Phê bình - Nghiên cứu
Từ các nhà nữ quyền của Pháp đến nữ tiểu thuyết gia đương đại Việt Nam
08:29 | 02/12/2016

NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Đọc “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại” - Chuyên luận Phê bình & Nghiên cứu văn học” của Trần Huyền Sâm - NXB Phụ nữ, 2016)

Từ các nhà nữ quyền của Pháp đến nữ tiểu thuyết gia đương đại Việt Nam
Bìa tập sách "Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại"

“Một thái độ không biết đến nữ quyền, lịch sử và phương pháp của nó, là một thái độ quá cao ngạo”. Đây là ý kiến của nhà văn Lý Lan (dịch giả thiên truyện Harry Potter) mà T.S.- nhà phê bình Trần Huyền Sâm, dẫn ra cuối cuốn sách dày gần 300 trang vừa xuất bản. Cuốn sách đã đề cập một vấn đề lớn, luôn là thời sự, không chỉ trong nghiên cứu văn học. Chỉ nói đến việc đặt “chỉ tiêu” mấy phần trăm nữ trong hầu hết các sự kiện xã hội hiện nay, đủ thấy cuộc đấu tranh đòi “nam nữ bình đẳng”, dù đã kéo dài hàng thể kỷ, vẫn chưa đến hồi kết.

Cuốn sách tập trung nghiên cứu vấn đề trong lĩnh vực văn học, qua những tác gia tiểu thuyết nổi tiếng từ Pháp đến Việt Nam, nhưng “truy tìm” tận nguồn gốc, tác giả đã giúp bạn đọc hiểu “Chủ nghĩa nữ quyền là một phong trào hoạt động rộng lớn nhằm gắn vấn đề nữ tính với nhân quyền. Đó là cuộc hành trình “câm lặng và giông bão” trong lịch sử nhân loại…”

Theo tác giả, “Phê bình nữ quyền” xuất hiện từ Pháp từ thập niên 80 (thế kỷ trước) đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hoá, chính trị của xã hội Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu nữ quyền luận còn quá hạn hẹp. Không kể một số bài nghiên cứu riêng lẻ của các tác giả đăng trên báo chí và tham luận “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại” của Nguyễn Đăng Điệp tại Hội thảo Quốc tế “Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hoá khu vực và quốc tế” (2006) - nếu tôi không nhầm - có lẽ cuốn sách của Trần Huyền Sâm là tác phẩm nghiên cứu vấn đề một cách khá rộng và sâu.

Rộng và sâu - vì chỉ với hai tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp như Simone de Beauoir và Marguerite Duras qua những tác phẩm và quan điểm “phản biện” của họ đối với hai triết gia S. Freud và Nietzsche cùng những mối quan hệ với các tên tuổi như Jean-Paul Sartre…, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc nhiều cách nhìn về “nửa thế giới” trong lịch sử nhân loại. Ví như chúng ta đều biết chuyện “Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra làm thành một người đàn bà”, nhưng tác giả đã chỉ rõ, chính cái chi tiết này đã dẫn đến quan niệm “Chúa sáng tạo đàn bà chỉ là chủ đích bổ sung sự cô độc của đàn ông. Vì vậy, đàn bà chỉ là một nhu cầu của đàn ông…” và “đàn bà luôn là kẻ chịu ơn, kẻ phụ thuộc…” Còn Aristote - triết gia cổ Hy Lạp đã nhìn phụ nữ  từ phương diện  không hoàn thiện của giới tính: “Phụ nữ chỉ là một người đàn ông khiếm khuyết.”


Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre

Cũng không phải vô cớ mà có những quan niệm “hoài nghi và hạ thấp đàn bà”. Theo tác giả, “một trong những nguyên nhân, đó là sự khác biệt về đặc điểm giới tính. Ví như về đặc điểm sinh sản, đàn bà một năm chỉ có thể sinh con một lần, đàn ông thì …hàng trăm, nếu có điều kiện; về quan niệm trinh tiết, “làm sao có thể kiểm tra được trinh tiết của đàn ông?”; về mặt tính dục, “nam giới là bản nguyên chủ động, nữ giới là bản nguyên thụ động. Tư thế giao hợp trên/dưới, về một mặt nào đó, đã cho thấy tính quyền uy của đàn ông từ khởi thủy”… v…v…

Trước những “thua thiệt” của nữ giới từ quan niệm đến “bản thể” như thế, dễ hiểu sự “phản ứng” quyết liệt của Simon de Beauvoir “một người đàn bà ngoại cỡ: ngoại cỡ về tư tưởng nữ quyền, ngoại cỡ về tình yêu - khoái lạc.” Tình yêu sâu đậm nhưng không hôn nhân của bà với triết gia Jean-Paul Sartre và 300 bức thư tình với nhà văn Mỹ Nelson Algren - “một cuộc trò chuyện, yêu đương, thậm chí faire l’amour (làm tình bằng thư” đã chứng tỏ điều đó. Còn Marguerite Duras - cũng là một tên tuổi được giải văn chương Goncourt danh giá như Simon de Beauvoir - với tiểu thuyết “Người tình” quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, thì đã thể hiện “nữ quyền” của mình với quan niệm “Sống, là chinh phục và hưởng thụ khoái lạc..”; nhưng theo tác giả, “Ở M. Duras, tính dục đứng cao hơn thân xác. Đó là một thứ mỹ học của tính dục: đẹp, thuần khiết, vô tội…” 

Có lẽ cũng cần dẫn ra một nhận định của tác giả về nhân cách M. Duras: “Bạn đừng đánh đồng tinh thần hiện sinh và lối sống trụy lạc của giới trí thức Pháp. Trước khi bước vào hang động ái tình của M. Duras, chúng ta đừng quên, M. Duras từng là một chiến sĩ cộng sản, từng hoạt động hết mình trong phong trào chống Đức quôc xã – Thế chiến II. Bà là bạn thân và đã cùng sát cánh bên tổng thống Francois Mitterand trong như những tháng ngày cam go nhất…”

Tác giả dành hơn phân nửa cuốn sách bàn đến hàng loạt tác phẩm của các nữ tác giả Việt Nam được dư luận chú ý trong những năm qua như Phạm Thị Hoài, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Đoàn Lê, Võ Thị Hảo, Y Ban, Lý Lan, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp, Trần Thu Trang… Xin không nói nhiều, vì hầu hết tiểu thuyết mà tác giả đề cập đến đều quen thuộc với bạn đọc. Mặc dù tác giả nhận định “Nhìn trong tương quan của văn hoá thế giới, văn học nữ quyền Việt Nam còn quá khiêm tốn…”, nhưng nếu xét mối tương quan ấy cùng với sự khác biệt phong tục, văn hoá Đông-Tây, thì chỉ qua phân tích các lĩnh vực khá là nhạy cảm mà các cây bút tiểu thuyết mạnh bạo miêu tả, “mổ xẻ” như “phạm trù trinh tiết”, nỗi đau “chối bỏ thân thể” trong  việc nạo thai, ngôn ngữ thân thể và ẩn ức tính dục nữ… đã có thể thấy tinh thần nữ quyền của nữ văn sĩ Việt Nam đã tiến rất xa, nếu kể từ điểm khởi đầu là Đạm Phương nữ sử với các bài báo đòi nữ quyền (chủ yếu về mặt xã hội) vào những năm đầu thế kỷ 20.

Tất nhiên, như tác giả nhận xét, có thể chỉ ra dễ dàng những hạn chế của một số tác phẩm của các nữ văn sĩ Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là việc miêu tả tính dục khá táo bạo, nhưng chưa trở thành phạm trù mỹ học của văn học.

Và cũng tất nhiên, những “kinh nghiệm” của các nữ văn sĩ Pháp và Việt Nam về cách thể hiện “nữ quyền” trong tiểu thuyết càng rất bổ ích cho phái “mày râu” vì đã giúp họ hiểu sâu hơn ít ra là “nửa thế giới”.

Phê bình nữ quyền là một hướng nghiên cứu mở, cuốn sách lại ôm trùm một đối tượng nghiên cứu trong phạm vi rất rộng cả về không gian và thời gian, nên hẳn là có không ít điều chưa làm bạn đọc thỏa mãn. Chính tác giả cũng hứa sẽ “mở rộng biên độ nghiên cứu nữ quyền luận” và sẽ xuất bản tiếp cuốn sách “Năm gương mặt nữ quyền ở Pháp”…

N.K.P

Các bài mới
Các bài đã đăng