Phê bình - Nghiên cứu
Tư tưởng Việt Nam: Nhân bản thực tại luận
09:10 | 29/12/2016
LTS: Ngoài các công trình nghiên cứu, dịch thuật Phật học, khi còn trụ thế, Hòa thượng Thích Chơn Thiện còn viết nhiều sách, báo về văn hóa dân tộc, gần đây nhất là loạt bài biên khảo Tư tưởng Việt Nam: Nhân bản thực tại luận.
Sông Hương xin trích đăng một số trong loạt bài ấy, như là tấm lòng ngưỡng vọng đến vị Đạo cao, Đức trọng vừa thu thần viên tịch.
Tư tưởng Việt Nam: Nhân bản thực tại luận

HT THÍCH CHƠN THIỆN


I. THỰC CHẤT TỪ THỰC TẠI

Truyền thống “con Rồng, cháu Tiên” 


Lịch sử Việt Nam được ghi chép rõ có thể kể từ thời Lạc Long Quân và Âu Cơ dựng đế nghiệp từ đời các vua Hùng, từ khi đất nước sinh ra Giao Chỉ có tên là Việt Thường (khoảng từ năm 1063 - 1026 trước Tây lịch). Chuyện bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng là một chuyện siêu thực, nhưng đó là cách sáng tác văn học giới thiệu mạnh mẽ về nguồn gốc dân tộc Việt mở đầu dòng văn hóa và lịch sử: Dân tộc này rất khác thường, kết hợp bởi hai nét đặc thù, một đằng là cốt cách hiền thiện, thanh cao và thẩm mỹ của dòng Tiên (chư thiên), và một đằng là sức mạnh biến hóa, thoạt biến thoạt hiện kỳ ảo của Rồng. Thế là, nhân dân Việt Nam đã có ý niệm rất sớm về lịch sử, văn hóa và dân tộc, rất tự hào về truyền thống của dân tộc mình.

Câu chuyện gia đình Rồng - Tiên như là tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc đoàn kết trăm họ khác biệt về dòng dõi và thống nhất các dị biệt giữa các nam nữ, giai cấp, tộc tính để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bốn phương, mạn núi và mạn biển hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử, địa lý của dân tộc giao phó.

Câu chuyện về hôn nhân lịch sử này còn làm nổi bật một triết học, tư tưởng Việt Nam (có từ thời Bách Việt), tương tự với Dịch học từ thời Phục Hy xa xưa của Trung Nguyên (Trung Hoa xưa).

Việt Nam không nói triết lý bằng các ký hiệu và ngôn ngữ khô khan, mà nói bằng sự sống - hay nói khác đi là sống triết lý - bằng ngôn ngữ đời thường: Âu Cơ và 50 người con là biểu tượng của yếu tố Âm (âm tính) lên trấn giữ mạn núi là biểu tượng của dương tính, đây là ý nghĩa “Âm ở trong Dương” (âm trung chi dương); Lạc Long Quân và 50 con trấn giữ mạn biển là biểu tượng của “Dương ở trong Âm” (dương trung chi âm).

Đây là ý nghĩa vận hành sinh hóa của vạn vật, hợp với vận hành của thế giới tự nhiên: thuận với nó thì sinh tồn, nghịch với nó thì tan rã: âm, dương kết hợp để sinh hóa.

Về mặt đạo đức hành xử, Âu Cơ là biểu tượng của các hành động hiền thiện, là nét đẹp của văn hóa; về triết lý hành động, Lạc Long Quân là yếu tố bất biến mà biến hóa: đây là ý nghĩa “tùy duyên mà bất biến”, hay nói như Hồ Chủ tịch chủ trương “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tất cả thuộc thực tại lịch sử như thực, chỉ có con người sinh hóa quyết định lấy số phận của mình, của dân tộc mình, không có sự can thiệp của một đấng siêu nhiên nào (rất khác với Ấn Độ giáo và các quốc gia ở Trung Đông và phương Tây).

Về triết lý xã hội, duy trì trăm họ (trăm con) với các tính cách khác biệt, phản biện, đối kháng vốn có, nhưng đoàn kết nhất trí vì vận mệnh của lịch sử dân tộc, sau này, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập chế độ lưỡng đảng thống nhất trong các nghị viện.

Truyện lịch sử Phù Đổng Thiên Vương 

Câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương là câu chuyện lịch sử pha vào nét thần thoại. Chính nét thần thoại là nghệ thuật của sáng tác văn học, khiến câu chuyện trở nên sinh động và hấp dẫn, nói lên sức mạnh thần kỳ phá giặc xâm lược của Việt Nam. Bài học lịch sử về Phù Đổng là bài học rất giá trị chứa đựng nhiều ý tưởng. Hình ảnh em bé Việt Nam bình dân lớn xổi lên khi nước có biến (giặc Ân) và xông trận dẹp yên giặc là biểu tượng cho lòng yêu nước, cứu nước lớn mạnh nhanh chóng khi quốc gia lâm nguy, như nhân dân Việt Nam qua các thời đại thường nói “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Phù Đổng chém giặc đến gãy kiếm sắt, phải sử dụng các khóm tre làng là ý nghĩa nói lên rằng: sức mạnh dẹp giặc là quần chúng bình dân (khóm tre là biểu tượng của bình dân các thôn xã), đấy là sức mạnh bền vững và là sức mạnh chủ yếu. Phù Đổng là tướng nhà trời được phái đến giúp nhân dân Việt Nam là ý nghĩa cuộc chiến tự vệ của nhân dân Việt Nam, là cuộc chiến chính nghĩa được toàn dân ủng hộ, là cuộc chiến thần thánh.

Phù Đổng dẹp xong giặc liền lặng lẽ biến mất vào lịch sử, không cầu hưởng bổng lộc của triều đình là ý nghĩa lòng yêu nước của nhân dân là tự nhiên, hiển nhiên, vô vụ lợi. Phù Đổng là em bé còn nằm nôi là bài học giáo dục cho thiếu nhi, thiếu niên Việt Nam lòng yêu nước: lòng yêu nước cần được giáo dục từ thời thơ ấu. Đây là truyền thống lịch sử Việt Nam. Tiếng mõ cầu hiền dẹp giặc là ý nghĩa tương tự với Hội nghị Diên Hồng dưới đời Trần (Trần Nhân Tông). Người Việt Nam viết lịch sử không phải chỉ dừng lại ở việc ghi thuần các sự kiện lịch sử, mà còn lồng vào đó rất rõ ràng ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước cho toàn dân của mọi thời đại.

Triều đại nhà Lý (ngót 200 năm) là triều đại rất độc lập, tự chủ của Việt Nam, thuần từ và mạnh mẽ (theo GS. Hoàng Xuân Hãn) phát triển Phật giáo Việt Nam đến cao điểm là quốc giáo: vị quốc sư bấy giờ là Vạn Hạnh thiền sư với sự đóng góp của Khuông Việt Quốc sư và Pháp Thuận Đại sư. Linh hồn của văn hóa, giáo dục Việt Nam thời bấy giờ là văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng nhân ái và tự chủ, tự cường, quét sạch tinh thần nô lệ ngoại bang.

Lý Thường Kiệt là vị tướng tài ba đã chỉ huy đội quân của mình đến thành quả “Bắc thắng Tống, Nam bình Chiêm”. Châm ngôn hành động của vị nguyên soái này vẫn là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, một mặt đưa quân đánh tan lực lượng của quân Bắc đang tập quân để xâm lược Việt Nam; đằng khác, vị nguyên soái đã cho đắp xây các chiến lũy, chiến hào để nghênh địch và đã chiến thắng hơn 10 vạn quân Tống. Cách xử lý của vị nguyên soái vẫn là đại đoàn kết quân, dân và dựa vào thực tế (thực tại) của lịch sử bấy giờ để ứng phó linh hoạt, vẫn là cốt lõi của “Nhân bản thực tại luận”, chỉ dựa vào sức mình (tự lực).

Trần Hưng Đạo: Văn hóa dung hóa 

Vào hạ ban thế kỷ XIII, Tiết chế, Thống chế Trần Hưng Đạo đã lĩnh chỉ vua Trần Nhân Tông hai lần (1285 - 1288) đại phá quân Nguyên Mông, đoàn quân mạnh nhất thế giới thời bấy giờ từng đánh bại nhà Tống (Trung Quốc) và nhiều nước ở châu Âu. Chiến thuật và chiến lược mà Tiết chế vận dụng thời bấy giờ vẫn là: vua, tôi, quân, dân nhất trí đánh giặc; Dùng bất biến (yếu tố đại đoàn kết và mục tiêu thắng giặc) để ứng vạn biến (vận dụng các chiến thuật và thời cơ).

Vua tôi, quan quân nhà Trần đã rời bỏ thành Thăng Long, lui về trấn thủ ở Thanh Hóa, Nghệ An khi thế địch mạnh như vũ bão, chờ lúc quân địch bệnh hoạn vì thời khí và vơi cạn lương thực, nản lòng, mệt mỏi, Tiết chế sai Trần Khánh Dư đốt cháy đoàn thuyền tiếp tế lương thực của Ô Mã Nhi, một mặt thống lĩnh đại quân tổng phản công địch, thắng địch như chẻ tre bằng khoa học quân sự thuần túy của kinh nghiệm Việt Nam. Chiến thắng ấy cơ bản vẫn dựa vào hai điểm tư tưởng: nắm vững tình thế của thực tại chiến trận và bằng trí tuệ, sức lực của mình (sức mạnh của quân, dân) để giải quyết trận chiến. Đây cũng là tư tưởng “nhân bản thực tại luận” của Việt Nam, là tinh thần mở ra nền văn hóa dung hóa (mà không phải tổng hợp) các sáng kiến, sáng chế, sáng tạo (tinh thần vận dụng là tinh thần sáng kiến, sáng tạo).

Tư tưởng này là sản phẩm duy nhất, đặc thù của lịch sử Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

*

Ca dao, tục ngữ và truyện cổ tích tích lũy tư duy, tình cảm, cách sống của nhân dân Việt Nam được tinh lọc qua nhiều thế kỷ; ghi lại quan niệm của nhân dân về nhân sinh, vũ trụ, về tình người, lao động, tâm lý, đạo đức... Kho tàng văn học này thuộc hệ thống giáo dục gia đình mà chiến tranh hay giặc xâm lược không thể tàn phá.

Quan niệm về ông Trời và vũ trụ 


Về gốc của ông Trời và vũ trụ, triết học phương Tây và các nước đã bàn đến rất nhiều. Thẩm quyền xác định thì chẳng ai có. Qua “triết lý quanh đèn”, bình dân Việt Nam xây dựng câu chuyện rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng rất thiết thực, rất người và rất thâm viễn. Truyện kể có ông Trời tạo ra Vũ trụ và con người. Ông Trời thì có bà Trời, gia đình và triều đình như ở thế gian. Sau khi làm ra vũ trụ, ông Trời dùng phần tinh chất của cặn bã còn lại làm ra người. Phần cặn bã nhất thì làm ra loài vật. Trời sai 12 bà mụ nặn ra các hình người, rồi dạy đi, dạy bò, dạy ăn, dạy nói... Trời thấy loài rắn độc ác bèn phán phải chết, còn người thì tốt nên cho thay lốt sống mãi. Nhưng vị thiên sứ bị rắn áp bức, mua chuộc đã truyền lệnh ngược lại: “Rắn già rắn lột”, “Người già người tuột vào săng”. Từ đó con người phải chết, còn rắn thì lột xác sống dai. Do vì trái lệnh nhà Trời, thiên sứ bị đày xuống trần gian làm con bọ hung trong nhà xí.

Câu chuyện trên biểu hiện mấy nét nổi bật: Cái ông Trời và vũ trụ tạo ra thực sự là do con người, nhân dân tạo ra. Nó là những gì như nó đang là. Con người do nhiều yếu tố, điều kiện, nhân duyên tạo thành, mà thực sự không do một đấng siêu nhiên nào tạo ra. Con người có sinh thì có chết, đó là quy luật tự nhiên.

Vũ trụ quan vừa đề cập là cách nhân dân Việt Nam trả con người và thiên nhiên trở về với thực tế, thực tại và từ chối về câu hỏi nguồn gốc: Nếu vũ trụ là thật thì sự thật chính là nó rồi; nếu vũ trụ là không thật, thì không thật là không có gốc, đâu cần có câu hỏi về nguồn gốc. Triết lý của Việt Nam là thế, là tư duy thực tại và tư duy con người: Con người là con người của thực tại, và thực tại là thực tại của con người. Tình người, tình nước non... Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng. Con ơi nhớ trọn lời thề/ Tự do, độc lập không nề hy sinh... 

Triết lý chiếc nôi, hay lời ru của mẹ, bao gồm nhiều ý nghĩa của cuộc đời, người con đủ vốn kinh nghiệm khôn ngoan để sống trọn cuộc đời, nếu không nói là có thể kéo dài kinh nghiệm sống đến cả thiên niên kỷ.

Tình lứa đôi 

Hôm qua tát nước đầu đình/ Để quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu… 

Trai gái hằng ngày lao động vẫn gặp nhau và trao đổi tình cảm rất nhẹ nhàng, rất dân chủ, tự chủ. Người bình dân không tự giới hạn mình trong khuôn khổ luân lý ước lệ của Nho giáo (như tam tòng, tứ đức, hay nam nữ thụ thụ bất thân). Văn học bình dân là văn học của khát vọng tình người, rất dân chủ và rất dân tộc. Nổi bật là câu chuyện tình giữa Chử Đồng Tử và công chúa vốn kén chồng rất trữ tình. Nhân dân đã sắp đặt cho hai người gặp nhau trong một thiên duyên kỳ ngộ, phá đổ thành kiến giai cấp, “môn đăng hộ đối”. Đó là tình yêu giữa hai đầu giai cấp cách biệt của xã hội: yêu là tiếng nói của hai con tim, chân thành, đầy tình người. Đây là tiếng nói rất nhân bản, rất người, rạng rỡ về mặt tư tưởng nhân văn: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, trước cái sống, cái chết, và tình yêu. Đây là ý chí và trí tuệ của nhân dân.

Triết lý hành động 

Ru hời ru hởi là ru/ Bên cạn thời chống, bên su thời chèo. 

Vấn đề là thuyền đi tới (bất biến). Chống hay chèo thì tùy vào chỗ nước nông, nước sâu (tùy duyên, ứng vạn biến). Mục tiêu của hành động thì bám trụ, còn phương tiện hành động thì linh động tùy duyên. Đấy là lý lẽ, kinh nghiệm từ thực tế của thực tại. Người đời sau đó nói mèo trắng hay mèo đen gì cũng được, miễn là bắt được chuột cũng cùng một ý. Thực tại là nguồn sự thật của nhân dân.

Triết lý về hai mặt của thực tại 

Kinh đô cũng có người rồ/ Man di cũng có sinh đồ trạng nguyên. 

Kinh đô là nơi sống của tập thể quần chúng có văn hóa cao, thì ở đấy vẫn không thiếu mặt những người rồ dại. Man di là vùng đất của văn hóa thấp, cũng không thiếu mặt các sinh đồ trạng nguyên. Lời ru nhắc ta nhớ đến một lập luận triết học của Lão Tử rằng: “Thấy cái xấu mà không thấy cái tốt của cái xấu ấy là không thật thấy. Thấy cái tốt mà không thấy cái xấu của cái tốt ấy cũng không phải thật thấy”. Người bình dân Việt Nam cũng thâm trầm như Lão Tử do quan sát kinh nghiệm từ thực tại của cuộc sống. Thực tại quyết định sự thật.

Triết lý về giá trị 

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Hay: Ra đi mẹ đã dặn lòng/ Cam chua mua lấy, ngọt bồng chớ mua. Đây là chân giá trị mà người bình dân chọn: thực chất từ thực tại, của thực tại, mà không phải là các giá trị hình thức của hệ thống luân lý phong kiến.

Trí tuệ của người bình dân cũng rất thiết thực, hiện thực, mà không bị đánh lừa bởi những gì phi thực, siêu thực, xa thực tế. Như ca dao đã viết về chuyện thằng Bờm: Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ Phú Ông xin đổi một xâu cá mè/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi/ Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười! 

Nắm xôi là vừa phải với giá trị cái quạt mo. Bình dân rất điềm tĩnh và sáng suốt nhìn thấy chân giá trị của từng sự vật, hiện tượng.

II. TƯ TƯỞNG NHÂN NGHĨA 

Kho tàng văn chương bác học Việt Nam hẳn nhiên là phong phú, thâm trầm, sâu lắng, bay bổng và trí tuệ. Trong phần biên khảo giới hạn này, chỉ đề cập đến ba nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam được thế giới ngày nay ca ngợi, đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh. 

1. Nguyễn Trãi - Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân 

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) xuất hiện trong lịch sử Việt Nam như là một mẫu người toàn diện và điển hình. Ở Nguyễn Trãi, có thể bắt gặp tình người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam và trí tuệ Việt Nam. Sau thế kỷ XV, các nhà trí thức Việt Nam xưng Người là nhà yêu nước vĩ đại, nhà tư tưởng, văn hóa lỗi lạc, nhà chiến lược tài tình, nhà ngoại giao tài giỏi, nhà thơ lớn của thời đại... Thế giới hôm nay gọi Người là một nhà văn hóa, một nhân cách lớn của thời đại. Người viết khảo luận này thì nhìn toàn bộ cuộc đời của Người như là một tòa kiến trúc Việt Nam đẹp đẽ, hùng vĩ, và hân hoan chiêm ngưỡng từng góc cạnh. Càng chiêm ngưỡng càng cảm xúc, nghe như từ lâu đài ấy có cung đàn Việt Nam vang vọng khôn nguôi.

Theo Văn học Việt Nam, Tân Việt, Sài Gòn, 1960, Nguyễn Trãi có rất nhiều trước thuật và sáng tác như: Bình Ngô Đại Cáo (còn nguyên bản), Giao Tự đại lễ (đã mất), Luật Thư (đã mất), Nguyễn Trãi Thi Văn Di Cảo (đã mất),Quân Trung Từ Mệnh Tập (42 bài thư từ giao thiệp với quân Minh: Còn), Thạch Bàn Đồ (đã mất), Ức Trai Địa dư chí (còn), Ức Trai Thi Tập (105 bài thơ chữ Hán: Còn), Ức Trai Di Tập(còn), Ngọc Đường Di Cảo (không còn), Gia Huấn Ca (văn nôm: còn), Bài thơ nôm Tự Thán (còn), Bài thơ nôm Hỏi Thị Lộ (còn), Bài thơ nôm Chợ Trời (còn), Quốc Âm Thi Tập (254 bài: còn). Nay chỉ tìm hiểu tư tưởng nhân nghĩa qua bản hùng văn đầy tinh ba Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, bản hùng ca mà như vắt ra hết tim óc của nhà yêu nước, thương dân vĩ đại.

Nguyễn Trãi quan niệm nhân nghĩa, hay tình người là chủ trương sống vì hạnh phúc, hiền thiện, an cư lạc nghiệp của nhân dân của mọi giai tầng xã hội trong cùng một nền văn hiến, ngôn ngữ, lãnh thổ và phong tục tập quán: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước vì khử bạo. Đó là quy định tự nhiên của xã hội, lịch sử. Không dân tộc nào có quyền nhân danh bất cứ quyền năng nào để xâm phạm bờ cõi, văn hóa dân tộc khác. Đó là giá trị của con người, quyền sống của con người như là thiên lý cần được xã hội tôn trọng. Đi ngược, hay vi phạm, giá trị ấy là vi phạm công lý, là bạo ngược cần được trừ khử. Thế nên, các lần Hán, Đường, Nguyên, Tống xâm lược đều thất bại đắng cay. Bởi thế, Lưu Công tham công mà phải thua/ Triệu Tiết muốn lớn càng mau mất/ Toa Đô đã bị bắt ở cửa Hàm Tử/ Ô Mã phải chết ở sông Bạch Đằng/.../Thần, người đều căm giận/Trời, đất chẳng dung tha.

Tư tưởng về quốc gia 


Nguyễn Trãi có ý niệm, tư tưởng về quốc gia rất sớm, trước cả phương Tây. Quốc gia bao gồm ba yếu tố cơ bản: Lãnh thổ, dân tộc và chính quyền. Về lãnh thổ, Bình Ngô Đại Cáo viết: “Non nước, bờ cõi đã khác”. Về dân tộc thì: “Bắc, Nam phong tục đã riêng”. Nói đến phong tục là bao hàm cả hiến chế, văn hóa, truyền thống. Về chính quyền thì: “Đế bá tranh hùng cùng Hán, Đường, Nguyên, Tống”. Đấy là quan niệm về quốc gia có giá trị lịch sử rất cao.

Tư tưởng yêu nước 

Tư tưởng yêu nước, theo Nguyễn Trãi, là yêu dân, trung hiếu với dân, khác hẳn với tinh thần trung, hiếu của Nho học phương Bắc. Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng yêu nước, hiếu trung mà Nguyễn Phi Khanh đã dạy: “... rửa thẹn cho nước, trả hận cho nhà mới là đại trung đại hiếu”. Ở đây, ý tưởng thể hiện rõ: Vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân là yêu nước, là tình người Việt Nam.

Nguyễn Trãi trọn đời thao thức vì xứ sở, nhân dân, mà không vì quyền lợi của họ Trần, họ Hồ, hay họ Lê, cũng không vì danh vọng, địa vị của bản thân. Trước sự suy sụp của Mạt Trần, Nguyễn Trãi viết: Họ Trần cậy mình giàu mạnh, mặc dân khốn khổ,/ Quên hẳn thiên hạ lớn lao, chẳng hề đoái nghĩ,/ Nhân dân oán ghét mà không biết, lòng trời khiển trách mà chẳng kinh./ Chánh giáo do đó mà suy đồi, kỷ cương do đó mà rối loạn. Với nhà Hồ, Nguyễn Trãi nói: Gần đây, nhân: Họ Hồ ngang ngược,/ Lòng người căm hờn./ Quân Minh thừa dịp hại dân,/ Đảng ngụy manh lòng bán nước./ Hơ lũ đầu đen trên lửa bỏng,/ Đẩy phường con đỏ xuống hang sâu. 

Yêu nước là cứu nước cứu dân lúc bị xâm lược, xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục lúc thanh bình, lo cho quần chúng an cư lạc nghiệp, vĩnh kiếp thoát khỏi cảnh khốn cùng của nô dịch: Máu mỡ dân chúng nay xây mai dựng/ Chốn châu lý nặng nề sưu dịch;/ Trong xóm làng quạnh vắng cửi canh./ Múc cạn nước Đông hải dễ mà rửa sạch tanh nhơ,/ Đẵn hết trúc Nam Sơn chẳng đủ biên ghi tội ác. 

Các đoạn của bản cáo văn thắm thiết tình tự dân tộc, cháy rực lòng yêu nước, yêu dân, chỉ cốt mong: Xã tắc từ nay vững yên,/ Non sông từ nay đổi mới./ Càn Khôn đã bỉ mà lại thái,/ Nhật nguyệt đã mờ mà lại trong./ Đặng mở nền thịnh trị muôn năm./ Đặng rửa vết thẹn thùng nghìn thuở”. 

Tâm hồn ấy của Nguyễn Trãi, như nhiều nhà nghiên cứu đã ghi, và như lịch sử đã phô bày, là tuyệt đẹp, thừa hưởng được di sản của văn hóa Phật giáo Lý, Trần, thừa hưởng di truyền của bố mẹ chân tình, thanh cao, thừa hưởng lòng yêu nước, từ bi, trí tuệ của ông ngoại Trần Nguyên Đán, và đặc biệt là di sản văn hóa của dân tộc bùng cháy trong cảnh ly loạn của dầu sôi, lửa bỏng. Đấy là tâm hồn của nhân bản thực tại lịch sử.

Cuộc đời, sự nghiệp và tư duy của Nguyễn Trãi đã để lại nhiều tư tưởng, triết lý sâu sắc của Việt Nam. Con người Việt Nam trước hết phải là con người của độc lập, tự do, hạnh phúc đáng được tôn trọng, phụng sự. Con người đó gắn chặt với xã hội Việt Nam, biết quên mình chống giặc ngoại xâm, biết kham nhẫn, hiếu học, cần mẫn hoàn thiện bản thân, phát triển kiến thức văn hóa, xã hội, chính trị và quân sự. Nói khác đi, con người Việt Nam là của xã hội Việt Nam, phụng sự xã hội Việt Nam; Xã hội Việt Nam là của con người Việt Nam, phụng sự con người Việt Nam. Chỉ có thế, mà không có vấn đề siêu hình nào khác. Đây quả nhiên là tư tưởng “Nhân bản thực tại luận”.

2. Hồ Chí Minh - Tổ quốc trên hết 

Không thể có biên khảo giới hạn nào ghi trọn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cứu nước của Hồ Chí Minh (1890 - 1969) - nhà yêu nước vĩ đại, nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất thế kỷ XX của Việt Nam. Người viết biên khảo ngắn này, với cảm nhận riêng của mình, chỉ lược ghi những tư tưởng đặc thù và tiêu biểu nhất của Người về đất nước Việt Nam.

Kết nối dân tộc và nhân loại 


Năm 1926, 36 tuổi, đang ở hải ngoại, Người đã vạch ra 12 điều của một mẫu mực cách mạng đặc sắc, trong đó điểm thứ nhất và thứ hai nói rằng: “Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại”; “Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm Tổ quốc trên hết ở mọi nơi và mọi lúc”. Đấy là cuộc cách mạng của Việt Nam, và là của chung các dân tộc bị trị. Tư tưởng của Người kết nối dân tộc và nhân loại. Đó là tư tưởng nhân bản, nhân đạo ở cao đỉnh. Đó là tư tưởng ở đầu nguồn sáng tạo. Hệ quả của tư tưởng sáng tạo này là sự trỗi dậy mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam dẫn đến chiến thắng Pháp - Điện Biên Phủ - năm 1954, chiến thắng Mỹ năm 1972, và chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm1975, thống nhất đất nước. Đó là sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh: Yêu người, yêu nước, yêu hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là cốt lõi của tư tưởng Việt Nam cận đại và hiện đại.

Chủ trương cách mạng 

Lời nói đầu của bản Hiến pháp 1946 viết: “Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền Dân chủ cộng hòa”. “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Điều 1 của Hiến pháp ghi: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều 6 ghi: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hóa”. Điều 9 ghi: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng…”.

Tại đây, có một quyết định rất mới mẻ, rất quan trọng với xã hội Việt Nam ngày nay là xã hội Dân chủ thay thế cho chế độ phong kiến của nhiều nghìn năm qua, mở ra hướng mới của lịch sử dân tộc. Đây là một sáng tạo của lịch sử, vẫn mang tính truyền thống dân tộc: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và thực hiện đại đoàn kết dân tộc sâu rộng, thực hiện quyền sống của con người rất người.

Các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, và 2013 vẫn giữ nguyên nét căn bản này, giữ nguyên tiếng nói nhân bản và thực tại của Việt Nam, điều mà sinh thời Nguyễn Trãi và Nguyễn Du hằng mong muốn.

Vì hạnh phúc của nhân dân 

Hồ Chí Minh tuyên bố: “Giữ gìn đại đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, vì đó là sức mạnh để giữ nước và dựng nước. Người cũng bảo: “Độc lập, tự do mà nhân dân không ấm no hạnh phúc thì phỏng có ích gì”.

Điểm cội gốc của nhân bản, dân tộc, vẫn là hạnh phúc của người dân, của con người. Đây là tinh hoa tư tưởng của Người, của các hoạt động cách mạng. Thế nên, dưới tên nước Việt Nam luôn là hàng chữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Châm ngôn hành động 

Thực tại cuộc sống là trôi chảy, luôn biến động, thay đổi không dừng nghỉ nên tinh thần hành động thích đáng để giữ nước và dựng nước mãi mãi phải là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, hay “tùy duyên nhi bất biến”, như nội dung cẩm nang mà Hồ Chí Minh đã để lại cho Huỳnh Thúc Kháng trước lúc rời Việt Nam đi Pháp đàm phán. Đây là hành động truyền thống của Việt Nam mà ta có thể nói đó là trí tuệ Việt Nam. Trí tuệ này sẽ được các thế hệ cách mạng tiếp nối Hồ Chí Minh kế thừa với khẩu hiệu mới là liên tục đổi mới tư duy, đổi mới, đổi mới và đổi mới. Hẳn là các thế hệ kế thừa sẽ tiếp tục thành công chừng nào phát triển mạnh được văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, khắc phục được các tiêu cực xã hội và vượt qua được cuộc khủng hoảng vì ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Không thể có công trình biên khảo nào ghi hết được sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, bởi vì có quá nhiều sự kiện không thể nói hết được, không thể nghĩ được, như thuật ngữ người xưa dùng là “bất khả thuyết”, “bất khả tư nghì”. Năm Người 21 tuổi, tay trắng với vốn liếng văn hóa ít ỏi mà anh dũng lên tàu tìm đường cứu nước và đã thành công. Ở Pháp một mình nghèo túng mà vẫn gia nhập được đảng Xã hội Pháp, rồi Tam điểm. Rồi tiếp tục gia nhập đảng Cộng sản quốc tế thành nhân vật lãnh đạo quốc tế. Một mình về nước gây dựng được đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện rất hạn chế. Tay không, nghèo khó mà thắng Pháp (sau 9 năm kháng chiến), thắng Mỹ (sau 21 năm). Tất cả đều bất khả thuyết, bất khả tư nghì.

Điều mà người viết chỉ có thể nói là: Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng Việt Nam đầy sáng tạo, là một anh hùng dân tộc chói sáng của thế kỷ XX và trong lịch sử giữ nước, dựng nước của Việt Nam. Hy vọng Hồ Chí Minh sẽ là người mở đầu một truyền thống mới của Việt Nam mà tựu trung tư tưởng vẫn là nhân bản - thực tại.

3. Tư tưởng Nguyễn Du 

Nguyễn Du (1766 - 1820) là đại thi hào của Việt Nam, vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, là người đặt nền móng cho văn học hiện đại Việt Nam, là tác giả của kiệt tác thi ca lục bát Truyện Kiều, đã được tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học (UNESCO) của Liên Hiệp Quốc ca ngợi, liệt vào hàng danh nhân văn hóa thế giới. Cụ là người có kiến thức uyên bác về Tam giáo (Phật, Lão, Nho), rất mộ Phật, đã đọc kinh Kim Cương thuộc hệ Bát Nhã (Trí Tuệ) đại thừa Phật giáo đến cả nghìn lượt - như Cụ đã viết: “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh”. Sinh thời, Cụ đã đi lại nhiều nơi trong nước, thấu rõ nỗi khổ của nhân dân giữa thời phân hóa ly loạn của Việt Nam ở thế kỷ XVIII, vì thế tiếng nói thi ca của Cụ in đậm tình người, ngát hương nhân bản, rất Việt Nam. Trong phần biên khảo nầy, người viết khảo sát tư tưởng của đại thi hào chỉ qua Truyện Kiều.

Phá đổ các quan niệm lỗi thời của nền văn hóa cũ chịu ảnh hưởng của phương Bắc 

Về cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng lần đầu, sau ngày du Xuân, Cụ cảm tác:

“Nàng rằng: “Gió bắt, mưa cầm,
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy.
Vắng nhà được buổi hôm nay,
Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng!”
Lần theo núi giả đi vòng,
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
Xắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.
Mặt nhìn mặt, càng thêm tươi,
Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên.
Sánh vai về chốn thư hiên,
Ngâm lời phong nguyệt, nặng nguyền non sông.
Trên yên, bút giá thi đồng,
Đạm thanh một bức tranh tùng treo lên.
Phong sương đượm vẻ thiên nhiên,
Mặt khen nét bút càng nhìn càng tươi.
Sinh rằng,: “Phác họa vừa rồi.
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa”.
Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
Khen “tài nhã ngọc phun châu,
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này!”
 (Câu 385 - 406)

Cuộc gặp gỡ phá đổ ngay nền văn hóa cũ chịu ảnh hưởng Nho giáo phương Bắc, nền văn hóa trói buộc con người trong phạm trù giá trị của Trung, hiếu, tình, nghĩa ước lệ, đặc biệt là trói buộc nữ giới với “tam tòng”, “tứ đức”, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Bước đi của Kiều, người giỏi cả cầm, kỳ, thi, tửu, họa, là bước đi của cách mạng văn hóa, xây dựng nền văn hóa dân chủ, đầy tình người, đầy nhân bản. Đây là tư tưởng nhân bản lớn của Việt Nam, thế kỷ XVIII.

Bên cạnh đó, Cụ quan niệm con người chỉ có một con tim trong sáng, một tấm lòng chân thật, con tim đó hướng về bố mẹ thì gọi là hiếu, hướng về nhân dân đất nước thì gọi là trung, hướng về người yêu (lứa đôi) thì gọi là tình, hướng về anh em thì gọi là đễ, hướng về láng giềng thì gọi là nghĩa, hướng về con người (tha nhân) thì gọi là nhân. Thế nên, với Kiều lúc bán mình chuộc cha thì Cụ viết:

“Như nàng lấy hiếu làm trinh,
“Bụi nào cho đục được mình ấy vay”.
 (Câu 3119 - 3120)

Tư tưởng của Cụ giải phóng con người ra khỏi ràng buộc của chữ Trinh chật hẹp, ra khỏi nghĩa ước lệ của Trung, hiếu, tình, nghĩa của Nho học, ra khỏi các bi kịch do quan niệm chật hẹp của văn hóa cũ gây ra.

Công bằng mà nói, đó là tư tưởng xứng đáng với giải “Nobel”, đầy nhân ái, đầy tình người.

Ngậm ngùi trước thân phận con người giữa cuộc bể dâu 

Không phải chỉ một mình Kiều, một mình nhan sắc tài ba, chịu kiếp đoạn trường, mà mọi người ở đời, nhất là các kẻ tài ba, đều thế. Hãy lắng nghe những vần thi tiêu biểu nầy:

“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
 (Câu 1 - 2)
“Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời kia quen thói má hồng đánh ghen”.
 (Câu 5 - 6)
“Phận hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng Xuân thoắt gãy cành thiên hương”
. (Câu 65 - 66)
“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
. (Câu 83 - 84)
“Rằng hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạch mệnh có chừa ai đâu”
. (Câu 207 - 108)
“Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”
. (Câu 415 - 416)
“Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”
. (Câu 2659 - 2662)

Cuộc đời nếu được nhìn kỹ thì là khổ đau như Phật giáo đã nói: “đời là bể khổ”. Tất cả là do nghiệp lực mỗi người tạo ra trong quá khứ để hình thành cái thân vật lý và tâm lý nầy, và do các hành động thân, miệng, ý ta tạo ra trong hiện tại hiện hành ra các kết quả hiện tại. Không có bàn tay siêu nhiên nào can thiệp vào cả. May mắn, mọi người đều có nguồn thiện tâm, nếu trang trải cho đời nguồn thiện tâm nầy thì đời sẽ vơi đi nhiều khổ đau. Cụ Nguyễn Du tin vào giáo lý Nghiệp nầy và đã viết lời cắt nghĩa:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
. (Câu 3249 - 3252)

Đây là tư tưởng nhân bản cổ súy mọi người hành thiện, xây dựng văn hóa hành thiện. Cũng là ý nghĩa ở đây chỉ có nhân bản và thực tại do con người xây dựng, gạt ra khỏi văn học Việt Nam các thuyết “thiên mệnh”, “định mệnh”, “hồng nhan bạc mệnh” hay “tài mệnh tương đố”.

Tòa án nhân dân đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam 

Xã hội phong kiến bệ rạc sản sinh ra các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, tứ đổ tường, buôn bán người, buôn bán nô lệ, vị kỷ và nhiều mục nát khác. Cụ Nguyễn Du rất quan tâm đến các hiện tượng tiêu cực đó đã gây thêm sóng gió cho cuộc bể dâu, Cụ đã để Từ Hải mở một tòa án nhân dân tượng trưng để xử lý, xử án rất công chính: trong tòa án này, Kiều là nạn nhân của xã hội ấy trở thành quan tòa (chánh án) để tuyên án. Các tội nhân lần lượt ra hầu tòa. Với Hoạn Thư với tâm độc địa, (giữa khi Hoạn Thư sợ hãi xanh mặt), Kiều phán:

“Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.
Đã lòng tri quá thời nên,
Truyền quân lệnh xuống, trướng tiền tha ngay”
 (Câu 2375 - 2378)

Với các người khác như Bạc Hạnh, Bạc bà, các loài Ưng Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà cùng Mã Giám Sinh, Kiều phán:

“Nàng rằng: ‘lồng lộng trời cao!
Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta!
Trước là Bạc Hạnh, Bạc bà,
Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh;
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Các tên tội ấy đáng tình còn sao?
Lệnh quân truyền xuống nội đao,
Thế sao thì lại cứ sao gia hình.”
 (Câu 2381 - 2388)

Với Cụ, xã hội an bình, công chính, lương thiện mới đúng là xã hội con người đúng nghĩa, nhân ái, nhân bản, đáp ứng được mong chờ của các độc giả Việt Nam của mọi thời đại: rất người và rất nhân bản. Xã hội Việt Nam là thế, phải xây dựng như thế trên nền tảng giá trị con người, hạnh phúc, an lạc của con người, của mọi người. Đây có lẽ là tâm sự của Nguyễn Du, cái tâm sự mà Nguyễn Du hồ nghi không biết đời sau có người chia sẻ không:

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” 


Triết lý Việt Nam chỉ có một chữ Người, và thực tại con Người sống với.

III. TRIẾT LÝ CÁI NHÌN 

Nhìn là cái gì rất quen thuộc với chúng ta. Nó cũng rất xa lạ. Có lúc nó hiện ra như là một dòng thác lũ nhấn chìm người nhìn vào phiền não. Có lúc nó khơi dậy những nét đẹp của cuộc sống, sự thật và hạnh phúc. Nó trở nên bí mật giấu kín các bí mật của cuộc đời. Nó gây kinh ngạc. Có khi nó là sự kinh ngạc, sáng tạo.

Thông thường, nhìn là mắt nhìn với sự hoạt động của ý thức. Tương tự đối với tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Nói nhìn là nói đến nội dung của cái nhìn: cái thấy. Cái thấy tác động đến người nhìn, đối tượng nhìn và tỏa rộng ra. Hầu như thế giới mà ta đang thấy là thế giới của cái nhìn, mà không phải là thế giới tự thân.

Ca dao Việt Nam đã từng nói tâm trạng của người nhìn phủ lên sự vật:

- “Chiều chiều ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai”

- “Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.” 


Cái nhìn của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì thông thái mà ngậm ngùi:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” 


Ôn Như Hầu, thời Lê - Trịnh, thì nhìn thấy một hoàn cảnh nghịch lý của người cung nữ:

“Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mãnh vũ y lạnh ngắt như đồng.
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.” 


Các thiền sư Việt Nam thì nhìn đời một cách minh triết và trí tuệ mà người viết đã từng đề cập như “Cư trần lạc đạo phú” của Điều Ngự Giác Hoàng.

Carl Jung, một nhà phân tâm học nổi tiếng của thế kỷ XX đã nói: “Bao giờ cái nhìn của bạn cũng bị giới hạn bởi những gì bạn đang có và đang là” - như định kiến, thương, ghét, trình độ, văn hóa, kiến thức, điều kiện tâm sinh vật lý v.v. - Chẳng hạn, cùng một vùng đất mà nhà kinh tế thì thấy thuận lợi cho vấn đề phát triển kinh tế; nhà quân sự thì thấy có vấn đề đối với an ninh quốc phòng; nhà môi trường thì thấy đó là một vùng bị đe dọa nhiều bởi biến đổi khí hậu... Các nhà chuyên môn đánh giá khác nhau về cùng một sự vật.

Kinh nghiệm sống thường nhật của người dân thì nhìn thấy rằng:

Có những cái nhìn gây thiện cảm, có những cái nhìn gây ác cảm;

- Có những cái nhìn khiến người khác lúng túng, sợ hãi, có những cái nhìn an lành, đầy khích lệ;

Người dân cũng phát biểu rằng: người khác phái không trói buộc người nhìn, mà chính cái nhìn của người nhìn trói buộc họ đưa đẩy đến cảnh “ngồi tù trong đáy mắt ai”.

Các nhà tâm lý giáo dục của thế kỷ XX thì quả quyết: phần lớn các rối loạn tâm lý của mỗi người là do cái nhìn sai lệch của người ấy, mà không phải do hoàn cảnh hay tha nhân. Người ta đã đánh mất 90% năng lượng đời sống do cái nhìn sai lệch gây ra. Thật đáng suy ngẫm! Phải chăng cái nhìn cần được giáo dục và huấn luyện từ tuổi trẻ? Phải chăng cái nhìn là nghệ thuật sống liên hệ đến khổ đau hay hạnh phúc, đến an vui hay phiền não?

Đấy là triết lý của cái nhìn. Trước khi khép lại đoản văn này, người viết muốn giới thiệu đến bạn đọc một cái nhìn biểu trưng của Phật giáo.

Kinh Pháp Cú (Nam tạng Phật giáo):

“Hãy nhìn như bọt nước
Hãy nhìn như ảo cảnh
Hãy nhìn đời như vậy
Thần chết không bắt gặp.”
 (Dhp. 170)
            (Thoát khỏi thần chết: Thoát khỏi khổ đau)

Kinh Kim Cương (Bắc tạng Phật giáo):

Bản kinh này dạy để có trí tuệ giải thoát khỏi phiền não khổ đau đã kết thúc với bài kệ bốn câu (người viết dịch):

“Nên khởi lên cái nhìn
Thấy các pháp hữu vi (vạn hữu)
Là như mộng, huyễn, bọt nước
Như sương mai, như ánh chớp”. 


Tác dụng của cái nhìn này sẽ rất diệu vợi, siêu vượt cả triết lý.

IV. TIẾNG HỐNG SƯ TỬ CỦA CÁC THIỀN SƯ VIỆT NAM 

Văn bút thi kệ của các thiền sư Việt Nam rất tuyệt vời: giải thoát thì bay cao, khí phách thì ngang dọc, thi vị thì thâm trầm.

1. Khuông Việt Quốc sư (thời Lê Đại Hành) 

“Thủy chung vô vật diệu hư không
Hội đắc chân như thể tự đồng”

Huệ Chi dịch:

“Sau trước có gì đâu!
Hư không mới nhiệm mầu.
Chân như, bằng hiểu được,
Tâm thể cũng như nhau.” 


(Thơ Văn Lý Trần, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, Tập I, tr.210).

Ý thơ: 

Vũ trụ vô thỉ vô chung (không có trước sau), chỉ có thực tại (cõi hư không mênh mông) mới nhiệm mầu: vạn hữu từ đó mà có, và quy luật của vạn hữu cũng vậy. Nếu nhìn từ sự thật như thật (chân như, bản thể), thì vạn hữu đều như nhau, đều có chung một tâm thể, hệt như một giọt nước biển cũng có đầy đủ tính chất nước biển của biển nước. Từ nhận thức nầy mà có chủ trương bình đẳng giữa mọi giai cấp, mọi người, bình đẳng trước cái sống, cái chết, tình yêu và pháp luật. Đây là một tư tưởng lớn, là tiếng hống của sư tử đầy uy lực!

2. Sư Pháp Thuận (thời Lê Đại Hành và thời Lý) 

Sư được Lê Đại Hành quý trọng và phong tước là Pháp sư, và mời làm cố vấn quan trọng. Khi sứ Tàu là Lý Giác (một Phật tử) qua Việt Nam, sư được nhà vua cử làm người lái đò đưa Lý Giác vào thành bằng đường sông. Thấy hai con ngỗng trời đang lội, Lý Giác bèn buộc miệng ngâm: “Nga, nga, lưỡng nga nga/ Ngưỡng diện hướng thiên nha” (Ngỗng kia! Ngỗng một đôi/ Ngưỡng cổ nhìn chân trời). Pháp Thuận bèn ngâm tiếp: “Bạch mao phô lục thủy/ Hồng trạo bãi thanh ba” (Nước xanh bày lông trắng/ Sóng biếc chân hồng bơi).

Thật là tuyệt vời hai vần thơ tiếp vận của Pháp Thuận!

Rất thi vị (đầy hình ảnh và màu sắc) và đầy ý vị (ngỗng trắng chỉ Lý Giác, cư sĩ/ chân hồng chỉ áo hồng tu sĩ Pháp Thuận). Tài thi phú đến thế cũng là tiếng hống sư tử làm rúng động lòng Lý Giác!

(Thơ văn Lý Trần, ibid., tr.202).

3. Tuệ Trung thượng sĩ (thời Trần Nhân Tông) 

Một lần, một môn Tăng hỏi Thượng sĩ: “Bạch Thượng sĩ, tôi cho rằng sống, chết là việc lớn. Nó vô thường và mau lẹ. Chưa rõ tấm thân này từ đâu sinh ra? Chết rồi sẽ đi về đâu?” Thượng sĩ đáp:

“Đôi vành luân chuyển giữa bầu trời,
Biển cả lo gì bọt nước trôi.”

(Thơ văn Lý Trần, ibid, Tập II, tr.317).

Ý của Thượng sĩ là: giữa biển sinh tử mênh mông, bao la nầy, thì chuyện sống, chết chỉ là cái bọt nước nổi trôi, có gì phải bận tâm. Người dạy hãy trở về chính mình mà thấy đạo, giúp đời, đừng có bận tâm gì đến tư duy, triết lý vụn vặt! (như Người từng dạy trong “Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục”). Người xem sống chết nhẹ như hạt bụi hồng. Đấy là cái khí uy dõng của một thiền sư, một tướng lãnh đã ba lần hăng hái đánh giặc Nguyên.

4. Thiền sư Vạn Hạnh (thời Lý Công Uẩn) 

Sư là vị Quốc sư đầu nhà Lý, đã có công giáo dục Lý Công Uẩn thời trẻ, góp ý Lý Công Uẩn đăng quan (lên ngôi báu) và di đô về Thăng Long.

Trong bài “Thị đệ tử” (bảo các đồ đệ) sư viết:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”

Ngô Tất Tố dịch:

“Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.” 


(Thơ văn Lý Trần, ibid., Tập I, tr.218).

Dòng sống là dòng chảy vô thường: có rồi không, được rồi mất, thịnh rồi suy. Các đệ tử cần giác tỉnh mà yêu đạo và yêu đời, làm các Phật sự, lòng hãy dừng dao động, sợ hãi. Cái nhìn đời như thế này là cái nhìn oai dũng của sư tử nhìn muôn thú. Trí tuệ thay!

T.C.T
(TCSH334/12-2016)

Các bài mới
Các bài đã đăng