Tiểu thuyết
Em còn gì sau chiến tranh?
13:43 | 06/10/2014

LGT: Bản thảo tiểu thuyết mới Em còn gì sau chiến tranh? của nhà văn Hà Khánh Linh là thiên truyện “dẫn nguồn” nỗi đau từ quá khứ chiến tranh và nó thấm cả vào hiện tại khi đất nước vẫn đứng trước sóng gió để giữ vững hòa bình. Sông Hương số tháng 8 vừa qua đã trích đăng chương III, số này tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc chương VI - là chương cuối cùng của cuốn sách.
                                                                                                                                               SH

Em còn gì sau chiến tranh?
Minh họa: Nhím

HÀ KHÁNH LINH

Những ngày cuối tháng 5/2014 suốt dọc dài khu vực miền Trung Việt Nam trời đất luôn nóng bỏng, ngày nào nhiệt độ cũng trên dưới 400C. Trên biển Đông tình hình càng nóng bỏng hơn kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa của Việt Nam, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với số lượng tàu hộ tống khổng lồ lúc nào cũng trên dưới một trăm ba mươi chiếc, trong đó có cả những tàu chiến; Chưa kể các loại máy bay luôn dọc ngang trên bầu trời hải phận Việt Nam. Phóng viên Quỳnh Hương tìm đến thăm Phương Anh đúng lúc Phương Anh vừa hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho ngôi nhà xinh xắn chở nặng tình nghĩa của mình. Cụm từ “ngôi nhà chở nặng tình nghĩa” là do Phương Anh đặt tên cho cơ ngơi của mình, trong đó có một lý do Phương Anh cố tránh không dùng cụm từ “nhà tình nghĩa” bởi nó luôn gợi nhớ ký ức không vui của hai mẹ con về căn nhà ở mép sông Hương…

Khác với những lần trước, lần này khi phóng viên Quỳnh Hương trao món tiền của một độc giả vừa gởi tặng Phương Anh, Phương Anh không chịu nhận, Phương Anh nói:

- Từ nay trở đi nếu có độc giả nào gởi tặng Phương Anh tiền hoặc bất cứ món gì thì Quỳnh Hương đừng chuyển cho Phương Anh nữa. Phương Anh xin nhờ Quỳnh Hương chuyển món quà đó đến tặng cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển cùng với tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển hàng ngày phải đối mặt với bao hiểm nguy.

Phóng viên Quỳnh Hương nhìn Phương Anh sững sờ. Phương Anh nói tiếp:

- Thực ra từ cuộc chiến 1979 Trung Quốc đã tàn sát dã man đồng bào ta ở sáu tỉnh biên giới, người Việt Nam không ai còn lạ gì bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Trung Quốc, nhưng vì tuân phục lãnh đạo, mà phải nén lòng vừa căm phẫn với mười sáu cái chữ vàng ấy… Bây chừ thì hắn ra cái thứ chữ gì rồi?!...

- Bây giờ lãnh đạo cũng đang cố gắng bình tĩnh mà ứng xử trên tinh thần của mười sáu chữ ấy đấy chị Phương Anh ạ.

- Là cái thứ gì đây… Phương Anh nói như nhay nghiến - Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn diện - Ổn định lâu dài - Hướng tới tương lai!...

- Về phía chúng nó cũng có cái gọi là mười sáu chữ vàng! Có rất sớm, được rêu rao từ rất sớm, chị Phương Anh có biết không? Nào là: Sơn thủy tương liên. Lý tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng. Vận mệnh tương quan!

- Vận mệnh tương quan gì mà bây chừ há to cái hàm con cá mập ra muốn nuốt chửng người ta giữa ban ngày ban mặt, không coi ai ra gì, không sợ ai hết!

- Thế mới gọi là quân tử Tàu!

- Thiệt tức quá đi mất! Vậy chớ phóng viên Quỳnh Hương nhìn nhận vấn đề này như thế nào, nói cho chị Phương Anh nghe với!

- Hành động ngang ngược trơ trẽn của Trung Quốc lần này một lần nữa cho thấy tư tưởng bá quyền, muốn một mình chiếm lấy hết biển Đông!

Không chỉ hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm hại lãnh hải của Việt Nam - mà cùng thời gian này Trung Quốc còn song song tiến hành một loạt những hành vi coi thường pháp luật, coi thường dư luận, như cho khởi công xây dựng mở rộng sân bay trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của ta năm 1988. Chúng đang ngang nhiên muốn xác lập vùng nhận diện phòng không - chiếm luôn cả vùng trời của Việt Nam ta ở đó! Chúng làm lễ động thổ xây dựng trường học và bệnh xá trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Từ năm 2012 bọn tà đảng Trung Cộng đã thành lập một đơn vị hành chánh mới mang tên là thành phố Tam Sa gồm đảo Hải Nam của chúng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ta! Bọn chúng coi đó là thành phố cực Nam của chúng! Cái ngụy quyền Tam Sa ấy vừa ra thông cáo cho biết khu trường học trên đảo Phú Lâm sẽ được xây dựng trong thời gian mười tám tháng!...

… Về trận hải chiến Hoàng Sa giữa Quân lực Việt Nam Cộng Hòa với quân Trung Quốc chắc chị Phương Anh đã nghe nói? Từ ngày 17 đến 19 tháng giêng 1974. Có cả thảy bảy mươi tư sĩ quan và chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hy sinh, trong số đó có Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh ngay trên đài chỉ huy bởi một phát đạn của Trung Quốc cắt ngang cổ! Đại úy Hạm phó Nguyễn Thành Tri bị ở bụng ở mặt và ở ngực… Đến ngày 11 tháng 11 năm 1974 Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa! Cho nhiều tàu đánh cá và tàu quân sự xâm nhập trái phép hải phận Hoàng Sa của chúng ta, bây giờ chúng táo tợn dấn thêm một bước nữa là cho giàn khoan dầu cắm chân vào thềm lục địa của nước ta! Chủ động tấn công tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của chúng ta đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng… Những trò lưu manh chuyên nghiệp này Trung Quốc vốn quá thành thạo trong chiêu trò mà chúng thường gọi là nhuyễn công và ngạnh công (cứng và mềm) dùng để khủng bố, trấn áp, phỉnh phờ và ru ngủ nhân dân nước họ từ mấy chục năm nay! Lần này đi gây hấn với Việt Nam họ đã kịp nhồi nhét thêm vào đầu óc của nhân dân nước họ cái ảo tưởng là “đệ nhất đại cường quốc”, rằng họ có khả năng đi thu gom lục địa, lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải và không phận của các nước láng giềng để thực hiện ý đồ bá quyền Đại Hán của các Hoàng đế Trung Hoa ngày xưa! Mà trong tận cùng sâu thẳm là họ nung nấu một ý chí trả mối thù vì danh dự bị chà đạp, bị lấm bùn trong những lần bị đánh tơi tả tại Việt Nam phải ôm đầu máu chạy về Trung Quốc! “Đằng Giang tự cổ Huyết do hồng” là thế! - Sông Bạch Đằng vẫn còn đỏ máu.

Hành động ngang ngược trâng tráo lần này của Trung Quốc khiến nhiều người liên tưởng truyện LẤY CỦA BAN NGÀY trong Cổ Học Tinh Hoa. Truyện kể rằng nước Tấn có kẻ hám lợi, một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng:

- Cái này tôi ăn được. Cái này tôi mặc được. Cái này tôi xài được. Cái này tôi dùng được…

Nói rồi lấy đem theo. Người ta đòi tiền. Anh ta nói:

- Lửa tham nó bốc lên làm mờ cả hai con mắt của tôi mất rồi! Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng là của tôi hết thảy! Thôi, xin quý vị hãy cứ cho tôi mang về, sau này giàu có tôi sẽ đến thanh toán…

Người Quản lý chợ nghe giọng điệu anh ta giả ngu dại không ra ngu dại, mà là gàn dở và quỷ quyệt! Bèn đánh cho mấy hèo, bắt anh ta lấy của ai thì phải đem trả lại hết cho người ấy! Cả chợ được một phen cười thỏa mãn.

Phóng viên Quỳnh Hương kể chuyện xưa của Tàu xong mà không thấy Phương Anh cười. Nét mặt Phương Anh vẫn băn khoăn lo lắng và hết sức căng thẳng.

Cả hai cùng im lặng. Một lát sau Phương Anh để lộ căm phẫn:

- Nếu coi những lời lên án gay gắt của giới học giả Quốc tế cùng những dư luận chê trách của giới báo chí, chính trị, ngoại giao thế giới liên tiếp trong mấy tuần qua là những roi quất vào đầu, vào mặt Trung Quốc… Nhưng mà khác với cái anh chàng người nước Tấn trong Cổ Học Tinh Hoa kia, Trung Quốc vẫn cứ giả ngây giả điếc, thậm chí còn đặt điều vu khống nói ngược trở lại rằng người ta vô cớ xúc phạm đến mình (!). Phải chăng đối với Trung Quốc phải nện những hèo nặng tay hơn thì mới giúp nó tỉnh ra?

- Theo chị Phương Anh thì “những hèo nặng tay hơn” mà phía Việt Nam cần phải “ra” trong lúc này là gì?

Không cần phải suy nghĩ nhiều, Phương Anh nói luôn:

- Một là phải đưa hắn ra Tòa án Quốc tế. Hai là đánh cho hắn một trận!...

Phóng viên Quỳnh Hương nhận thấy sự bức xúc đang dấy lên trong lòng Phương Anh lúc này đây cũng trong trẻo như niềm tin của chị - cái niềm tin được xác lập từ những năm đầu 60 của thế kỷ trước, khi những cán bộ Giải Phóng đầu tiên đến quê hương Phong Bình - Phong Điền của chị để phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước. Cái niềm tin ấy cứ trong veo và giữ nguyên khối, không hề bị mài mòn, không hề bị lấm bẩn, mặc cho cuộc chiến tranh khốc liệt đã nhiều lần toan đoạt lấy mạng sống của chị, mặc cho cuộc đời đôi lúc nghiệt ngã muốn bưng bít hết mọi nẻo đường hướng tới tương lai của chị!... Niềm tin có thể sánh với kim cương ấy cùng với nhịp đập trái tim người lính luôn phập phồng trong ngực Phương Anh mà thôi, ngoài ra chị không hiểu cái gì hết! Chị không hiểu thuật chính trị!... Quỳnh Hương phải nói với Phương Anh thế nào đây về dự cảm của mình rằng Việt Nam hiện có đầy đủ bằng chứng về pháp lý và lịch sử để kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, và Việt Nam chắc chắn sẽ là bên thắng kiện. Hoặc Việt Nam sẽ phản ứng tự vệ bằng vũ lực khi bị tấn công bằng vũ lực. Thực tế là đã liên tiếp bị tấn công bằng vũ lực, bằng quân sự. Bạn bè năm châu, bốn biển đang đứng về phía Việt Nam vì Việt Nam thuộc về chính nghĩa, thì lo gì không đánh thắng bọn Trung Quốc xâm lược… Việt Nam vốn có truyền thống mỗi khi có họa xâm lược thì triệu người như một không phân biệt chính kiến - đồng tâm hiệp sức quy về một mối quyết đánh thắng quân xâm lược! Thế nhưng rất có thể dịp nầy… sẽ không làm gì hết! Không đánh trả ai hết, cũng không kiện cáo ai!... Sẽ tiếp tục nín nhịn… đợi đến ngày 15/8/2014 Trung Quốc chủ động rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam - như tuyên bố ban đầu của chúng, rồi lại tiếp tục “hữu hảo”, rồi thì “bốn tốt”, rồi thì “mười sáu chữ vàng”… Chị Phương Anh ơi, làm sao chị tha thứ cho Quỳnh Hương nếu Quỳnh Hương bộc bạch những lời nầy? Ngày xưa nhân loại sống trong thế giới hỗn mang, hành xử hoang dã man rợ theo kiểu lấy thịt đè người, nói chuyện với nhau bằng cơ bắp, tựa loài vật - cá lớn nuốt cá bé! Ngày nay loài người văn minh có luật lệ, các quốc gia đều phải tôn trọng chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, nhưng rất tiếc nhà cầm quyền Trung Quốc với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi - tàn dư của thế giới mông muội còn sót lại (!) đã âm mưu độc chiếm biển Đông bất chấp luật lệ Quốc tế! Điều này không chỉ làm cho chín mươi triệu người Việt Nam trong nước và tất cả mọi người Việt trên toàn thế giới phẫn uất, mà cả loài người đang thất vọng! Vì trước đó vẫn cứ tưởng rằng Trung Quốc khá hơn… Chính điều này đã đặt Việt Nam trong điều kiện khó xử - bởi vì dân tộc ta có truyền thống lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo. Bao ngày qua bằng biện pháp hòa bình các lực lượng chấp pháp của Việt Nam luôn tìm cách tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 tuyên truyền vận động Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp Quốc tế, hãy rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, nhưng Trung Quốc chẳng những không nhận ra điều phải trái, lại còn hung hăng ngang ngược chủ động tấn công các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam… Rồi lại leo lẻo bị Việt Nam tấn công (!) Trong khi những sự kiện chân thực trên biển Đông được phơi bày lồ lộ trên các phương tiện thông tin của toàn thế giới, vậy mà bọn man rợ kia cứ nhắm mắt bịt tai vừa ăn cướp vừa la làng!

- Hôm vừa rồi xem truyền hình thấy Hoa kiều Sài Gòn Chợ Lớn họp mặt để cực lực lên án hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thềm lục địa của Việt Nam, lại còn đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng…

- Tàu DNa - 90152 bị chìm, bị hư hỏng nặng với mười ngư dân đang làm nghề bị rơi xuống biển sâu, may mà được cứu sống kịp thời - phóng viên Quỳnh Hương nối tiếp lời Phương Anh.

Phương Anh dấm dẳng:

- Bà con Hoa kiều mà người ta còn bức xúc đến mức ấy… đặc biệt có bài phát biểu rất khúc chiết, rất thấu tình đạt lý của La Cảnh Thịnh.

- Đúng rồi, ông người Hoa này phát biểu hay lắm! Đó là một doanh nhân có uy tín nhất trong giới người Hoa ở Sài Gòn Chợ Lớn. Ông là con trai duy nhất của một gia đình người Hoa đông con. Một trong những người chị gái của ông ta có chồng tử trận trong cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa trước sự xâm lăng của Trung Quốc dạo tháng giêng năm 1974… Ông ta là người Hoa gốc Huế đó!

“Người Hoa gốc Huế”? Những thông tin dồn dập của phóng viên Quỳnh Hương về Hoa kiều La Cảnh Thịnh làm cho Phương Anh vừa ngạc nhiên và thích thú. Hôm xem truyền hình thấy La Cảnh Thịnh phát biểu - nét mặt rắn rỏi hơn, già dặn hơn, lời lời khúc chiết, đầy tự tin - khác hẳn với chàng Trung úy La Cảnh Thịnh Đồn phó bị bắt trong trận quân Giải Phóng đánh đồn Lương Mai năm 1967… Tên trùng tên chăng? Nhưng nét mặt thanh tú với đôi mắt sắc mày thanh là nét nổi bật của người đàn ông này - bây giờ vẫn còn lưu lại. Dạo ấy một số tù binh bị bắt đưa lên núi học tập cải tạo ba tuần rồi cho về. Một số có thân nhân ở gần thì nhắn tin để họ đến nhận tù binh được phóng thích. Người nhận nhiệm vụ đi vô thành phố Huế báo cho gia đình La Cảnh Thịnh biết tin để ra Phong Bình - Phong Điền đón tù binh La Cảnh Thịnh là ba của Phương Anh. Theo địa chỉ của tù binh cung cấp, ba của Phương Anh đi Huế, tìm về phố Gia Hội gặp gia đình của La Cảnh Thịnh. Ba của Phương Anh hoàn thành xong nhiệm vụ liền trở về nhà. Hôm sau mẹ của tù binh La Cảnh Thịnh tìm đến nhà Phương Anh xin ở lại để chờ đón con - dẫu bà được thông báo còn hơn một tuần nữa con của bà mới được phóng thích. Ai được phân công đi báo tin cho thân nhân tù binh nào thì sau đó nhân thân của tù binh ấy tìm đến địa chỉ người đưa tin, xin tá túc chực đón chồng, con trở về. Dạo đó mẹ của La Cảnh Thịnh ở lại nhà Phương Anh. Phương Anh bận công tác, thỉnh thoảng ghé qua nhà, bà ta cứ nhìn Phương Anh, không biết Phương Anh là con của ba mạ, hay chỉ như là một số cán bộ chiến sĩ quân Giải Phóng lúc bấy giờ mặc quân phục có, thường phục có, ai cũng đội mũ tai bèo, ai cũng gọi ba mạ Phương Anh là ba mạ, ai thấy cơm thì ăn, thấy việc thì làm, bất chợt ghé qua nhà, bất chợt ra đi… Trong những câu chuyện bà mẹ tù binh La Cảnh Thịnh tâm sự kể lể với ba mạ Phương Anh mà Phương Anh tình cờ nghe được thì La Cảnh Thịnh là con út, là con trai độc nhất. Nên khi bị bắt lính gia đình phải lo chạy chọt tốn kém nhiều lắm mới được về đóng đồn gần nhà như vậy. Khi nghe tin đồn bị đánh cả nhà La Cảnh Thịnh đứng ngồi không yên. Dòng họ anh ta ở tận Sài Gòn Chợ Lớn cũng cử người ra Huế thăm hỏi, nghe ngóng, vậy nên khi được tin La Cảnh Thịnh bị bắt làm tù binh có nghĩa là vẫn còn sống, cả nhà mừng như bắt được vàng, như chết đi sống lại! Vậy nên bà mẹ không thể ở yên tại nhà mà đợi đón con, bà phải đi sớm, ra đến nơi trao trả tù binh để chờ đợi, để nghe ngóng về con, may ra có chút tin tức gì thêm, để được gần con hơn một chút… Bây giờ Phương Anh làm mẹ mới hiểu được tấm lòng của người mẹ. Còn dạo đó Phương Anh nghĩ bà mẹ của tên Trung úy ngụy quân bị bắt làm tù binh đó - sang trọng đài các là thế, cớ chi sớm chạy ra đây chầu chực cả tuần, thậm chí hơn mười ngày sau tù binh mới được phóng thích. Hôm làm thủ tục phóng thích, các tù binh tập trung tại sân trường Tiểu học, mấy anh em du kích bình phẩm cái anh chàng La Cảnh Thịnh kia đẹp trai nhất trong bọn. Buổi sáng bà mẹ và con trai xúc động nói lời cám ơn và từ biệt gia đình Phương Anh để trở về Huế, cái đuôi mắt sắc như… dao cạo lướt qua Phương Anh một cái. Phương Anh thầm nhủ: Đẹp trai mà làm gì? Mắt sắc mày thanh mà làm gì, khi cứ cho đạn pháo giọt từ đồn Lương Mai vô thôn xã, làm chết và bị thương nhiều thường dân vô tội?!... Ngó thấy cái mặt mà phát ghét!… Phương Anh lẩm nhẩm và bật nên lời. Khi La Cảnh Thịnh với mẹ đi rồi, ba của Phương Anh nhìn con gái từ tốn nói:

- Con nên biết rằng ở đời một khi dùi cui đánh đục thì đục phải xắn vô săng mà thôi!... Liệu cái cậu Trung úy Đồn phó có dám cãi lệnh của Đồn trưởng không? Rồi Đồn trưởng có dám không thi hành lệnh của thượng cấp không?...

Mấy anh bộ đội chủ lực đang nhặt rau ở hiên nhà tranh thủ hỏi Phương Anh “xắn vô săng” là gì? Phương Anh múc nước mưa từ bể cạn đổ đầy chiếc thau nhôm nói:

- Là ba em nói các công cụ và việc làm của thợ mộc. “Xắn vô săng” tức là đục vào gỗ đó!

- À, vậy là các anh hiểu ra rồi! Cái tên Đồn phó La Cảnh Thịnh chỉ là cái đục bị dùi cui ở trên nện xuống bắt phải đục vào gỗ mà thôi!...

- Và phía trên đó lại có dùi cui, dùi cui nữa…

- Đúng thế!... Một bộ máy chiến tranh khổng lồ đổ dồn xuống đầu những người dân yếu ớt vô tội…

Không ngờ La Cảnh Thịnh vẫn còn sống và ở lại Việt Nam cho đến ngày nay, lại là doanh nhân nữa chứ. Phương Anh hỏi:

- Phóng viên Quỳnh Hương nói “Người Hoa gốc Huế” là sao?

- À, đó là trường hợp La Cảnh Thịnh và một số đông người Hoa định cư lâu đời ở nước ta. Thời các Chúa Nguyễn đóng đô ở Thuận Hóa - Phú Xuân thì Thanh Hà là một bến cảng nhộn nhịp sầm uất nhất của xứ Đàng trong. Trong rất nhiều thương lái của nhiều nước trên thế giới cập cảng Thanh Hà để giao dịch buôn bán thì người Hoa khá đông đúc. Thời gian này Trung Quốc vẫn còn mang tư tưởng trọng nông khinh thương, tình hình chính trị trong nước của họ rối ren nên một số người Hoa bỏ trốn khỏi nước chạy tới Việt Nam cập cảng Thanh Hà bên bờ Bắc Sông Hương. Về sau được Chúa Nguyễn cho phép và hỗ trợ số người này lập nên khu người Hoa Minh Hương. Sau này một số người Hoa chuyển dần lên định cư ở Bao Vinh, Gia Hội. Nói La Cảnh Thịnh “người Hoa gốc Huế” là vì thế. Chẳng phải cụ tổ của La Cảnh Thịnh di cư đến Huế đến Việt Nam mới sinh ra cha ông của La Cảnh Thịnh sao? Vậy chơ cái thời La Cảnh Thịnh bị bắt đi lính Việt Nam Cộng Hòa đóng quân ở Huế, đã từng quen biết tán tỉnh gì mỹ nhân Phương Anh chưa?

- Tán tỉnh? - Phương Anh dướn cao đôi lông mày nhìn phóng viên Quỳnh Hương rồi kể cho Quỳnh Hương biết Phương Anh gặp La Cảnh Thịnh trong bối cảnh như thế nào. Nghe xong Quỳnh Hương nói:

- Vì cái thành tích bị Việt Cộng bắt đi nhồi nhét chính trị rồi thả cho về nên La Cảnh Thịnh một thời gian dài bị bạn bè trêu chọc và gọi là “cán binh tuyên giáo”. Lần ấy trở lại quân ngũ, La Cảnh Thịnh được gia đình lo lót cho một chỗ tương đối an toàn: Làm lính văn phòng. Lấy vợ Sài Gòn rồi cả gia đình chuyển vô Sài Gòn sinh sống. Sau giải phóng 1975 La Cảnh Thịnh bị bắt đi học tập bốn tháng. Lúc bấy giờ vợ và hai con của La Cảnh Thịnh được cả gia tộc chăm sóc nên không phải lo về đời sống. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra là cô vợ xinh tươi của La Cảnh Thịnh cuỗm mấy chục lượng vàng của nhà chồng rồi bỏ con, trốn theo trai, vượt biên ra nước ngoài! La Cảnh Thịnh từ trại học tập cải tạo trở về gặp lại cha mẹ các chị gái và hai con nhỏ của mình - ai cũng bơ phờ, xơ xác đang chạy ăn từng bữa… Đau đớn bức xúc tột cùng, La Cảnh Thịnh để cho lòng mình lắng xuống rồi cùng với gia đình chung tay làm lại tất cả từ đầu. Được bà con người Hoa ở Chợ Lớn giúp đỡ, cuộc sống dần ổn định. Về sau khi có chế độ bảo lãnh những quân nhân công chức Việt Nam Cộng Hòa được đến định cư tại Hoa Kỳ chẳng hiểu sao La Cảnh Thịnh không muốn đi. Vậy nên giờ đây mới trở thành một doanh nhân có uy tín. Báo chúng tôi đã có bài viết về doanh nghiệp này cách đây không lâu. Doanh nghiệp do ông thành lập và điều hành bắt đầu bằng việc thu nhận những người thất nghiệp, những người cùng khổ, những người có hoàn cảnh tương tự như ông… đưa đi đào tạo cho có tay nghề rồi làm việc. Từ sau khi làm ăn khấm khá, có hiệu quả kinh tế cao, doanh nghiệp luôn đi đầu trong đóng góp từ thiện xã hội… Thật hết sức bất ngờ khi biết được một thời chàng Trung úy La Cảnh Thịnh Đồn phó bị Việt Cộng bắt làm tù binh và cho đi học tập cải tạo. Rồi hôm làm lễ phóng thích trong sân trường Tiểu học Phong Bình - Phong Điền bị cô Việt Cộng xinh đẹp Phương Anh nhìn thấy cái mã đẹp trai mà ghét cay ghét đắng… Dịp này về Sài Gòn nếu gặp La Cảnh Thịnh, Quỳnh Hương sẽ kể cho ông nghe việc gặp chị Phương Anh ở Huế chắc là vui lắm đây!... Không biết chừng ông ta sẽ đi Huế tìm gặp chị Phương Anh cũng nên!...

- Thôi đừng dắt dây cho… thêm chuyện! - Chắc chi người ta đã nhớ ra chuyện cũ, đất cũ, người cũ… Nhất là những cái cũ ấy chẳng vui vẻ, vinh quang gì.

- Sao không vui? Sao không vinh quang? Chẳng phải gia đình họ đã rất mừng khi La Cảnh Thịnh bị bắt đó sao? Có nghĩa là đã không chết trong trận đánh, sau đó lại còn cho đi học tập rồi phóng thích nữa chứ. Lại còn có cả sự việc ba của chị Phương Anh tìm vô tận nhà báo cho mẹ anh ta biết để mà đi đón con, lại còn xin tá túc trong nhà đợi con, và buổi sáng từ biệt, nói lời cám ơn gia đình Phương Anh đôi mắt chàng Trung úy tù binh sắc lẻm, còn cô Việt Cộng Phương Anh thì đẹp như tiên, như mộng...

- Tiên, mộng gì chứ! Cứ tưởng là hết chiến tranh rồi, nay Trung Quốc lại mang chiến tranh tới! Làm sao chúng ta có thể chịu ngồi yên bó tay nhìn chúng nó xâm lấn đất nước như vậy? Cha ông mình bốn ngàn năm có làm mất một tấc đất nào của Tổ quốc không kia chứ?! Thật tức quá đi!...

- Việt Nam chúng ta đang cố hết sức kiềm chế không động binh, đang tích cực dùng biện pháp hòa bình để đấu tranh...

- Mình ứng xử với nó theo kiểu người văn minh, còn chúng nó cứ hành xử theo kiểu mọi rợ! Cha ông mình đã từng nói thứ nhất sợ anh hùng, thứ nhì sợ thằng khùng thằng điên! Cái bọn điên loạn vì lòng tham không đáy nổi lên, ra chợ vơ vét hết của cải thiên hạ vào túi tham của mình như cái anh chàng nước Tấn trong Cổ Học Tinh Hoa kia! Cái âm mưu một mình cướp lấy biển Đông, coi thường luật Pháp Quốc tế. Khi ấy Việt Nam mình là một quốc gia biển mà không khéo chẳng còn có biển để tắm nữa là làm kinh tế biển! Cứ nghĩ đến đó thôi là lòng chị lại sôi lên Quỳnh Hương ạ... Như em đã biết, cuộc đời chị không có gì đáng giá hết, ngoài cu Rin. Cu Rin Đoàn Anh Tuấn là tất cả những gì chị có được sau chiến tranh. Là cái quý báu nhất của cuộc đời chị. Hiện cháu đã học ra trường đang làm việc tại Công ty Xây lắp - chị sẵn sàng đưa cháu nhập ngũ vào quân đội một khi Tổ quốc cần để chống giặc ngoại xâm, chị sẽ cùng với cháu ghi danh vào đợt đầu, em ơi, lòng chị đã quyết như vậy rồi đó...

Phóng viên Quỳnh Hương rời khỏi ngôi nhà xinh xắn của Phương Anh trở lại văn phòng thường trú của mình với đôi mắt ướt đẫm. Những giọt nước mắt mà khi đang ngồi đối diện với Phương Anh nghe chị bày tỏ nỗi lòng của mình - phóng viên Quỳnh Hương đã cố nén, nén hết sức, không cho nó trào ra, giờ đây nó được tự do tuôn chảy, rơi lã chã, nóng hổi và rất mặn!...

Vừa ngồi vào bàn làm việc bất ngờ được tin hôm nay Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội để khuyến cáo Nhà nước ta bốn điều không được làm (!). Những là không được coi thường sức mạnh ý chí chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, những là không được phơi bày cho thế giới thấy những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam về “Tây Sa” và “Nam Sa”; nào là không được lôi kéo các quốc gia khác tham gia vấn đề “Nam Hải”...

- Ôi chao, tập đoàn tà đảng Trung cộng! Nữ phóng viên Quỳnh Hương thốt kêu - Bây giờ là thời đại nào, và các ngươi tự coi mình là ai mà hung hăng gởi sứ thần đến Việt Nam ta để nói những lời ngang ngược kia?!...

H.K.L

Nguồn TCSH số 307 tháng 09-14
 

Tác giả: Hà Khánh Linh
Các bài đã đăng