Văn nghệ dân gian
Nhận diện, phát huy bản sắc văn hóa Huế
16:20 | 10/12/2021

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Nhận diện, phát huy bản sắc văn hóa Huế

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế. Vậy phải nhận diện bản sắc văn hoá Huế là gì, trên cơ sở đó cần phát huy những mặt nào để có thể biến bản sắc văn hoá Huế thành sức mạnh nội sinh trong tiến trình xây dựng và phát triển.

1. Nhận diện bản sắc văn hoá Huế

Đầu thế kỷ XX, nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy có viết:

“Anh đã từng vô Nam ra Bắc

Thấy nhiều cảnh sắc cũng xinh

Đi đâu mình cũng nhớ mình

Nhớ sông Hương gió mát

Nhớ non Bình trăng trong”.

Cái nhớ đó là nhận chân và tự hào về giá trị văn hóa Huế, về giá trị con người Huế.

Văn hoá Huế tồn tại trong không gian vùng Huế qua hơn 700 năm hình thành và phát triển của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, được gìn giữ bao đời nay. Trong đó, gần 400 năm (1558 - 1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Từ sau 1945 đến nay, Huế tiếp tục làm nên và lưu giữ trong mình những giá trị mới tương thích với văn hóa Việt Nam hiện đại. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

 Hiện nay, Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp, chưa kể đến những di sản thiên nhiên đặc sắc. 

Di sản văn hoá Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao 7 di sản thế giới bao gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới; Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới;Nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế (và các tỉnh khác) cũng có tín ngưỡng thờ Mẫu và nghệ thuật Bài chòi đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh các di sản văn hóa thế giới; một số giá trị tiêu biểu của văn hóa Huế đang được lưu giữ có thể dẫn ra như sau: Di sản văn hoá nghệ thuật; Ẩm thực Huế; Áo dài Huế ; Truyền thống đất học Huế; Ca Huế; Kiến trúc vườn Huế; Lễ hội dân gian; Các di sản thiên nhiên như sông Hương, núi Bạch Mã…

2. Sự hoà điệu của văn hoá Huế và thiên nhiên Huế

- Một đặc điểm hết sức nổi bật là văn hoá Huế hình thành và phát triển trong sự hài hoà với thiên nhiên Huế một cách huyền diệu.

- Khi xây dựng đô thị Huế, người Huế đã có ý thức tổ chức đô thị ven bờ sông Hương. Các công trình kiến trúc luôn có nhiều cây xanh bao quanh và hài hoà tuyệt đối với thiên nhiên.

- Kiến trúc nhà vườn đã làm nên thành phố vườn, điểm khác biệt của văn hóa Huế so với các vùng miền khác.

3. Nhận diện, phát huy bản sắc văn hoá Huế

Phát huy bản sắc văn hoá Huế, con người Huế là phát huy cái tốt, hạn chế cái còn hạn chế. Quan điểm cần thống nhất là những gì đã làm nên văn hóa Huế rồi thì cần gìn giữ, bảo tồn…; bảo tồn rồi mới phát huy.

Tổ chức bảo tồn và phát huy các giá trị Quần thể di tích cố đô và các di sản thế giới như đã thực hiện rất tốt trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, đề xuất khai thác các giá trị tiêu biểu khác của văn hóa Huế.

3.1. Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật

Trải qua 700 năm hình thành và phát triển, nền văn học nghệ thuật (VHNT) Huế có những nét nổi bật với tính bác học và tính tiên phong: Thời Tây Sơn là trung tâm văn học chữ Nôm. Phú Xuân thời Nguyễn là trung tâm văn hóa, trưng tập nhân tài cả nước với những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn học, sân khấu… Đầu thế kỷ XX, những nhà Thơ Mới tề tựu. Cùng với dòng chảy lịch sử, nền văn học Huế có sự đóng góp của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng lỗi lạc đầu thế kỷ XX (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…). Trong thời kỳ đổi mới sau 1986, Huế là một trong những địa chỉ đi đầu trong việc cổ súy những khuynh hướng sáng tạo mới…

Cần nhìn nhận Huế tiên phong nhiều trên lĩnh vực VHNT, tạo nên thành phố thơ, thành phố của thi ca nhạc hoạ. Làm sao để phát huy cho được giá trị của thành phố thi ca nhạc hoạ là một câu hỏi chúng ta nên suy nghĩ. VHNT ở Huế gần như hiện diện khắp nơi dưới những lớp rêu phong. Việc phát huy giá trị các thiết chế VHNT để phát triển kinh tế chưa được chú ý, mặc dầu du lịch VHNT (Literature and Art tourism) là một hình thức thế giới đã sống động hàng trăm năm. Vì vậy Tỉnh cần có chính sách để phát triển du lịch từ giá trị các thiết chế VHNT, bên cạnh đó, xây dựng Huế thành một phim trường lớn cho ngành điện ảnh.

3.2. Phát huy giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý chế biến, trang trí, phong cách dọn ăn, mời uống và những thói quen ăn uống nói chung của người Huế. Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Lưu cho rằng: "Đối với Huế, ăn uống cũng là một loại hình văn hoá". Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì xứ Huế có tới 1.300 món gồm: món ăn dân gian, món ăn cung đình và món ăn chay. Huế xứng đáng là trung tâm lớn của ẩm thực của Việt Nam. Huế phải xây dựng cho được kinh đô ẩm thực, Tỉnh ủy cần có chính sách xây dựng những trung tâm ẩm thực lớn, phong phú, đa dạng và đúng nguyên gốc món Huế. Phát huy cả món ăn, cách ăn, kiểu ăn, thể hiện rõ tính cách văn hóa của con người Huế.

Trong vấn đề ẩm thực, miếng ngon ngày nay chỉ là phái sinh của miếng ngon ngày xưa, bởi theo sự phát triển xã hội qua biến thiên thời gian (không ai tắm hai lần trên một dòng sông), miếng ngon của ngày xưa tìm lại chỉ là miếng ngon trong tâm tưởng. Nhưng cũng phải nói rằng, cách nấu nướng hôm nay có khác xưa, có chiều chuộng khách du lịch hơn, làm cho cái ngon “nguyên thủy” của bún bò giò heo Huế có phai nhạt đi; hay ẩm thực chay trong các nhà hàng cũng không ngon bằng các mâm cỗ chay ở các làng quê hay các ngôi chùa. Tuy nhiên, cũng không nên bảo thủ mà không chấp nhận các món Huế đóng hộp như cơm hến, bún bò Huế đóng hộp.

3.3. Phát huy giá trị áo dài Huế

Huế là cái nôi áo dài Việt Nam. Nếu như chúa Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài thì vua Minh Mạng có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là kinh đô áo dài. So với cả nước, đàn ông và phụ nữ Huế thường xuyên mặc áo dài trong  các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, mừng thọ, mừng gia tiên… cho thấy hàng bao nhiêu năm qua, người Huế vẫn tiếp nối truyền thống mặc áo dài, khiến áo dài Việt Nam khônh hề bị “đứt gãy”. Huế là “cái nôi của áo dài” nên việc xây dựng Huế là “kinh đô áo dài” Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp”.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản áo dài trong bối cảnh đương đại; xây dựng thương hiệu áo dài Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh; nâng cao sức sáng tạo, đa dạng trong chất liệu, màu sắc để bắt nhịp cuộc sống đương đại dựa trên nền tảng dấu ấn văn hóa, lịch sử phù hợp với thị hiếu thời trang, gần gũi hơn với đời sống người dân nhưng không đánh mất đi hồn cốt của chiếc áo dài truyền thống… Cần phát động phong trào mặc áo dài trong cả các sinh hoạt, giao dịch công việc hàng ngày, cả nam và nữ.

3.4. Phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất học

Thừa Thiên Huế là vùng đất học, nơi đào tạo, thu hút nhân tài và cung cấp nhân tài cho đất nước. Người tài của Huế và ở Huế thời nào cũng có, nhất là giai đoạn Huế trở thành kinh đô của cả nước. Những gia sản từ một nền tảng văn hóa, giáo dục còn được truyền lưu và phát huy giá trị cho đến ngày nay, như Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế... Nhiều thế hệ học sinh được học tập và trưởng thành từ Trường Quốc học Huế, trở thành những nhà hoạt động cách mạng, những nhà văn hóa lớn, lãnh tụ của Đảng và Nhà nước như: Nguyễn Tất Thành, Hà Huy Tập, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khoa Văn, Trương Tấn Bửu, Võ Nguyên Giáp, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Văn Ngữ... Tỉnh cần chủ động thành lập các thiết chế trong các lĩnh vực Huế có thế mạnh như trung tâm khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên...; đồng thời có chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài làm việc và cống hiến cho Huế...

3.5. Phát huy giá trị Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đặc sắc.Ca Huế trên sông Hương đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với du khách khi đến với Cố đô. Tỉnh đang hoàn chỉnh các bước xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Cần quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh ca Huế trên sông Hương. Đưa đến cho du khách ca Huế bài bản gốc để nhận chân giá trị ca Huế.

3.6. Phát huy giá trị vườn Huế

Vườn Huế đã làm cho Huế còn có tên gọi “Thành phố vườn”. Vườn là ý niệm nhất quán trong mọi loại hình kiến trúc Huế như nhà – vườn, chùa – vườn, lăng – vườn…; và suy rộng ra Huế là một thành phố - vườn. “Vườn Huế không hoàn toàn nhằm mục đích kinh tế, mà là nơi con người được sống với cây cỏ trong một tình bạn lớn” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Vườn Huế đang có nguy cơ mai một. Diện tích vườn ngày càng nhỏ do bị chia sẻ và con cháu không có kỹ năng làm vườn. Ngoài chính sách bảo vệ nhà rường, phải có chính sách để bảo vệ và phát triển vườn Huế.

3.7. Phát huy giá trị Lễ hội dân gian

Huế có trên 500 lễ hội dân gian hàng năm, phải vận động và tổ chức để các lễ hội trong năm gắn với Festival Bốn mùa. Đề án tổ chức Festival bốn mùa đang được hoàn thiện, dựa trên các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội dân gian, các lễ hội mới du nhập có ý nghĩa cộng đồng trong một khung thời gian hợp lý để xâu chuỗi thành những hoạt động cộng đồng hưởng ứng làm vệ tinh, từ đó phát triển hoặc xây dựng mới một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật chính, làm “xương sống” cho lễ hội của mỗi mùa. Đề án cần được tiếp tục xây dựng với mục tiêu tổ chức các chuỗi lễ hội, festival phân bố cả 4 mùa trong năm nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế- xã hội, để Huế thực sự là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

3.8. Phát huy giá trị sông Hương và các di sản thiên nhiên Huế

Con sông Hương là trung tâm đô thị, phải duy trì “là dòng sông thời gian, là sử thi giữa màu cỏ xanh lá biếc”. Thời gian gần đây, tỉnh đã làm phong quang đôi bờ sông Hương, làm cầu gỗ bờ nam và những con đường lát đá hai bên bờ, tạo điều kiện cho người dân Huếtiệm cận với không gian thoáng đãng trong lành, với cái đẹp của dòng sông. Trong tương lai, cần thường xuyên tổ chức lễ hội trên dòng sông tâm linh này, như “Ngày hội sông Hương” hay “Lễ Tri ân dòng sông”...

Các địa danh thiên nhiên Huế như đầm phá Tam giang - Cầu Hai, núi Bạch Mã, bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương… rất tiềm năng về cảnh quan du lịch, cần quyết liệt tạo nên những bước đột phá để phát huy thế mạnh.

Phát triển du lịch trên nền tảng giá trị môi trường sinh thái Huế. Thừa Thiên Huế đang là đô thị di sản nên mô hình phát triển bền vững của tỉnh chỉ có thể là phát triển tiếp nối, trên cơ sở giá trị của các hệ sinh thái – nhân văn; trong đó kết hợp nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, cải tạo, hiện đại hóa… Xem ra, sinh thái – nhân văn với màu xanh trường cữu của nó, sẽ là điểm nhấn xuyên suốt của không gian Huế xưa, nay, và tương lai. Đó là nền tảng để phát triển du lịch môi trường sinh thái Huế, cần khai thác các tiềm năng lớn sau:

+ Xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó Huế là trung tâm để phát triển mô hình đô thị du lịch xanh.

+ Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng không gian nước có ở khắp nơi: du lịch biển Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô...; du lịch đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; du lịch đầm Lập An. Đặc biệt, sông Hương chảy qua trung tâm đô thị di sản Huế, phải duy trì “là dòng sông thời gian, là sử thi giữa màu cỏ xanh lá biếc”. Những năm qua tỉnh đã làm phong quang đôi bờ sông Hương, làm cầu gỗ bờ nam và những con đường lát đá hai bên bờ, tạo điều kiện cho người dân Huế  tiệm cận với không gian thoáng đãng trong lành, với cái đẹp của dòng sông. Trong tương lai, cần thường xuyên tổ chức lễ hội trên dòng sông tâm linh này, như “Ngày hội sông Hương” hay “Lễ Tri ân dòng sông”...

+ Phát triển du lịch sinh thái từ các khu bảo tồn quốc gia như Bạch Mã, rừng Phong Điền...

+ Phát triển các sản phẩm du lịch trong mưa Huế.

4. Kết luận: Thời cơ từ Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị

Huế là địa phương không những phát triển kinh tế ổn định mà văn hóa còn được giữ gìn, nhất là các di tích, di sản văn hóa được trùng tu, tôn tạo - đây là nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh. Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã tác động mạnh mẽ đến Thừa Thiên Huế. Có thể bây giờ, nhiều người vẫn chưa tường tận về sự khác biệt của một thành phố di sản trực thuộc Trung ương trong tương lai sẽ hình thành, nhưng mục tiêu đó là động lực để phát triển. Công nhận đô thị di sản cho Huế không phải là gò bó Huế trong di sản mà tạo thế phát triển cho Huế trong tình hình mới.

4.1. Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

- Hàng chục năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thay mặt cả nước giữ gìn di sản dân tộc, trong đó, coi trọng môi trường không gian văn hóa mà trong đó, di sản văn hóa thế giới đang tồn tại. Việc gìn giữ môi trường từ rừng đến biển đã làm cho Huế hiện nay có lợi thế so sánh về mặt thiên nhiên với nhiều tỉnh thành khác. Tỉnh cần tiếp tục duy trì quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”.

- Chúng ta có thể lưu ý nhận diện những đặc thù về sở trường và sở đoản của Huế, để từ đó có thể tìm cho Huế một hướng đi phù hợp, vừa bảo tồn được di sản, vừa phát huy giá trị để phát triển.

- Huế không cạnh tranh với các tỉnh thành khác về kinh tế công nghiệp, nên cạnh tranh về kinh tế văn hóa, kinh tế môi trường, du lịch văn hóa, và cả kinh tế nhân lực văn hóa… Coi đây là sở trường lâu dài, phát triển bền vững của Huế.

4.2. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần

- Nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản; giải quyết những mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và môi trường, giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản; giữa văn hoá trầm lặng và sự sôi động đổi mới sáng tạo, phát triển.

- Xây dựng các nghị quyết lớn liên quan đến vấn đề tiếp tục phát huy giá trị thiên nhiên Huế, di sản Huế, con người Huế.

- Phát động phong trào: Mỗi ngành phải tạo ra cho được 1 sản phẩm phát huy văn hóa Huế để góp phần vào phát triển.

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng