Phê bình - Nghiên cứu
Nhân có bài viết về nhân vật Tôn Thất Thuyết trong "Huế 1885"
09:13 | 05/07/2017

Thiệt tình khi cuốn Những ngày Cần Vương chưa ra mắt bạn đọc, tôi chưa muốn có ý kiến, vì cuốn Huế 1885 chỉ là phần đầu khi phản ánh một giai đoạn lịch sử mất nước do triều Nguyễn gây nên với bao nỗi đắng cay, đau xót của mỗi người dân Việt Nam ta lúc đó, đâu chỉ riêng gì của người dân xứ Huế - Bình Trị Thiên.

Nhân có bài viết về nhân vật Tôn Thất Thuyết trong "Huế 1885"
Nhà văn Thái Vũ - Ảnh: cand.com.vn

Huế 1885 là hào khí tập trung, khi sự phân hóa xã hội đã đến cao độ, tiêu biểu nhất là giữa hai phe chủ chiến và chủ hòa. Tâm trạng mỗi người dân lúc đó phải chăng nằm trong cái thế tự phân tâm một cách phức tạp, và sự phân hóa xã hội kia sẽ tạo nên cho mỗi con người cái hướng đi quyết định trong cả thời gian lịch sử dài non nửa thế kỷ chống giặc ngoại xâm đó của cha ông ta.

Thực dân phương Tây nói chung, Pháp nói riêng, khi đi cướp nước của người ta để làm thuộc địa, bành trướng thị trường từ châu Phi, qua châu Á đến châu Mỹ la-tinh, thường chúng chỉ cần một thời gian vũ trang ngắn, có khi chỉ vài ba tháng. Nhưng với đất nước Việt Nam chúng đã phải kéo dài non nửa thế kỷ (1858 - 1896), song chiếm rồi vẫn không thể hiểu nổi con người Việt Nam, để rồi cuộc chiến lại tiếp tục ngấm ngầm hay bột phát, bằng nhiều hình thức, bằng nhiều con đường, kéo dài sang thế kỷ 20 và khi Đảng của giai cấp công nhân ra đời với chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, Cách mạng tháng Tám đã chấm dứt tình trạng bi đát đó. Nhưng cuộc chiến lại tiếp diễn! Chín năm chống thực dân Pháp và ba mươi năm chống đế quốc Mỹ... Sách tôi viết là viết về giai đoạn mở đầu cho cả giai đoạn lịch sử cận đại đó.

Phản ánh một thời điểm lịch sử đã qua trong cả thời gian lịch sử dài dằng dặc đó, hẳn bạn đọc cũng thấy không phải là một việc làm đơn giản và với người dân xứ Huế cùng những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn đâu phải là chuyện muốn "nói hươu nói vượn" gì cũng được. Tôi viết tiểu thuyết về lịch sử với ước mong là đính chính lại lịch sử và trả lại cho một số nhân vật lịch sử trong mức độ cố gắng nhất định chỗ đứng của họ trong thời đại mà họ sống. Vì vậy tôi không được quyền hư cấu bịa đặt.

Cho nên, tôi xin thành thật nói rằng, tôi viết tiểu thuyết về lịch sử không phải theo cách hiểu mấy chữ đó như ghi trên bìa một số cuốn sách hiện nay. Tôi đã từng nói với các đồng chí phụ trách một số nhà xuất bản hảo tâm là tôi không viết về bất cứ một danh nhân lịch sử nào, như nhiều người đã viết và đang viết. Và tôi cũng thấy canh cánh bên lòng khi mỗi bìa sách của tôi ra mắt bạn đọc lại cứ hiện lên mấy chữ đó. Nhưng biết làm sao được, khi đó là "thời thượng".

Ở đây, tôi cũng không hiểu các nhà nghiên cứu lý luận và phê bình nhận thức ra sao khi nhận định về thể loại tiểu thuyết lịch sử lại tách hẳn thành một dòng riêng và quân bình hóa tất cả chứ chưa hề có một đánh giá rạch ròi để thật hiểu về một tác phẩm văn học về thể loại đó. Tôi thấy các đồng chí đó hiểu tác phẩm văn học nước ngoài về thể loại đó nhiều hơn là hiểu một tác phẩm văn học nước nhà và lại không tách nó ra, quân bình hóa như đã làm vừa qua đối với "tiểu thuyết lịch sử" nước nhà. (Tạp chí Văn học, số 1, năm 1986). Nói vậy e có quá chăng hay là vì sự dốt nát của tôi, mong xá cho...

***

Tôi viết tiểu thuyết về cận đại, không nói riêng về một danh nhân lịch sử nào, chỉ mong phản ánh lại một giai đoạn lịch sử nào đã qua với những nhân vật lịch sử (nghĩa là có thật) của nó trong những thời điểm nhất định.

Hai cuốn Biến động và Huế 1885 của tôi là điểm kết của hai thời điểm lịch sử mà cuốn đầu tôi gọi là cuốn mở khi thực dân Pháp khởi hấn chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và cuốn sau là cuốn đóng khi Kinh thành Huế thất thủ, nước Việt Nam hoàn toàn rơi vào bàn tay cai trị của ngoại bang. Và chỉ đến Cách mạng tháng Tám, trong một bối cảnh lịch sử khác, khi Đảng của giai cấp công nhân, lãnh đạo toàn dân cứu nước cứu nòi Bác Hồ và Đảng ta mới mở lại cho dân tộc ta một hướng đi mới với một ý thức hệ mới.

Qua hai cuốn đó, rất nhiều bạn đọc trong nước và ngoài nước đã gửi thư về Nhà xuất bản Thuận Hóa hoặc cho cá nhân tôi, góp một số ý kiến xây dựng quí báu. Cá nhân tôi, đã hai năm nay, tôi luôn được bạn đọc trực tiếp gặp mặt nói chuyện, bổ sung nhiều chi tiết mà tôi không thể có được, nhiều bạn lại có cả sách viết về sử của các tác giả ở Sài Gòn trước 30-4-1975 đem "tặng riêng" tôi khi họ rất thích thú là tôi đã nói được về Huế, về triều Nguyễn. Gần đây lại có cán bộ giảng dạy ở Đại học dẫn một đoàn học sinh đại học đến tôi, nhờ hướng dẫn cho các học sinh đó làm luận án về một vài nhân vật lịch sử có trong tác phẩm của tôi. Những chi tiết trên làm tôi rất hào hứng và cảm động. Vì vậy qua bài viết của bạn Tôn Thất Bình đăng trên Tạp chí Sông Hương số 18 rồi đến số 19 này lại có thêm bài của các bạn Trương Thị Cúc và Nguyễn Xuân Hoa bàn thêm về nhân vật Tôn Thất Thuyết, làm tôi rất cảm kích. Một tác phẩm văn học mà được độc giả góp ý kiến cho những chi tiết trong sách chính xác, quả là điều rất quí và hiếm, khi chính tôi, qua hình tượng nghệ thuật cố gắng bảo đảm mức chính xác tối đa cho mỗi chi tiết lịch sử.

Xin nói trước rằng tôi hoàn toàn hoan nghênh ý kiến của các bạn đó cũng như ý kiến của các bạn đọc gửi thư đến và xin hứa rằng, nếu may mắn được tái bản (Nhà xuất bản Thuận Hóa đã báo tin như vậy) tôi sẽ sửa chữa hoặc bổ sung những ý kiến chính xác của các bạn.

Luôn đây, mong Tạp chí Sông Hương cho vài dòng để tôi cảm ơn các độc giả đã có nhiều ý kiến giúp đỡ quí báu như: cụ Phan Văn Dật (Huế), cụ Nguyễn Toại (thành phố Hồ Chí Minh), ông Bửu Cầm (thành phố Hồ Chí Minh) qua đồng chí Trung tá QK.7 Bửu Phiến, cụ Võ Khắc Văn (Quảng Bình cũ), anh Phan Thuận An (Huế), giáo sư Võ Quang Yến (Pari - Pháp) và đặc biệt các đồng chí bộ đội trong quân khu 7 hồi tháng 12-1985 khi tôi đến QK.7 nói chuyện v.v…     

Riêng ông Bửu Cầm có gợi ý cho tôi mấy vấn đề, trong đó có ý kiến để tôi cải chính là nhân vật kỳ nữ Đẩu Nương trong Biến Động lấy chồng là một tham tri chứ không phải một thương nhân như tôi đã dựng. Tôi không bàn về chi tiết này, mà chỉ cốt nêu ra để mách lại với những bạn đang nghiên cứu viết về cuộc đời của nhà thơ lỗi lạc xứ Huế Tùng Thiện Công Miên Thẩm mà tôi đã nêu khá chi tiết trong Biến Động.

Còn về nhân vật Tôn Thất Thuyết?

Theo thiển ý, từ trước đến nay chưa ai viết hoàn chỉnh về nhân vật này, ngoại trừ các tác giả Trần Trọng Kim, Phan Trần Chúc, Đào Trinh Nhất v.v... đã viết về Tôn Thất Thuyết theo một nhận thức lệch lạc. Đây là "cái tội" chung của những người cầm bút có nói đến lịch sử trước Cách mạng tháng Tám song không nên vì vậy mà "kết tội" họ. Ta hãy "đường đường chính chính" (lời chị Cúc, anh Hoa, Sông Hương số 19) đưa Tôn Thất Thuyết về đúng với tư thế của ông.

Riêng đối với tôi, tôi hoàn toàn không nhầm về quan tướng Tôn Thất Thuyết chỉ là quan võ chứ không phải quan văn. Trong Huế 1885, không để loảng vấn đề, tôi chỉ tập trung mọi chi tiết thể hiện bằng ý thức quân sự đối kháng với giặc Tây dương của hầu hết các tuyến nhân vật của tôi. Trong ý thức đó bao hàm cả chính trị, ngoại giao và thời gian lịch sử, đó là thời gian thở gấp, thở dồn dập, con người chỉ có một ý niệm duy nhất trong đầu là đánh giặc cứu nước mà người chủ não là Tôn Thất Thuyết. Người ta không kịp nghỉ xả hơi, ngồi nâng chén rượu, chén trà mà làm thơ ngâm vịnh kiểu nhàn nhã. Nếu tôi đưa Tôn Thất Thuyết "quan văn" ngâm thơ nữa thì tôi đã cho ông đóng kịch! Với lại "làm được thơ" hẳn đâu đã là quan văn và Tôn Thất Thuyết trước sau vẫn không phải là "quan văn". Trong đầu ông luôn luôn có những toan tính đối phó với phe chủ hòa, với giặc thù đất nước. Ngay cả Nguyễn Văn Tường cũng vậy, khi nhận định thật nghiêm túc về nhân vật này, đừng vội quy tội ông tất cả.

Tiếc rằng Trương Thị Cúc và Nguyễn Xuân Hoa đã đọc "Huế 1885" mà chưa hiểu hết giữa cái ẩn và cái hiện tôi nêu ra cho mỗi nhân vật được tạo hình. Cũng tiếc rằng cuốn Những ngày Cần Vương của tôi chưa xuất bản để thanh minh cho quan tướng Tôn Thất Thuyết và tôi chỉ có thể lấy ý của hai bạn, ghi như thế này: "Thái Vũ kết thành một vòng hoa danh dự, trang trọng đặt lên nấm mồ quạnh hiu của Tôn Thất Thuyết (SH. số 19. tr.92, cột 2), nhưng thưa quan Tướng, (lời T.V.) nhiều người đã lầm tưởng rằng trên nấm mồ của Người chỉ có toàn hoa chứ không hề có cỏ dại, cũng như trên nấm mồ của Nguyễn Văn Tường chỉ có toàn cỏ dại chứ không hề có một bông hoa".

Một vài ý kiến như về vua Hàm Nghi không xuống tiếp sứ Pháp hay trận đánh thành Huế, tôi muốn "tránh rườm", cũng như trong Biến Động, nhiều người nói rằng sao tôi không phát triển đoạn Thể Cúc điên chạy đi tìm con. Có nhiều chi tiết, tác giả không nên "nói toạc" ra mà để cho người đọc động não, suy nghĩ, tự hiểu...

***

Nhìn Tôn Thất Thuyết, nếu chỉ nhìn một chiều rồi lại cứ theo cách nhận xét muôn thuở là vì "điều kiện xã hội và giai cấp đã hạn chế không ít sự phát triển những yếu tố tốt đẹp của ông", quả thật là "xưa" quá, tuy đến nay nhiều nhà lý luận, phê bình vẫn cứ mang cái chiêu bài đó ra để đánh giá một nhân vật lịch sử đã qua hay một tác giả ở một nước ngoài. Đòi hỏi thế nào để họ "phát triển" cái tốt theo ý nhà nghiên cứu, cứ luôn luôn đòi bốc họ ra khỏi cái khuôn khổ xã hội mà họ đang sống, thoát ly cái ý thức hệ mà họ đã thấm nhuyễn? Không nên "ban ơn" cho họ khi mình từ thế giới hiện nay để đánh giá, nâng họ lên theo ý mình. Trách cứ họ càng không được.

Con người, trong những bước ngoặt lịch sử thời đại họ sống, tất nhiên phải chịu sự phân hóa của tầng lớp xã hội, mà họ là thành viên, song hẳn đâu tránh được sự phân hóa tự thân trong những hoàn cảnh khách quan và chủ quan mà họ phải trải. Một người có thể hôm nay tốt, ngày mai đã trở thành tên lừa thầy phản bạn thì sao? Cho nên sự phân hóa tự thân nhiều khi chính là yếu tố quyết định cho hành động của họ, cũng như Tôn Thất Thuyết không thể chỉ lấy những lời khen của người khác về ông và văn thơ của ông để khẳng định thế đứng của ông được. Tôi lấy ví dụ Vũ Trọng Bình, trong Trung nghĩa ca, Đoàn Trưng đã ghi "Thanh liêm một Vũ Trọng Bình" vào năm 1865. Hai mươi năm sau (1885) khi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bá thiên ra sơn phòng Quảng Trị rồi theo đường ra Quảng Bình, ghé lại quê Vũ Trọng Bình là làng Mỹ Lộc trên tả ngạn sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Vua tôi trú tại đình làng. Liền đó, con trai Vũ Trọng Bình là Vũ Bá Liêm (hay Vũ Trọng Liêm) đã đón quân Pháp từ Đồng Hới hợp quân với lính Nam triều (Đồng Khánh), kéo về Mỹ Lộc để bắt vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, khiến vua và Tôn Thất Thuyết phải gửi lại Vũ Trọng Bình mấy đài (rương lớn) vàng bạc rồi lận đận kéo nhau trở lại Cùa để lần sau đi đường qua Lào. Chính cử nhân võ, lúc này được phong vệ úy, Hoàng Văn Phúc, nhân vật cuối trong Huế 1885 và con là cô Tám cùng nghĩa quân Quảng Bình đã đánh trận đuổi Mỹ Lộc này và đã bắt được Võ Bá Liêm. Dụ hàng, y không chịu, Hoàng Văn Phúc đã xử chém y ngay tại quê nhà Mỹ Lộc đó (1). Còn mấy đài vàng bạc kia? Vũ Trọng Bình nói là sau đó đã cho ném xuống Hạc Hải (cuối nguồn sông Kiến Giang hợp với sông Nhật Lệ). Có thật không? Sau này, nhiều người đã lặn mò Hạc Hải nhưng đều không thấy, mà mỗi đài vàng bạc có phải nhỏ đâu! Chỉ biết, tháng 11 năm đó, con thứ Vũ Trọng Bình là Vũ Bá Ba đi buôn bị chìm ghe chết(2). Vậy Vũ Trọng Bình thanh liêm ở đâu để đến nay có người vẫn dựa vào câu kia trong Trung nghĩa ca của Đoàn Trưng để ngợi ca cái "thanh liêm" của Vũ Trọng Bình. Hai mươi năm (1866 - 1885) con người Vũ Trọng Bình có còn là một nữa không?

Rồi Hồ Văn Hiển, Trương Văn Để nữa! Trong Huế 1885, nếu bạn đọc chỉ đọc đến đó mà không đọc Những ngày Cần Vương của tôi, cả ĐNTLCB, tập 37, thì hẳn bạn đọc sẽ không làm sao hiểu được là hai nhân vật đó đã "trở giáo" và theo quân Pháp đuổi theo vết bôn ba của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết ra sao.

Từ những ngày quyết liệt chống Pháp chống bọn chủ hòa ở kinh thành Huế (7-1885) đến những ngày Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi cứu nước ở vùng Tuyên Hóa (Quảng Bình cũ), con người ông cũng có còn là một nữa không, hay là tự thân đã bị phân hóa? Cho nên hãy đánh giá cho đúng con người Tôn Thất Thuyết, đừng vội cứ đơm hoa lên mộ ông mà quên đi những đám cỏ dại.

Viết lại lịch sử có thể sẽ quá dễ, chỉ cần vài chữ vài câu. Song viết tiểu thuyết lại là cả một vấn đề phức tạp. Tôi viết Tôn Thất Thuyết đọng lại theo con người ông, qua hành động và nội tâm của ông ở mỗi chương là vì vậy, kể cả chương nói chuyện với Trần Xuân Soạn rồi chém một lúc hai người lính. Bạn đọc hẳn phải đưa ra câu hỏi, tại sao tác giả lại cho Tôn Thất Thuyết "dã man", "hiếu sát" đến thế, không chỉ chém một người? Tôi làm vậy, phải chăng vô tình đã "làm cho nhân vật bị méo mó và khấp khiểng trên một số mặt" (SH. số 19, tr.92, cột 2)?

Đoạn sau, các bạn Trương Thị Cúc và Nguyễn Xuân Hoa lại dẫn chứng cả việc Tôn Thất Thuyết tự động kéo quân về Thanh Hóa (?) Nghệ An để dẹp phong trào "đánh cả triều lẫn Tây" của Trần Tấn và Đặng Như Mai, được Tự Đức thưởng(?), để đặt vấn đề tôi nêu ra khi Tôn Thất Thuyết nghĩ: "Thiên hạ là của thiên hạ... " Đặt vấn đề đó để nêu lòng trung quân của Tôn Thất Thuyết, rồi các tác giả viết: "Vì vậy cũng có khả năng Tôn Thất Thuyết sẽ là người đánh đẹp "giặc chày vôi" hơn là người đồng tình với việc làm của anh em họ Đoàn như Thái Vũ đã viết. (SH.19. tr.94, cột 2).

Vấn đề vừa ghi cần phải nêu rõ: - Ai đưa quân dẹp phong trào Trần Tấn và Đặng Như Mai vào năm 1874? Tôi e rằng hai bạn Cúc và Hoa đã lầm. Năm 1866, xẩy ra cuộc nổi dậy "Giặc chày vôi", Tôn Thất Thuyết đang làm một chức quan nhỏ.

Ở phần trước của bài viết, hai bạn đã nêu rõ năm thăng quan tiến chức của Tôn Thất Thuyết. Năm sát với "giặc chày vôi" là năm 1869, Tôn Thất Thuyết làm án sát Hải Dương, sung Tán tướng quân vụ. Đây là một chức quan hàm tứ phẩm của triều Nguyễn, coi về pháp luật bên Ty Niết. Nên nhớ rằng, thời phong kiến, tướng ngoài biên quyền hành không phải như quan tại triều, khi ở Huế từ 1866 - 1870, Trần Tiễn Thành và Phan Thanh Giản đang là cột trụ của triều đình, có thể khuấy đảo mọi việc. Dân gian thời đó có câu ca:

Nhất Trần, nhì Nguyễn, tam Phan
Ai cho họ Đặng nghênh ngang giữa đường?

Trần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn là Nguyễn Tri Phương, Phan là Phan Thanh Giản, còn Đặng là Đặng Huy Trứ. Quyền hành nhất là ba họ trên, nói vua nghe, còn họ Đặng là người thường đi ra nước ngoài để mua hàng nhu yếu cũng là nhánh ngoại Tự Đức, bên công chúa Thuận Lễ, con gái Minh Mệnh. Như vậy, nếu lúc ấy Tôn Thất Thuyết từ Hải Dương mà dám về Huế để dẹp "giặc chày vôi" thì Trần Tiễn Thành, Thượng thư bộ Binh chỉ việc chém đầu Tôn Thất Thuyết trước rồi tâu vua sau - tiền trảm hậu tấu. Sự lẫn lộn và đảo ngược vấn đề của hai tác giả đăng trong SH. số 19 thật đáng phàn nàn, hoặc nếu có so sánh cũng không nên. Vì vậy, muốn tìm hiểu một nhân vật lịch sử phải đặt con người đó trong bối cảnh lịch sử mà họ đang sống với tâm trạng của một con người trong thời đại đó, qua mọi mối quan hệ của họ, nhất là quan hệ giữa con người với con người.

Không ít nhà lý luận phê bình (kể cả trong Hội nhà văn) đã hiểu không đúng về một cuốn sách viết về một thời đại đã qua, nhất là triều Nguyễn, quân bình hóa mọi tác phẩm, tách thể loại này riêng ra với dòng văn xuôi nói chung đã bị hạn chế trong nhận thức, lẽ đâu đến lượt các nhà viết sử, nghiên cứu về sử lại mắc bệnh... sơ lược và còn thiếu thực tế?

TP.H Chí Minh, 4-8-1886
T.V


Tạp chí Sông Hương Online


---------------
(1)-(2) - Đại Nam Thực lục chính biên, Tập 37, các trang 126, 156 và 227- Nhà xuất bản KHXH - Hà Nội

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng