Phê bình - Nghiên cứu
“Huế ngày ấy”, một tiểu thuyết chân thực & sinh động
09:42 | 14/03/2017
Được biết, tác phẩm sắp được Nxb. Văn học tái bản. Tôi nghĩ, lúc đó, nếu như các khoa Văn - Sử của các trường thuộc Đại học Huế, Thư viện Huế và Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức đọc và giới thiệu “Huế ngày ấy” thì đây chắc chắn sẽ là một sinh hoạt văn hóa rất có ý nghĩa, không chỉ với Huế…
(Đọc tiểu thuyết “Huế ngày ấy” của Lê Khánh Căn, Nxb. Quân đội nhân dân, 2006).
“Huế ngày ấy”, một tiểu thuyết chân thực & sinh động
1. Mở sách
 
Vậy là cuốn sách ra đời 10 năm mới đến tay tôi! Sự kiện được miêu tả trong tiểu thuyết còn “xa lắc” hơn nữa: tròn 70 năm! Điều đáng nói hơn nữa: tác giả lại là người thân quen với tôi và tiểu thuyết viết về Huế, vùng đất tôi gắn bó nhiều năm; hơn nữa, lâu nay nhiều bạn văn ở Huế vẫn “khen” tôi là người chịu khó đọc và cũng chịu khó viết giới thiệu sách.
 
Nói những điều “ngoài lề” này để chứng tỏ là trong thị trường sách phong phú hiện nay, với cách quảng bá văn học bất cập và nhất là chiều theo các “thương hiệu” ăn khách thì không ít tác phẩm có giá trị bị chìm khuất trong các kho sách và có thể dần biến mất theo thời gian.
 
2. Vài nét về tác giả
 
Nhắc tên “Lê Khánh Căn” hẳn không ít bạn đọc thấy “lạ lẫm” (có lẽ cũng vì thế mà cuốn sách ít được bạn đọc để ý đến!) nhưng nếu nói ông có vợ là ca sĩ - nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân (1932 - 2008) nổi tiếng với bài hát “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ thì nhiều người sẽ “À…” một tiếng, vẻ ngạc nhiên lẫn thú vị. (Thời nghe - nhìn lên ngôi mà!)
 

Lê Khánh Căn và Tân Nhân
 
Lê Khánh Căn (1927 - 1990) quê Hà Tĩnh, nhưng gắn bó nhiều với Huế, từ tuổi học trò đến bước đầu tham gia cách mạng. Là cháu nội cụ Lê Quý Bác (cử nhân nho học - Tham tri Bộ Lễ thời Nguyễn) và là con trai bác sĩ Lê Khánh Đồng - người từng là Giám đốc Bệnh viện Liên Khu IV thời chống Pháp, về sau là Viện phó Viện Đông Y (Bộ Y tế), Lê Khánh Căn được vào Huế học từ nhỏ, trưởng thành từ Trường Quốc Học Huế, được Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu giới thiệu vào Đảng, rồi trở thành bí thư chi bộ hai trường Quốc Học - Đồng Khánh; sau khi “vỡ mặt trận Huế”, anh ra Việt Bắc làm việc ở Ban Tuyên huấn, có lúc là thư ký cho đồng chí Tố Hữu - nhắc cái “chức vụ” này vì ít lâu sau, chính nhà thơ làm “ông mối” và tổ chức đám cưới Lê Khánh Căn - Tân Nhân và sau nữa, họ trở thành thông gia với nhau! Sau Hiệp nghị Genève, ông về làm báo Nhân Dân nhiều năm với bút danh Hồng Chuyên, rồi phụ trách Đài Phát thanh Giải phóng… Như thế, Lê Khánh Căn là nhà báo “chính hiệu”, không ai ngờ ông viết văn. “Huế ngày ấy” là tác phẩm đầu tay và cũng là duy nhất của ông!
 
3. “Huế ngày ấy” đã ra đời như thế nào?
 
Lê Khánh Căn được “di truyền chữ” (cụm từ của nhà thơ Ngô Minh), những năm học ở Huế mê say văn học lãng mạn Pháp, lại sống giữa miền “Đất Thơ” nên cũng ôm mộng văn chương như hầu hết thanh niên học sinh thời đó. Tưởng là đời cán bộ chính trị bận rộn và nghiệp báo đã mãi cuốn anh vào công việc thời sự. Nhưng không! Trong cuốn sách “Thời gian không phai mờ” (Tập tiểu luận - chân dung, Nxb. Văn học, 2016) nhà văn Trương Nguyên Việt (còn có bút danh là Châu La Việt), khi viết về tiểu thuyết “Huế ngày ấy” đã cho biết:
 
“…Cái mộng văn chương như mối tình đầu hồ dễ mấy ai quên. Chính vì thế mà vào những năm 60, ở Tòa soạn báo Nhân dân 71 Hàng Trống, đêm ngày ông cầm bút viết báo, nhưng cứ đến buổi trưa được nghỉ 1-2 tiếng, ông lại lặng lẽ đóng chặt cửa phòng, miệt mài viết… văn. Bản thảo “Huế ngày ấy” của ông bắt đầu hình thành từ những ngày ấy… trên những trang giấy một mặt, mà mặt kia là các bản tin của Thông tấn xã Việt Nam đã sử dụng, còn bút mực là bút mực của học sinh, mực tím thường phai nhòe các trang giấy… Viết cho tới một ngày, đất nước chiến tranh ác liệt, ông được lệnh khoác ba lô, giã từ các trang văn để đi vào chiến trường Trị Thiên Huế…
 
40 năm trôi qua… giấy đã ố vàng, mọt đục nhiều trang viết tưởng như không đọc được nữa. Nhưng may thay, những hồn chữ thì không phai nhòa. Từ chồng bản thảo vượt thời gian đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, với trực tiếp là biên tập viên Nguyễn Bình Phương(*), đã khôi phục lại từng con chữ…”.
 
Nhờ thế mà hôm nay chúng ta có “Huế ngày ấy” dày gần 700 trang - một tiểu thuyết sử thi “chính hiệu” như… nhà báo Hồng Chuyên “chính hiệu” vậy!
 
Có một chi tiết, tưởng cũng cần nói thêm: Trương Nguyên Việt (Châu La Việt) là “kết quả” mối tình đầu trắc trở giữa nhạc sĩ - thi sĩ Hoàng Thi Thơ tài hoa và Tân Nhân do những biến động thời cuộc không ai lường trước được! “Huế ngày ấy” khép lại ở trang 663, với nỗi day dứt của Vân về Long - một trí thức Huế đến với cách mạng trên “con đường đau khổ” mà cô từng yêu: “Long bây giờ ở đâu? Liệu có ai biết đích xác hay không?” Một cuộc tình dang dở, một bộ tiểu thuyết trường thiên mới có chặng đầu, nhưng có thể thấy thấp thoáng hình bóng Hoàng Thi Thơ - Tân Nhân qua hai nhân vật Long và Vân…
 
4. Cốt truyện & hệ thống nhân vật của “Huế ngày ấy”
 
Một tiểu thuyết dày cộp, viết về chiến tranh, lại còn ít người đọc, nên trước khi bàn đôi điều về nghệ thuật, tưởng cũng nên giới thiệu kỹ càng một chút nội dung cuốn sách. Hơn nữa, sự kiện được tác giả “mượn” làm bối cảnh cho tiểu thuyết diễn ra tròn 70 năm trước ngay trên những con đường, những góc phố, làng quê của Huế mà hôm nay, ngày ngày chúng ta đi qua, nhưng đã mấy ai biết?
 
Phải! Tác giả Lê Khánh Căn đã dựa vào diễn biến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Huế, ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám (cuối 1945, đầu 1946) cho đến lúc lực lượng kháng chiến phải rút lên xây dựng các chiến khu Hòa Mỹ, Lương Miêu (1948 - 1949) để viết nên “Huế ngày ấy”. Có thể nói hầu hết những sự kiện trong giai đoạn này đều được tái hiện trong tiểu thuyết, từ việc các đảng phái khác tranh giành ảnh hưởng với Việt Minh ngay sau ngày Huế khởi nghĩa, đến cuộc bầu cử Quốc hội Khóa I; từ chuyện lính Pháp theo chân Tàu - Tưởng đói rách kéo vào Huế đến các trận đánh mở màn hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 20/12/1946 của Hồ Chủ tịch; từ cảnh “mặt trận Huế vỡ”, dân chúng nhào nháo tản cư về quê, ra vùng “tự do” Nghệ - Tĩnh, bộ đội cùng cán bộ thì củng cố lực lượng, xây dựng lại căn cứ tại các vùng nông thôn, rừng núi, đến cuộc sống muôn vẻ tại chiến khu Hòa Mỹ và những trận diệt đồn Pháp, phá tề đầu tiên, trận quân Pháp nhảy dù, tấn công phá trụi làng Hòa Mỹ…
 
Trong nhiều năm qua, những sự kiện này đã được kể lại trong các cuốn sách lịch sử, hoặc hồi ký và cũng đã được miêu tả phần nào qua một số tác phẩm văn học (như tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, “Thân Trọng Một - con người huyền thoại” của Nguyễn Quang Hà…), nhưng thể hiện đầy đủ, chi tiết và sống động thông qua một hệ thống nhân vật được “bố trí” theo “tiêu chí” của một tiểu thuyết sử thi thì - nếu tôi không nhầm - đây là tác phẩm đầu tiên.
 
Ở đây, xin được “mở ngoặc” nói thêm một “nhân tố” thúc đẩy nhà báo Hồng Chuyên can đảm và tự tin triển khai tác phẩm đầu tay theo kết cấu tiểu thuyết sử thi nhiều tập. Vào những năm 60 - 70 thế kỷ trước, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, nhưng ở miền Bắc có một đội ngũ dịch giả ưu tú trưởng thành từ các “Tú tài Tây” (tiêu biểu như Phan Ngọc, Đoàn Phú Tứ…) và các sinh viên tốt nghiệp từ Liên Xô về (tiêu biểu như Nguyễn Thụy Ứng) nên có rất nhiều bộ tiểu thuyết kinh điển của thế giới được được dịch như Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang… Chính là từ giá trị và sức hấp dẫn của loạt tiểu thuyết này, các nhà văn Việt Nam từ Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Hữu Mai, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Tô Nhuận Vỹ… đã được “kích hoạt” để lần lượt cho ra đời nhiều bộ tiểu thuyết sử thi như chúng ta đã biết. Nhà báo Lê Khánh Căn, với vốn văn học Pháp được hấp thu thời đi học ở Huế, lặng lẽ “nhập cuộc sử thi” hào hứng đã để lại cho nền văn học Việt Nam những giá trị không thể bác bỏ, mặc dù không ít nhà nghiên cứu hiện nay hình như không cần “để mắt” đến những tác phẩm viết theo kiểu “cổ điển” này.
 
Tôi gọi “Huế ngày ấy” là tiểu thuyết sử thi, chủ yếu căn cứ vào hệ thống nhân vật mà tác giả đã xây dựng, mặc dù tác phẩm còn bỏ dở. Có thể nói Lê Khánh Căn đã dày công “bố trí” một hệ thống nhân vật gồm hầu hết tầng lớp trong xã hội ở Huế thời ấy, trong đó, chúng ta thấy thấp thoáng hình ảnh đồng chí Nguyễn Chí Thanh qua nhân vật Thân - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Để thấy rõ cách xây dựng các tuyến nhân vật của tác giả, ta có thể hình dung một “sơ đồ” như sau:
 
Nếu lấy Thân là nhân vật trung tâm, thì nhánh quan trọng nhất là hai nhân vật trí thức - hai anh em ruột, con một nhà Nho, từng làm quan Triều Nguyễn. Đó là bác sĩ Thắng và người anh là Hanh, giáo sư triết; trong khi người em được Thân tìm đến bệnh viện mời cộng tác, đã từ bỏ cuộc sống sung túc ở Huế lên đường kháng chiến cùng với dân tộc thì Hanh dần xa rời cách mạng và rút cục đã bị chết thảm. “Đường dây” này được tác giả “mở rộng” qua Long - cháu gọi Hanh bằng cậu - một trí thức trẻ đến với cách mạng qua một “con đường đau khổ” (đây là tên bộ tiểu thuyết 3 tập nổi tiếng của A. Tôn-xtôi mà tôi ngờ rằng Lê Khánh Căn có dự định viết “Huế ngày ấy” với quy mô tương tự) và hơn thế, mối tình Long - Vân (nữ sinh Đồng Khánh, ngày “vỡ mặt trận Huế” làm cứu thương rồi lên chiến khu…), rồi quan hệ bộ ba Long - Vân - Thiện có thể là “trung tâm” của tiểu thuyết. Thiện là bạn Long từ thời Quốc Học Huế, cũng thầm yêu Vân - cũng là kiểu “tình yêu tay ba” nhưng không dễ dãi để câu khách như trong tiểu thuyết “diễm tình” hiện nay, mà sự “sắp xếp” của tác giả tạo cơ hội để các nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất và lý tưởng. Khác với Long, Thiện xuất thân gia đình công nhân, là con một người từng tham gia “Công hội đỏ”, sớm cầm súng dũng cảm chiến đấu bảo vệ Huế khi Pháp trở lại tái chiếm và rồi trở thành một cán bộ chỉ huy tiêu biểu trong Trung đoàn Trần Cao Vân…
 
Một “nhánh” khác tỏa ra từ Thân cũng khá quan trọng: Những nhân vật nông dân và nông thôn ở Thừa Thiên trong giai đoạn gian nan mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Bí thư Thân xuất thân từ nông dân, vợ là chị Ngạc - Bí thư Hội Phụ nữ huyện Quảng Điền, đều có cơ sở thuận tiện để gắn kết với cuộc sống và phong trào ở nông thôn quanh Huế. Do hoạt động rồi bị tù đày, sau Cách mạng tháng Tám thành công, Thân mới tổ chức cưới chị Ngạc nhưng rồi chị đã hy sinh trong một trận càn; tình huống này đã khiến người bí thư trẻ bao phen bối rối trước tình yêu của Phượng, một cô giáo Trường Đồng Khánh tình nguyện lên chiến khu sau ngày mặt trận Huế bị vỡ…
 
Tuyến nhân vật địch cũng được tác giả chú ý xây dựng, trong đó, quan lính đội quân xâm lược có thiếu tướng Coóc-nê, trung tá Cốt-xtơ, thiếu úy Rô-giê La- gác; tay sai thì có “Tư trán nhẵn”, lý cựu Đang, thị trưởng Huế Nguyễn Bá Tòng.
 
Với hệ thống nhân vật kể trên, Lê Khánh Căn đã tạo nên một cốt truyện khá hợp lý, có lẽ chưa làm thỏa mãn lớp bạn đọc thích những chuyện ly kỳ, nhưng cũng đủ tình huống “hỉ - nộ - ái - ố”, càng về cuối, càng có sức níu giữ độc giả. Tác phẩm có hai phần; phần một hơn hai trăm trang, gồm 9 chương, kết thúc ở cảnh dân Huế hồi cư, Long buồn bã nghe tin Vân chết, trong khi cô giáo Phượng lên chiến khu. Phần hai, trên 450 trang, gồm 15 chương, mở đầu vào mùa Xuân 1948 với cuộc sống tại chiến khu Hòa Mỹ…
 
Tiểu thuyết có nhiều tuyến “cốt truyện”, ngoài cốt truyện dựa vào diễn biến sự kiện đã kể qua ở trên không sai khác mấy với sách lịch sử, các tuyến cốt truyện theo từng “nhánh” nhân vật đa dạng hơn nhiều, tạo nên sức sống cho tiểu thuyết. Chỉ kể tuyến cốt truyện với nhân vật chính là Long, bạn đọc sẽ thấy. Do quan hệ với Hanh, ít nhiều dao động và chịu ảnh hưởng chính kiến của ông cậu về phe phái, về “dân tộc” và “cộng sản”, sau Cách mạng Tháng 8, sau cuộc vui không trọn do tranh cãi về “con đường” sẽ đi của dân tộc, Long tạm chia tay Vân và Thiện ra Hà Nội học đại học, rồi lại trở về Huế vì Thủ đô cũng tản cư sau ngày 19/12/1946; nghe tin Vân đã hy sinh, sống chán nản với đời giáo chức trong thành phố Huế tạm chiếm, rồi một lần cùng với cậu Hanh, được Nguyễn Bá Tòng mời đi cùng xe ra ngoại ô, bị quân ta phục kích, bắt sống, giải lên chiến khu; rồi cùng Hanh trốn trại, lánh vô đồn Pháp, bị chính đơn vị Thiện tấn công. Long bị thương, gặp lại “y tá” Vân (té ra đang sống!); nhờ Thiện và Thắng (mới từ Bệnh viện khu 4 vào tăng cường cho chiến khu Thừa Thiên) bảo lãnh, Long được bố trí làm cán bộ thông tin; nhưng rồi Pháp đánh vào chiến khu Hòa Mỹ… và đến trang kết “Huế ngày ấy” thì Vân chưa biết Long lại trốn chạy hay đã hy sinh…
 
5. Đôi điều về nghệ thuật tiểu thuyết “Huế ngày ấy”
 
Nói cho công bằng, so với mặt bằng tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, “Huế ngày ấy” chưa phải là một tác phẩm xuất sắc, không có “đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết” như nhiều nhà nghiên cứu đòi hỏi. Tuy vậy, một tiểu thuyết viết từ mấy chục năm trước còn dở dang và nếu đặt nó trong mối tương quan với các tác phẩm viết về Huế giai đoạn ấy thì theo tôi, “Huế ngày ấy” là cuốn sách không chỉ có dung lượng lớn nhất mà còn có những giá trị vượt thời gian như các tiểu thuyết sử thi khác. Đạt được kết quả đó, ngoài nghệ thuật dựng cốt truyện và cách xây dựng các tuyến nhân vật đã nói ở trên, tác giả đã khá thành công trong việc miêu tả tâm lý, ngôn ngữ nhân vật - yếu tố quan trọng nhất làm nên giá trị tác phẩm - không chỉ với tiểu thuyết sử thi.
 
Về yếu tố này, ở 1 - 2 chương đầu, có lẽ ngòi bút còn bị ảnh hưởng “thói quen nghề nghiệp” của nhà báo Hồng Chuyên, cuộc đối thoại về chính kiến, phe phái giữa hai anh em Hanh - Thắng còn khô, cứng, khiến tôi suýt nữa… “buông” sách; nhưng càng về sau, tác giả đã “sống” cùng nhân vật, và chính số phận các nhân vật đã “kéo” Lê Khánh Căn khỏi chức trách nhà báo để làm một nhà tiểu thuyết. Nhờ thế, hầu hết các nhân vật đều được tác giả chăm chút kỹ càng, soi rọi đến những miền khuất lấp trong tâm hồn con người giữa cơn bão lớn cách mạng, tránh được cách thể hiện “địch - ta” máy móc, đơn giản mà không ít cây bút mắc phải, nhất là trước Đổi mới. Ví như giáo sư Hanh, mặc dù cuối cùng chết thảm và bị coi như Việt gian, nhưng tác giả không miêu tả ông như một kẻ phản bội Tổ quốc, làm tay sai cho giặc mà là một trí thức vẫn có lòng yêu nước, nhưng khác chính kiến, nên đã lạc bước với nhân dân.
 
“… Được, chú bảo kháng chiến là vĩ đại và nhất định thắng lợi… Nhưng thử hỏi nước ta hẹp như thế, nghèo như thế, lạc hậu như thế, dân trí thấp kém như thế thì lấy sức đâu mà đánh lại một cường quốc như nước Pháp… Tôi cho rằng kháng chiến là thất sách và do lỗi ở Việt Minh. Đúng ra là phải khôn khéo điều đình với người Pháp…”.
 
Đó là cuộc đối thoại cuối cùng giữa hai anh em khi Hanh đang bị giam sau khi trốn trại. Và đến khi Thắng thẳng thừng vạch mặt những kẻ nói đến kế sách “điều đình” và “tự trị” là “trí thức ươn hèn”, rồi phê phán cả bố mình thời làm quan ăn của đút là bẩn thỉu, thì “mắt Hanh vằn lên những tia dữ dội… Ông quát: “Im ngay! Đồ bất hiếu bất mục! Cút đi! Khốn nạn!... Cộng sản đã biến anh thành đồ vô luân. Tôi nói cho anh biết một câu chót: Chính anh mới là đứa vong bản, đi làm tay sai cho cộng sản để chửi lại ông cha…Cút ngay…”.
 
Chỉ qua một đoạn “trích yếu” đối thoại, chúng ta còn thấy tác giả dám đi tận cùng sự thật, không tránh né những vấn đề “nhạy cảm” cho đến tận hôm nay. Kể cũng thật đáng nể, khi nhớ rằng tác giả đã viết những dòng trên ngay trong tòa soạn của báo Đảng tại Thủ đô, ngay giữa lúc đang “chống xét lại”. Nhưng mặt khác, chính là với tư cách và sự mẫn cảm của người đảng viên trí thức ở trong cuộc, nên Lê Khánh Căn đã sớm nhìn ra sự phức tạp của con người và thế cuộc.
 
Chính là với cách nhìn con người như thế, tác giả đã miêu tả “chuyện tình” của bí thư Thân khi cô giáo Phượng gặp mẹ ông ở chiến khu một cách khá mềm mại và có sức thuyết phục. “…Theo con thì… lấy vợ bây giờ chưa tiện… Kháng chiến thì còn dài. Mẹ để thư cho con một hai năm nữa. Cô ấy có lòng chờ thì tốt, không thì… không thì… thôi…”.
 
Trong khi Thân lưỡng lự trả lời mẹ như thế và tránh “chạm trán” với cô giáo thầm yêu mình thì Phượng tìm đến ông bàn chuyện mở lớp học tại chiến khu, khi ông đang tự học tiếng Pháp. “… Anh vừa kể xong thì chợt thấy Phượng đã đứng ngay bên cạnh mình từ hồi nào, cô đang cúi xuống mân mê mấy trang sách học tiếng Pháp của anh, mùi tóc gội bằng dầu thơm và mùi nước hoa còn phảng phất trong cái áo len màu trắng mà cô mặc bên ngoài chiếc áo dài màu đen… Anh ngồi lặng yên, không dám động mạnh, trong lòng cũng muốn kéo dài cái phút giây ấy. Nhưng Thân chợt thấy sợ…”.
 
Cả tên thiếu úy Pháp La-gác có một nửa là dòng máu Việt, trong lúc bất mãn với thượng cấp, bắt được Long và Hanh vừa trốn trại, tác giả cũng chú trọng miêu tả trạng thái tâm lý rất phức tạp của hắn qua mấy trang đối thoại với Hanh khá đặc sắc. Khi nghe Hanh dọa sẽ báo cáo việc “bắt lầm” và bị đối xử thô bạo với “Tỉnh trưởng” Tòng, La-gác đập bàn quát:
 
- Tao không biết tỉnh trưởng nào hết! Tỉnh trưởng nhà mày thì cũng là Việt gian như mày mà thôi! Cái bọn An Nam chúng mày! Giết hết đi! Việt Minh tao giết hết. Còn bọn mày thì tao coi khinh!...
 
- Ông thiếu úy! Ông say quá mất rồi! Như thế còn gì là chính trị nữa. Tôi quen cả ngài trung tá Cốt-xtơ ở Huế …
 
La-gác gầm lên:
 
- Quen ai kệ mày. Đồ khốn nạn. Chính trị gì? Việc của bọn con buôn nước bọt… Cho chúng nó ăn đạn. Cả tên Cốt-xtơ nữa, biết không. Lạy Chúa tôi! Cả cái con mẹ đẻ ra cái thằng La-gác này!...
 
Và Hanh đã bị trúng đạn La-gác ngay trước mặt Long… Nếu như “Huế ngày ấy” lên phim thì đây là một cảnh rất “đắt”…
 
*
 
Còn có thể dẫn ra nhiều đoạn khá thú vị trong “Huế ngày ấy”; nhưng thôi, để các bạn còn tìm sách đọc; hơn nữa, biết đâu, các bạn lại phát hiện ra những điều khác đáng nói hơn - mỗi thế hệ có cách đọc và cảm quan khác nhau là chuyện tất nhiên trong việc bình xét tác phẩm văn nghệ.
 
Được biết, tác phẩm sắp được Nxb. Văn học tái bản. Tôi nghĩ, lúc đó, nếu như các khoa Văn - Sử của các trường thuộc Đại học Huế, Thư viện Huế và Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức đọc và giới thiệu “Huế ngày ấy” thì đây chắc chắn sẽ là một sinh hoạt văn hóa rất có ý nghĩa, không chỉ với Huế…
 
 
Nguyễn Khắc Phê
(TCSH335/01-2017)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng