Phê bình - Nghiên cứu
Đặc trưng ngoại biên hóa trong văn học hậu hiện đại - nhìn từ trường hợp Đặng Thân
09:35 | 05/05/2017
1. Nguyên tắc thẩm mỹ facebook và lối đọc status - entry
Những tác phẩm của Đặng Thân như Ma net mà đặc biệt là 3339 [những mảnh hồn trần] từ khi ra đời đến nay đã trở thành những “cú sốc văn hóa” mini trong đời sống văn học Việt Nam.
Đặc trưng ngoại biên hóa trong văn học hậu hiện đại - nhìn từ trường hợp Đặng Thân
Nhà văn nhà thơ Đặng Thân - Ảnh: wiki

Những tác phẩm này đã phân hóa và chia rẽ bạn đọc, đặc biệt là đối tượng bạn đọc chuyên nghiệp thành những thái cực đối đầu kịch liệt. Một bộ phận các nhà nghiên cứu, nhà báo trong và cả ngoài nước như Hoàng Ngọc Hiến, Lê An, Nguyễn Hồng Nhung, S.Morrison, J.Borton… đã “chen vai thích cánh” nhau trên bìa sách nhằm ca ngợi Đặng Thân lên tận “mây xanh”, thậm chí có phần cảm tính và rất thiếu thuyết phục. Ngoài ra, những “nhà phê bình blogger” tung hô Đặng Thân là “thiên tài mênh mang, ở tầm cao, rất thông minh, rất trí tuệ, văn của bác đọc có vần điệu như thơ…” lại là những nickname của các blogger như ben t, Aries, Human, Trần X, daicavit… và thậm chí là “Một nhóm các nhà chuyên môn (văn - thơ lý luận phê bình” [7,bìa 4]. Chỉ có chúa mới biết được thực sự họ là ai, uy tín đến đâu, nhưng mới chỉ đọc những nickname của họ đã thấy phì cười bởi sự đáng nghi ngờ cho tính nghiêm túc của các phát ngôn. Nhận định của họ đa phần rời rạc, nhỏ lẻ hoặc đơn thuần chỉ là những comment, những bài phỏng vấn. Không lẽ lại có một nhà văn nào đó “dại dột” và khẳng khái đăng toàn những lời phê bình chê bai mình lên bìa tác phẩm? Thế nên, một khi nhà văn cho đăng toàn những lời “khen” có tính bốc thơm lên bìa sách, bản thân chiêu trò ấy đã thiếu thuyết phục đối với những người đọc có chuyên môn. Trong các nhà phê bình có uy tín “ủng hộ” Đặng Thân, có lẽ có Đỗ Lai Thúy là phát ngôn khá thuyết phục, nhưng nhà phê bình này cũng hết sức kiệm lời, dè dặt [7,bìa 4], và sau này là La Khắc Hòa, Trần Ngọc Vương, Lê Huy Bắc… trong Dị - nghị - luận - đồng - chân - dung và một số bài viết khác cũng có những nhận định hết sức tích cực, đánh giá cao vai trò và vị trí của Đặng Thân trong văn học hậu hiện đại Việt Nam, như một người có vai trò dịch chuyển hệ hình.

Ngược lại, số bạn đọc (cả chuyên môn lẫn bình thường) hoảng hốt, sock hoặc dè bỉu các tác phẩm của Đặng Thân có lẽ đông hơn, bởi những tác phẩm này đã vượt ngưỡng tiếp nhận của chính họ, tạo ra một khoảng cách thẩm mỹ không dễ dàng san lấp.

Tuy nhiên, chúng tôi đồ rằng, cả ở hai phía chê bai nhiệt thành và tâng bốc lên mây đều không có đủ hiểu biết về một nền tảng văn học mạng/máy tính hết sức mới mẻ. Những người khen đa phần vì hiếu kỳ, thích đả phá, nổi loạn, còn những người phản đối, dè bỉu lại thuộc về một hệ hình tư duy nghệ thuật khác. Đặng Thân tách biệt phần comment bởi một chữ @ và cái title LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN trong 3339 [những mảnh hồn trần]. Tất nhiên, đa phần những comment cuối mỗi chương đều “nhảm”, hoặc chỉ là những câu cảm thán, những câu hỏi thăm bâng quơ, hoặc bình luận ngoài lề. Việc đưa những bình luận bâng quơ, thậm chí không có ý nghĩa (dạng bình luận kiểu “riêng tư” chỉ tác giả mới hiểu), chính là nỗ lực nhằm giữ lại tinh thần dân chủ đó cho văn bản văn học mạng/máy tính, khi nó được in thành văn bản chết (văn bản in).

Nhưng tại sao lại chọn cấu trúc chuỗi/luồng thay vì cấu trúc văn bản truyền thống (kiểu trình bày mọi phát ngôn đều bằng một định dạng hình thức co chữ, căn lề chuẩn mực và chỉ độc chấp nhận ngôn ngữ viết như là hình thức duy nhất được phép tồn tại trên bề mặt văn bản)? Tại sao trong 3339 [những mảnh hồn trần] những entry (bài viết) của cả bốn “nhân vật” chính là Đặng Thân, A Bồng, Mộng Hường, Schditt đều được đặt gối đầu nhau, với những bị biệt trong căn lề, font chữ (Times New Roman, Palatino Linotype, Tahoma), định dạng đậm (Bold)/nghiêng (Italic) và size font? Và rất nhiều lần, những phát ngôn dưới dạng những entry này tỏ ra bất tương hợp ngữ nghĩa với nhau. Ví dụ, từ trang 286 đến trang 293, Schditt đang nói về việc sản xuất màng trinh giả của Trung Quốc và việc nhập khẩu màng trinh gây tranh cãi ở Ai Cập, thì sau đó nhân vật Đặng Thân liền nói về bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, lại còn “post” (đăng tải) kèm theo một văn bản chữ… Hán của vua Lý Nhân Tông… Quả là kiểu cấu trúc văn bản ông đang nói gà, bà cứ nói vịt một cách ngẫu hứng, tùy tiện. Ngoài việc kết hợp đa giọng, sử dụng thủ pháp lắp ghép, cắt dán ngẫu nhiên… của văn học hậu hiện đại - những thứ mà có lẽ, bất kì nhà nghiên cứu hạng hai nào cũng có thể chỉ ra, chúng ta đặt ra quan niệm thẩm mỹ của phương thức cấu trúc thông tin của facebook nói riêng và những trang mạng xã hội nói chung. Nếu những ai từng sở hữu một facebook, mỗi lần vào phần Home (trang dành cho cả cộng đồng), thì sẽ thấy mọi thông tin dẫu kết cấu theo chuỗi/luồng (tức dòng chảy thông tin được trình bày dạng cái nào đăng tải trước về mặt thời gian sẽ xếp trên, cái nào đăng tải sau sẽ xếp dưới, người đọc cứ rê con trỏ chuột xuống phía dưới màn hình để đọc những thông tin cũ hơn, cứ thế kéo dài đến bất định), nhưng mối liên hệ ngữ nghĩa giữa những thông tin trong chuỗi/luồng là hết sức bấp bênh, nếu không muốn nói là hoàn toàn đẳng lập. Một cái ảnh hạnh phúc của một người dùng facebook này hoàn toàn có khả năng nằm dưới một entry khổ đau của một người khác, lại có thể nằm trên một video đám tang do một người dùng khác nữa post lên. Tức là, cấu trúc chuỗi/luồng trên facebook cũng giống như cấu trúc xã hội và thế giới của chúng ta, sự ổn định, lớp lang, liên kết chỉ là bề mặt, chỉ dựa trên quan hệ thời gian (cái xảy ra trước và cái xảy ra sau), chứ không thể xác lập bất kì tính logic, nhân - quả nào. Một cá nhân không có quyền đoán định, quy ước và ra mệnh lệnh quyền uy nào buộc những cá nhân khác phải phát ngôn và bày tỏ cảm xúc/thái độ theo ý mình. Ở đó, mỗi cá nhân chỉ xác lập sự tồn tại của mình thông qua việc cất “tiếng nói”, anh “nói” tức anh tồn tại, tôi không “nói” tức tôi “đang chết”. Diện mạo của tôi được định hình thông qua “tiếng nói” và chỉ tiếng nói mà thôi. Một chuỗi/luồng của facebook do đó chính là sự mô phỏng diện mạo của thế giới. Thi pháp kết cấu văn bản tùy tiện, ngoại lai, bất nhân - quả, phi logic của Đặng Thân trong tác phẩm cũng chính là nỗ lực khôi phục lại tính chuỗi/luồng đầy bất định, ngẫu nhiên của facebook.

Trên một phương diện khác, tại sao nội dung của các “bài viết” (entry) trong 3339 [những mảnh hồn trần] của cả bốn nhân vật chính lại không thuần nhất, chuyên tâm kể về lịch sử tình yêu (của Mộng Hường) hoặc quá khứ gia đình (của Schditt) - hai tuyến truyện chính, mà lại thường xuyên sa đà, lạc đề vào những câu chuyện bên lề khác? Đọc trong 3339 [những mảnh hồn trần], chúng ta bắt gặp vô vàn những kiến giải, bình luận, trích dẫn, về những chủ đề có tính ngoại biên như số phận, tư tưởng và lai lịch của Hitler, ý nghĩa thập giá cơ đốc và chữ vạn của Phát xít, lịch/tiểu sử công ty Siemens… Muốn hiểu ý nghĩa thật sự của những tiểu văn bản có tính ngoại biên cả về ngữ nghĩa lẫn văn phong đó, cần quay trở lại tính chất của những status và entry trên facebook. Có thể nói, status là một trong những chức năng chính yếu thu hút người sử dụng của facebook. Status là những văn bản ngắn, biểu thị tâm trạng hoặc suy nghĩ nhất thời của một blogger, được chia sẻ trực tuyến với đông đảo cộng đồng facebook. Status không đơn thuần là một kênh phát ngôn, mà chủ yếu, nó được ưa chuộng bởi tính tương tác và thu nhận thông tin phản hồi từ phía cộng đồng mạng. Một cá nhân sử dụng facebook khi đăng status mới chủ yếu luôn mong chờ nhận được những chia sẻ, phản hồi (thông qua những comment hoặc chức năng “like”) từ phía cộng đồng mạng, điều đó xác nhận cho sự tồn tại và giá trị tồn tại của mỗi cá nhân trên mạng. Một status có nhiều người bấm like, nhiều comment phản hồi, tức status đó có giá trị dư luận, vì thế, tác giả status được chú ý, được chia sẻ, được quan tâm, được trở thành trung tâm của mạng xã hội. Mặt khác, muốn người khác hay quan tâm (bấm nút like và comment) đến status và entry (bài viết) của mình, thì mỗi cư dân mạng cũng phải thường xuyên… like và comment cho những entry - status của người khác. Nhiều người chỉ đơn thuần like hoặc comment qua loa, bâng quơ nhằm “gây thiện cảm” và tạo dựng mối quan hệ “khách hàng thân thiết” với những cá nhân khác, nhằm mong họ cũng thường xuyên hồi đáp lại và hưởng ứng những entry và status của chính mình. Chính do đặc tính này, những người sử dụng facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, luôn nỗ lực thường xuyên cập nhật những status và viết những entry (thực chất có ý nghĩa như status nhưng quy mô lớn hơn thành những bài viết hoàn chỉnh) có tính chất thời sự, nóng hổi và có khả năng tạo dư luận, cũng như thường xuyên hưởng ứng và hồi đáp lại những status - entry của người khác đăng tải trong mạng xã hội. Status và entry được minh định giá trị không phải bằng tính chân xác, giá trị thẩm mỹ mà luôn cần cố gắng gây shock, chú ý tính cập nhật, hài hước và quan trọng là đánh trúng sự hiếu kỳ của cộng đồng người đọc mạng. Do đó, không phải ngẫu nhiên, mà trong quá trình tự sự, các nhân vật thường xuyên lôi kéo sự quan tâm của người đọc (mạng) bằng những câu chuyện bên lề, “lạc đề” với những chủ đề gây shock như đồng tính, canh thai nhi, bao cao su… Nhưng hiệu ứng thẩm mỹ nằm ở đâu? Thì quá rõ ràng rồi. Nếu ta đọc những lời bình luận/loạn của các netizen phía sau mỗi chương, sẽ thấy đa phần bị cuốn theo và dồn sự chú ý, hào hứng vào những câu chuyện phụ, bên lề có tính chất giật gân, lôi kéo like và comment. Một văn bản mạng luôn phải đối đầu với nhiều con khủng long vĩ đại mà văn bản viết đơn thuần không phải đối mặt. Người ta giở một cuốn sách ra đọc thì thường trong cuốn sách đó chỉ có chữ. Trong khi đó, người ta mở máy tính/máy đọc sách/tablet/smartphone để đọc một tác phẩm văn học mạng thì người đọc đứng trước hàng ngàn sự quyến dụ khác nhau: chat, lướt web đọc báo, nghe nhạc, xem phim (thậm chí là phim “nóng”), xem ảnh, chơi game… Nếu những văn bản văn học mạng không mang đặc tính thẩm mỹ gây shock và mời gọi tương tác thông qua những status và entry, nó sẽ hoàn toàn bị lãng quên và lép vế. Như vậy, những đoạn văn bản có chủ đề hết sức ngoại biên, lạc đề (so với mạch truyện chính, chủ đề chính trong tác phẩm) ấy thực chất không phải là một cấu trúc non tay, sự cắt dán tùy tiện, thiếu thẩm mỹ, mà đó chính là phương thức tồn tại đặc thù và phổ biến của một văn bản văn học mạng/máy tính. Cuốn tiểu thuyết bằng chữ in trên giấy như 3339 [những mảnh hồn trần] về thực chất chỉ là cái xác chết. Còn quá trình viết, nhận phản hồi, trả lời phản hồi và tiếp tục viết trên nền tảng mạng thực sự của nó luôn cần duy trì sự quan tâm của người đọc thông qua những comment và cả like từ phía netizen. Mà những thành viên netizen luôn có thói quen đọc lướt, đọc phi tuyến tính, đọc bỏ băng, ngắt quãng bất kì đoạn/chương nào của cuốn tiểu thuyết. Vì sao, vì “cuốn tiểu thuyết” thực sự trên nền tảng mạng/máy tính không phải là một cuốn sách nguyên khối, hoàn chỉnh và đã xong xuôi. Mà là một cấu trúc rời rạc và bấp bênh với vô số những entry khác nhau. Do đó, nếu muốn thu hút người đọc – phương thức tồn tại đặc thù của một tác phẩm văn học mạng, thì trước tiên, những entry và status phải có tính độc lập ngữ nghĩa tương đối trong một tổng thể chung. Tính rời rạc, bất tương hợp, phi logic có thể chấp nhận được, bởi ít người đọc mạng nào lại đọc hoàn chỉnh, xuyên suốt một tác phẩm văn học mạng, mà đa phần chỉ đọc xen ngang, bỏ băng. Chúng ta đọc lại những comment của các netizen trong 3339 [những mảnh hồn trần] là hoàn toàn có thể nhận ra thói quen này: “Aries: Lâu quá em không vào blog đọc này đọc nọ được…” [7,369]... Chính thói quen tiếp nhận này cũng đã góp phần buộc các entry – status phải ngắn gọn, có tính độc lập tương đối, và dĩ nhiên, nên viết về những chủ đề dễ gây chú ý phản hồi từ phía người đọc. Tất cả những điều kiện nói trên đã tạo thành trường thẩm mỹ và mã nghệ thuật cho những tác phẩm văn học mạng/máy tính.

2. Cấu trúc tam quyền phân lập 

Tư duy văn học từ hệ hình tiền hiện đại đến hiện đại qua hậu hiện đại chứng kiến sự kiến lập quyền uy tối cao của lần lượt là tác giả - văn bản - người đọc. Xét theo phương diện nhân tính chủ thể, đó là tác giả - nhân vật - người đọc. Tùy theo tiêu chí mỹ học của hệ hình văn học nào, mà những chủ thể trên trở thành trung tâm thẩm mỹ của văn bản, là “thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo” hay “nghệ thuật như là thủ pháp, tính đa thanh, phức điệu” hay “người đọc đồng sáng tạo, cái chết của tác giả”… Nói chung, cho dù cực đoan đề cao bất kỳ chủ thể nào đi chăng nữa, thì hệ hình tư duy văn học đó đã xác lập những đại tự sự có tham vọng giải quyết bao quát, toàn tri mọi vấn đề chỉ dựa trên một “trung tâm và đỉnh cao” duy nhất. Tuy nhiên, với tư cách là trào lưu mới mẻ nhất, cấp tiến nhất (so với các trào lưu văn học hậu hiện đại khác), văn học mạng/máy tính đã tiến hành đồng đẳng hóa, hay nói cách khác, bất định hóa những trung tâm thành một cấu trúc tam quyền phân lập có tính dân chủ sâu sắc. Trào lưu văn học “hậu hiện đại” đó, theo chúng tôi, chính là trào lưu văn học mạng/máy tính. Bởi chỉ ở trào lưu này, tính cực đoan, đề cao nhất nhất một trung tâm thẩm mỹ mới thực sự bị ngoại biên hóa.

Đầu tiên, tác giả - anh là ai? Tác giả có quyền năng như thế nào trong văn học mạng/máy tính? Trong 3339 [những mảnh hồn trần] dĩ nhiên, tác giả vẫn là Đặng Thân, thì còn gì nữa, ngay phía trên bìa sách vẫn ghi rõ tác giả là Đặng Thân và chính anh cũng là “là tác giả của Ma net, Tiền vệ phụ âm thư” [7,bìa 1]. Tác giả ấy lại còn đăng “chễm chệ” cả ảnh chân dung của mình và địa chỉ email, cùng cả link dẫn đến từ điển mạng wikipedia viết về anh ta. Tóm lại, tác giả vẫn đầy quyền uy khi công ty văn hóa và truyền thông Phương Đông (và công ty Bách Việt) chỉ có thể ấn hành khi có “hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa nhà văn Đặng Thân và Công ty văn hóa và truyền thông Phương Đông” [7,2]. Nhưng “Đặng Thân là Đặng Thân nào?”. Bởi trong cả Ma net  3339 [những mảnh hồn trần] có đến cả ba Đặng Thân. Quái vật ba đầu Cerberus địa ngục này có “cấu trúc” như thế nào? Thứ nhất, Đặng Thân với tư cách là tác giả truyền thống, người được “in tên, chụp ảnh, trả nhuận bút và nắm bản quyền” các tác phẩm, người nghiễm nhiên trả lời các bài phỏng vấn phía sau mỗi cuốn sách, thậm chí còn trực tiếp xuất hiện trong sách nhằm “trả lời phỏng vấn về quan niệm sáng tác” [7,465]. Chúng tôi gọi hắn ta là Đặng Thân vision 1 (viết tắt là ĐTV1). Tên Đặng Thân này thực chất nắm toàn quyền sáng tạo nên các nhân vật còn lại, kể cả những “hóa thân” khác của mình. Đặng Thân thứ hai lại là một nhân vật tham dự vào câu chuyện chung như một người kể chuyện ngôi thứ nhất (bị giới hạn bên cạnh những người kể chuyện ngôi thứ nhất khác). Đặng Thân thứ hai này được xác lập sự tồn tại bởi dòng thông báo trong phần dành cho các netizen: “Kính thưa quý vị! Vậy là từ Chương 1 đã có thêm nhân vật thứ tư là Đặng Thân “nhà văn”, phát ngôn ở font chữ Tahoma” [7,29]. Đặng Thân “nhân vật - người kể chuyện” này chúng tôi gọi tắt là ĐTV2. Xin vội sớm cả tin lời một Đặng Thân blogger (ĐTV3) rằng: “hãy nhớ cho đấy là tên Đặng Thân nhân vật nhà văn trong truyện… Còn người đang nói chuyện với bent đây là blogger Đặng Thân nhé” [7,30]. Bởi vì, dù là một nhân vật, nhưng ĐTV2 luôn mang ý thức cao ngạo, hống hách của một kẻ có quyền lực sáng tạo ra mọi nhân vật còn lại, hắn đích thực là một ông trùm lai ghép giữa nhân vật với tác giả (truyền thống). Hãy nghe một số câu khẩu cung điển hình và nhan nhản trong 3339 [những mảnh hồn trần] để có thể nhận ra ngay quyền lực của ĐTV2 trong “thế giới ngầm” của văn bản: “Và vì có sự THAY ĐỔI VỀ KỊCH BẢN với sự xuất hiện của NHÂN VẬT NGOÀI DỰ KIẾN thế này nên tôi sẽ lâm vào tình thế hoàn toàn bị động… Chắc là tôi sẽ không còn biết cốt truyện (plot) và các cảnh huống (scenes) sẽ xảy ra và diễn biến tiếp ra sao nữa” [7,289]. Trong Ma nhòa cũng xảy ra nhan nhản bao chuyện “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, khi ngoài ĐTV1 lại có thêm một tay ĐTV2 ngang nhiên “sẽ cùng thê đội đến đây tụ bạ. Để Đặng Thân lấy cảm hứng viết Ma net” [6,197], trong khi thực chất những dòng ấy đang được viết trong chính Ma net. Còn Đặng Thân blogger mà chúng tôi gọi tắt là ĐTV3 - hắn là ai? Kẻ vẫn thường thống soái trả lời những comment của cộng đồng mạng sau mỗi chương, liệu quyền lực của hắn ngang đâu và hắn có phải là ĐTV1. Thứ nhất, ĐTV3 vừa không phải, lại vừa chính là ĐTV1. Sự tương đồng là bởi, ĐTV3 chính là kênh phát ngôn chủ yếu và trực tiếp nhất cho tác giả, là phương án giao lưu đối thoại trực hệ với netizen, kẻ có chức năng chuyên đưa ra những phát ngôn và nhận định về quá trình sáng tạo. Nhưng ĐTV3 không hoàn toàn là chính tác giả, mà thực chất, nó cũng chỉ là một thế thân, một nhân vật thế vì trên mạng, một nickname đại diện trong cộng đồng ảo. Đặng Thân tác giả (ĐTV1) hoàn toàn có thể lấy một nickname khác để trò chuyện với độc giả, hơn nữa, một số blogger thực chất không lấy tên thật, tên riêng làm nickname, mà hoàn toàn có thể là quechoa, bent, quasimodo, loinho… Do đó, chúng tôi xem ĐTV3 cũng chỉ là “nickname như là thủ pháp (nghệ thuật)” mà thôi. Xét về tính chức năng nghệ thuật, ĐTV3 biểu hiện một cách điển hình và trực tiếp cho thứ thường được gọi là “mặt nạ tác giả” trong văn học hậu hiện đại.

Thứ hai, chính vì tồn tại một “cấu trúc tác giả” phân quyền kì lạ như thế, nên mới có chuyện “nổi loạn” của những “nhân vật”, mà nói cho đúng ra, đó không hoàn toàn là những “nhân vật” như chúng ta hằng quan niệm. Trong những tác phẩm của Đặng Thân, mới có chuyện “nhà văn” (ĐTV2) nói chuyện, gọi điện, gửi email, nhờ dịch văn bản giùm nhân vật và ngược lại; chuyện nhân vật (Mộng Hường) cầu cứu nhà văn, tặng quà (thuốc lào) cho nhà văn; mỗi nhân vật có một địa chỉ email riêng… nhằm giao tiếp với người đọc; rồi lại cả chuyện thị phi đến độ nhà văn phải đi lừa tình, thông dâm (với Hàn Thị Hoan) để “cứu” nhân vật: “Tôi quyết định gần gũi em Kế toán trưởng xấu xí và hôi nách để góp phần cứu Hường” [7,510]. Tóm lại, những “nhân vật” trong tác phẩm của Đặng Thân không đơn thuần chỉ là những nô lệ chết cứng được tạo hình từ những con chữ. Nhà văn không đóng vai tác giả toàn năng, anh ta chỉ đóng vai đạo diễn, và tính dụng ý của tác giả chỉ có vai trò như những kịch bản, còn những “nhân vật” chính là những diễn viên, tức họ có quyền sáng tạo riêng, có quyền diễn theo ý/cảm xúc của mình mà lắm khi vượt ngoài dự đoán của “nhà văn”. Nhà văn chỉ dàn dựng thế giới nghệ thuật, chứ không phải sáng tạo một cách toàn năng ra thế giới, và tác phẩm chứng kiến “cuộc chơi” của những nhân vật với ý thức sâu sắc, độc lập, mãnh liệt về tính tồn tại một cách xác thực hiện hữu vật chất, trong sự kiêu hãnh đầy tự chủ. Thực ra, hiện tượng này không phải là quá “kỳ dị” trong văn học hậu hiện đại. Tác giả như thế đã bị giải thiêng và bình quyền hóa với nhân vật. Trước chúa, nhân vật là một sinh thể sống có bản mệnh tự do không bị cầm tù bởi “tác giả”. Tóm lại, với văn chương mạng/máy tính: “chính các nhân vật đã tự đẻ ra truyện, còn truyện thì đẻ ra nhà văn” [7,15].

“Cấu trúc nhân vật” trong tác phẩm Đặng Thân bao gồm ba dạng thức: dạng nhân vật truyền thống như Mộng Hường, Schditt và thậm chí cả A Bồng (nhân vật chức năng), dạng nhân vật - nửa tác giả là Đặng Thân (ĐTV2), loại nhân vật thứ ba là nhân vật - nửa người đọc. Về kiểu loại nhân vật thứ ba, có thể dễ dàng nhận ra trước những comment trong phần Lời bàn [phím…] của các Netizen là những nickname của các blogger như bent, phamngoctien, Khánh Lam… thậm chí là cả “Riêng tư”. Các nickname blogger này trước tiên là những người đọc entry mạng, nhưng khi được “bê tông hóa” thành những đoạn “phê bình (loạn)” ở cuối mỗi chương, thì những “người đọc” ấy đã hóa thân thành một dạng thức “nhân vật bung xung” như trong truyện tranh, hoặc kiểu nhân vật đám đông trong kịch. Chức năng của loại hình nhân vật này chỉ là “cất tiếng nói” (phụ họa), chứ không cần số phận, tính cách hay diện mạo.

Cuối cùng, trong tính ngoại biên hóa triệt để của mình, văn học mạng/máy tính đã biến đổi chức năng và quyền hạn của người đọc đến đâu? Đầu tiên, chúng ta thấy cấu trúc của mỗi tác phẩm của Đặng Thân là cấu trúc đề cao quan điểm tham dự triệt để của người đọc. Cuối mỗi chương trong 3339 [những mảnh hồn trần], hoặc giữa các mạch kể trong Ma net đều có sự tham gia bình luận của người đọc dưới dạng những comment trò chuyện hoặc cuộc bàn luận. Tác giả phải hồi âm trả lời cho chính những comment đó, và tất yếu, Đặng Thân ít nhiều phải viết dưới “sự chi phối và sức ép” của những người đọc mạng. Trong 3339 [những mảnh hồn trần], nhiều lúc người kể chuyện (ĐTV2) còn trực tiếp mời gọi người đọc đi chơi cùng [tr.521], hoặc nhiều khi người kể chuyện còn nhờ vả, trông chờ vào sự giúp đỡ của người đọc nhằm dịch giúp các văn bản tiếng Anh. “Sao chúng ta không nhờ độc giả dịch hộ nhỉ. Tôi tin trong số những người đọc cuốn sách này sẽ có nhiều người dịch hay mà…” [7,469]. Như vậy, người đọc luôn có quyền trở thành một phần hữu cơ của câu chuyện, ngay cả khi văn bản in của nó đã hoàn tất. Bởi vì, ngay phía dưới phần Lời bàn [phím…] của các netizen của phần “Khai” trong 3339 [những mảnh hồn trần], Đặng Thân (ĐTV3) đã mời gọi người đọc đưa ra phản hồi qua những email hoặc comment: “Rất mong sẽ được thấy ý kiến/lời bàn [bình] của bạn xuất hiện trong cuốn sách này khi tái bản. Xin cảm ơn nhiều” [7,13]. Như thế, cho dù bản in đã cố định hóa những trường đối thoại của các người đọc blogger, nhưng họ vẫn có hi vọng được cất lời trong những lần tái bản. Qua đó, thuộc tính đa thanh và phức điệu trong “xác chết giấy mực” của văn bản văn học mạng/máy tính vẫn phần nào được bảo vệ. Mỗi người đọc khi cất lời (qua các comment) phía sau mỗi chương, ngoài việc phê bình (loạn) về nội dung tác phẩm, còn chủ yếu thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và chứng minh cho sự tồn tại của chính mình. Nói cách khác, người đọc đến với văn bản không phải như một cái bình trống đến để được tác giả rót đầy chữ nghĩa, mà họ đến với tư cách một sinh thể độc lập, đến để thể hiện cái tôi riêng biệt của mình. Do đó, những comment của người đọc đôi khi không cần trực tiếp phê bình, mà chủ đích nói về những suy nghĩ đang diễn ra của bản thân. Thậm chí, tính độc lập, ngang quyền giữa người đọc với tác giả còn được thể hiện qua những comment vô cùng đặc biệt làm chúng tôi rất chú ý, đó là những comment “Riêng tư” - Comment của các người đọc ẩn/nặc danh, có nội dung bí mật dành riêng cho tác giả đọc. Nhưng tại sao tác giả khi biên tập bản in cuốn tiểu thuyết lại không cắt bỏ đi, lại vẫn cứ đăng nguyên những dòng vô nghĩa là comment “Riêng tư” phía sau nhiều chương? Bởi vì, tác giả đã tôn/trân trọng những trao đổi riêng tư giữa người đọc với người viết. Người đọc như thế, dù không trực tiếp xuất hiện, nhưng phần nào đã có những trao đổi, góp ý mang giá trị tác động đến tác giả, đến mức anh ta phải tỏ lòng cám ơn bằng cách ghi nhận qua các comment “Riêng tư”. Tác giả đã dự trù các người đọc ẩn/nặc danh sau này sẽ đọc lại tác phẩm (qua bản in), và người viết muốn chứng minh những trao đổi riêng của người đọc không phải là vô nghĩa. Thậm chí, cuối tác phẩm 3339 [những mảnh hồn trần], tác giả còn thể hiện niềm tiếc thương vô hạn với sự qua đời vào lúc 10h sáng ngày 20/7/2009 của một người đọc (blogger Quasimodo). Như vậy, người đọc đã được mang một thân phận quan trọng chưa từng có trong văn học. Tuy nhiên, ảo tưởng về quyền năng của người đọc “thần thánh” chỉ là sự ngây thơ đến tội nghiệp. Tính ngoại biên hóa triệt để đã không cho phép người đọc chiếm lấy ngai vàng độc tài vốn dĩ từng thuộc về tác giả hay văn bản. Này nhé. Trước tiên, tác giả khi biên tập văn bản mạng thành sách in hoàn toàn có thể lựa chọn, rút ngọn, chỉnh sửa các comment của người đọc, trên nền tảng mạng thì tác giả là người duy nhất có quyền năng xóa bỏ các comment khỏi blog của mình. Thứ hai, lấy điều gì đảm bảo về tính chân xác và có thật của những comment? Những comment “Riêng tư” đó liệu có thật hay không? Hay đó đơn thuần chỉ là một “thủ pháp” của tác giả. Và cho dù có thật đi chăng nữa, bản thân sự lựa chọn, cắt xén hoặc biên tập các comment đã là một chiến lược, một thủ pháp nghệ thuật của tác giả. Mỗi độc giả có quyền cất lời, bởi họ có một sinh thể, một ý thức, một số phận riêng, hoặc giản đơn, một địa chỉ email riêng. Nhưng nên nhớ, trong truyện của Đặng Thân, chẳng phải những nhân vật thuần túy như Schditt, Mộng Hường… cũng có những điều kiện và năng lực đó hay sao? Do đó, những “người đọc” thật ra khi được tôn vinh trong quá trình “nhân vật hóa” thì đến lượt họ, cũng phải chịu số phận giới hạn như chính những nhân vật thuần túy mất rồi. Về “cấu trúc người đọc”, do giới hạn khuôn khổ của bài viết, chúng tôi sẽ phân tích kỹ trong một dịp khác.

Tóm lại, với nền tảng văn học mạng/máy tính, một cấu trúc tam quyền phân lập nhưng liên hệ hết sức chặt chẽ, chi phối và ảnh hưởng đến nhau một cách hữu cơ đã được xác lập giữa tác giả – nhân vật và người đọc. Ở đó, mỗi bộ phận có một chức năng riêng, tác giả lập pháp (lập nên quy tắc chơi), nhân vật hành pháp (thực hiện vai trò người chơi) và người đọc tư pháp (thực hiện vai trò phán xét, trọng tài), tuy nhiên, cả ba bộ phận này liên tục chuyển hóa, tương tác và đối thoại với nhau. Cấu trúc tam quyền phân lập ấy được vận hành dựa trên một nguyên tắc đối thoại (dialogisme) triệt để, với tính ngoại biên hóa toàn diện, nên đã chối từ sự trung tâm hóa bất kì thành phần nào trở thành tượng đài có tính chất đại tự sự.

PHAN TUẤN ANH
(SH293/07-13)


---------------------
1. Paul Auster (2006), Người trong bóng tối, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. L.A. Fillingham và… (2006), Nhập môn Foucault, Nxb. Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
3. I.P.Ilin và… (2003), Những khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4. Milan Kundera (2001), Tiểu luận - Nghệ thuật tiểu thuyết & Những di chúc bị phản bội, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
5. J.F. Lyotard (2008), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
6. Đặng Thân (2008), Ma net, Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Đặng Thân (2011), 3339 [những mảnh hồn trần], Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Phan Tuấn Anh
Các bài mới
Các bài đã đăng