PHẠM PHÚ PHONG
1. Sự hình thành bộ môn lý luận phê bình với tư cách là một khoa học
Cuộc sống con người luôn hữu hạn, nhưng khát vọng của con người là vô hạn, trong đó có khát vọng đồng hóa hiện thực, nối dài đời soonsgc ủa mình trong thời gian lịch sử và nới rộng khoảng cách cuộc sống của mình trong không gian địa lý. Vì vậy, còn người phải tìm đến với nghệ thuật, một thế giới thứ hai, cao hơn thế giới thứ nhất, cao hơn cuộc sống vôn có của con người. Sáng tạo nghệ thuật không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tự biểu hiện của con người mà còn hướng đến nhu cầu thưởng thức của công chúng. Vì vậy, ở bất kỳ thời đại nào, hình thái xã hội nào, có nghệ thuật là có nhu cầu thưởng thức/tiêu thụ nghệ thuật. Trong quá trình thưởng thức, một khi những khoái cảm thẩm mỹ đã dâng đến cao trào, người ta sẽ nảy sinh những thái độ, tình cảm, tư tưởng và đến lượt mình, người thưởng thức có quyền biểu hiện, bày tỏ những thái độ, tình cảm, tư tưởng ấy. Đó chính là hình thức sơ khai của phê bình nghệ thuật.
Có nghệ thuật là có nhu cầu thưởng thức và có sự bình phẩm, khen chê, thẩm định. Nhưng đó chỉ là dạng phê bình sơ khai, có tính chất cảm tính, thù tạc, tân gốc lẫn nhau, lời khen là lời tặng, chưa phải là khoa học về phê bình. Phê bình văn học xuất hiện với tư cách là một bộ môn khoa học trên cơ sở sự vận động thay đổi một thiết chế xã hội và trong quá trình đô thị hóa đời sống thị dân. Với một cái nhìn lạc quan vào quá khứ lịch sử của nhân loại, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng: “Từ thế kỷ XVII, nhất là từ thế kỷ XVIII, văn học trở thành một lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù, tương ứng với nó là sự hình thành những thiết chế xã hội của văn học (báo chí, xuất bản, công chúng, dư luận), là sự hình thành đời sống văn học với tư cách là một lĩnh vực đặc thù trong toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Phê bình văn học kiểu mới được phát triển trong bối cảnh đó của đời sống xã hội, với tư cách một dạng thức và một bộ phận của dư luận xã hội.” (1, tr.1048). Thậm chí, có thể chậm hơn, vào đầu thế kỷ XIX, khi công nghệ làm giấy, công nghệ in ấn hoàn thiện và phát triển, cùng với sự bức phá mạnh mẽ của đời sống báo chí, phê bình văn học mới thực sự trở thành nhân tố tác động tích cực trong đời sống văn học: “Phê bình văn học theo nghĩa là hoạt động chuyên môn thì mãi đến đầu XIX, khi nhân loại đã bước vào thời đại mới, mới xuất hiện ở châu Âu. Đó là một loại hình sinh hoạt văn học gắn liền với văn hóa đô thị. Phê bình này ra đời trên cơ sở báo chí và xuất bản. Chính báo chí đã biến sách vở với tư cách là sản phẩm văn hóa, từ một thứ văn hóa quà tặng thành văn hóa hàng hóa.” (2, tr.19). Cái “thời đại mới” mà “nhân loại bước vào” như nhà lý thuyết phê bình Đỗ Lai Thúy nói, đó chính là thời Khai sáng, là thế kỷ Ánh sáng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, mà động lực chính là công nghệ làm giấy và công nghệ in ấn. Cả một thế kỷ sáng rực rỡ soi đường, để bước vào đầu thế kỷ XIX, các nhà dân chủ cách mạng Nga, như Bielinski, Secnưsevski, Dobroliubov, Ghecxel, những người có công xóa bỏ những so le lịch sử, đưa nước Nga tiến kịp với châu Âu và đã hoàn thiện bước đầu cho lý thuyết phê bình, lý luận văn học. Khi sự bình phẩm, khen chê lặp đi lặp lại thành hệ thống, cùng thống nhất với những đúc kết kinh nghiệm từ hai phía, cả người sáng tác lẫn người thưởng thức, sắpx ếp thành một hệ thống lý thuyết, một chỉnh thể, đó chính là lý luận nghệ thuật. Như vậy, phê bình, lý luận nói chung, có từ rất lâu trong lịch sử nghệ thuật, đến cuối thời khai sáng ở châu Âu, nhất là với các nhà dân chủ cách mạng Nga, đã tạo nên hình vóc, diện mạo, đưa lý luận, phê bình trở thành những bộ môn khoa học về nghệ thuật, trên cơ sở đó, cùng với khoa học, khi trình độ tư duy của con người phát triển, người ta chia nhỏ thành các bộ môn khoa học về văn học như lý luận văn học, phê bình văn học, lịch sử văn học, phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn học.
Ở Việt Nam, cũng giống như các nước phương Đông, lý thuyết văn chương với tư cách là một hệ thống lý thuyết khoa học ra đời muộn hơn và cũng trên nền tảng thiết chế xã hội trong quá trình đô thị hóa. Văn hóa giao tiếp nảy sinh ở các đô thị lớn, gắn với nhu cầu thông tin dư luận xã hội, bao giờ cũng nhanh và mạnh hơn các tỉnh lẻ. Người đọc ở các đô thị không chỉ là những cá nhân riêng lẻ, hoặc một đám đông mà đã trở thành công chúng. Và, chính công chúng mới có nhu cầu dư luận và đẻ ra dự luận. Nhìn lại những tác phẩm mở đầu, có vóc dáng là những công trình đầu tiên cho khoa học về văn học ở nước ta như Sự nghiệp và thơ văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1928) của Lê Thước (1890 – 1975), Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn (1907 – 1978) mở đầu cho phê bình văn học; Nữ lưu văn học sử (1929) của Lê Dư (1910 – 1967), Việt Nam cổ văn học sử (1941) của Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984) mở đầu cho lịch sử văn học; hoặc Khảo về tiểu thuyết (in báo từ 1922, in thành sách 1925) của Phạm Quỳnh (1892 – 1945), Văn chương và hành động (1936) của Hoài Thanh (1909 – 1982), Lưu Trọng Lư (1911 – 1991) và Lê Tràng Kiều (1912 – 1977) mở đầu cho lý luận văn học, đều ra đời ở các trung tâm. Nhưng “nhân loại hình thành nên không phải từ những cá nhân riêng lẻ, mà từ sự giao tiếp giữa họ với nhau” (3, tr.302). Đó là sự tồn tại mang tính người (4, tr.81).
Những năm đầu thế kỷ XX, Huế vẫn là một trung tâm, là đô thị bậc nhất của đất nước, là kinh đô của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Nhưng chính thiết chế xã hội của một đô thị phong kiến lại kìm hãm sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung, của lý luận, phê bình văn học nói riêng. Thiết chế xã hội của một đô thị phong kiến, cho dù đó là kinh đô của một đất nước vẫn còn bao phủ bởi màn đêm sau lũy tre làng, do sự cát cứ theo kiểu bộ tộc, trong tư thế cô lập dân tộc, bế quan tỏa cảng, bưng bít thông tin, chỉ cần trên nói dưới nghe, không cần đúng sai, phải trái. Thật khó mà phân biệt một cách rạch ròi thể chế xã hội có tính chất đặc biệt của nước ta thời bấy giờ. Nhìn một cách toàn cục, đây là thời kỳ đất nước ta đang sống trong chế độ thực dân phong kiến. Nhưng trong mục tiêu xây dựng một vùng Đông Pháp (một vùng lãnh thổ của Pháp ở phương Đông), lại bị xé lẻ theo mục tiêu chia để trị của chủ nghĩa thực dân. Sài Gòn và cả vùng Nam bộ rộng lớn sống theo chế độ thuộc địa. Thanh niên trưởng thành đến 21 tuổi phải gia nhập quốc tịch Pháp. Vì thế, có một số trường hợp không chấp nhận gia nhập quốc tịch của kẻ xâm lược, bị cưỡng chế phải di cư ra vùng Phan Thiết, Bình Thuận. Trào lưu yêu nước nhen nhúm và phát triển tại đây vào những năm đầu thế kỷ XX, một phần xuất phát từ những thành phần này. Trong khi đó, cả miền Trung và miền Bắc sống theo chế độ bảo hộ, nhưng lại có một vùng nhượng địa (tourain) nằm ở ngay cạnh kinh thành, đó là thành phố Đà Nẵng. Có ý kiến cho rằng, báo chí và xuất bản ở Huế ra đời chậm “vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc các “ông chủ tư bản Pháp” đầu tư vào Huế công việc in ấn theo công nghệ tiên tiến lúc bấy giờ bị chậm, cộng với sjw cản trở của thực dân PHáp và chế độ Nam triều dưới chính sách bảo hộ và chút quyền cai trị còn lại của vua quan nhà Nguyễn với cuộc đất kinh đô Huế” (5, tr.6). Nhưng có lẽ, trong “nhiều lý do” đó, quan trọng nhất vẫn là thiết chế xã hội. Vì vậy, báo chí – tiếng nói của thông tin và dư luận thuộc về một đô thị kiểu mới, khác với thể chế phong kiến, đầu tiên ở nước ta ra đời tại Sài Gòn, sau đó là Hà Nội, Hải Phòng, rồi mới đến Huế. Tại Sài Gòn, tờ báo ra đời đầu tiên ở nước ta năm 1862 là tờ báo tiếng Pháp Bulletin Officiel de l’Expédition de Cochinchine (Tập san chính thức của cuộc viễn chinh ở Nam Kỳ) chưa toàn những thông báo, nghị định, quyết định nhằm chỉ huy quân viễn chinh; tờ thứ hai ra đời năm 1863 bằng chữ Hán là Cáo trình các Làng Xã (Bulletin des Communes) dùng để hiểu dụ dân chúng và quan lại. Mãi đến năm 1865, tờ báo tiếng Việt đầu tiên mới ra đời là tờ Gia định báo do Ernest Potteaux làm tổng tài và Trương Vĩnh Ký làm chủ bút. Hơn hai mươi năm sau, năm 1883, chính phủ bảo hộ mới thiết lập nhà in đầu tiên ở miền Bắc và cho ra đời tờ báo bằng tiếng Pháp Le Bulletin du Comité d’Études Agricoles, Industrielles et Commerciales de l’Annam et du Tonkin. Đến năm 1892 mới có tờ báo bằng chữ Hán của một thương nhân người Pháp là Schneider, là tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, sau đó đổi thành Đăng cổ tùng báo (1907), in bằng hai thứ tiếng Hán và Việt. Trước đó, tại Hải Phòng, một thương nhân người Pháp tên alf De Cuers de Cogolin cho ra đời tờ báo tiếng Pháp Le Courrier d’Haiphong và sau đó là tờ báo tiếng Việt Bảo hộ nam dân (1888). Như vậy, về báo chí tiếng Việt, ở miền Bắc chậm thua Sài Gòn hai mươi ba năm. Hơn nửa thế kỷ sau, khi báo chí ở hai đầu đất nước phát triển rầm rộ, thì ở Huế mới xuất hiện tờ báo đầu tiên, vào đầu năm 1914, cũng bằng tiếng Pháp, tờ Le Rigolo (Kẻ ngộ nghĩnh) do một nhóm thanh niên tân học gồm Võ Chuẩn, Lê Thanh Cảnh, Phan Văn Tài, Lê Văn Thiết chủ trương và năm sau, hai học giả người Pháp là hai linh mục Léopold Cadière và Edmond Gras, cùng với một nhóm trí thức người Việt đã cùng nhau lập ra Hội Đô Thành Hiếu Cổ (L’Association des Amis du Vieux Huế) và cho xuất bản nguyệt san Bulletin des Amis du Vieux Hue (Đô thành hiếu cổ) chuyên khảo cứu về lịch sử, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo, và kinh tế xã hội, đây cũng là tài liệu hàng đầu trong các báo chí Việt Nam. Đặc biệt, đây là những cong trình duy nhất lúc bấy giờ toàn nghiên cứu về Việt Nam và đều do những tác giả lỗi lạc, uyên bác nhất đương thời thực hiện. Mười ba năm sau, năm 1927 (tức là 62 năm sau, từ khi có báo chí tiếng Việt), tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời tại Huế là tờ Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, kế sau đó là Thần kinh tạp chí (1927) của Lê Thanh Cảnh, có phụ trương tiếng Pháp, Tràng an báo (1932) của Bùi Huy Tín do Phan Khôi làm chủ bút, Kim lai tạp chí (1932) của Đào Duy Anh, Phụ nữ tân tiến (1933) của Hồ Phú Viên, Hồ Thị Thục và Nguyễn Tấn, Tiên long (1933) của bà Lê Thành Thường, Sao mai (1935) của Trần Bá Vinh, Ánh sáng (1936) của Nguyễn Quốc Túy, tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Viên âm (1936) của bác sĩ Lê Đình Thám, tờ nguyệt san của Công giáo Vì Chúa (1936) của linh mục Nguyễn Văn Thích, tờ báo tiếng Pháp La Gazette de Hue (Nhật báo của Huế, 1936) của Bùi Huy Tín và Phạm Văn Ký, Kinh tế tân văn (1936) của Phạm Bá Nguyên, tuần báo trào phúng Cười (1936) của Trần Thanh Mại và Lê Thành Tuyển, Sông Hương (1936 – 1939) của Phan Khôi với sự cộng tác của Phan Nhung và Nguyễn Cửu Thanh, Les Responsables (Những người có trách nhiệm, 1936), đặc san bằng tiếng Pháp cảu nhóm trí thức tân học Nguyễn Huy Bảo, Nguyễn Thúc Hào, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân, nhằm phổ biến văn minh Âu Mỹ, nhóm này tự cho là mình có trách nhiệm phải lãnh đạo quần chúng đi theo con đường phát triển văn minh, Giáo dục tạp chí (1941) nguyệt san viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt do Nguyễn Khánh Toàn làm chủ nhiệm... Đặc biệt, trong đó có những tờ báo do Đảng Cộng sản lãnh đạo, ra công khai, hợp pháp nhằm phổ biến tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối đấu tranh yêu nước như Nhành lúa (1935) do Hải Triều chủ trương. Khi Nhành lúa bị đóng cửa, Hải Triều lại tiếp tục hoạt động, bằng cách mua lại giấy phép tờ Sông Hương (1939) của Phan Khôi (6). Nhà in và nhà xuất bản càng hạn chế hơn. Thời này, việc xuất bản dễ thấy là thuộc về các “thư quán”, “tùng thư”, nhưng nhà in hoạt bản theo công nghệ in chữ rời ở Huế rất ít, có thể được biết đến nổi tiếng nhất là nhà in Đắc Lập.
Phạm Quỳnh, từ năm 1917, sau khi đã đưa ra một thực tế: “Lắm nước như nước Pháp, nước Anh, dư luận thật là giữ quyền chúa tể trong nước, chi phối cả cuộc sinh hoạt quốc dân về chính trị, xã hội, kinh tế”, đã khẳng định bằng một lời tiên đoán: “Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy” (7, tr.60, 65). Báo chí làm thay đổi diện mạo đời sống, đem lại một không gian mới, một lực lượng mới kế nối xã hội, một khả năng mới cho sự tồn tại độc lập, tác động đến thực tiễn trên nhiều phương diện, trong đó có đời sống tinh thần, mà trực tiếp là đối với văn hóa nghệ thuật. Trong Phê bình và cảo luận – tác phẩm được coi là mở đầu cho phê bình văn học nước ta, Thiếu Sơn cho rằng: “Trong những nước văn minh, văn học ra đời trước báo chí, nhưng ở Việt Nam, chính báo chí đã tạo nên nền văn học hiện đại” (8, tr.69). Báo chí phát triển, khiến cho việc viết báo trở thành một nghề. Ngoài những người viết báo nhằm thông tin, phản án đời sống kinh tế xã hội, còn những người viết báo thông tin thẩm mỹ là những nhà văn, nhà thơ, những người viết báo thông tin về giá trị của văn học nghệ thuật là những nahf phê bình, lý luận. Đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và trên cái nền của đời sống báo chí xứ Huế, đã xuất hiện một đội ngũ những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình khởi đi từ hai nguồn, những khi đến Huế đã nhập chung dòng của xuôi ra biển cả: Thứ nhất, những người sinh ra và lớn lên ở Huế, mở đầu sự nghiệp tại quê hương và sau này tỏa đi khắp nơi trở thành tài sản chung của cả nước, như Hải Triều, Trần Thanh Mại, Trịnh Xuân An, Trần Thanh Địch, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Minh Vỹ,... Thứ hai, những người từ nơi khác đến và định hình tư cách nhà phê bình trên đất Huế, như Hoài Thanh, Phan Khôi...
Tuy lý luận, phê bình văn học nghệ thuật ở Huế ra đời muộn hơn hai đầu đất nước, nhưng lại sớm trở thành trung tâm, thu hút sự quan tâm của học giới trong cả nước với các cuộc tranh luận văn chương, triết học hiếm có trong lịch sử tư tưởng. Trong hàng chục cuộc tranh luận văn chương nghệ thuật diễn ra ở nước ta vào thế kỷ XX, thì có đến không dưới năm cuộc – những cuộc quan trọng nhất – diễn ra ở Huế, khơi mào từ Huế, hoặc từ những tờ báo, những học giả đang sinh sống ở Huế có tham gia, ôm gần trọn giai đoạn 1930 – 1945, và cũng chính thông qua những cuộc đấu tranh tư tưởng đã tạo nên tư cách của những nhà lý luận, phê bình, những học giả: Hải Triều, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều... Trong công trình được sưu tầm biên soạn công phu Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tác giả Nguyễn Ngọc Thiện có lý khi cho rằng: “Những cuộc tranh luận này đã thúc đẩy sự nảy nở của một thể loại mới: thể văn lý luận – phê bình với một đội ngũ người viết khá đông đảo đứng ở ranh giới giữa nghề báo và nghề văn, và trong số này nổi lên những cây bút xuất sắc với các tác phẩm nghị luận văn học để đời mà “đến nay chúng ta vẫn còn chiêm ngưỡng, chưa vượt qua được cả về tri thức, phương pháp, bút lực” (Mã Giang Lân). Mặt khác, chính sự cọ xát, bút chiến giữa các quan điểm, tư tưởng học thuật một cách rộng rãi đã khơi nguồn cho những tìm tòi mới mẻ đúng hướng, thuận với sự nảy nở, phát triển của những khuynh hướng đổi mới, cách tân hiện đại hóa trong sáng tạo tác phẩm” (9, tr.5, 6). Có thể điểm qua diện mạo các cuộc tranh luận trên các trang báo, hoặc các tác giả đang sinh sống ở Huế thời bấy giờ có tham gia, để thấy tác động quan trọng của nó đối với đời sống văn học. Cuộc tranh luận về quốc học (1924 – 1941), mở đầu là Ngô Đức Kế, với bài Nền quốc văn (Hữu thanh, số 12, ngày 15/4/1924), Huỳnh Thúc Kháng có bài Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không? (Tiếng dân, từ 28/10 đến 18/11/1931), Hoài Thanh có bài Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý (Sông Hương, số 1/1939). Cuộc tranh luận về Truyện Kiều (1924 – 1945), được Phạm Quỳnh mở đầu bằng Bài diễn thuyết bằng quốc văn (Nam Phong tạp chí, số 86, tháng 8/1924), Huỳnh Thúc Kháng có loạt bài trên báo Tiếng dân như Chánh học và tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? (Tiếng dân, 17/9/1930), Lại vấn đề chánh học cùng tà thuyết (Tiếng dân, 18/10/1930), Vịnh Kiều (Tiếng dân, 1/11/1933), Mê người trong tiểu thuyết cũng mê người trong tuồng hát (Tiếng dân, 24/1/1934), Lại câu chuyện bác Truyện Kiều (Tiếng dân, 17/2/1934), Hoài Thanh có bài Một vài ý kiến về quyển Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông Nguyễn Bách Khoa (Vì Chúa nguyện san, số 238, tháng 7 – 8/1943) và Đào Duy Anh có công trình Khảo luận về Kim Vân Kiều, do Quan hải tùng thư xuất bản ở Huế năm 1943. Cuộc tranh luận về duy tâm hay duy vật (1933 – 1939) thì Huế là trung tâm, với sự khởi đầu của Phan Khôi Văn minh vật chất với văn minh tinh thần (Phụ nữ thời đàm, 8/8/1933), sau đso là hàng loạt bài của Hải Triều như Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm (Phụ nữ tân tiến, 1/1934), Từ quyển “Duy tâm hay duy vật” đến thuyết biến đổi không dứt (Tiếng dân, số 883, ngày 26/3/1936 và số 891, ngày 2/4/1936), Biện chứng pháp với bình dân cùng ông Thúc Tề ở báo Dân quyền (Mai, số 23, ngày 1/8/1936), cùng các công trình của ông xuất bản tại Huế như Duy tâm hay duy vật (Tựa của Phan Văn Hùm, Hương Giang thư quán xuất bản 1936) và Chủ nghĩa Mác-xít phổ thông (Tư tưởng mới xuất bản 1938). Cuộc tranh luận về thơ mới/thơ cũ (1932 – 1942) cũng do Phan Khôi mào đầu với bài thơ Tình già và bài tự giới thiệu Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (Phụ nữ tân văn, số 122, ngày 10/3/1932) và hàng loạt các bài trên sách báo xứ Huế của các tác giả, như Hán Quỳ với Những thi sĩ có tài (Tràng An, số 108, ngày 24/3/1936), Xuân Phương với Ba viên ngọc quý: Xác thu, Hận chiến trường, Điêu tàn (Tràng An, số 314, ngày 22/4/1938), Xuân Tâm với Về tập Thơ thơ của Xuân Diệu (Tràng An, số 405, ngày 21/5/1939 và số 406, ngày 24/5/1939), H.X.T với Nữ thi sĩ Thu Hồng, tác giả Sóng thơ (Tràng An, số 491, ngày 15/3/1940), Lương An với Về tập Lửa thiêng của Huy Cận (Tràng An, số 12, ngày 12/3/1941) và các công trình xuất bản tại Huế, như Lưu Trọng Lư có Một cuộc cải cách về thi ca (in trong Người sơn nhân, Ngân Sơn tùng thư xuất bản, 1933) và Hoài Thanh có Một thời đại mới trong thi ca (in trong Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941, Nguyễn Đức Phiên xuất bản, 1942). Cuộc tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (1935 – 1939) tuy được mở đầu bằng bài viết của Thiếu Sơn Hai cái quan niệm về văn học (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 38, ngày 16/2/1935) và bài vở cũng chủ yếu đăng tải trên các báo ở hai đầu đất nước, nhưng điểm nonsgc ó ý nghĩa trung tâm vẫn hút về đất Huế với hai chủ soái của hai phái là Hoài Thanh và Hải Triều. Trên sách báo in ra ở Huế, có các bài của Hoài Thanh: Văn chương là văn chương (Tràng An, số 48, ngày 13/8/1935, Tiếp theo bài Văn chương là văn chương (Tràng An, số 62, ngày 1/10/1935), Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuật: Một lời vu cáo đê hèn (Tràng An, số 80, ngày 3/12/1935), Ngoại cảnh trong văn chương (Tràng An, số 82, ngày 10/12/1935), Trả lời ông Phan Văn Hùm (Tràng An, 21/2/1936), và công trình lý luận văn học Văn chương và hành động (viết chung với Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều, Nxb. Phương Đông, 1936); Hải Triều có bài Văn học và chủ nghĩa duy vật (Sông Hương tục bản, số 8, 9, 10, ra các ngày 26/8, 2/9, 11/9/1937), Tiến Hóa có Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuật (Tràng An, số 82, ngày 10/12/1935), Bùi Chi có Nghệ thuật có nên vì trào lưu và thời cuộc mà thay đổi đi không? (Tràng An, 15/12/1935), Phan Văn Dật có Nghệ thuật với dân sinh (Khuyến học, số 8, 15/10/1935), Phan Văn Hùm có Chủ nghĩa và chủ nghĩa nghệ thuật (Tràng An, số 89, ngày 7/1/1936) và Là bình dân, với bình dân, vì bình dân (Tràng An, 1/2/1936), và Hải Thanh với Tựa (cho cuốn Văn sĩ và xã hội của Hải Triều, Hương Giang thư quán xuất bản 1937)... Thật khó mà thống kê một cách đầy đủ các tác giả, tác phẩm đã tham gia các cuộc tranh luận, bởi lẽ, thời gian đã qua đi, hai cuộc chiến tranh tàn phá, những gì còn giữ lại được hôm nay, quả là quá ít ỏi.
Ngoài ra, diện mạo lý luận, phê bình văn học ở Huế thời kỳ này, không chỉ được xác định bởi những chuyên gia ngày càng trưởng thành cùng với lịch sử văn học dân tộc như Hải Triều, Trần Thanh Mại, Đào Trinh Nhất, Hoài Thanh, Phan Khôi... mà còn phải được kể đến những người con của xứ Huế, trẻ tuổi hơn, bước đầu ít nhiều góp phần tham gia đời sống lý luận, phê bình và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp như Trịnh Xuân An, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), tác giả tập tiểu luận, phê bình Thời đại mới văn học mới (Nxb. Văn học, 1971), hoặc Nguyễn Minh Vỹ (tên thật là Tôn Thất Vỹ, sinh năm 1914), tác giả của bài nghiên cứu rất hay Con người Hàn Mặc Tử qua thơ anh (1945) và tập ký sự Con người và quê hương (Nxb. Văn hóa và thông tin, 1998)...
2. Các tác giả, tác phẩm ở Huế
2.1 Hải Triều – nhà lý luận nghệ thuật mác-xít đầu tiên
Hải Triều (1908 – 1954), tên thật là Nguyễn Khoa Văn, con trai thứ của Đạm Phương nữ sử, thuộc đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Khoa, một dòng họ danh gia vọng tộc ở Huế. Học đến cao đẳng tiểu học rồi nghỉ, đi tham gia hoạt động chính trị, làm báo, viết văn. Mười chín tuổi (1927), tham gia Đảng Tân Việt và dự hội nghị toàn quốc của đảng khi cải tổ thành Đông Dương cộng sản liên đoàn (cùng với An Nam cộng sản đảng và Đông Dương cộng sản đảng, là ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng sáu, 1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng tám, 1930 vào hoạt động ở Sài Gòn và tham gia Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, viết bài cho báo Cờ đỏ, cơ quan của Trung ương Đảng thời bấy giờ. Năm 1931, bị bắt tại Sài Gòn, bị đưa về Huế kết án chín năm tù khổ sai và tám năm quản thúc, nhưng đến tháng bảy, 1932 được trả tự do. Ra tù, tiếp tục hoạt động chính trị trên lĩnh vực văn chương báo chí. Tháng tám, 1940 bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí tại Phong Điền, đến tháng ba, 1945 mới được tự do. Hải Triều tham gia Tổng khởi nghĩa ở Huế, sau làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Liên khu IV. Và, mất tại Thanh Hóa, ngày 6 tháng 8 năm 1954.
Hải Triều là người tiếp cận với chủ nghĩa Marx từ rất sớm. Theo Phan Văn Hùm, trong Lời tựa viết cho cuốn sách “Duy tâm hay duy vật” của Hải Triều, thì từ “Năm một ngàn chín trăm hai mươi bảy, ông vào Sài Gòn làm trợ bút cho Kỳ Lân báo, đã dịch đăng Tư bản luận trong hồi chưa mấy ai nghe nói chủ nghĩa xã hội là gì. Bấy giờ ông mới ra trường cao đẳng tiểu học” (10, tr.5). Ngoài ra, ông còn cộng tác với các báo chí công khai, hợp pháp thời bấy giờ như Đông phương, Phụ nữ tân tiến, Công luận, Tiếng dân, Hồn trẻ, Mai, Đời mới, Tiểu thuyết thứ Bảy, tin văn, Dân tiến, Tao đàn tạp chí; chủ trương các báo Nhành lúa, Sông Hương, để tuyên truyền chủ nghĩa Marx và đường lối của Đảng Cộng sản. Tác phẩm đã xuất bản của Hải Triều gồm: Duy tâm hay duy vật (1935), Văn sĩ và xã hội (1937), Chủ nghĩa mác-xít phổ thông (1946), Về văn học nghệ thuật (tuyển tập những bài viết, xuất bản sau khi tác giả qua đời, 1965), Hải Triều toàn tập (1996). Nhưng, có lẽ nổi tiếng nhất là những bài bút chiến của ông với các học giả tiếng tăm đương thời như Phan Khôi, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Thúc Tề, Thế Anh... gây nên những cuộc tranh luận học thuật sôi nổi nhất trong tiến trình hiện đại hóa của lịch sử văn học nghệ thuật nước ta.
Cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật là cuộc đấu tranh tư tưởng – triết học có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng và thiết lập cơ sở quan điểm triết học mác-xít về tư tưởng văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đưa tên tuổi của nhà mác-xít trẻ tuổi Hải Triều vang dội trên chính trường. Sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp vào tháng tám 1933, tư tưởng bi quan, cải lương và văn chương lãng mạn thoát ly đời sống lan tràn và được thực dân khuyến khích. Tâm trạng ấy dội vào tầng lớp trí thức, đến như một cây bút lão luyện trong làng báo, con người taid anh từng mở đầu cho phong trài thơ mới như Phan Khôi, lại viết bài Văn minh vật chất và văn minh tinh thần (Phụ nữ thời đàm, số 4, ngày 8/8/1933), hồn nhiên bộc lộ tâm trạng mặc cảm tự ti và sai lạc về phương pháp nhận thức. Hải Triều, một nhà báo cách mạng, người phát ngôn cho tư tưởng mác-xít, đã nắm lấy cơ hội, dùng diễn đàn báo chí công khai, bám sát động thái tư tưởng của Phan Khôi, viết hàng loạt bài phê phán tư tưởng mang màu sắc duy tâm của Phan Khôi, một hệ thống tư tưởng – triết học dù vô tình hay cố ý cũng gây nên ảnh hưởng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Các bài viết của Hải Triều không chỉ xuất hiện trên báo chí ở Huế, mà là báo chí cả nước như Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật (Đông phương, ngyaf 20/10/1933), Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm (Phụ nữ tân tiến, 1/1934), Từ quyển “Duy tâm và duy vật” đến thuyết biến đổi không dứt (Tiếng dân, số 883, ngày 26/0301936 và số 891, ngày 2/4/1936), Biện chứng pháp với bình dân Việt Nam cùng ông Thúc Tề ở báo Dân quyền (Mai, số 23, ngày 1/8/1936), Cái gì đã làm cho xã hội tiến hóa? Thượng đế chăng? Những ý tưởng công lý, tự do, nhân đạo, quốc gia chăng? (Hồn trẻ, 1936, viết chung với Hải Thanh) và cuối cùng ông cho in hai cuốn sách, như là tổng kết cuộc tranh luận với ưu thế thắng lợi thuộc về quan điểm của chủ nghĩa duy vật: Duy tâm hay duy vật (Hương Giang thư quán xuất bản, Huế 6/1935) và Chủ nghĩa mác-xít phổ thông (Tư tưởng mới xuất bản, Huế 1938). Cũng nằm trong dòng chảy của phương pháp nhận thức, ông còn tranh luận với Phan Khôi, về vấn đề nước ta có chế độ phong kiến hay không, trong bài khẳng định Trên lịch sử nước ta vẫn có chế độ phong kiến (Công luận, ngày 2 và 3/1/1935). Cuộc tranh luận kéo dài hơn sau năm trời (1933 – 1939), kéo theo nhiều chiến hữu thuộc lực lượng thiên tả ủng hộ Hải Triều như Thành Lâm, Hoàng Tân Dân, Phan Văn Hùm, Hồ Xanh, Sơn Trà, Hải Vân, Hải Thanh, Bùi Công Trừng, Ngô Văn Triện... Trước tình hình ấy, Phan Khôi hẳn nhiên là đã gặp quá nhiều bất lợi, một phần là vì không phải là người nắm giữ chân lý, phần khác là vì ông chỉ đơn độc có một mình, đương đầu với sự liên thủ của số đông, đành phải thúc thủ và nhảy sang bàn chuyện nước ta có chế độ phong kiến hay không, hoặc vũ trụ quan của Khổng Tử là duy tâm hay duy vật!
Khi bắt đầu diễn ra cuộc tranh luận, năm ấy (1933) Phan Khôi đã vào tuổi bốn mươi sáu, đã thành danh trên văn đàn, từng tham gia Đông kinh nghĩa thục (1907), từng vào tù ra tội trong phong trào chống thuế (1908), là cộng tác viên đắc lực của hàng chục tờ báo danh tiếng thời bấy giờ như Nam phong, Thần chung, Hữu thanh, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đông Pháp thời báo, Tràng an, Đông Tây... và là người mở đầu cho phong trào thơ mới, được học giới tôn vinh là học giả uy tín. Còn Hải Triều lúc ấy chỉ là một chàng trai trẻ mới hai mươi mốt tuổi và chỉ trở nên nổi tiếng sau cuộc tranh luận này. Vì vậy, tuy quyết bám sát từng luận điểm để phản bác lại, không cho đối phương “trốn đâu cho thoát dầu ông có bay tuột lên đám mây xanh mà núp sau cõi siêu hình, tôi cũng quyết kéo ông về cõi đời thực tế” (Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm), nhưng vẫn dành cho đối phương sự tôn trọng, hết sức nhã nhặn, khiêm tốn, cảm thông và cũng có phần nể nang: “Ông Phan nên xem bài tôi như lời một người bạn trẻ - trẻ hơn ông chừng ba mươi tuổi (thực ra là trẻ thua hai mươi lăm tuổi – N.V) – nói chuyện về một cái sai lầm nguyên lý (erreur de principe) với một ông già, ông già còn có chút tiến hóa, tiến hóa hơn những ông cụ già khác” (Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật). Quả thật, với một kiến văn chắc chắn về học thuật và lối viết sinh động, hóm hỉnh, Hải Triều đã khéo léo thực hiện mục đích giới thiệu nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử theo lập trường tư tưởng mác-xít. Hải Triều đã chủ động dẫn dắt cuộc tranh luận không chỉ dừng ở tranh cãi lời lẽ sách vở, học thuật thuần túy mà còn kiến tạo nên ý thức chính trị thực tiễn, nhằm vạch trần tư tưởng bi quan, yếm thế, thức tỉnh sự tham gia tích cực của các lực lượng yêu nước, tiến bộ vào cuộc đấu tranh trên mọi lĩnh vực, chống lại sự nô dịch về tư tưởng của chính quyền thực dân phong kiến.
Điều đáng lưu ý là, sau khi Phan Khôi im hơi lặng tiếng, Hải Triều cho in cuốn Duy tâm hay duy vật, trong đó không chỉ in bài của mình, mà in cả bài của đối phương làm chứng lý, để người đọc khách quan thẩm định, phán xét và nhận thấy rõ sự thắng lợi, chân lý thuộc về, không chỉ Hải Triều và những chiến hữu của ông mà còn là của phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, thắng lợi của lý tưởng cộng sản trên mặt trận văn hóa văn nghệ - một xu thế tất yêu không gì ngăn cản được. Cuốn sách như một sự tổng kết, nằm trong dòng chảy của tư tưởng mác-xít, chia ra làm ba phần với ba cuộc tranh luận nhỏ: một là, tranh luận với Phan Khôi về văn minh vật chất và văn minh tinh thần; hai là, tranh luận cũng với Phan Khôi về nước ta có chế độ phong kiến hay không; ba là, tranh luận với Thiếu Sơn về “Hai cái quan niệm về văn học”. Chính vấn đề thứ ba này đã mở đầu cho một cuộc bút chiến mới giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, kéo theo gần bốn mươi tác giả, các nhà học giả hàng đầu của đất nước tham gia, mà Hải Triều, cũng như lần trước, tuy không phải là người mở đầu, nhưng lại là người khai chiến và trở thành chủ soái của phái nghệ thuật vị nhân sinh, thể hiện nhân sinh quan của tư tưởng mác-xít về văn học nghệ thuật.
Cuộc tranh luận diễn ra chỉ trong vòng bốn năm (1935 – 1939), nhưng là cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật lớn nhất, có quy mô rộng rãi, tầm vóc đặc biệt, ý nghĩa vô cùng sâu sắc, diễn ra song song và gối đầu với cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật trên báo chí công khai, thu hút sự quan tâm của đông đảo học giới. Thiếu Sơn, người được coi là mở đầu cho khoa học về phê bình văn học với tác phẩm Phê bình và cảo luận vừa ra đời cách đó hai năm, đã khơi mào cho cuộc tranh luận với bài Hai cái quan niệm về văn học (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 38, ngày 16/2/1935), đã khơi gợi những quan niệm nghệ thuật đã ươm mầm từ trong những hệ thống quan niệm đã được công bố trên báo chí từ những năm trước, bài báo như một giọt nước tràn ly và cuộc xung đột tư tưởng – nghệ thuật diễn ra là tất yếu. Chỉ khác là, lần này thu hút người tham gia đông hơn (có đến khoảng chín mươi bài viết tham gia), hình thành hai chiến tuyến rõ rệt. Phái nghệ thuật vị nghệ thuật không phải một mình đơn độc như Phan Khôi lần trước, mà hợp nhất thành một nhóm, ngoài sự mở đầu là Thiếu Sơn, đến chủ soái là Hoài Thanh rồi đến Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lưu, Lan Khai, Phan Văn Dật, Tiến Hóa, Đỗ Thị Bích Liên... Đông hơn, là phải nghệ thuật vị nhân sinh, ngoài chủ soái Hải Triều, còn có các tác giả như Hoàng Tân Dân, Phan Văn Hùm, Trần Huy Liệu, Bùi Công Trừng, Trần Đình Long, Sơn Trà, Hồ Xanh, Khương Hữu Tài, Cao Văn Chánh, Hòa Sơn, Hải Vân, Hải Thanh,... thậm chí, còn lôi kéo cả những nhà hoạt động chính trị cùng “phối hợp tác chiến” như Phan Đăng Lưu (ký bút danh là Văn Minh), Lưu Quý Kỳ và Trần Đình Tri (ký là K VÀ T), Lâm Mộng Quang, và bên cạnh đó cũng có các tác giả chuyên nghiệp, không thiên vị bên nào, chỉ khách quan nói theo cái đúng, đã vô tình hay cố ý ủng hộ cho phái nghệ thuật vị nhân sinh như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử... Hải Triều đã “tả xung hữu đột” với hàng chục lần xung trận, đánh trực diện vào quan niệm sau trái của từng người, phê phán lối văn chương “than mây khóc gió”, đề cao văn chương hiện thực, đấu tranh vì đời sống của nhân loại cần lao: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (Đời mới, 24/3/1935, 7/4/1935), Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội (Tin văn, số 6, ngày 1/9/1935), Nghệ thuật với nhân sinh (Trung kỳ, số 1, ngày 9/10/1935, sô 4, ngày 6/11/1935), Văn học và chủ nghĩa duy vật (Sông Hương tục bản, số 8, ngày 26/8/1937, số 9, ngày 2/9/1937, số 10, ngày 11/9/1937), Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: Những khuynh hướng trong tiểu thuyết (Tao đàn tạp chí, số 2, ngày 13/6/1939); thậm chí, không dừng lại ở đó, từ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật, vận dụng vào văn chương nghệ thuật để giải quyết vấn đề cơ bản là chức năng văn chương đối với đời sống xã hội, ông còn mở rộng vấn đề đến việc giới thiệu và khẳng định giá trị nghệ thuật của các tác giả, tác phẩm trong các trào lưu hiện thực Pháp và Việt Nam, hoặc ủng hộ và giới thiệu cả văn học Liên bang Xô-viết cho công chúng, trong đó chủ yếu đi sâu vào thể loại văn học hiện đại còn mới mẻ ở nước ta là tiểu thuyết: “Kép Tư Bền”, một tác phẩm về cái trào lưu nghệ thuật vị dân sinh ở nước ta (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 62, 8/1935), “Lầm than”, một tác phẩm đầu tiên của nền văn tả thực xã hội ở nước ta (Dân tiến, số 1, ngày 27/10/2938), Henri Barbusse (1935), Romain Rolland (Hồn trẻ, tập mới, ngày 11/7/1936), Maxime Gorki (Hồn trẻ, tập mới, ngày 4/7/1936), Gỡ một cái lầm cho bọn trí thức tiểu tư sản-văn học của Liên bang Nga Xô-viết (Hồn trẻ, tập mới, 25/7/1936)... Thông qua cuộc tranh luận, những vấn đề cơ bản có tính nguyên lý trong chu trình đời sống văn học như mối quan hệ cuộc sống – nhà văn – văn học – công chúng, bản chất xã hội và bản chất thẩm mỹ của văn học, nội dung và hình thức tác phẩm, thị hiếu và sự tiếp nhận tác phẩm, kiểu sáng tác à phương pháp sáng tác, tính dân tộc và tính quốc tế... đó là những vấn đề mà cả hai phái đều quan tâm bàn luận sôi nổi. Đó chẳng những là những vấn đề thiết thực nảy sinh từ thực tiễn đời sống văn học mà còn là những vấn đề cốt lõi trong bản chất của nghệ thuật, khiến nhà văn không thể không quan tâm, đồng thời nó có ảnh hưởng đến xu hướng phát triển. Một số các nhà văn thuộc trào lưu văn học lãng mạn và hiện thực đã có xu thế gắn bó và thể hiện đời sống của những người lao khổ bị chà đạp nhân phẩm. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã đề cập và lý giải nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, gây được sự đồng cảm của người đọc.
Cuộc tranh luận vô tình đã biến xứ Huế thành trung tâm, thu hút sự quan tâm của học giới và văn nghệ sĩ cả nước, tập trung chung quanh hai chủ soái đang sinh sống và làm việc ở Huế thời bấy giờ là Hải Triều và Hoài Thanh.
Giữa năm 1939, cuộc tranh luận dừng lại vì cuộc chiến tranh thế giới đang đi vào giai đoạn quyết liệt, đe dọa sự sống của toàn nhân loại. Tuy cuộc tranh luận chưa kết thúc một cách rõ ràng, nhưng những vấn đề mà Hải Triều và những chiến hữu của ông đề ra, tỏ ra có sức thuyết phục, phù hợp với diễn biến khách quan của thực tế xã hội và đời sống văn học, bắt nhịp vào xu thế tiến hóa của thời cuộc, đón bắt những triển vọng cho sự phát triển đúng hướng của nền văn nghệ của dân tộc và hiện đại. Khách quan mà nhìn nhận, trong hệ thống lập luận của Hải Triều vẫn có nhược điểm cần lưu ý, đó là quá coi trọng nội dung tư tưởng của nghệ thuật mà coi thường hình thức nghệ thuật, dễ dẫn đến chính trị hóa nghệ thuật. Quan trọng hơn, nhìn một cách tổng thể, hai thành tựu lớn mà cuộc tranh luận đã gặt hái được đối với lịch sử văn học dân tộc đáng được ghi nhận: một là, hai bên từ hai phái đối lập nhau, dần dần đã xích lại gần nhau, bồi đắp những chỗ thiếu hụt và bất cập, phiến diện của lối tư duy cực đoan, tạp nên một môi trường hài hòa và lành mạnh trong quan điểm nhận thức. Hai là, cuộc tranh luận còn có ý nghĩa kích thích và soi sáng con đường nhận thức thẩm mỹ, bồi đắp hệ thống tư duy nghệ thuật theo kiểu mới và hình thành hệ thống lý thuyết các bộ môn trong khoa học văn học, đưa đến việc liên tục xuất hiện những tác phẩm như Văn hcw[ng và hành động (1936) của Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Văn sĩ và xã hội (1937) của Hải Triều, Dưới mắt tôi (1939) của Trương Chính, Việt Nam cổ văn học sử (1941) của Nguyễn Đổng Chi, Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh, Hoài Chân, Việt Nam văn học sử yếu (1942) của Dương Quảng Hàm... một hiện tượng mà trước và sau đó không hề có trong lịch sử văn học dân tộc, và vì vậy, Đảng ta thấy cần có sự lãnh đạo, uốn nắn để đưa sự phát triển văn học nghệ thuật đúng quỹ đạo của dân tộc, phải cho ra đời Đề cương văn hóa (1943). Không quá đáng khi nói rằng, những nhà lý luận mác-xít, mà nhất là Hải Triều, đã thông qua cuộc đấu tranh, ít nhiều đặt nền móng tư tưởng văn nghệ mác-xít cho sự ra đời Đề cương văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam.
(Còn một kỳ nữa)
PHẠM PHÚ PHONG
(TCSH337/03-2017)
.....................................................
(1) – Lại Nguyên Ân (2004), Tự điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
(2,13) – Đỗ Lai Thúy (2011), Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
(3) – Georges Bataille (1013), Văn học và cái ác (Ngân Xuyên dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội.
(4) – Xin xem Phạm Phú Phong (2015), Phê bình văn học – nhìn từ miền Trung, Tạp chí Sông Hương, số 318, tháng 8/2015.
(5) – Dương Phước Thu (2015), Huế từng là trung tâm báo chí của miền Trung và cả nước, Sông Hương số đặc biệt, tháng 6/2015.
(6) – Nguyễn Xuân Hoa (2013), 100 năm lịch sử báo chí Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
(7) – Phạm Quỳnh (1962), Nghĩa vụ nhà làm báo, in trong Thượng Chi văn tập, tập 1, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn.
(8) – Dân theo Huỳnh Văn Tòng (1973), Lịch sử báo chí Việt Nam – từ khởi thủy đến 1930, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn.
(9) – Nguyễn Ngọc Thiện (2002), Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập 1, Nxb. Lao động, Hà Nội.
(10) – Phan Văn Hùm (1935), Tựa cuốn “Duy tâm hay duy vật”, Hương Giang thư quán xuất bản, Huế.