Phê bình - Nghiên cứu
Tiếp nhận tiểu thuyết Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis từ góc nhìn so sánh với văn bản Kinh Thánh
09:06 | 19/11/2014
Tiếp nhận tiểu thuyết Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis từ góc nhìn so sánh với văn bản Kinh Thánh

Nhà giáo, nhà văn Trần Huyền Sâm
Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế
Hội viên Hội Nhà văn Việt nam
Hiện đang giảng day tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế






TRẦN HUYỀN SÂM             
                        
Tiếp nhận tiểu thuyết Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis từ góc nhìn so sánh với văn bản Kinh Thánh
 

1. THỬ TIẾP NHẬN VĂN BẢN THEO KIỂU “PHẢN ĐỀ KINH THÁNH”

Đọc tựa như là xây dựng/La lecture comme construction. Đó là quan điểm của Tzvetan Todorov khi tiếp nhận văn bản truyện kể. Mỗi văn bản được gợi lên bởi thế giới tưởng tượng của chủ thể tác giả. Đến lượt người đọc, anh ta sẽ kiến tạo nên một văn bản mới, khỏa lấp những khoảng trống trong khung truyện kể của nhà văn.

Phản đề Kinh Thánh là một kiểu đọc khá phổ biến hiện nay ở phương Tây, khi đặt văn học trong mối hệ lụy với tôn giáo. Đây là một hình thức giải thiêng Kinh Thánh. Với quan điểm thế tục, các nhà nghiên cứu luôn xoáy sâu vào phạm trù bản thể và tâm linh. Từ đó, họ đi đến một mệnh đề hiện sinh, có ý nghĩa đối thoại với KinhThánh: con người phải làm gì để tự cứu vớt chính mình?

Nikos Kazantzakis là một chính trị gia, tiểu thuyết gia khổng lồ của Hy Lạp. Ông ảnh hưởng sâu sắc triết học Nietzsche, thuyết trực giác của Henri Bergson. Nikos Kazantzakis luôn day dứt về bản thể và tâm linh, và trên hết, theo thiên hướng xưng tụng con người tự do, trần tục. Sáng tác của ông đa phần theo khuynh hướng thế tục hóa tôn giáo. Trong đó, mỗi nhân vật là một mệnh đề triết học mời gọi độc giả đối thoại với Kinh Thánh(1). Có thể kể đến một số tiểu thuyết tiêu biểu như: Hoa huệ và con rắn/ Le lys et le serpent (1906), Trong cung điện Minos/ Dans le palais de Minos (1914), Le Jardin des Rochers/ Vườn đá tảng (1936), Alexis Zorba (1946), Tự do hay là chết/ La Liberté ou la mort (1950), Cám dỗ cuối cùng/ La Dernière tentation (1951).

Cám dỗ cuối cùng của Chúa được Nikos Kazantzakis sáng tác trên sở của Tân ước(2). Trong đó, Jesus và Judas là hai hình tượng trung tâm: vừa song hành, vừa đối lập. Cảm hứng xuyên suốt của tác phẩm là giải thiêng Kinh Thánh. Tác giả đã làm thay đổi căn bản địa vị của nhân vật: từ một kẻ bán Chúa trong Kinh Thánh, Judas trở thành một nhà yêu nước, mang nỗi đau khắc khoải về thân phận dân tộc Do Thái. Đặc biệt, sự xung khắc giữa khoái lạc trần tục và niềm tin thượng đế đã trở thành một mệnh đề triết học nhằm đối thoại với KinhThánh.

 Cuốn tiểu thuyết đã gây một vụ scandale vào thời điểm bấy giờ. Sau khi bị Tòa thánh Vatican liệt vào loại sách cấm đọc, Cám dỗ cuối cùng của Chúa đã tạo ra hai làn sóng tiếp nhận xung khắc, trái chiều. Với những tín đồ Ki - tô giáo, Kazantzakis bị xem là kẻ báng bổ đức tin; với giới nghiên cứu, ông được xem là nhà khảo cứu triết học, tôn giáo theo tinh thần nhân bản - thế tục. Năm 1988, khi đạo diễn Martin Scorsese chuyển thể thành phim, một lần nữa, tác phẩm bị phản ứng kịch liệt bởi công chúng Tôn giáo. Bộ phận Tôn giáo chính thống ở Mỹ đã đệ trình lên Viện tối cao để hủy bỏ bộ phim này, vì lý do báng bổ Đức Jesus. Họ không chấp nhận một Jesus trần tục, với những ham muốn thân xác (nhất là mối tình với Magdalene - người đàn bà tội lỗi trong Kinh Thánh). Tuy nhiên, Tòa án Viện tối cao của Mỹ đã bác bỏ, vì xét thấy bộ phim có ý nghĩa nhân bản: ngợi ca Đức Jesus thông qua sự xưng tụng con người trần tục. 

Dưới đây, chúng tôi xin dừng lại nhân vật Judas - một hình tượng chứa đựng nhiều thông điệp về phản đề Kinh Thánh. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi luôn đặt văn bản Cám dỗ cuối cùng của Chúa bên cạnh Kinh Thánh để tìm ra nét tương đồng và khác biệt.

Khảo sát Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis, chúng tôi khẳng định rằng, hình tượng Judas được xây dựng trên tinh thần của Kinh phúc âm theo Judas. Đây là Cuốn Phúc âm được phát hiện vào năm 1970, bằng văn tự Coptic - một ngôn ngữ cổ xưa của Ai Cập. Người ta đã cất công khôi phục lại từng mảnh nhỏ, vì đã bị hư hại. Sự khác biệt giữa Tân ướcPhúc âm theo Judas là ở chỗ: Judas không phải là kẻ bán Chúa, mà là người thừa hành mệnh lệnh của Jesus. Đây là sự kiện làm đảo lộn đời sống của công chúng mộ đạo ở phương Tây, đặc biệt là giới nghiên cứu Kinh Thánh(3). Hàng loạt cuốn sách xuất hiện, nhằm chất vấn, hoài nghi tính xác thực của Kinh Thánh.

Có thể chỉ ra tính chất phản đề Kinh Thánh trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa trên những điểm sau: Thứ nhất, Judas không phải là kẻ phản Chúa mà là người được Jesus tin cẩn. Chính Judas là người giúp Jesus giải thoát phần xác khỏi linh hồn để thực hiện sứ mệnh cứu chuộc loài người. Thứ hai, Judas là một thủ lĩnh của dân tộc Do Thái - người đứng đầu của phái bạo động, muốn lật đổ ách cai trị của quân đội La mã để giải phóng dân tộc. Dưới đây, chúng tôi sẽ lý giải những luận điểm trên về Judas trong sự so sánh với Kinh Thánh(4).

2. PHẢN ĐỀ KINH THÁNH VỀ SỰ KIỆN JUDAS BÁN CHÚA 

Kinh Thánh từng nói gì về Judas?

Trong nhóm Mười hai môn đồ do Jesus thành lập, Judas Iscariot thuộc thứ mười hai. Judas được miêu tả là bị bọn thầy cả mua chuộc và đã cam tâm bán Jesus với ba mươi đồng bạc. Sau khi chứng kiến Jesus bị hành hình dã man trên Thập tự, Judas ân hận, mang tiền trả lại và thắt cổ tự tử. Các thượng tế đã dùng số tiền này tậu một thửa ruộng của ông thợ gốm. Và ngày nay, người ta gọi đó là Ruộng máu, vì liên quan đến cái chết thảm khốc của Đức Jesus. Cụ thể, trong Tin mừng theo thánh Matthew, Judas được đề cập ở phần Thương khó và Phục sinh:

“Chiều đến, Đức Jesus vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói:“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi:“Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”. Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với thầy, đó là kẻ nộp thầy. Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! Judas, kẻ nộp Người cũng hỏi:“Ráp - bi, chẳng lẽ con sao? Người trả lời:“Chính anh nói đó”(5).

Nhìn chung, trong truyện kể Kinh Thánh, bốn tác giả Matthew, Luke, Mark, John đều có cùng một quan điểm về Judas  - đó là kẻ phản Chúa. Dù các tình tiết về sự kiện liên quan đến Judas có thể được miêu tả khác nhau, nhưng về cơ bản, vẫn thống nhất trong cách nhìn về đạo đức của nhân vật này. Và từ đời này qua đời khác, nhân gian lưu giữ một lời nguyền đầy căm hận về Judas - kẻ phản Chúa.  

Nikos Kazantzakis nhìn nhận sự kiện trên về Judas như thế nào?

Sự kiện quan trọng trên được Nikos Kazantzakis miêu tả theo một chiều hướng hoàn toàn khác với Kinh Thánh. Ở đây, Judas không phải là kẻ bán Chúa mà là người giúp Jesus giải thoát phần xác khỏi linh hồn để thực hiện sứ mệnh cứu chuộc loài người: “Hãy phản bội ta. Ta phải bị đóng đinh và phục sinh để chúng ta cứu rỗi thế giới(6). Judas thực hiện hành động này, hoàn toàn theo lời cầu xin của Jesus, nhưng sâu xa hơn, là vì sứ mệnh của dân tộc Do Thái.

Trước hết, Jesus tin tưởng giao cho Judas sứ mệnh quan trọng của mình. Khi Judas hỏi Jesus: Tôi xin hỏi lại Thầy, sao Thầy chọn tôi?; Jesus trả lời: Ngươi cũng biết là ngươi mạnh mẽ nhất. Những người kia không chịu đựng nổi(7). Rõ ràng, Jesus đã đánh giá rất cao vai trò của Judas trước sự kiện đặc biệt này. Ngược lại, trong Kinh Thánh, Jesus luôn bị hoài nghi, thậm chí hạ thấp so với các môn đồ thuộc nhóm Mười hai.  

Bản chất con người thường được bộc lộ trong những tình huống trọng đại. Hiện rõ trong tác phẩm là một Judas không chỉ cứng rắn, táo bạo, quyết liệt, mà còn là người có đời sống nội tâm sâu sắc, đôi lúc tỏ ra yếu mềm. Khi Jesus bày tỏ quyết định lấy cái chết để cứu chuộc thế giới, Judas đã tỏ ra day dứt: “Tôi đã hỏi Thầy trước rằng, liệu có con đường nào khác chăng?”. Và Judas không kìm nén được nỗi đau của mình trước quyết định chọn cái chết của Jesus. Đoạn hội thoại sau đây, cho phép chúng ta hiểu được chiều sâu nội tâm của nhân vật Judas Iscariot:

 - “Thầy nói vậy để an ủi tôi, để tôi có thể phản lại Thầy mà không áy náy trong lòng. Thầy nói tôi có sức chịu đựng, Thầy nói vậy để tôi thêm sức mạnh. Không, càng đến gần giờ phút kinh khủng thì… Thầy à, tôi không chịu đựng nổi.”

- “Judas, người anh em, ngươi sẽ chịu đựng nổi...  vì cần phải như vậy - cần thiết là ta phải bị giết và ngươi phản ta. Chúng ta phải cứu thế gian. Cả hai chúng ta. Hãy giúp ta”. Judas cúi đầu. Một lát y hỏi: “Nếu Thầy phải phản lại Thầy của Thầy, Thầy có chịu làm không?”

Jesus suy nghĩ một lúc lâu. Cuối cùng Ngài nói: “Không, ta nghĩ là ta không có khả năng như vậy. Vì thế mà Chúa chọn ta, cho ta nhiệm vụ dễ hơn: bị đóng đinh. Jesus cầm tay Judas, nói nhỏ nhẹ như chiêu dụ: “Đừng bỏ ta, hãy giúp ta… Chỉ có ba ngày tăm tối, sẽ qua nhanh như ánh chớp, và ngày thứ ba chúng ta sẽ vui sướng nhảy múa cùng nhau - vào dịp Phục Sinh.” (8).

Nếu theo Jesus, hình phạt lương tâm nặng nề và đau đớn hơn hình phạt thể xác, thì rõ ràng, Judas đã nhận lãnh nỗi đau đó về phần mình. Vậy mà, sự hy sinh thầm lặng của Judas lại bị người đời lên án, còn sự hành hình trên thập tự của Jesus lại được xưng tụng, ngợi ca. Đây chính là một luận đề về đạo đức mà Kazantzakis muốn đối thoại với KinhThánh.

3. PHẢN ĐỀ KINH THÁNH QUA TINH THẦN DÂN TỘC CỦA JUDAS

Trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa, xét về quan điểm chính trị - xã hội: Judas theo khuynh hướng bạo động - cách mạng, Jesus theo thuyết tình thương - cứu chuộc. Cho dù, trong sâu thẳm, Judas và Jesus gặp nhau ở một tư tưởng lớn: tìm đường giải thoát cho nỗi đau khổ của nhân loại. Cám dỗ cuối cùng của Chúa vì thế, không đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết về tín ngưỡng, mà quan trọng hơn, tác giả đã lồng vào đó một luận đề triết học về sự tồn tại của loài người.

Trước hết, Judas là một nhà cách mạng, theo khuynh hướng bạo động. Nghĩa là, phải dùng bạo lực để thay đổi xã hội. Giải phóng nỗi đau của con người, với Judas là giải phóng một hoàn cảnh cụ thể: số phận bi thảm của người dân Do Thái. Judas nằm trong quân du kích, gọi là Hội ái hữu. Đó là những người yêu nước, tha thiết giải phóng người dân Nazareth ra khỏi ách thống trị của La mã. Họ có nhiệm vụ ám sát lính La mã, phá ngục để giải cứu những nhà cách mạng mà họ cho là những đấng tiên tri - người đủ khả năng nắm giữ vận mệnh của dân tộc Do Thái. Sau này, sở dĩ trở thành môn đồ của Jesus, là vì Judas tin rằng: Jesus là người duy nhất có thể giải phóng được số phận của người Do thái.

Bằng lối đối thoại triết học triệt để, Kazantzakis đã làm sáng tỏ quan điểm của Jesus và Judas về sự thay đổi thế giới, về mối quan hệ linh hồn và thể xác, về Thượng Đế và trần gian. Đoạn hội thoại sau đây ở chương 11, khi mà Judas chưa trở thành môn đồ của Jesus. Theo Hội ái hữu của dân  Nazareth, Jesus là mật phái viên của bọn La Mã, bị quân La Mã mua chuộc để ru ngủ quần chúng về một thiên đường ở thế giới bên kia, quên đi nỗi đau và sự ô nhục về kiếp nô lệ của dân tộc. Judas được giao nhiệm vụ là ám sát Jesus. Tuy nhiên, thay bằng việc mô tả về một cái chết do Judas gây nên, như sự báo trước của người thuật truyện, ở đây, tác giả lại để nhân vật đối thoại về quan điểm dân tộc và nhân loại:

“Mầy đang bị cấu xé bởi nỗi thống khổ của Do Thái phải không?”

“Bởi nỗi thống khổ của con người, Judas ạ!”

“Bọn Hy Lạp tàn sát chúng ta trong bao nhiêu năm nay… Tại sao lại lo cho chúng nó? Chính là Do Thái mà mầy phải để mắt tới, và nếu mầy thương hại, nên thương hại Do Thái…”. 

“Nhưng tôi thấy thương hại cả những con chó rừng, anh Judas ạ, và những con chim sẻ, và ngọn cỏ” (9).

Luận điểm tình thương bạo lực, sâu xa hơn, đó chính là vấn đề về chủ nghĩa dân tộc và học thuyết tôn giáo, luôn được tác giả trình bày dưới dạng đối thoại giữa Judas và Jesus. Thế giới này cần thay đổi, nhưng thay đổi bằng cách nào? Con người cần đặt niềm tin vào tình thương và sự cứu chuộc hay phải hành động bằng sức mạnh của bạo lực? Đó là một luận đề triết học quan trọng không chỉ đối với người Do Thái, mà liên quan sâu sắc đến vận mệnh nhân loại.

Nếu Jesus bị dày vò bởi sứ mệnh cứu chuộc của Thượng đế giao phó, một sứ mệnh trừu tượng, vô hình, thì Judas day dứt bởi một nỗi đau hiện hữu ở trần thế: “Tôi không quan tâm đến tính mạng của chính bản thân tôi. Chỉ có một điều hành hạ tôi, đó là sự đau khổ của Israel.” (10).

Trong lúc số đông chờ đợi một nhà tiên tri đến cứu chuộc con người, thì Judas cho rằng, Đấng cứu thế, chính là quần chúng nhân dân. Theo Judas, cần phải hướng đến sự đoàn kết dân chúng mới có thể thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc Do Thái. Rõ ràng, tư tưởng của Judas mang tầm vóc của một nhà lãnh đạo tích cực, ít ra xét vào thời điểm bấy giờ.

4. PHẢN ĐỀ KINH THÁNH QUA MỐI QUAN HỆ GIỮA LINH HỒN VÀ THỂ XÁC

Jesus và Judas đều có chung một quan điểm: khao khát thay đổi thế giới. Tuy nhiên, ở họ có sự khác biệt căn bản trong quan niệm về mối liên hệ giữa linh hồn và thể xác. Điều này chi phối đến sự khác biệt trong việc lựa chọn con đường thay đổi xã hội. Đoạn hội thoại sau đây là lúc Judas đã theo Jesus, với mục đích là khám phá một bí mật sâu kín: liệu Jesus có thực sự là một đấng tiên tri, có sứ mệnh cứu chuộc dân tộc Do Thái?

“Ngài muốn giải phóng Do Thái khỏi người La Mã à?

“Giải phóng linh hồn khỏi tội lỗi.”

Judas giật tay ra khỏi vai của Jesus trong sự điên cuồng và đấm vào thân cây ô liu.

“Đây là chỗ mà hai con đường của chúng ta tách rời nhau”. Judas gầm lên, đối mặt với Jesus và nhìn Ngài với sự căm thù: “Trước tiên, thân xác phải được giải phóng khỏi người La Mã và sau đó là linh hồn khỏi tội lỗi. Đó là con đường. Ngài có thể hiểu nó không? Một căn nhà không thể được xây từ trên nóc trở xuống; nó phải được bắt đầu từ dưới móng đi lên”

“Nền móng là linh hồn, Judas”

Nền móng là thể xác. Đó là nơi mà ta phải bắt đầu. Coi chừng, con trai của Mary. Trước kia tôi đã nói một lần rồi và tôi nói lại lần nữa: coi chừng; chọn con đường mà tôi nói với Ngài. Tại sao Ngài nghĩ rằng tôi đi theo với Ngài? Thế đấy, tốt hơn Ngài nên biết: chính là để chỉ cho Ngài con đường phải đi”(11).

Mối bận tâm của Judas là “vương quốc trần gian”, còn mối bận tâm của Jesus là “vương quốc thiên đàng”. Muốn thay đổi trần gian, phải cần bạo lực; muốn đến với thiên đàng phải dùng tình thương để cứu chuộc tội lỗi. Vũ khí của Jesus là sự ôn hòa: nếu bị tát vào má bên này, thì ngay lập tức, chìa má kia cho kể thù tát nốt; còn vũ khí của Judas là, khi mà: Thế giới có sự đốn mạt, cần có con dao (ở đây, được hiểu là sức mạnh của con người).

Như vậy, so với Kinh Thánh, Judas về cơ bản là một nhân vật tích cực. Đây là một mẫu người chiến đấu hết mình cho mục đích cao cả: sự tự do của dân tộc Do thái. Từ đầu đến cuối tác phẩm, lời nói, hành động của Judas đều nhất quán hướng tới lý tưởng vừa nêu. Tác giả đã làm thay đổi căn bản địa vị của Judas: từ một kẻ bán Chúa trong KinhTthánh thành một nhà yêu nước, mang nỗi đau khắc khoải về thân phận dân tộc Do Thái

5. PHẢN ĐỀ KINH THÁNH QUA VỊ TRÍ NHÂN VẬT: JUDAS ĐỒNG ĐẲNG VỚI ĐỨC JESUS

Hình tượng Judas xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, song hành với  các sự kiện quan trọng của cuộc đời Jesus: ngộ đạo, thuyết giảng, hành hình trên thập tự, phục sinh (trong giấc mơ). Điều đặc biệt là, so với các môn đồ khác, Judas được đặt ngang hàng với Jesus - ít ra, trong quan điểm cải tạo thế giới. Diễn ngôn của Judas trong mối quan hệ với Jesus luôn mang tính đối thoại ngang bằng, không phân thứ bậc cao - thấp như các tông đồ khác. Nghĩa là, tác giả lồng xen vào hai sắc thái giọng điệu: Jesus và các tông đồ khác: giọng quyền năng - kính ngưỡng; Jesus và Judas: giọng chất vấn, đối thoại song hành - đồng đẳng.

Trước hết, tác giả để nhân vật Judas tự nói về mình bằng một giọng điệu tự tin, mang sắc thái khẳng định. Điều này hoàn toàn khác với Kinh Thánh, vì ở đó, phần lớn, Judas đều bị phán phán xét, nguyền rủa, phỉ báng - điều mà Bakhtin gọi là: bị qui kết sau lưng. Trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa, trước hết, Judas tự giới thiệu về nguồn gốc của mình:

“Con trai của Mary, tôi không hợp với những người kia… Tôi không có sự trong trắng và tốt lành của John, người thương mến của Ngài, và tôi không phải là kẻ mơ mộng, hão huyền vô ý vô tứ như Andrew, cái kẻ hay thay đổi tâm trí với từng ngọn gió thổi qua. Tôi là một kẻ mạnh dạn, một con thú cương quyết. Tôi là đứa con ngoại hôn và mẹ tôi quẳng tôi vào chỗ hoang vu, nơi tôi bú sữa của con chó sói. Tôi trở nên hung dữ, cứng rắn và lương thiện. Đối với ai mà tôi thương, tôi sẽ là đất dưới đôi bàn chân anh ta; đối với ai tôi ghét, tôi sẽ giết chết”(12).

Judas tự xác lập vị trí trong nhóm Mười hai và tuyên ngôn về tinh thần tự do trước Jesus. Judas luôn mang tâm thế của một người phản biện, đối thoại, khác với sự thụ động, lệ thuộc, hèn nhát của số môn đồ còn lại. Với một tâm thế tự chủ, Judas tự xác quyết mục đích hoạt động của mình: giải phóng dân tộc Do thái. Khi Jesus chất vấn Judas: “Con đường nào là con đường đúng? Judas trả lời: Sự giải thoát cho Do Thái”. Nghĩa là, Judas không hoàn toàn phó mặc lý tưởng của mình cho Jesus, như Peter, Andrew, Jonh... Judas luôn tuyên ngôn về tinh thần tự do trước Jesus: “ Và Ngài sẽ để tôi nói ra ý nghĩ trong đầu một cách tự do; sẽ để tôi phản đối, nói “không” khi Ngài nói “có” chứ? Bởi vì tôi sẽ nói với Ngài để không còn có sự nghi ngờ trong tâm trí của Ngài - mọi người khác có thể lắng nghe Ngài với cái mồm há hốc, nhưng tôi thì không. Tôi không phải là tên nô lệ, tôi là một con người tự do. Đó là cách thức riêng của mỗi sự việc và tốt hơn Ngài nên hiểu cho rõ(13).

Việc đặt vị thế nhân vật Thượng đế ngang bằng với một môn đồ là một tư tưởng táo bạo, nhất là thời điểm lúc bấy giờ. Tính chất giải thiêng Kinh Thánh không phải chỉ ở Nikos Kazanztakis, tuy nhiên đẩy đến mức triệt để như Cám dỗ cuối cùng của Chúa, theo chủ quan chúng tôi, đây là cuốn tiểu thuyết trong số ít.

Kazantzakis ảnh hưởng cuốn Phúc âm theo Judas từ nguồn nào?

Như trên đã nói, Cám dỗ cuối cùng của Chúa được viết trên tinh thần của Kinh phúc âm theo Judas. Vậy, Nikos Kazantzakis ảnh hưởng cuốn Phúc âm này  từ nguồn nào? Chắc chắn là không phải từ bản dịch này. Cám dỗ cuối cùng viết vào năm 1951. Phải gần hai mươi năm sau, Kinh phúc âm theo Judas mới được công bố chính thức trên các mạng truyền thông của các nước châu Âu. Sự trùng hợp về quan điểm của Nikos Kazantzakis và Kinh phúc âm theo Judas có thể xảy  ra theo hướng sau:

Nikos Kazantzakis đã đọc Kinh phúc âm này theo bản ngữ của người Hy Lạp cổ. Ông là một nhà dịch thuật và đã từng chuyển dịch nhiều tác phẩm cổ Hy Lạp ra tiếng Pháp. Kazantzakis cũng đã bỏ khá nhiều thời gian để nghiên cứu Kinh Thánh và đã viết ít nhất ba tác phẩm liên quan về Ki - tô giáo. Vả lại, Kinh Phúc âm được lưu truyền bằng nhiều bản khác nhau trong dân gian. Nhiều kho lưu trữ tư liệu Kinh Thánh ở các nhà thờ cũng chưa được công khai. Tức là, có nhiều kinh Phúc âm tồn tại khác nhau, nhưng bị giáo hội La Mã che giấu. Người ta chỉ sử dụng Tân ước - như là bộ kinh chính thống và hợp pháp. 

Trên chỉ là những giả định của chúng tôi. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là: Cám dỗ cuối cùng của Chúa là tác phẩm mang tính chất “phản đề Kinh Thánh”. Nhân vật được xây dựng trên hai cứ liệu lịch sử và tôn giáo, nhưng trên hết theo cảm hứng nhân bản chủ nghĩa. 

     Cám dỗ cuối cùng của Chúa, vì thế, không chỉ góp phần giải thoát một lời nguyền trong Kinh Thánh, mà sâu xa hơn là những tư tưởng triết học có ý nghĩa tích cực. Judas hiện thân cho lòng tự tôn dân tộc, niềm kiêu hãnh của loài người khi bị kìm hãm, chà đạp. Đây là nhân vật thể hiện sâu sắc quan điểm thế tục hóa tôn giáo rất nhân bản của tiểu thuyết gia Nikos Kazantzakis - một học giả tầm cỡ của thế kỷ XX. Đáng tiếc, ở Việt Nam, giới nghiên cứu chưa dành cho tác phẩm của ông một vị trí thích đáng.

 Tiếp nhận sự nghiệp sáng tác của Nikos Kazantzakis, nghĩa là người đọc phải đối diện với sự va đập giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Tư tưởng Ki - tô giáo và Phật giáo luôn song hành/ đối thoại - thông qua hình tượng Đức Jesus và Thích ca mâu ni. Vượt lên sự dị biệt, đối kháng tín ngưỡng, Nikos Kazantzakis luôn cổ xúy người đọc hướng đến sự hòa hợp giữa các nền văn hóa. Không thể chối cãi rằng, tư tưởng triết học của Nikos Kazantzakis đã tác động sâu sắc đến các trào lưu văn hóa - chính trị, góp phần thay đổi hệ hình tôn giáo theo khuynh hướng thế tục - nhân bản. Thiết nghĩ, trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, Nikos Kazantzakis là một trường hợp đáng để chúng ta suy ngẫm.


T.H.S




.....................................

(1) Nikos Kazantzakis (1883 -1957) nhà văn Hy Lạp. Tư tưởng hiện sinh của ông ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng phương Tây thế kỉ XX và giới trí thức miền Nam Việt Nam trước 1975, đặc biệt là triết gia Phạm Công Thiện, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý... Ông từng được đề cử giải Nobel văn học và bị Albert Camus thắng thế chỉ một phiếu. Khi chết, ông bị giáo hội tẩy chay, không cho chôn tại khu nghĩa địa chính thống của nhà thờ. Hiện trên mộ ông chỉ lưu lại dòng chữ: Je n’espère rien, je n’ai peur de rien, je suis libre/ Tôi không hy vọng gì, tôi không sợ gì, tôi tự do.

(2), (6), (7), (8), (9), (10),  (11), (12), (13),  Bản tiếng Pháp La dernière tentation du Christ ( Do Michel Saunier chuyển dịch, xuất bản tại Paris, Plon, 1959; xem bản tiếng Việt Cám dỗ cuối cùng của Chúa”, Bích Phượng dịch từ bản tiếng Anh, NXB Đồng Nai, 1988), tr.602, tr.511, tr.520-521, tr.182, tr.359 - 360, tr.245, tr.244, tr.244-245

(3) Évangile de Judas, http://www.evangile-de-judas.com (Giáo sư Rodolphe Kasser - một nhà nghiên cứu Kinh Thánh kỳ cựu là người đảm trách công việc dịch thuật. Bản Phúc âm này đã được công bố qua bộ phim tư liệu trên kênh truyền hình Phá;   Xem:National Geographic les 25 beaux films, L’évangile selon Judas, http://www.youtube.com).

(4), (5) Chúng tôi sử dụng văn bản Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước), dẫn nhập và chú thích của Bernad Hurault và Louis Hurault, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2006, xem Matthew mô tả đoạn Judas nộp Jesus, tr. 1650 -1651, tr. 1649-1650.

(14) Évangile de Judas, http://www.evangile-de-judas.com.

(15)Từ Vũ, Ai đã viết Phúc âm theo Judas, nguồn Newvietart.com.

(16) Tzvetan Todorov, Poétique de la prose, Éditions du Seuil, 1978; Thi pháp văn xuôi, Bản tiếng Việt của Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm, NXB Đại học sư phạm,  Hà Nội 2004.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng