Phê bình - Nghiên cứu
"Văn hóa làng" - Mạch sống tinh thần của cư dân Thừa Thiên Huế ở Đà Lạt
10:32 | 06/02/2020

NGUYỄN THẾ

Trại sáng tác VHNT Đà Lạt 2019

"Văn hóa làng" - Mạch sống tinh thần của cư dân Thừa Thiên Huế ở Đà Lạt
Ảnh minh họa (Internet)

Những thập niên đầu của thế kỷ XX, người dân một số tỉnh Bắc miền Trung bắt dầu di cư vào Đà Lạt – Lâm Đồng, trong đó có một bộ phận người dân Thừa Thiên Huế ở các làng Kế Môn (huyện Phong Điền), Phước Yên (huyện Quảng Điền)… Đà Lạt – Lâm Đồng, vùng cao nguyên mù sương, núi đồi heo hút; song với đặc điểm tự nhiên của vùng đất nâu đỏ nằm ở độ cao 1500 mét so với mặt biển cùng với những hồ nước rộng lớn, những cánh rừng nguyên sinh đã tạo nên một vùng tiểu khí hậu đặc biệt, quanh năm mát mẻ, thích hợp với hệ thực vật vùng nhiệt đới. Hoa màu, cây trái phát triển tươi tốt.“Đất lành chim đậu”, người dân khắp nơi tiếp tục di dân đến Đà Lạt. Cư dân nhiều địa phương ở đây bắt đầu hình thành những cộng đồng xóm thôn có quan hệ làng xã, thân tộc. Tuy vậy, với tinh thần “ly hương bất ly tổ”, hàng năm họ lại trở về cố hương – nơi “chôn nhau cắt rốn” để làm bổn phận với tổ tiên ông bà, xóm làng nơi quê cũ. Lâu dần, cư dân phát triển ngày càng đông.Họ bắt đầu tổ chức những nghi lễ cộng đồng hướng về quê hương nguồn cội. Những ngày giỗ, ngày Tết, các gia đình có quan hệ huyết thống nội ngoại lại tập trung cúng lễ để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà…Ngày giỗ họ tộc thường niên ở quê, nếu không về được, họ cùng họp lại tổ chức giỗ chạp ngay tại nơi đang cư trú. Đối với những họ tộc đông con cháu, ngày giỗ họ cũng được thực hiện đầy đủ các phần nghi lễ như ở quê nhà. Khi hoạt động họ tộc ngày càng mở rộng, người dân lại quan tâm đến việc tập hợp “đồng hương” để kết nối quan hệ xóm làng thân tộc nơi đất khách.Thiết chế làng xã truyền thống của những người dân di cư bắt đầu nảy sinh từ đó. Ban đầu chỉ là những buổi họp mặt đồng hương nhân ngày lễ tết, nhưng lâu dần, họ cảm thấy cần có một nơi để gặp gỡ hàng nămđể thắt chặt tình làng nghĩa xóm và cùng nhau thực hiện nghi lễ tưởng nhớ công đức các bậc tiên tổ khai canh lập làng ở quê nhà đồng thời ghi nhớ công ơn những vị tiền bối của làng đến khẩn hoang lập nghiệp tại Đà Lạt – Lâm Đồng.

Cư dân làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã thực hiện xây dựng thiết chế văn hóa tâm linh của cộng đồng làng bằng việc xây dựng “cô đàn” từ năm 1971.Làng Phước Yên ở Thừa Thiên Huế, nơi từng được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chọn làm thủ phủ từ năm 1626 đến năm 1636, là vùng đất địa linh nhân kiệt, mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Thuận Hóa xưa. Làng tổ chức phân chia thành 4 phe (giáp), phe nào cũng có thiết lập cô đàn. Vì vậy, người dân Phước Yên khi vào Đà Lạt, họ theo phong tục của làng cũ xây dựng cô đàn nơi vùng đất mới. Cô đàn là một thiết chế tâm linh của người Việt, cô đàn thường được thiết lập ở các địa vực dân cư với mục đích thờ cúng những vong linh không nơi nương tựa của người dân bản địa, tiền chủ của vùng đất hoặc người làng từng sống nhiều đời nhưng do không có con cháu nối dõi nên không còn ai thờ cúng,trong đó có cả những người từ nơi khác qua đời ở trong địa phương, không ai hương khói. Thiết chế cô đàn do cư dân làng Phước Yên đứng ra xây dựng có sự đóng góp của bà con từ nhiều địa phương khác đang cư ngụ tại đó. Một người dân gốc Quảng Nam đã hiến một phần đất để xây dựng cô đàn. Cô đàn Phước Yên ở Đà Lạt có mặt bằng khá rộng, nó không chỉ là nơi diễn ra cúng lễ cô hồn hàng năm mà còn là nơi hội tụ để cộng đồng sinh hoạt, gặp gỡ trao đổi “việc làng”. Vì vậy, người dân ở đây xem cô đàn ở đây có chức năng tương tự như thiết chế đình làng ở quê nhà.Tế lễ chính của cô đàn Phước Yên tại Đà Lạt là ngày 20 tháng Giêng hàng năm. Trong văn cúng cô đàn, ngoài phần ghi Quốc hiệu, năm tháng…họ đã viết:

“…Nguyên quán Thừa Thiên tỉnh, Quảng Điền huyện, Quảng Thọ xã, Phước Yên thôn. Kim trú Lâm Đồng tỉnh, Đà Lạt thành phố, đệ thập nhị phường, Ngô Gia Tự lộ xứ, cô đàn Phước Yên.Cung hành tinh tảo, tế lễ thường niên.Cẩn ủy tế viên chánh bái.Tả phân hiến, hữu phân hiến, đồng bổn thôn đẳng. Dĩ kim ngân thanh trà tửu chước, phỉ lễ chi nghi, cảm chiêu cáo vu.

Nhưng tiên kỉnh.Bổn cảnh thành hoàng đại vương.Trấn khống đàn tràng thượng kỳ anh linh bất muội, đồng lai chiếu giám. Tả ban liệt vị chư linh thần, Hữu ban liệt vị chư linh thần. Cập bộ hạ thị tùng liệt vị đồng thùy tiếp độ.Thống niệm cô đàn tự.

Đa sanh phụ mẫu, thất thế phụ mẫu, cửu huyền thất tổ, nội ngoại quá chư hương linh. Tảo sa, tảo lạc, sút sảo tảo vong, sa lạt thất tường, vong bôn suyển lục, biệt vãng tha phương, mộ phần thất ký, bất tường tánh tự, hữu vô danh vị. Không hành thủy lục, quá cố âm linh. Phụng vị cô đàn, tứ phương sát cận nội ngoại cô đàn. Quá khứ triêu Ất Dậu, hậu thế Mậu Thân.Nam Bắc Trung phần chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn.Nam phụ lão ấu cô mộ hoang mộ âm linh liệt vị.Cô đàn thiết niệm.Ngũ âm bách tánh.Cũng có người kiến tác chi cơ, lâm thân vào đầu non góc bể. Cũng tha phương thất quán, cũng giai do thiếu thực thiếu y. Hoặc người thất tích mộ phần cũng giai do vô nhơn kế tự.

Thời duy mạnh nguyệt, tiết giới xuân thiên, cô đàn tinh tảo chu niên. Cung thỉnh chư vị tôn thần tiếp độ chư âm linh đồng lai chiếu giám”.

 

Đoạn đầu bài văn tế nêu ý nghĩa của việc tế vong linh cô hồn và bày tỏ tấm lòng thành của cộng đồng với bổn thổ thần linh, những người có công khai khẩn lập làng, vong linh những người quá cố không ai thờ cúng. Văn tế cũng đã nêu những hoàn cảnh đau thương trong quá khứ mà người dân trong vùng từng gánh chịu. Trận đói năm Ất Dậu 1945 đã làm cho bao người dân Việt bị chết đói, thây phơi đầy đường; chiến sự xảy ra năm Mậu Thân 1968 cũng dẫn đến tang tóc đau thương cho biết bao gia đình. Cô đàn chính là nơi người dân lập ra để cúng tế những oan hồn uổng tử.Đây là nơi thực hiện nghi lễ mang đậm tính nhân văn từ bao đời của người dân Việt đối với người đã khuất. Đoạn văn tế được đọc trong dịp cúng cô đàn hàng năm ở làng cũ Phước Yên Thừa Thiên Huế được đưa vào Đà Lạt với lời lẽ mộc mạc, bình dị của một áng văn Nôm từ thế kỷ XVI - XVII, một số từ ngữ cổ trong đó hiện nay hầu như ít hoặc không còn được sử dụng trong văn viết hay ngôn từ giao tiếp đời thường.

 

Hởi ôi !

Một cuộc gieo cờ, trăm năm vẽ bánh.Sang hèn ba tất đất, đoái giai thành giọt bích tuôn rơi. Đưa rước mấy con trăng ngừng cổ độ, niềm đơn sẻ chạnh. Đã biết chữ năm đời thời dứt. Lẽ chưng thường không thấu nỗi xa xôi. Song nhớ câu một cội mà phân, niềm thủy mộc chỉn hãy còn đành rạnh.

Nhớ linh xưa !

Hai khí rõ ràng năm hàng phương chánh, tiếc già năm đấng trong lang miếu đua chen. Cũng có người thú gọi bốn dân ngoài hương lư bàn sánh. Kìa nam nhân còn nhiều đấng anh hào, há phụ nữ dễ không trang công hạnh, dòng nghề châm tuyến trải mấy thu. Tiếng hỡi bay hương chuyên việc tửu tương khắp trăm họ dấu còn để cảnh. Chạnh tưởng kẻ da mồi tóc bạc, sống hòa an, chết cũng hòa an. Cầm phô loài hột tuyết hòn sương, mất cạnh nánh, còn cũng cạnh nánh. Những cây kia khô chồi nọ nảy, dấu ngõ soi. Sông giải non mài dễ huống chi hoa nọ còn, quả kia rơi. Sầu luống để trời hiu đất quạnh. Đồng mả phần mồ mường tượng đó, nỗi y cân hầu dễ thấy ai. Vò hương bát nước phụng thờ, đâu ngày kỵ lạp nhiều bề cám cảnh.Tại cô đàn nay chẳng kẻ chí thân.Nước chảy, hoa bay. Huống chi người lân lý đồng thân, tình nỡ để hương tàn khói lạnh. Mấy gò phần trũng, dễ nài đã đắp lại phong.Một tiệc phỉ nghi, chạnh tưởng gọi xa nghe chỉn kỉnh.Lóng chẳng nghe, xem chẳng thấy, dưới chín sông luống hỡi mơ màng.Ăn thời chước, ước thời vân. Phò bổn ấp thân cung tráng kiện.

Thương thay thượng hưởng,

Cẩn cáo.

 

Cô đàn Phước Yên ở đường Ngô Gia Tự, phường 12, thành phố Đà Lạt không chỉ của riêng người dân làng Phước Yên ở Đà Lạt mà đây là thiết chế văn hóa chung của cả cộng đồng, là nơi giao lưu găp gỡ, củng cố thêm mối thân tình của những người xa xứ đangcư ngụ nơi đây.

Kế Môn là làng nghề kim hoàn nổi tiếng thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 1920, một bộ phận người dân làng Kế Môn di cư vào vùng Đà Lạt - Lâm Đồng. Người làng Kế Môn định cư nhiều nơi trong tỉnh, nhưng tập trung đông nhất là khu vực Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt. Để có nơi gặp gỡ đồng hương, bà con làng xóm, một số bà con có kinh tế khá đã tự nguyện đóng góp tiền mua đất xây dựng đình làng. Họ đã chọn mua khu đất tại số 15 đường Thái Phiên để xây dựng đình.Đình làng Kế Môn được xây dựng từ năm 1973, ban đầu chỉ xây dựng đơn sơ để có nơi tụ họp, cúng lễ hàng năm.Đến năm 2016, cộng đồng người dân Kế Môn lại tiếp tục đóng góp công của đại trùng tu, mở rộng qui mô đình làng.Lễ chánh tế hàng năm được tổ chức tại đình làng vào ngày mồng 8 tháng 11 âm lịch.

Ngoài việc thực hiện nghi lễ truyền thống ở đình làng, bà con làng nghề kim hoàn Kế Môn đã tổ chức được một đội Múa Náp.“Múa Náp”hay lộn gươm, múa gươm là một điệu múa dân gian khá cổ của làng Kế Môn, thiên về di chuyển đội hình, không có diễn xướng, được trình diễn với nhiều động tác (vũ bộ) khác nhau. Lộn gươm được tổ chức với ý nghĩa mở đường khai lộ, tiễn biệt vong linh người quá cố.Ở làng cũ Kế Môn, các đội múa được tổ chức từ các họ tộc có quan hệ thân tộc nội ngoại với người đã khuất.Mỗi họ đưa đến một đội gọi là “họ gươm”, biên chế thành 11 người, gồm: Một người điều khiển, gọi là ông “cai tấu” và 10 người trong hàng đội. Buổi chiều trước ngày đưa tang, các họ được tang chủ “đặt họ” phải tập trung, phân công và ổn định lại các đội hình “họ gươm” để trình diễn trước linh sàng người quá cố vào buổi tối trước ngày di quan.

Trang phục và đạo cụ họ gươm gồm:Cai họ gươm (còn gọi là cai tấu, người điều khiển hàng đội họ gươm): Mặt bộ lễ phục áo dài xanh, khăn đóng (khăn xếp), thắt lưng màu đỏ, tay cầm đèn sáp để chỉ huy đội hình.Hàng đội: 10 người, mặc lễ phục áo dài đen, khăn đóng, thắt lưng đỏ, xanh và vàng, đạo cụ gồm: Náp (gươm) bằng gỗ, cán và lưỡi đều hình tròn, dài khoảng 1,4 mét, phần lưỡi gươm lượn cong; Ngoài ra có các đạo cụ hỗ trợ theo các tiết mục múa gồm: Hương, hoa và “lam ba”( lam: giỏ; ba: hoa, tức là cái giỏ hoa làm bằng giấy hình chóp vuông có 4 cạnh, trên to, dưới nhỏ (vừa tay cầm); phía trong có cắm đèn sáp. Đây là một đạo cụ cổ thường được sử dụng trọng các lễ hội dân gian xưa của người Việt như:Múa chạy chữ (còn gọi là múa Thiên hạ thái bình), múa bông, múa trong tang lễ (âm công múa đàng xà, tứ trụ...). Đạo cụ “lam ba” của đội múa gươm ở Đà Lạt được làm bằng kim loại, lồng kính 4 mặt, có tay cầm.

Ở làng cũ Kế Môn, Thừa Thiên Huế, người mất từ 60 tuổi trở lên mới được các đội gươm của thân tộc nội, ngoại bên vợ bên chồng… phục vụ lộn gươm. Song ở Đà Lạt, lệ lộn gươm được quy định người mất ở tuổi 45 trở lên là được đội lộn gươm của làng phục vụ. Nghi thức lộn gươm được thực hiện như sau: Ông “cai tấu” tay cầm đèn sáp lớn, 10 người trong hàng đội, một tay cầm gươm, một tay cầm lam ba. Sau khi vị chấp lệnh đánh chiêng, ban nhạc lễ bắt đầu đổ trống, tấu nhạc và đội gươm (dưới sự điều khiển của ông “cai tấu”) di chuyển nhanh vào trước bàn thờ đặt linh vị, thực hiện một số động tác di chuyển đội hình (hàng một, hàng hai, chạy chữ chi...) và làm động tác cúi lạy. Nếu tang chủ có thiết bàn Phật thì lạy Phật (3 lạy), rổi dịch chuyển sang một bước để lạy linh (2 lạy). Sau khi lạy xong, hàng đội đứng thành hai hàng trông mặt vào nhau để hầu lễ phúng điếu của làng. Mở đầu, sau khi vị chấp lệnh khởi chiêng, ban nhạc đổ trống, tác nhạc, cai gươm dẫn đầu hàng đội vào sân hoặc rạp (hiện nay tang gia thường tổ chức che một nhà rạp lớn) phía trước bàn linh. Khởi đầu, hàng đội chia làm hai, 5 người cầm lam ba và hương, 5 người cầm lam ba và hoa, theo hiệu lệnh của ông cai tấu (cai họ gươm) tiến hành di chuyển đội hình để lạy ở bàn Phật và bàn linh, xong ông cai tấu bước lộn quanh, dẫn từng người trong hàng đội đến vị trí nhận gươm rồi nhập vào đội hình di chuyển theo vòng tròn cho đến người cuối cùng (trước khi nhận gươm, có người chực sẵn để đón lấy hoa và hương để các thành viên trong hàng đội rảnh tay cầm gươm). Khi nhận gươm, 5 người cầm gươm tay phải, lam ba tay trái; 5 người cầm gươm tai trái lam ba tay phải đứng đối xứng nhau khi “phân lập” (đứng thành hai hàng). Sau đó tiếp tục thực hiện nghi thức múa (lộn gươm). Theo hiệu lệnh của cai tấu, hàng đôi sẽ di chuyển đội hình với những vũ bộ nhanh chậm theo tiết tấu của trống và nhạc theo trình tự:

  • Lên một xuống hai;
  • Gài lồng mốt, (đây là đoạn vũ bộ khó , từng người di chuyển cài vào nhau rồi bật dạt ra hai bên một cách dứt khoát và mạnh mẽ, trông rất đẹp mắt).
  • Tam xà (nhiều nơi gọi là đàng xà, đội hình di chuyển uốn lượn theo chữ chi như loài rắn)
  • Tứ trụ,
  • Ngũ trụ,
  • Lục lăn,
  • Thất trụ,
  • Bát quái (còn gọi là xây lồng đèn, đội hình đi chụm lại và xoay vòng tròn).

Thời gian trình diễn của đội gươm khoảng 30 phút Việc phụ họa của phường nhạc lễ cũng rất quan trọng, vì vũ bộ của tiết mục lộn gươm có trường đoạn tiết tấu nhanh chậm khác nhau. Đội hình di chuyển một cách trang trọng, nhịp nhàngtheo sự điều khiển của cai tấu.

Việc tổ chức đội múa Náp (lộn gươm) trong lễ tang của người làng Kế Môn ở Đà Lạt đã cho chúng ta thấy được sức sống và sự lan tỏa của văn hóa dân gian truyền thống trong đời sống xã hội của người dân di cư.

Hiện nay, cộng đồng cư dân Thừa Thiên Huế định cư ở Đà Lạt – Lâm Đồng ước tính có đến hơn vài nghìn người, có gia đình đã sống qua 4 – 5 đời; có gia đình mới đến vài chục năm.Song họ luôn phát huy truyền thống đoàn kết thân ái, chia sẻ khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế.Những năm gần đây, nhiều cộng đồng dân cư từ các làng xã ở Thừa Thiên Huế vào định cư ở Đà Lạt – Lâm Đồng đã ổn định cuộc sống. Họ bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa làng để người dân có điều kiện thực hiện những hoạt động về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Với quan niệm “ly hương bất ly tổ”, người dân Thừa Thiên Huế không bao giờ quên văn hóa nguồn cội của quê hương.Mạch sống tinh thần của người dân xa quê luôn được kết nối bằng những hoạt động văn hóa thông qua lệ tục, tín ngưỡng làng xã.Văn hóa dân gian truyền thống làng xã là mối dây thắt chặt tình đoàn kết của những người dân ly hương.

Trong quá trình xen canh xen cư nơi vùng đất mới, chắc chắn sẽ có sự giao lưu, hội nhập văn hóa với cư dân bản địa, văn hóa của người Việt từ nhiều vùng với nhiều phong tục tập quán khác nhau. Songngười dân Thừa Thiên Huế ở Đà Lạt luôn trân trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đã hình thành từ bao đời nơi cố hương mà lớp người đi trước đã mang theo trên bước đường di dân lập ấp nơi vùng đất mới. Cho dù ở nơi đâu, mạch sống văn hóa làng xưa vẫn mãi chảy trong lòng người dân Thừa Thiên Huế.

 

N.T

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thế
Các bài mới
Các bài đã đăng