việc cho các Phòng, Ban... xong rồi lấy cớ đi khảo sát một dự án ở miền Trung để về Huế tìm gặp Phương Anh.

Nhan sắc ngày xưa tuy đã bị bom Mỹ tàn phá nặng nề, nhưng theo Phương Anh cho biết thì lúc bấy giờ Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện Việt Đức - Hà Nội đã dốc toàn lực để cứu chữa. Giờ đây tóc đã lại mọc dài ra, dài gần bằng tóc ngày xưa. Khuôn mặt vẫn là khuôn mặt xinh đẹp ấy nhưng với những vết sẹo mỏng sau bao lần các bác sĩ bệnh viện Việt Đức đã lấy da ở đùi non, ở ngực lên thay da mặt...

Đôi mắt may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Một vết sẹo mờ đắp trên sống mũi dọc dừa. Cũng một vết sẹo như thế dán vào khóe miệng với chiếc cằm tuyệt vời ngày xưa... Ấy là đã nhờ bao nhiêu cố gắng của các bác sĩ bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Sau lần phẫu thuật thứ ba Phương Anh mới dám cầm lấy gương soi mặt mình. Tuy không được như ngày xưa nhưng đã bắt đầu nhận ra nhân dạng của chính mình. Rồi Phương Anh đi học y sĩ.

- Thương em quá! Chắc là khi mới bị, em đau lắm, nóng lắm?

- Vâng, đau lắm! Nóng lắm! Rát lắm!... Nhưng sau đó lòng em càng đau hơn! Ba mạ em còn đau hơn nữa! Nhất là ba em...

Phương Anh nói và một chuỗi ký ức đau nhức hiện về... Trước khi mở trận càn kẻ địch thường dọn đường bằng những loạt đạn pháo tầm xa, tầm gần, rồi máy bay khu trục, máy bay trực thăng, máy bay trinh sát... Nhưng lần ấy chúng làm trái quy luật... Rạng ngày 30.5.1968 trời chưa sáng hẳn đã nghe tin địch càn. Đội phẫu tiền phương 268 trước đó có mười lăm người, hy sinh lần lượt hết sáu người, số còn lại sau giờ làm việc thường tìm chỗ nghỉ rải rác phân tán để hạn chế thương vong. Tố Tâm trước làm thợ may ở Đông Hà, Xuân Mậu Thân 1968 về Phong Bình thăm mẹ - thấy Đội Phẫu đóng trong nhà nên không quay lại Đông Hà Quảng Trị nữa, ở lại tự nguyện tham gia công việc với Phương Anh. Vậy nên vừa nghe tin địch càn, Phương Anh, Tố Tâm cùng với du kích Phạm Bá Vy, anh Toàn cán bộ Xã nhanh chóng thoát ra khỏi thôn nhắm hướng trãng cát. Nghe tiếng xe thiết giáp của địch nghiến ở miệt Hòa Viện - Phong Bình - cùng lúc hàng loạt máy bay trực thăng quần lượn trên bầu trời. Anh em cùng nhận định chúng càn từ Phong Chương qua Phong Bình và có thể sau đó chúng sẽ lên Phong Hòa. Chẳng còn đường nào thoát, nên tất cả đều nhắm hướng Phong Hòa mà chạy. Chạy một quãng đã nghe tiếng xích xe tăng gần lắm đang nghiến qua làng mạc. Trên đầu hàng loạt máy bay kiểu “Rọ” “Gáo” đang quần lượn bốn phía. Súng đại liên trên máy bay quét xuống. Đạn bay rào rào. Tiếng động cơ và cánh quạt máy bay, tiếng đạn nổ bên mình tung bụi mịt mù, cùng với khói thuốc súng nồng nặc... Có tiếng súng bắn trả từ vạt Hòa Chăm. Lại có tiếng súng bắn trả từ giáp ranh Phong Bình, Phong Hòa. Chắc chắn anh em Xã Đội đang chống càn phía đó. Bốn người nhắm hướng Xóm Thượng, mặc cho các loại máy bay “Rọ” “Gáo” đang quần qua đảo lại rè rè trên đầu cùng với những loạt đạn trên máy bay bắn loạn xạ xuống. Đồng bào cán bộ chiến sỹ gọi loại máy bay nầy như vậy vì thân nó giống cái rọ đựng heo thịt, phần đuôi vễnh lên như cán gáo. Thực chất đó là loại trực thăng HU1A và HU1B cải tiến để thích nghi với mọi địa hình tác chiến trong giai đoạn mới. Thân máy bay được đóng bằng những khung sườn kim loại dọc, ngang, bốn bề trống hoang, không lợp; tiện cho việc quan sát, dễ phát hiện mục tiêu, dễ truy sát. Các ô cửa sắt làm điểm tựa cho các loại súng máy, tiện cho việc phóng lựu đạn, phóng bom lửa. Với kinh nghiệm của anh em cán bộ địa phương và du kích thì loại máy bay nầy đáng gờm hơn cả, vì ngóc ngách nào chúng cũng tới được, mục tiêu nào cũng bị phát hiện, một con chó, con mèo, con gà,... chạy trên mặt đất cũng không lọt khỏi mắt chúng! Có lúc chứng không bắn, mà bay đuổi theo, áp sát mục tiêu, thả thang dây xuống khống chế để bắt. Một số cán bộ bị bắt vì loại máy bay nầy. Giờ đây chúng đang dùng cách ấy để truy rượt nhóm của Phương Anh, vừa la hét và ngắm bắn từ máy bay xuống. Một chiếc máy bay lượn thấp dần. Cả nhóm Phương Anh cắt đường ngang chỗ vạt cây song mã dạt vô Xóm Thượng. Chong chóng máy bay quạt bay lật ngược hết thảy mọi thứ dưới cánh quạt của chúng. Chỉ có con người là cố đứng thẳng và cố chạy. Chúng truy đuổi theo vừa ngắm bắn và la hét om sòm. Anh Toàn ngã xuống, máu phun thành vòi. Anh Vy lăn một vòng. Tố Tâm và Phương Anh chạy vượt qua. Bọn lính trên máy bay càng la hét to hơn cố truy sát hai đứa con gái. Cánh quạt máy bay làm lật ngược những chùm lá hai cây chim chim trước cổng nhà anh Liệu - Bí Thư huyện ủy - Nhà không có ai. Cả vòm tre xác xơ còn sót lại mấy nhành lá toe tua cũng bị thổi dạt theo, muốn cuốn vào tóc Tố Tâm khi cô chui vội vào một căn hầm; còn tóc của Phương Anh trước đó đã được kẹp chặt bằng hai chiếc kẹp Inox, giờ bị bung ra một cái, mớ tóc dài bay xòa theo hướng quạt loạn xạ của chong chóng máy bay. Phương Anh chui theo sau. Một quả bom Phosphor lân tinh từ trên máy bay phụt xuống trượt qua đầu Phương Anh lọt thỏm xuống miệng hầm. Phương Anh kêu thét lên. Toàn thân Phương Anh nóng bừng bỏng rát tưởng như đang cháy phần phật ra tro ra bụi... Tóc trên đầu Phương Anh cũng đang ngún cháy. Nóng quá! Trời ơi! Nóng!...

Bọn địch trên máy bay thanh toán xong mục tiêu, liền chuyển hướng bay truy sát các mục tiêu khác.

Tố Tâm nhoài người chui ra khỏi miệng hầm, kéo theo cả Phương Anh, kéo đến bãi cỏ gần nhất. Phương Anh úp mặt xuống cỏ, chà xát, lăn lộn, mặc cho gai nhọn đá sỏi cào cứa vào da thịt bật máu. Bọn địch đang đổ quân càn quét trên diện rộng. Bom đạn đầy mặt đất, máy bay đầy trời. Tố Tâm dìu Phương Anh chạy ngược về phía xóm Trằm - nơi có gia đình Phương Anh đang tạm trú.

- Cố gắng! Cố gắng!...

Tố Tâm luôn miệng động viên Phương Anh, nhưng Phương Anh đã cố gắng hết sức rồi. Đau đớn bỏng rát quằn quại - Phương Anh gục xuống mấy lần, mấy lần được xốc lên. Tố Tâm cố gắng cõng Phương Anh từng đoạn vừa cảm nhận tóc, áo, da thịt Phương Anh đang ngún cháy rần rật trên lưng trên vai trên cổ của mình - Đến lượt Tố Tâm cũng cảm thấy mình rất nóng! Nóng lắm, nhất là ở hai bàn tay và cánh tay - những vị trí chạm vào Phương Anh nhiều nhất, siết chặt nhất! Càng thương Phương Anh hơn. Nóng bỏng như thế làm sao Phương Anh chịu nổi?! Sợ rằng Phương Anh không thể sống nổi trước khi về gặp được cha mẹ - Tố Tâm càng cố gắng cõng Phương Anh chạy nhanh hơn - dẫu Tố Tâm cũng cảm thấy mình đang kiệt sức dần, đầu óc cô choáng váng. Phương Anh cảm nhận rằng mình vẫn còn sống, đang được bạn cõng, bạn dìu, bạn chạy, bạn bò lết đủ các kiểu... Phương Anh cũng chỉ còn một ước nguyện duy nhất kịp về nhìn thấy ba thấy mạ trước khi chết.

Ba mạ nhìn thấy Phương Anh thì thét lên. Phương Anh kêu khát nước và kêu nóng. Mọi người hiểu được rằng còn biết khát nước, biết nóng tức là đang còn sống dẫu mắt Phương Anh nhắm nghiền. Phương Anh được đặt nằm trên tấm ván hẹp trải chiếu lát. Nhà cửa bị địch đốt cháy hết, khi sơ tán đến đây chỉ mang theo được tấm ván nầy cho ba nằm, bây giờ ba dành cho Phương Anh. Phương Anh lăn lộn vật vã trên chiếc chiếu lát được đan bằng những sợi bàng mỏng và mát rượi của quê hương Phò Trạch của cô. Nhưng lúc nầy cô không thấy mát chút nào, mà mỗi lúc càng thấy nóng hơn rát hơn! Mọi người lấy áo xống thay cho Phương Anh. Áo quần đang ngún cháy loang lổ tơi tả. Áo quần là vách ngăn đã hứng bớt một phần lân tinh, đầu có một lớp tóc dày hứng bớt nên đang tiếp tục ngún cháy, chỉ có mặt và đôi tay là nóng nhiều nhất, đau đớn nhất! Phương Anh nắm lấy tóc mình giật ra từng vày! Những mảnh áo quần còn sót lại trên thân thể cũng được giật ra, để lộ đôi bắp đùi đỏ tấy bỏng rộp gần bằng chỗ da mặt. Toàn thân chỉ vùng mặc xu-chiêng và slip là không bị đốt cháy mà thôi. Toàn thân như đang bốc lửa, đang ngún cháy.

Phương Anh nằm thiêm thiếp trên tấm ván hẹp, chốc lại nôn mữa, nôn thốc nôn tháo, xong lại đòi uống nước, lại nôn... Nắng nóng hầm hập. Gió lào, cát bay... Ba của Phương Anh treo mùng phủ kín chỗ con nằm để tránh cát bay và ruồi muỗi. Chiếc quần xatanh của Phương Anh được ba xé vội để trở thành chiếc quần đùi cho Phương Anh mặc, chiếc áo sơ mi bằng phin trắng nõn chỉ xỏ một tay, phần còn lại khoác hờ lên thân thể đầy thương tích. Tiếng đạn nổ hòa trong tiếng kêu khóc của đồng bào. Tiếng quát tháo la hét của quân địch hòa trong tiếng xích xe bọc thép nghiến qua thôn làng, đồng ruộng, lùm cây trên trãng cát... Mỗi lần ói mửa xong Phương Anh cố mở mắt để nhìn cái màu trắng của phosphor... Lần nầy bóng tối nhập nhoạng cuối ngày đã không để Phương Anh thấy rõ - cùng lúc có tiếng của Tố Tâm ngoài sân:

- Không biết cái cơ lý - cơ chế thẩm thấu của da như thế nào đối với phosphor mà từ khi bị đốt cháy toàn thân da thịt phòng rộp lại còn nôn mửa ra toàn cả phosphor...

Nằm trong mùng Phương Anh nghe rõ mồn một lời của Tố Tâm. Có tiếng người lao xao ở bên ngoài. Đau quá! Rát quá! Nóng quá! Buồn nôn quá! Khát nước quá! Miệng cứ thít chặt lại sau mửa, rất khó mở ra. Mọi người ập vào. Đội Phẫu và anh em du kích đã tới. Phương Anh rất muốn nói cho mọi người biết là quả bom phosphor lân tinh rơi trượt từ trên đầu qua mặt Phương Anh nên một mớ phosphor đã tạt vào mũi, vào cổ họng Phương Anh...

Anh em gánh Phương Anh lên thôn Niêm thì gặp bác sĩ Viện trưởng phòng y tế Phong Điền. Ông lật đật mở gói bột xi rô cam vừa nhặt được của Mỹ - cho vào một chiếc nón - hòa với nước lã rồi cắt chóp nón để tạo thành một chiếc phễu to đặt vào miệng Phương Anh - cho Phương Anh uống.

Từ sáng đến tối, mặc cho Phương Anh vật vã đòi uống nước nhưng gia đình không dám thỏa mãn yêu cầu nầy của Phương Anh. Vì chưa gặp được thầy thuốc nên không biết phải làm như thế nào, cho uống nước là tốt hay xấu cho thể trạng trầm trọng lúc nầy của Phương Anh. Giờ đây được uống thỏa mãn Phương Anh cảm thấy tỉnh táo hơn hẳn, có thể mở mắt nhìn mọi người trong ánh đèn dầu leo lét.

Sáng sớm mai các vết bỏng trên toàn thân đồng loạt phồng rộp. Mặt phồng rộp. Lúc nầy địch đang chốt chặt bốn phía không thể nào chuyển Phương Anh lên chiến khu được. Tờ mờ sáng các loại phi pháo địch đã bắt đầu hoạt động. Bác sĩ Viễn động viên Phương Anh để anh em gánh cô về nằm tại gia đình, hằng ngày sẽ cử người đến chăm sóc vết thương.

Thấy con được đồng đội gánh về rồi lật đật chạy đi tìm hầm bí mật để ẩn nấp, bỏ lại Phương Anh một mình với toàn thân đầy thương tích, người cha khóc thành tiếng! Nước mắt tuôn lã chã - Ông đi tìm lá chè xanh về sắc nước đậm đặc pha với muối để rửa các vết thương cho con gái. Các vết thương vỡ ra, có những chỗ khác bắt đầu phồng lên. Người mẹ thì ngày nào cũng đòn gánh đè vai lặn lội qua hàng chục cây số đường cát bỏng dưới mưa bom bão đạn để buôn bán lặt vặt nuôi sống cả nhà. Phương Anh nằm hai chân co lại thì đỡ đau hơn là duỗi thẳng. Nằm cũng rất khó, trở mình càng khó hơn - nên cứ vật vã đau đớn quằn quại cả thể xác lẫn tinh thần không thốt được nên lời!

Chiến dịch càn quét của địch vẫn chưa kết thúc. Suốt nhiều ngày đêm địch quân lùng sục cùng với bom đạn và bắt bớ, tra tấn, nên không có ai đến để làm thuốc thay băng cho Phương Anh được! Người cha phải cặm cụi miệt mài lau rửa, Phương Anh phải cố gắng mở mắt ra để cầm kim tiêm tự thử phản ứng rồi tự tiêm péniciline cho chính mình. Phương Anh chợt nhớ Giáo sư bác sĩ Đặng và nhớ da diết cuộc gặp gỡ với ông một lần và mãi mãi! Chú ơi! Lời giao ước chú cháu mình sẽ gặp nhau ở trường Đại học Y bây giờ đã hoàn toàn tiêu tan! Ngày ấy khi được tin chú đã hy sinh, cháu đau buồn vô hạn nên đã đặt cho mình một chỉ tiêu phấn đấu, một quyết tâm, hết chiến tranh mình sẽ đi học, sẽ vào Đại học Y như lời chú căn dặn, sẽ học nhiều, học giỏi, học hết mình để bù đắp cho thời gian thất học vì hoàn cảnh gia đình và vì chiến tranh. Sẽ nói cho tất cả mọi người, nhất là những người trong ngành Y biết Giáo sư bác sĩ Đặng đã đi chiến trường với mong muốn cháy bỏng chế tạo ra được loại vắc xin phòng chống sốt rét như thế nào, đã hy sinh ra sao...

- Giáo sư bác sĩ Đặng ơi! Bác sĩ Thường ơi! Giờ đây thân xác Phương Anh bị bom Mỹ hủy hoại ra thế nầy thì còn mong chi sống sót? Hoặc nếu sống qua được thì cũng đã ra người tàn phế còn mong chi học với hành?!...

Phương Anh gào kêu trong tâm khảm và nức nở khóc không thành tiếng. Chỉ mới mấy ngày trước đây thôi Phương Anh còn là một cô gái lành lặn khỏe đẹp xinh tươi và đây mơ ước. Buổi chiều chuẩn bị cho kíp mổ Phương Anh thường đi mót từng que củi để hấp luộc dụng cụ phẫu thuật, hấp bông băng và chưng nước cất, xong liền vào phụ mổ. Cảm thấy mình trưởng thành lên từng ngày về mọi mặt. Mổ xong thường là hai giờ sáng, Phương Anh một mình bưng mấy chậu ga gạc ra bờ sông Ô Lâu ngồi giặt với một túi tro to bự, vì thời gian nầy hết sạch xà phòng! Ngay cả những miếng gạc cũng chính tự tay Phương Anh đi xin dân từ những chiếc mùng rách về cắt ra giặt sạch hấp lên làm gạc. Những tấm gạc dùng và giặt nhiều lần đã ngã màu vàng, nhưng đem luộc, hấp lên, lại trở nên an toàn - để phục vụ cho thương binh bị ứ đọng lâu ngày không chuyển lên hậu cứ được. Một mình với những chậu ga gạc to đùng trên bến nước miệt mài giặt giũ xong thì trời vừa sáng.

Tìm chỗ phơi xong liền kiếm miếng gì ăn vội, uống vội rồi tìm chỗ ẩn nấp, tranh thủ ngủ một chút - vừa nghe ngóng mọi động tĩnh. Thấy tình hình yên thì buổi trưa anh chị em trong Đội Phẫu trước đó tản mác người một nơi - để tránh phải chết chùm - giờ nầy quy tụ về để thăm khám bệnh, làm thuốc cho thương bệnh binh. Nếu tình hình căng thẳng thì phải đợi đến tối mới lần mò đi đến các nơi cất giấu anh em thương bệnh binh... Lại tắm rửa, lau chùi vết thương, khám và cho thuốc, phẫu thuật... Kể từ sau Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 tình hình ngày càng khó khăn, bởi đối phương phản công ngày một quyết liệt. Gian khổ hiểm nguy bốn bề nhưng anh chị em thầy thuốc ai cũng thấy vui sau khi cứu sống được thương bệnh binh, và đau buồn khi bất lực nhìn thấy đồng đội đồng chí của mình không thoát khỏi chỉ vì phương tiện dụng cụ thuốc men ngày càng khan hiếm. Mọi con đường tiếp viện đều bị chốt chặn, anh chị em thầy thuốc cũng lần lượt hy sinh hết người nầy đến người khác. Nhưng hoàn cảnh không cho phép những người còn lại có đủ thời gian để đau đớn và thương tiếc lâu dài. Những người còn lại tự đặt cho mình thêm một nhiệm vụ là làm cả phần việc của những người vừa ngã xuống. Nào ngờ giờ đây đến lượt Phương Anh!...

Một ngày mới lại bắt đầu bằng tiếng động cơ của các loại máy bay Rọ, Gáo vạch ngang dọc rồi lượn quanh trên bầu trời để truy tìm mục tiêu. Một lát sau lại nghe tiếng kêu thất thanh của bà con trong xóm, tiếng nổ của các loại đạn và tiếng quân địch quát tháo. Một lát sau có tiếng những đôi giày đinh bước lộp cộp vô sân nhà Phương Anh.

- Đừng tới gần nó! Nó bị phung hủi đó!...

Có tiếng bà con làng xóm hét lên ngăn bọn địch không cho bước tới gần chỗ Phương Anh. Nhưng một bàn tay đã vén mùng Phương Anh ngó qua rồi lật đật thả xuống và lật đật quay gót. Tiếng giày đinh xa dần. Phương Anh còn nhớ mấy tháng trước, chị Xã Đội phó chống càn bị địch bắn chết rơi xuống sông, hơn một ngày sau mới tìm thấy xác. Từ bờ xa Phương Anh nhìn thấy đầu tóc của người con gái dập dềnh trên sóng nước. Anh em tản mác người một nẻo đi tìm xác những đồng đội khác. Một mình Phương Anh không thể vớt xác của chị Xã Đội phó Phong Bình được, Phương Anh vào thôn Chùa nhờ bà con ra giúp một tay. May mắn gặp ông Huỳnh - Chủ tịch Mặt trận - tuy đã lớn tuổi - ông một mình chống chiếc ghe nhỏ ra giữa dòng nhảy xuống vớt xác. Chị Xã Đội phó chống càn ở Phong Bình, bị địch rượt nên chạy qua vạt đồng ruộng thôn Chùa của xã Phong Hòa. Đạn từ xe tăng địch bắn đứt khí quản của chị nên khi vớt xác lên không có nước trong bụng. Khuôn mặt vốn xinh đẹp của chị cùng với chỗ cổ bị đạn bắn giờ đây bị cá rỉa nham nhở. Phương Anh suýt kêu rú lên... Nhưng so với khuôn mặt của Phương Anh giờ đây chắc chắn mặt Phương Anh dễ sợ hơn rất nhiều! Dẫu Phương Anh không dám soi gương, nhưng cảm nhận được bởi những cơn nóng bỏng thắt ruột, những vết lở lói trên thân, trên mặt mà bàn tay mình chạm phải, những máu mũ trộn lẫn với nước mắt của Phương Anh mỗi ngày mỗi đêm... Phương Anh nghĩ - nếu hôm đó bọn địch trên máy bay không nhắm vào Phương Anh mà ném quả bom phosphor lân tinh, thay vào đó chúng phóng lựu, hoặc một phát rốc két, một loạt đại liên... thì Phương Anh đã chết ngay tại chỗ. Cái chết ấy so với cái sống ngắc ngoải đau đớn tận cùng từ thể chất đến tinh thần như lúc nầy đây - liệu cái nào... hơn?! Chắc chắn là cái chết ngay lập tức dễ chịu hơn nhiều! Sự đau đớn nóng rát lở lói mỗi lúc cứ lan rộng ra, lặn sâu vào tận xương tủy lúc nầy không làm Phương Anh đau khổ bằng khi biết rằng rồi đây khuôn mặt của mình sẽ không còn là mặt người nữa! Đời con gái mới lớn lên, nếu sống qua được lúc nầy với một bộ mặt như thế, thì có cần phải sống?!... Ý nghĩ nầy dày xéo trái tim Phương Anh tan nát. Phương Anh nghe đôi giọt nóng hổi trào ra khỏi mi mắt. Theo phản xạ Phương Anh định đưa tay lên trấn giữ vòm ngực đang đau nhói, nhưng không được, vì tay rất đau và đầy băng bông. Giả dụ giờ đây Phương Anh tự kết thúc sự sống của mình thì ba mạ sẽ đau lòng lắm! Uổng công ba chăm sóc mấy hôm nay, uổng công mạ lặn lội đòn gánh đè vai luồn lách giữa bom đạn buôn bán lặt vặt để mỗi ngày đem về những món thực phẩm tốt, nấu lên rồi dỗ dành Phương Anh ăn - Đứa con gái mà ba mạ đặt rất nhiều hy vọng, rất nhiều tin yêu... Ôi, ba ơi! Mạ ơi! Con có cần phải tiếp tục sống nữa không?...

- Đừng! Đừng! Phương Anh! Cháu là người con gái nhiều nghị lực mà! Cháu phải sống! Y học hiện đại sẽ cố gắng phục hồi sức khỏe và sắc đẹp cho Phương Anh! Trả lại ước mơ cho Phương Anh...

Lời của Giáo sư bác sĩ Đặng như còn văng vẳng bên tai. Phương Anh cố gắng mở mắt, nhìn ngơ ngác. Đâu rồi Giáo sư bác sĩ Đặng?!...

*

- Cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đã lấy mất tuổi trẻ và mơ ước của chúng ta. Nhưng chúng ta may mắn hơn rất nhiều đồng đội của chúng ta đã ngã xuống - Để giờ đây còn nói được với nhau những lời nầy...

Anh nói trong nước mắt. Nước mắt rơi trên bàn tay đầy sẹo của Phương Anh mà anh đang nắm chặt.

- Em cảm ơn anh... về tất cả. Nhưng anh bây giờ là một người đã xây dựng gia đình...

- Nhưng em là tình yêu đầu đời của anh. Dẫu anh có... với ai, thì anh cũng không thể nào quên được em!

- Nhưng giữa chúng ta đã có gì đâu?

Phương Anh nói và nở nụ cười tươi phô đôi hàm răng ngà ngọc đều đặn đẹp như xưa. Vết sẹo mờ ở khóe miệng bên phải làm khuất lấp bớt một chút vẻ đẹp của miệng, nhưng lại tạo ra một nét bí ẩn, gợi cảm, rất khó diễn tả. Lúc nầy anh ước gì mình có được một kho tàng ngôn ngữ phong phú như nhà văn để có thể biểu cảm.

- Đúng... giữa chúng ta... chưa có gì! Vì ngày xưa anh yêu em mà không dám nói. Vì chung quanh em bao giờ cũng có nhiều chàng trai vây bủa... Em còn nhớ không, hôm được tin em lên hậu cứ để học y tá. Anh mừng như chết đi sống lại! Anh lật đật xin phép thủ trưởng đơn vị tìm đường đến thăm em, nhưng vừa đến nơi liền gặp anh chàng đồng hương đẹp trai... của em với rất nhiều món lỉnh kỉnh vừa cất công mang từ đồng bằng lên làm quà cho em...

- Ôi chao, anh nhớ gì mà dai thế?! Anh Xuân Lai đã hy sinh rồi! Anh ấy đã bao giờ nói... yêu thích gì em đâu?

- Anh biết! Anh biết chứ! Chung quanh em những chàng trai người Bắc, người Nam đều... chen chặt! Nhưng những người đồng hương bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn! Em bảo anh nhớ dai? Nỗi đau buồn càng sâu thẳm thì càng khó nhạt phai! Hôm ấy trên đường về anh đã bật khóc. Anh đã phải xuống ngâm mình trong suối, gột rửa nỗi đau, rửa đôi mắt đỏ thật sạch trước khi trở về đơn vị. Từ đó anh chỉ biết chiến đấu hăng say trên quê hương em. Rồi sau đó run rủi tình cờ anh lại bị thương trong trận đánh đồn Lương Mai, vết thương trên mặt anh lại được may bằng tóc của em... Anh mắc nợ em nhiều quá, nhưng anh chưa làm gì được cho em!

- Anh chiến đấu góp phần giải phóng quê hương em sao lại nói chưa chưa làm được gì? Còn chuyện sợi tóc... Bác sĩ Vận - Đội trưởng đã dùng tóc của em khâu vết thương cho nhiều người chứ có riêng chi cho anh?

- Nhưng không có ai yêu em nhiều như anh! Bây giờ và mãi mãi anh vẫn còn yêu em, Phương Anh, em có biết không?

- Dạ... Em biết! Nhưng mọi chuyện đã lỡ hết cả rồi anh!

- Chúng ta sẽ làm lại từ đầu!

- Đừng! Đừng anh! Anh không nên... làm như thế! Em không muốn phá vỡ một cái gì... từ phía anh.

- Em vẫn còn trẻ, còn đẹp. Em đã mất mát thiệt thòi quá nhiều, em phải được đền bù! Em có quyền hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ... Em...

- Em cảm ơn anh đã nghĩ cho em, em sẽ giữ... tình anh như một kỷ niệm đẹp và trong trẻo nhất trong đời. Chúng ta cùng gìn giữ...

Như không thể kìm nén hơn được nữa, anh đã quỳ sụp xuống trước Phương Anh, ôm chặt đôi chân Phương Anh mà van xin:

- Cho anh được yêu em! Anh yêu em... - Anh ngước mắt lên vừa khẩn cầu lại vừa trách móc - ... Em không muốn giữa chúng mình có một kỷ niệm sâu sắc hơn sao?

- Em... không muốn! - Phương Anh nói và khẽ đẩy nhẹ anh ra - Khi cần làm mẹ, em sẽ xin người đàn ông nào đó một đứa con - một đứa con cho riêng em mà thôi!... Từ nay anh đừng... liên hệ với em nữa! Em xin anh!...

Em nói và em đã làm.

H.K.L

Nguồn TCSH số 306 tháng 08-14

Tác giả: Hà Khánh Linh
Các bài mới
Các bài đã đăng