Phê bình - Nghiên cứu
Đọc truyện ngắn Phạm Thị Hoài
09:39 | 26/07/2017

Văn chương là con đường không phải dễ dàng. Có người đánh cược cả cuộc đời mình với trò chơi chữ nghĩa, trĩu nặng hai vai từ khi còn quẫy đạp trong nôi cho đến khi nằm yên dưới mồ như chiếc nồi úp lại, khép kín cuộc đời, vẫn chưa hiểu nỗi luật chơi.

Đọc truyện ngắn Phạm Thị Hoài
Ảnh: Internet

Cũng có người do số phận đưa đẩy đến với văn chương, sách viết ra có thể xếp cao ngang ngực, nhưng hóa ra chỉ toàn chữ chứ chẳng thấy văn đâu, cuối cùng phải ngậm ngùi vì lực bất tòng tâm. Nhưng cũng có người, số này ít thôi, mới ấn nhẹ tay vào cánh cửa văn học, thì lập tức có văn học, trở thành nhà văn được mọi người chú ý. Phạm Thị Hoài là một trong những trường hợp hiếm hoi này. Không phải đợi đến bây giờ, khi chị đã có hơn ba mươi truyện ngắn và tiểu thuyết Thiên sứ (Nxb Trẻ, 1989), mà ngay những truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên báo Văn Nghệ như Hành trình của những con số, Năm ngày... đã buộc người đọc không thể không quan tâm. Với tôi, đáng quan tâm hơn là truyện ngắn.

Phạm Thị Hoài coi “Văn chương là một trò chơi vô tăm tích” (Văn Nghệ số 7 ngày 17-2-1990) là cuộc phiêu du huyễn hoặc, bước vào một thế giới huyền thoại không bờ bến. Chị không viết đơn thuần theo nghĩa cơ học, mà là thể hiện dòng tâm lý một dòng chảy ào ạt, dữ dội, khuấy sâu vào khoảng không vô thức của mỗi con người, mà trước hết là thế giới nội tâm của chính tác giả. Hay như cách nói của chị, là Viết như một phép ứng xử: “Đối với tôi, viết quả là một phép ứng xử toàn diện, trước hết là ứng xử với bản thân mình, sau là ứng xử với môi trường, và môi trường ở đây là toàn bộ những gì tự nhiên mà con người tạo ra, kể cả di sản của quá khứ và những tín hiệu dù còn mơ hồ về tương lai. Nếu hiểu được như vậy, thì cụ thể, người cầm bút phải đối diện với vô vàn dữ kiện, và dường như không thể xếp chúng theo trình tự quan trọng cấp một, quan trọng cấp hai”... (Sông Hương, số 39, tr.68).

Và, cái phép ứng xử của Hoài không bắt đầu từ môi trường và những tác động dữ dội của nó vào cõi tâm hồn con người, mà bắt đầu từ những dữ kiện tâm lý, những đột biến trong thế giới vi mô để rọi lên bức màn còn khuất nẻo của đời sống hiện thực vô cùng tận kia những tia sáng lấp lánh của tư tưởng - nghệ thuật (idée poétique). Chính nhờ việc đi sâu vào miền quê sáng tác của mình là hiện thực tâm trạng và “tóm đúng” các dữ kiện tâm lý ấy mà truyện chị mang đầy chất phiêu du ký, đứng chênh vênh giữa ảo và thật, giữa huyền thoại của thế giới tâm linh, thế giới linh cảm và thực tại, với tình yêu và cái đẹp, để cuối cùng tượng hình lên giữa trang văn một sự thật có sức lay động tâm hồn người đọc, đó là sự thật tâm trạng. Không thể soi tìm ở chị, đâu là tư tưởng chủ đề, nhân vật và hoàn cảnh điển hình, kết cấu và bố cục, sự kiện xã hội và tinh thần thời đại, đặc trưng và nguyên tắc thể loại... những thứ đã đóng khung tư duy nghệ thuật vắt qua nhiều thế kỷ. Trong các nguyên tắc thể loại truyện ngắn, hầu như Phạm Thị Hoài chỉ giữ lại một vài nét đặc trưng, trước hết là ở dung lượng hiện thực - tâm lý, tập trung quan sát cái thể giới nội tâm đầy biến động của con người, nhặt ra từ đó những thoáng chốc (moment), những mẩu nhỏ trong dòng chảy tâm trạng của con người; nếu có xung đột, có kịch tính cũng đều diễn ra dưới dạng tâm lý chứ không phải hành động. Với “trò chơi vô tăm tích” này, Hoài đã biến tâm trạng mình thành Hóa thân của homo A, Chuyển động Brao, theo các huyền thoại qua Hành trình, Hành trình của những con số, Mê lộ... Chẳng hạn, một cuộc hóa thân về với biển như một chuyến phiêu du vào huyền thoại, được chị mở đầu bằng một câu lướt truyện: “Người ta có thể gán cho biển đủ màu. Hôm đó biển xanh bởi cũng mặc một chiếc áo xanh, và ông ta đã mất tích giữa hai thái cực xanh. Chuyện chỉ có thể!” (Thuế biển).

Thiên hạ nhược đại mộng. Cuộc đời con người như một giấc mộng dài. Người viết cứ lôi dần ra từng móc xích tâm trạng - ký ức, hết đoạn này đến đoạn khác, rồi dùng ngôn ngữ hiện đại với bao nhiêu từ khoa học kỹ thuật, pha trộn cả tiếng nước ngoài một cách có ý thức, như đưa một tia đèn chiếu cực mạnh, làm hằn nổi vấn đề mình quan tâm lên tấm phông giấy trắng; nhưng tất cả điểm xoáy trong dòng chảy ào ạt kia không xuôi chiều mà biến hóa khôn lường, như Người đoán mộng giỏi nhất thế gian của chị từng nói: “Tôi vẫn nhìn tất cả như vòng luân hồi biến hóa vô cùng trong chiếc thúng nhỏ ở một đòn gánh”.

Viết là một quá trình đối thoại liên tục với chính mình, với các nhân vật, với những giấc mơ, mường tượng ra mình dưới ánh sáng của tư duy nghệ thuật. Cuộc đối thoại không ngừng này, có thể diễn ra trong chính một con người với tư cách là một sinh thể tư duy, thoát ra khỏi từ trường bao cấp về tư tưởng của cộng đồng đã một thời làm nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược. Một quan niệm nghệ thuật bao giờ cũng dẫn đến một phong cách, một thi pháp nghệ thuật của riêng nó. Phạm thị Hoài cho rằng: “Văn chương và đời sống là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, càng ở những nền văn minh mà đời sống thật khắc nghiệt và không biết khoan nhượng, phải. Không biết đùa, giống như một cô gái già xấu xí chưa từng được ai vuốt ve và cũng chẳng có lý do gì để vuốt ve ai, khoảng cách giữa văn chương và đời sống ngày càng xa vời, và rút cuộc có hẳn một đám đông không thèm biết đến trò chơi chữ nghĩa vô bổ, vô duyên chỉ cặm cụi đánh vật với đời sống, đồng thời lại có một nhóm kẻ sĩ chẳng biết đời sống là gì, cứ khư khư đắm mình trong ngôn từ và cuối cùng có một nhóm thứ ba đông hơn nhóm vừa rồi, theo đòi chủ nghĩa chiết trung, mối lái khôn ngoan giữa văn chương và đời sống, như việc kinh doanh một hỗn hợp không thể đặt tên vậy” (Một chuyện cổ điển). Gạt đi những lời lẽ báng bổ và cay nghiệt ấy, ta dễ nhận ra một quan điểm nghệ thuật đứng về phía “thực tế bất chấp mọi trào lưu nghệ thuật”, bởi lẽ, theo chị “làm gì có số phận nào cũng được mở đầu, phát triển và kết thúc chu đáo như trong văn chương, làm gì có tình thế điển hình đẩy người ta đến các quyết định vượt tầm thế nhân, làm gì có trạng thái tâm lý mấp mé bờ vực hay chót vót đỉnh cao, và nhất là làm gì có sự hội tụ đầy run rủi của các nhân vật, nhân vật nào cũng đại diện cho một cái gì như vậy”. Không, có đấy, chị Hoài ạ. Ở đây xin được không đồng ý với chị rằng trong cuộc sống phong phú vô cùng vô tận kia dường như có tất cả mọi điều, cả những cái ngẫu nhiên như trái táo của Newton rơi mà trở thành quy luật, thì có cái gì mà chẳng thể xảy ra; chỉ có điều, không thể lúc nào cũng diễn ra đầy đủ mọi điều, cùng một lúc, trên bản thân cùng một sự vật, hiện tượng như cái yêu cầu giản đơn và oái ăm của lý thuyết văn chương kia. Người đọc bao giờ cũng đối diện với văn bản, đặt mình lên từng con chữ để nhận ra cái vóc dáng tâm hồn của người đã sinh ra nó. Tôi không thuộc loại người cực đoan khi cho rằng truyện chị cụt lủn, không ra đầu ra đũa, chẳng thấy các nhân vật có tên tuổi, diện mạo chu đáo. Tính cách điển hình, hành động được thai nghén... như chị nói. Ngược lại, tôi phục biệt tài không có truyện mà viết ra thành truyện của chị. Khác với ngòi bút xuất sắc Nam Cao, ông nhìn đằng sau các sự vật, hiện tượng, đâu cũng có đời sống tâm lý, đâu cũng có chuyện để viết. Hoài không nhìnnghĩ, suy ngẫm, rồi lôi dần từ những trạng thái tâm lý ra những chuyện của các sự vật, hiện tượng, buộc nó phục vụ cho ý tưởng ấy. Đôi khi truyện chỉ có một nhân vật (Người suy tư, Người tốt bụng, Kẻ giết ý nghĩ, Giấc mơ, Khách...) mà chị nêu được vấn đề. Nhưng nhược điểm của Phạm Thị Hoài cũng hiện ra từ phía lấy tư tưởng làm tiền đề như một “quyết định luận trực tiếp” (déterminisme direct) ấy, làm cho nhiều truyện ngắn dừng lại ở một chuỗi ý nghĩ, gần với văn chương chính luận, gây cảm giác nặng nề, nhàm chán cho người đọc. Chất trí tuệ ấy tự giới hạn người đọc trong một phạm vi hẹp.

Ở những truyện thành công của Hoài, như Người đàn bà với hai con chó nhỏ, Người đoán mộng giỏi nhất thế gian, Năm ngày, Hành trình của những con số, Chín bỏ làm mười, Bảy nổi ba chìm... Chính là ở chỗ người viết đã đặt ý tưởng vào khoảng sâu kín nhất trong chính thể nghệt huật, tạo nên những nghi vấn liên tục trong quá trình dẫn truyện - quá trình đối thoại, để đến hồi kết cuộc lại khơi được nhiều tầng ý nghĩa sâu xa có sức khái quát theo cấp số nhân, một lối ký mã hiện đại vào cuối thể kỷ XX này. Ở những trang huyền thoại, những giấc mơ triền miên này có những lực đẩy người ta trôi vào thế giới phiêu du huyễn hoặc, chất ảo như một thứ ánh sáng nhiệm mầu, biến hóa, soi rõ cái thế giới hỗ loạn, bất công, tàn nhẫn đến mức phi lý. Ở đó có những con người “có tất cả, một hoàn cảnh độc thân, những đồng tiền việc trợ, dăm ba bài thơ ca ngợi nhân cách, một mái tóc dơ dáy và chiếc quần bò không bao giờ giặt, chỉ thiếu tuổi trẻ, trí tuệ và tài năng” (Thuế biển); những con người luôn “bợ đỡ, nhân viên đối ngoại cấp vụ, mặc complet cả mùa hè, suốt ngày bận bịu với những chuyến đi nước ngoài cấp tốc” (Người đàn bà với...) hoặc “luôn có mặt ở bàn giấy năm phút trước giờ làm việc và rời khỏi bàn giấy năm phút sau giờ làm việc. Cơ thể anh là một chiếc đồng hồ vĩ đại” (Vệt son)... Sự tha hóa của con người làm lún sâu, lú lẫn họ vào trong sự tầm thường, nhàm chán, đó là sự thật đau đớn, quằn quại, khiến cho con người luôn ở trạng thái “Em đang muốn nổ tung, muốn nổ tung, muốn nổ... Em nổ bây giờ, em nổ” (Một cái gì).

Chính lối xây dựng nhân vật bỏ ngỏ không hoàn hảo đưa đến những hiệu ứng thẩm mỹ hết sức khái quát. Nhân vật của chị thường ở ngôi thứ nhất, là tôi, rồi anh ta, chị ta, cô ta, hắn ta, họ... Thật ra, là ai chẳng có gì quan trọng - thậm chí có nhân vật trừu tượng hóa tên là Cô Đơn (Khách) hoặc Tố Liên, Tố Dung, Tố Nhi (Bảy nổi ba chìm) hay một Tố gì đó mà chẳng được, miễn là họ hiện ra cái thân phận người đàn bà với tất cả biểu hiện hạnh phúc và đau khổ của nó trong cuộc đời bảy nổi ba chìm, hoặc nhởn nhơ quanh hai con chó nhỏ, hoặc chấp nhận qua thời gian ngắn ngủi dăm ba ngày, hoặc cố níu kéo đợi chờ hai mươi năm sau, hoặc lựa chọn mãi để cuối cùng chín bỏ làm mười, rồi trơ ra cái thân phận của chính mình. Đọc truyện chị, cùng chị chơi cái trò vô tăm tích, như bước vào một thế giới xa lạ, trôi trong không gian và thời gian tâm lý, phá vỡ các phân định logic vốn không đủ sức diễn đạt hết thế giới nội tâm của con người, ở đó cái lạnh lùng, tàn nhẫn của đời sống thật hòa quyện với cái mơ màng và con người bị phân thân nhiều mảnh, luôn ở thế phân lập, đối chọi nhau một cách âm thầm, như có sự tác động của một thứ hóa chất làm hiện lên sự nghi vấn lặng im mà dữ dội: mối quan hệ giữa con người với con người với tư cách là một sinht hể tư duy như thế nào? Thành ra Hành trình của những con số nhưng thật ra lại là hành trình của những con người, Năm ngày  nhưng thật ra là năm đêm, Hai người nhưng thật ra là hai thế giới đóng kín, không một thông tin, như sắp bùng nổ, với sự bất lực của ngôn từ: nói nhiều nhưng vẫn không hiểu được nhau; mở ra một kênh thông tin thứ hai, đó là cuộc đối thoại không lời trong quan hệ tình yêu, tình bạn, vợ chồng, xã hội...

Phạm Thị Hoài là người giàu có về ngôn ngữ nhưng biết sử dụng một cách tiết kiệm. Có truyện chỉ hai, ba trang sách. “Trò chơi” của chị là cuộc đánh vật với ngôn ngữ, là quá trình hiện đại hóa tiếng Việt, kết hợp ngôn ngữ dân gian với hiện đại; từ cách đặt nhan đề, cách sử dụng điển tích văn học (đặc biệt là của phương Tây) làm đề từ để triển khai ý tưởng, cũng đều có ý đồ nghệ thuật. Chẳng hạn, A.Sêkhốp có Người đàn bà với con chó nhỏ, chị có Người đàn bà với hai chó nhỏ; E.Hemingway có Chung cuộc một cái gì, chị có Một cái gì, F.Kafka có Mười một người con, chị có Chín bỏ làm mười... Nhưng có lẽ, việc pha trộn quá nhiều thuật ngữ nước ngoài không phải bao giờ cũng dễ dàng thành công trong việc cách tân ngôn ngữ văn chương.

Chỉ so sánh Phạm Thị Hoài với người cùng thời với chị, cùng nổi tiếng như chị, thậm chí hơn chị, như Nguyễn Huy Thiệp hoặc xuất hiện trước chị như Nguyễn Quang Lập, thì rõ ràng về tài hoa, kỹ thuật dàn dựng có thể họ hơn chị, nhưng vẫn cho rằng chị có văn hơn, có thể dễ nhìn thấy đằng sau lưng chị, sau những bước đi ban đầu đã in rõ dấu chân của chị, nhất là dưới các tầng tri thức văn hóa kia, con đường văn chương hẳn sẽ dài và quang rộng hơn. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là đối với lĩnh vực văn chương, mỗi người mỗi vẻ, không thể nào đặt cạnh nhau đi tìm mẫu số chung. Gần đây, tôi có đọc bài Đọc Phạm Thị Hoài (Văn Nghệ số 10, ngày 11-3-1990) của giáo sư Đỗ Đức Hiểu - một nhà nghiên cứu văn học có uy tín, người thầy của nhiều người trong giới cầm bút - nhưng tôi không đồng ý với việc đem Hoài đặt cạnh Saint Exupéri, Dostoievski, F.Kafka, M.Proust... cho dẫu họ là thiên tài thế giới bởi lẽ, tôi muốn, Phạm Thị Hoài trước hết phải là chính mình, không giống ai, nếu có giống ai một nét nào đó, khi đã vào tay chị, đều trở thành tài sản riêng của một tài năng, chỉ có chị mới có.

Mỗi tác phẩm là một tấm bia, phải chịu đựng bao nhiêu hòn tên mũi đạn - Những lời khen tiếng chê - bắn vào, có khi trúng, khi trật. Tất cả những điều tôi nêu trên có thể không “trúng” điều nào, hoặc may ra ghim ở vòng ngoài. Song điều ấy có hề chi. Nhiều người cho rằng: viết như chị, đọc lại văn chương “hiện sinh Sài Gòn” trước năm 1975 còn hay hơn. Xin thưa, nói như vậy là chưa đặt bàn chân một cách trọn vẹn vào cái phần đất có rất nhiều điều cần phải học tập, nhưng cũng lắm điều cần phê phán, cần xa lánh ấy. Với tôi, một người đến với văn chương như một cuộc ngoại tình, nếu được khuyên một lời chân tình của một người yêu mến văn chương chị, tôi mong chị hãy tiếp tục con đường riêng của mình, tiếp tục hãy là mình; nhưng phải lưu ý một điều: cần phải gắn tư duy nghệ thuật của mình vào đời sống tinh thần dân tộc, là cái nền tảng, cái cốt lõi làm nên cái cơ chế tâm lý cuồn cuộn chảy và cuốn theo ngòi bút của chị lâu nay. Tất nhiên, ở đây lại nảy sinh một cuộc đối thoại rằng: giả định văn chương của Phạm Thị Hoài phù hợp với những biến đổi của đời sống tinht hần dân tộc, mà chị là người tiên cảm, người dự báo. Nếu quả như vậy, tôi nghĩ chưa hẳn là điều hay, bởi vì cái không khí tinh thần thoát ra từ truyện chị chắc còn lâu mới là không khí đời sống của dân tộc ta, một dân tộc đến Cách mạng tháng Tám 1945 còn 90% là nông dân - trong mục tiêu xóa dần những so le lịch sử của chúng ta.

Cũng như niềm tin bẩm sinh của chị, tôi mong rằng những số phận chị ném vào những trang văn kia sẽ “vượt qua chính cái thời của mình và kéo dài cuộc đối thoại với những thế hệ tương lai” (P.T.H. Sđd, tr.70).

 

TP. Hồ Chí Minh 4-1990

PHẠM PHÚ PHONG

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Phạm Phú Phong
Các bài mới
Các bài đã đăng