Phê bình - Nghiên cứu
"Từ Dụ Thái Hậu" - Thêm một "cánh cửa" soi vào hậu cung Triều Nguyễn
14:09 | 17/05/2019
Nguyễn Khắc Phê
(Đọc tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ Thái Hậu” của Trần Thùy Mai, NXB Phụ nữ, 2019) 
 

 

"Từ Dụ Thái Hậu" - Thêm một "cánh cửa" soi vào hậu cung Triều Nguyễn
Bìa 2 tập tác phẩm "Từ Dụ Thái Hậu"

Cách đây vài năm, trong một tiểu luận bàn về tiểu thuyết lịch sử, tôi đã bảy tỏ mong ước và hy vọng sớm đến ngày có các cây bút sung sức sẽ khai thác đề tài Triều Nguyễn - một kho báu đầy ắp chất liệu cho nhà văn. Cũng mới đây, tôi được biết nhà văn Trần Thùy Mai đã làm kịch bản phim và đang viết tiểu thuyết về Thái Hậu Từ Dụ. Thật không ngờ là tác phẩm dày dặn gần ngàn trang “Từ Dụ Thái hậu” (TDTH) đã kịp ra mắt trong dịp ngày sách Việt Nam tại Hà Nội và tại Huế ngày 17/4 này.

Nói “không ngờ” vì Trần Thùy Mai (TTM) tuy là một “cây” truyện ngắn nổi tiếng cả nước, nhưng đây là tiểu thuyết đầu tay của chị. Hơn thế, Thái hậu Từ Dụ là một nhân vật quá nổi tiếng và “quen thuộc” nữa - nhất là với vùng đất Cố Đô, nhà văn không dễ tùy hứng sáng tạo, hư cấu như với các truyện ngắn trước đây của chị. Mặt khác, với một con người nổi tiếng về đức độ, phẩm hạnh, để viết truyện danh nhân, ca ngợi công đức thì dễ, nhưng dựng thành nhân vật tiểu thuyết cho hay lại là một thách thức lớn đối với người cầm bút. Chúng ta từng biết, hầu hết các nhân vật tiểu thuyết thành công đều có tính cách “khác người” với số phận gai góc, bi thảm như Kiều của Nguyễn Du hay hầu hết  nhân vật của Mạc Ngôn (nhà văn Trung Quốc đã đoạt giải Nô-ben…)

Vì thế, tôi đón đọc tiểu thuyết của TTM với một chút “tò mò”: không biết nữ sĩ dùng “chiêu” gì để có thể cuốn độc giả theo mình qua cả ngàn trang sách. Có thể nói ngay, những ai thích “cách tân” nghệ thuật với các “chủ nghĩa” này nọ hoặc những nhân vật, những cảnh huống kì dị… sẽ không thỏa mãn khi đọc TDTH. Tác giả chủ yếu vẫn theo bút pháp “truyền thống”, thuật chuyện theo trình tự thời gian - chương 1 mở đầu khi TDTH còn là cô bé Hằng “lên mười tuổi, đôi bím tóc xinh xinh buông xuống hai bên đôi má phính hồng” đang ngồi học bên cha là quan Tham tri Phạm Đăng Hưng khi ông về quê nhà ở phương Nam “cư tang” cho đến chương 69 là cảnh TDTH gặp đại công thần Trương Đăng Quế lần cuối, bày tỏ ý nguyện nhất quyết không can dự vào chính trường nữa; Quế đã cả gan “nắm lấy hai bàn tay thái hậu” và thốt kêu lên: “Tóc Quế dù bạc nhưng lòng Quế không hề nguội lạnh. Hằng, nàng cũng vậy, nàng không già đi, chưa bao giờ ta thấy nàng đẹp như bây giờ…”.   .

Kể ra, cuộc đời cô bé Hằng với chuyện tình kiểu học trò cùng hai hoàng tử con vua Minh Mạng (khi cô được tuyển vào coi sóc lớp học trong Hoàng cung) và nhất là mối tình như là tiền định với Trương Đăng Quế, từ khi chàng tráng sĩ liều thân cứu mẹ con Hằng thoát chết trên đường về Kinh đô bị bọn giặc Đá Vách cướp xe, rồi bao cuộc gặp gỡ bí mật và công khai ở Hoàng cung cũng có thể dựng một tiểu thuyết diễm tình hấp dẫn, nếu tác giả mạnh tay “hư cấu”. Và với vô số âm mưu đoạt quyền giành tước vị bổng lộc với những bóng đen nghe lén chuyện thâm cung bí sử triều đình, với vụ án oan Phạm Đăng Hưng vừa bị tuyên án xử trảm thì vua Minh Mạng xuất hiện kỳ diệu như… Bao Công, kẻ ngồi ghế chánh án trở thành tội nhân… cũng có thể dựng một tiểu thuyết trinh thám võ hiệp kiểu Tàu không tầm thường.

Nhưng TTM đã chọn cách khác. Chúng ta đã từng nghe có người nói “Lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo bức tranh của mình lên”; như tôi hiểu, TTM viết TDTH không với quan niệm này vì tác giả tôn trọng hầu hết những sự thật lịch sử Triều Nguyễn. Tuy vậy, có thể nói, trong tiểu thuyết TDTH, “cái đinh” đó chính là cuộc đời cô Hằng; nói đúng hơn, TTM đã “mượn” Hằng để mở hầu như tất cả các “cánh cửa” trong cung cấm, để rồi có thể đúc rút một kết luận có lẽ đúng với mọi thời đại như TTM đã viết ở đoạn đầu tác phẩm: “Nơi đâu có quyền lực, ở đó có âm mưu và tranh đoạt”; cũng nên nhắc “bài học” mà cái giá phải trả có khi là cả sinh mạng của mình, khi Phạm Đăng Hưng nói với Lê Văn Duyệt đại ý: Là bầy tôi, giỏi và thông minh hơn vua là cái tội tầy đình!...

 Tác giả quả là “khôn ngoan” vì có ai dễ soi tỏ chuyện cung đình như cô gái con quan Thượng thư bộ Lễ được chọn vào cung, gần gũi mấy đời vua rồi trở thành Thái Hậu? Chính vì thế, tuy nhan đề tác phẩm là TDTH, nhưng đây là cuốn tiểu thuyết soi tỏ hầu như toàn bộ chuyện cung đình suốt mấy đời vua từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Thực ra, chuyện các đời vua này, với các tên tuổi như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Trương Đăng Quế, rồi Hồng Bảo, Miên Trinh, Miên Thẩm… rất nhiều bộ sách nghiên cứu về Huế đã viết. Chỉ khác, TTM miêu tả các nhân vật, sự kiện từ bên trong cung cấm với con mắt của một nhân vật nữ từ một cô gái đáng yêu đến một Thái hậu được thiên hạ ngưỡng mộ, nên đã tạo ra một thế giới nghệ thuật vừa có sức lôi cuốn, vừa được độc giả tin cậy về một cách nhìn chân thực và công bằng của tác giả đối với Triều Nguyễn. Phải! Nói TTM “mượn” cô Hằng để soi tỏ hậu cung nhà Nguyễn, thực ra là lịch sử triều đại này đã được miêu tả với cách nhìn của tác giả TTM. Ví như ở Chương 14 (“Di mệnh”) những lời vua Gia Long trăng trối với các công thần, thể hiện cách nhìn, cách nghĩ có thể nói là mới mẻ và “mềm dẻo” của tác giả đối với một nhân vật lịch sử đang có nhiều cách đánh giá khác nhau:

“…Cảnh trước kia, thường quá thiên về Tây; Đảm thì ngược lại, quá khắt khe bài xích họ; hai cái đều có chỗ rất dở. Mình dễ quá thì họ tham mà lấn; mình khó quá thì họ lấy sức mà đè, đằng nào cũng thiệt cho mình. Bao năm nay ta vẫn giữ cách xử sự mềm dẻo, linh động với họ, khiến họ làm lợi cho ta mà không xâm phạm đến ta được. Sau này các khanh hiểu ý đó của ta mà giúp tân vương giữ gìn đất nước. Hãy thận trọng, chuyện này không phải dễ đâu…”

 Ở trên đã nói TTM “khôn ngoan” chọn cô Hằng để soi tỏ chuyện hậu cung, nhưng mặt khác, có thể nói đề tài TDTH đã “chọn” được người viết như TTM. Nói vậy, vì nhờ “lợi thế” của một cây bút nữ, TDTH không chỉ có các vụ tranh đoạt quyền lực gay cấn và hấp dẫn mà còn những trang viết mềm mại, đậm phong vị Huế khi miêu tả đời sống thường nhật sau các cánh cửa cung cấm, từ cách chế biến các món ăn, các kiểu bánh trái đến cả “xuất xứ” bài thuốc “Minh mạng thang”, từ chuyện các thái giám và cung nữ lo “giường chiếu” cho vua khi “ghé” phòng các phi đến việc vua Minh Mạng đã sáng tác “Đế hệ thi” ra sao cùng đủ thứ lề luật sắp xếp ngôi vị cả đoàn thê thiếp và hoàng tử… Có lẽ cũng chỉ với con mắt của một cây bút nữ thấu hiểu những nỗi đau đời của người cùng giới mới có đoạn đối thoại giữa cung nữ Hạnh Thảo với Phạm Đăng Hưng về thân phận “Tam phi” (tức Ngọc Bình, vợ vua Nguyễn Quang Toản được vua Gia Long tha chết và đưa về cung). Khi nghe Hạnh Thảo nói:

- “Hoàng thượng một tháng dù có đến cung Tam phi cả ba mươi hôm đi nữa, đâu có nghĩa là Tam phi được yêu thương đâu?

Đăng Hưng cau mày:

- Thế là thế nào, ta vẫn chưa hiểu?

- Vâng, đúng vậy! Thật ra Tam phi chỉ là một tù binh đáng thương, hoàng thượng thích đến với bà ấy có lẽ chỉ để tận hưởng cái cảm giác của người chiến thắng. Nỗi niềm của bà ấy, có lẽ chỉ có nô tỳ hiểu được mà thôi! … Mồ mả của Tây Sơn chỉ có thể khai quật một lần. Còn Ngọc Bình, hoàng hậu Tây Sơn, chính là một ngôi mộ sống, hết ngày này sang ngày khác liên tục bị khai quật cày xới!...”

Nhiều nhà phê bình đã nói về giọng điệu văn chương mềm mại, đầy nữ tính của TTM, nhưng những dòng chữ này cho chúng ta thấy “nữ tính” vẫn có thể dữ dội, có thể làm đau lòng người như thế nào? Cách miêu tả những hoạt động ghê gớm của “Nhị Phi” (thân mẫu vua Minh Mạng) trong việc sắp đặt từ ngôi vua cho đến cung nữ lại cho chúng ta thấy một mặt khác của hậu cung Triều Nguyễn (và có lẽ không chỉ ở triều đại này…): Đó là vai trò quan trọng của các bà vợ vua đối với chính trường. Có thể việc “tô đậm” tính cách lắm thủ đoạn, không chịu nhường nhịn ai của “Nhị Phi” là cách tác giả muốn làm nổi bật đức hạnh của Thái hậu Từ Dụ…

Xét về khía cạnh giáo dục, đạo đức, trong xu hướng xã hội đang có không ít biểu hiện tha hóa hiện nay - từ những vụ giành giật, ẩu đả ngoài đường phố, trong xóm nhỏ đến các “quan tham” đang núp bóng ở nhiều công sở to nhỏ - những câu chuyện nhân từ, độ lượng của TDTH (“từ dụ” chữ Hán nghĩa là nhân từ, độ lượng) và nhân cách trung thực, liêm chính của Phạm Đăng Hưng xứng đáng là tấm gương sáng để soi chung. 

Chỉ tiếc một chút là có lẽ vì tác phẩm ôm chứa nội dung quá lớn, tác giả không thể bỏ qua những sự kiện quan trọng và hấp dẫn trong suốt mấy đời vua, nên cuốn sách ít những trang văn hay như các truyện ngắn xuất sắc của TTM trước đây. Vì ngại sách dày quá? Vì chưa đủ công phu hay vì tiểu thuyết có phần chịu ảnh hưởng kịch bản phim truyền hình? Điều này có lẽ chỉ tác giả mới trả lời được? Dù là gì đi nữa, TDTH là một thành công đáng trân trọng của TTM, một cuốn sách mà hẳn là những ai quan tâm đến Huế đều muốn được đọc…

 

N.K.P

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng