Phê bình - Nghiên cứu
Thơ trẻ Huế dưới dấu hiệu của một phong trào
09:30 | 10/05/2017

Trong bản tham luận về mảng thơ trên trang viết đầu tay của Tạp chí Sông Hương do anh Hoàng Dũng trình bày tôi thấy có chủ ý nói đến tính khuynh hướng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đặt ra một cách chặt chẽ, sâu sắc. Theo tôi, nếu hướng cuộc thảo luận đến một vấn đề như vậy chắc sẽ đem đến cho những người viết trẻ nhiều điều bổ ích hơn.

Thơ trẻ Huế dưới dấu hiệu của một phong trào
Nhà thơ Phạm Tấn Hầu - Ảnh: LVT

Với tư cách một người có làm thơ, tôi cảm thấy vấn đề đó luôn đặt ra cho mình những băn khoăn: viết như thế nào? Thể hiện nó ra sao? Hệ quả của nó như thế nào? và có đúng nó gần gũi với thiên hướng của mình chăng?

Vậy thì, mối quan tâm trước hết đối với những người viết trẻ, những người đang cố gắng chuyển dịch cái mình cảm thụ thành "Những tác phẩm nghệ thuật", đầu tiên tôi nghĩ vẫn là vấn đề: tính khuynh hướng và hình thức thể hiện.

Ở đây, trong khuôn khổ một ý kiến nhỏ được góp vào buổi Hội thảo tôi cho rằng điều đáng được chúng ta nói đến nhiều hơn cả là những nỗ lực của các bạn ấy trong "công việc chuyển dịch", có tính cách sáng tạo nói trên. Những nỗ lực mà nếu thiếu mất, thì chúng ta lại thấy hiện trên những bản văn bóng dáng của sự già nua tẻ nhạt. Nỗ lực của sự tìm kiếm không dứt. Tìm kiếm vì thơ không dừng lại là một cách nhận thức, mà là một cách sống trọn vẹn nhất. Sống với thời đại của nó. Thời đại mà khoa học kỹ thuật không ngừng thay đổi, khiến tinh thần của nó cũng trở nên quyết liệt hơn một thời. Trong tinh thần ấy, cuộc đấu tranh của mỗi thế hệ có một ý nghĩa: rút ngắn dần khoảng cách, đồng thời với việc thể hiện đầy đủ nhất sự tồn tại của mình. Trước nhu cầu đó, họ cần có một vũ khí hiện đại hơn, một khuynh hướng táo bạo hơn và một hình thức tiếp cận với cuộc sống mới mẻ hơn. Nếu trước đây người ta chưa quen với lối biểu hiện của thơ Voznexenxky như một nhà thơ lão thành, Axêep đã từng thú nhận "Tôi đã không đánh giá đúng mức khi đọc những bài thơ đầu của Voznexenxky. Cái đó không phải lỗi tác giả mà tại tôi chưa quen với loại thơ mới mẻ ấy"; thì nay Voznexenxky đã trở thành một hiện tượng của nền thơ Xô viết. (Xin cám ơn nhà thơ Axêep đã nói những lời chân thành!).

Và còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã làm gì để thúc đẩy quá trình thể nghiệm khám phá của các bạn trẻ được diễn ra một cách trọn vẹn, tốt đẹp. Bởi vì dẫu sao quá trình đó vẫn cần thiết một chất xúc tác để có thể "xảy" ra một hiện tượng.

Tôi thành thật lo ngại rằng, quá trình trên chưa được diễn ra bao lâu, thì đâu đó đã sẵn sàng đơm đặt những mạch cắt. (Tạp chí Sông Hương số 21. "Nhìn lại 10 năm Văn học Bình Trị Thiên" và Văn hóa Bình Trị Thiên số 21 "Nguyễn Khoa Điềm nhà thơ nhiều trăn trở!"). Nơi này nhà phê bình than vãn "Cây bút trẻ chưa đáp ứng yêu cầu". Nơi kia nhà phê bình nọ cho rằng: "Giọng thơ lọng ngọng..." và cũng có trường hợp muốn lật đi lật lại từng chữ trong trang viết đầu tay với nghề nghiệp của một người chấm luận văn.

Có phải cần đọc thơ với đôi kính như thế chăng, nhất là đối với trang viết đầu tay của một tác giả trẻ? và thật ra với cách đó, họ có thể xóa bớt nhiều tác phẩm của bất cứ nhà văn nhà thơ lớn nào trên thế giới mà họ đụng đến. Lấy trường hợp Saint John Perse làm ví dụ. Khi trao giải Nobel 1960 cho ông người ta nhận định "Chúng ta có thể thấy đằng sau cái vẻ bề ngoài bưng bít khó hiểu, và những hình tượng nhiều khi rất khó vào, Saint John Perse đã đem lại những sứ mệnh lớn lao cho những người đồng thời với ông".

Vẻ bề ngoài bưng bít, và những hình tượng nhiều khi rất khó vào... Phải chăng là những thách thức không thể nào vượt qua đối với những nhà phê bình, khi đã từ bỏ vai trò tiên phong của mình đối với nền văn học tiến bộ?

Tất nhiên ở đây tôi không dám kèm theo một ngụ ý so sánh nào. Nhưng có thể nào những nhà thơ lớn, những thiên tài lại bỏ qua những trang viết đầu tay. Vấn đề có tính nhân bản, và ưu việt là làm thế nào để có thêm một Mozart mới, hay ít ra cũng để không phải buột miệng than "trong mỗi chúng ta đã có 1 Mozart đã chết" như Saint Exupery.

Với trang viết đầu tay, người đọc có thể thấy rằng, tạp chí Sông Hương không có ý trình làng "những tác phẩm lớn"; mà có lẽ mong mỏi tìm thấy một vài dấu hiệu của chất vàng. Phải chắt lọc rất nhiều. Phải làm đất kỹ hơn nữa, và có lẽ, trong cuộc vận động như vậy, những điều chúng ta thấy được mới chỉ là sự ướm thử của một sức lực tinh khôi nào đó. Chúng ta chưa có thể đánh giá đầy đủ được, nhưng chúng ta tin vào những nhân tố đó. Chúng ta trân trọng với thiện chí của tạp chí Sông Hương, và càng biết trân trọng hơn với sức lực trẻ trung đó.

Riêng tôi, một thời gian sinh hoạt ở trong Câu lạc bộ Văn học trẻ Huế, tôi đã có dịp đọc một số trang viết đầu tay dưới dạng bản thảo, và tôi gần như hiểu được những gì họ mơ ước trước thế giới văn học. Bản văn mà họ mang tới ngưỡng cửa văn học ngày nay không phải dành dâng tặng, xưng tụng mà đòi hỏi sự tham gia của người đọc. Họ viết văn với tư cách là người tư duy, chứ không chỉ với tư cách là người cảm xúc. Tôi không nông nỗi để quy tất cả điều này vào khuynh hướng triết lý, cho rằng họ cố tình làm già đi cái tuổi trẻ của mình. Bởi vì rõ ràng có rất nhiều vấn đề của cuộc sống đất nước, con người và thế giới đang bùng nổ, ảnh hưởng sâu sắc đến họ, những người luôn muốn đến với tâm điểm nóng. Dưới một tác động như thế người ta dễ dàng đưa vấn đề lên một mức khái quát cao hơn. Một số bài thơ đã gây trong tôi một ấn tượng như vậy. Có khi, tôi bỗng nhìn ra một cái nhìn khác với cách trình bày rất lạ.

Chúng ta cách nhau nửa vòng xe lăn nửa vòng trái đất
Để đến được cùng em tôi đã đi thay tốc độ thường ngày
                        (Sông Hương số 11 Xuân Ất Sửu)

Một đoạn trong một bài thơ khác, đã thuyết phục các biên tập viên Tạp chí Sông Hương ngay trong một đêm đọc thơ ở câu lạc bộ văn học trẻ Huế, để sau đó tạp chí có quyết định giới thiệu ngay như một tác giả (Sông Hương số 9).

Xin lặng im
Lắng nghe tiếng những bàn tay xoay khối ru bích
Những hạt lúa quay cuồng trong máy xát
Người nhạc sĩ ngồi ghi từng nốt nhạc 
Những ống khói rất trẻ
            và những đàn chim sẻ 
            giật mình bay lên trời,
***
Những người mẹ có mang đang mỉm cười...

Với cả hai bài thơ nêu trên, chúng ta không còn đọc ở đây cái "cảm xúc kiểu văn chương thuần túy nữa", mà nó đòi hỏi chúng ta phải tham gia một cách trọn vẹn vào điều nó đang nói tới. Những tác giả trẻ ngày càng muốn người cảm thụ với người sáng tạo là một. (Phải chăng đây cũng là một dấu hiệu của quá trình dân chủ hóa trong văn chương?)

Khuynh hướng đối thoại ấy (có thể gọi như vậy) tạo cho tôi cái cảm giác phải luôn quay lại nhìn mình. Hình như, đôi lúc tôi đã bỏ một giai đoạn nào đó, một cái gì đó; mà giờ đây chỉ có họ mới cảm thụ được. Đúng hơn, tôi đã bị thuyết phục, phải học tập ngôn ngữ, hình thức thể hiện của họ để sống lại cái cảm giác tươi mát do sức và thói quen cũ kỹ làm già đi.

Và có thể nói, trong cái không khí đó, tôi đã có được những tình bạn mới. Qua trang viết đầu tay, các bạn trẻ đã nghe được những tiếng nói đồng cảm, tìm đến nhau, để cùng chia sẻ hoài bão lớn của mình. Vậy là vô hình chung, một phong trào viết trẻ đã được khởi động, và được hưởng ứng rộng rãi. Nhiều cây bút trẻ xuất hiện trên tạp chí với tư cách là tác giả. Nhiều người được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên.

Theo tôi đó là điều chúng ta có thể khẳng định được, bởi vì, ở một tờ báo khác (lấy tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên trước đây làm ví dụ) chắc gì chúng ta có được một đội ngũ như vậy, cùng xuất hiện một loạt trong vòng chỉ một hai năm.

Trong bối cảnh đang có dư luận nghi ngờ về sự tồn tại của thơ ca; cho rằng thơ đang mất dần vị trí của mình và đang lạm phát những nhà thơ(!), thì sự xuất hiện của những cây bút trẻ quả là một hiện tượng. Nó gần như một nỗ lực mới đang tích tụ lại, hướng đến một câu trả lời về tình hình trên.

Giữa lúc đó, chúng ta đã làm gì? Không ít người trong chúng ta để ngủ yên trong nếp nghĩ một thói quen "thà tỏ ra nồng nhiệt với một bài thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... thà ảnh hưởng Baudelaire hơn là đến với bài thơ của tác giả trẻ có giọng kiểu Voznexenxky.

Vậy đó, cái hôm nay có trở thành lịch sử hay không tùy thuộc ở tất cả chúng ta. Thế nhưng, đôi khi chúng ta đã không đánh giá hết những gì đang xảy ra với họ, hoặc tìm cách bài bác tính cách tồn tại của họ. Hình như đang có một thành trì gìn giữ cảm quan của chúng ta rất kỹ. Trước thành trì này, một nhà thơ lớn đã phải coi "là nhà thơ, kẻ nào giúp ta đập tan mọi thói quen dễ dãi..."

Nuôi dưỡng một tham vọng như vậy là hoàn toàn chính đáng. Phía độc giả, và những nhà phê bình tiên tiến khi đánh giá về họ, những cây bút trẻ, cái cần đặt lên bàn chân trước tiên phải là nỗ lực đó. Và hôm nay nếu họ chọn một tiếng nói mới có vẻ lạ với chúng ta, thì không phải vì sự tình cờ, vì lập dị, mà vì họ có tâm tình mới, những mơ ước mới; cho dẫu những tâm tình ấy, những mơ ước ấy chưa bao giờ đến, hoặc không bao giờ đến nữa với chúng ta!

Đã qua rồi cái thời phải tôn thờ một khuynh hướng, một hình tượng cần thiết cho cuộc tuần đạo. Ngày nay cuộc sống mới mở ra rộng lớn hơn; và thơ ca nếu không tự mình làm phong phú thêm bằng tư duy mới, khám phá mới, tất yếu sẽ chịu mất vòng nguyệt quế của mình.

Người đốn củi 
đã biến thành cái cây
người đốn củi khác 
đến chặt
và tự nhận lượt mình 
biến thành cây
……..
                        (Yanis Ritsos)

Một sự liên tục có tính kế thừa, đã diễn ra như vậy, để nghệ thuật không bao giờ cũ kỹ. Trang viết đầu tay trên tạp chí Sông Hương là sự chuẩn bị cho tính chất ấy. Mọi sự lặp lại tiếng nói của quá khứ đều có nghĩa như tự mình phế bỏ quyền thừa kế của mình. Bởi vì đây là đất cần khai phá, cần được dũng cảm cách tân; đây là miền đất trẻ…

 

Phạm Tấn Hầu
(SH24/4-87)

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Phạm Tấn Hầu
Các bài mới
Các bài đã đăng