Văn nghệ dân gian
Tín ngưỡng dân gian vùng Huế với vấn đề khai thác du lịch tâm linh (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)
15:24 | 17/08/2022

NGUYỄN PHƯỚC BẢO ĐÀN - TÔN NỮ KHÁNH TRANG

Tín ngưỡng dân gian vùng Huế với vấn đề khai thác du lịch tâm linh (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)
Ảnh minh họa (Internet)

1. Đặt vấn đề

Từ nhiều công trình nghiên cứu, có thể khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế và miền Trung hiện nay hoàn toàn là một dạng hình tín ngưỡng dân gian mang tính bản địa, với những nét đặc thù và để lại những dấu ấn trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân nơi đây. Nét đặc thù đó xuất phát từ điều kiện lịch sử, địa lí và quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa cộng đồng người Việt - “nam tiến” với người tiền trú - bản địa, và không ngoại trừ từ cả những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ một cách trực tiếp hay khúc xạ qua lăng kính văn hóa Đại Việt và Chiêm Thành[1]. Đặc biệt là dưới triều Nguyễn, những tác động đến tục thờ thần, đã tạo nên những dấu ấn trong tín tục, lễ tục và được bảo lưu đến ngày nay.

Hiện nay ở Huế, những công trình kiến trúc gắn liền với dòng tín ngưỡng này đã trở thành di tích, được Nhà nước công nhận, và là một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của bộ phận cư dân Huế và miền Trung. Ngoài hệ thống am điện hiện diện khắp vùng Huế như những tiểu vệ tinh tạo sức sống cho dòng tín ngưỡng, có thể kể đến những di tích quan trọng như: [1]. Điện Hòn Chén/Huệ Nam; [2]. Tổng hội Tiên Thiên Thánh giáo (252 Chi Lăng, Huế); [3]. Các am điện thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần[2].

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều tỉnh thành trong cả nước xác định lễ hội truyền thống của cộng đồng là nền tảng cho việc tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá văn hóa và thu hút du lịch, việc duy trì và phát triển dạng sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo không phải là điều quá khó khăn và hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Đặc biệt với Huế trong vị trí thuận lợi: thành phố Festival của Việt Nam, chúng ta có thể khai thác loại hình sinh hoạt tín ngưỡng này như một sản phẩm du lịch trong hoạt động du lịch văn hóa tâm linh. Bởi cho dù có thay đổi trong quá trình tồn tại hay trước những biến động xã hội, thì, yếu tố thiêng vẫn luôn được đề cao, và suy cho cùng, đó chính là dịp để cộng đồng bày tỏ nguyện vọng, ước vọng của con người trong mối quan hệ với tự nhiên/các thế lực siêu nhiên (về mùa màng, về cuộc sống cá nhân lẫn cộng đồng v.v.). trong mối quan hệ “cộng sinh, cộng cảm, cộng mệnh” giữa con người - con người, con người - cộng đồng/xã hội, và con người - thế giới (vật chất lẫn siêu hình), cũng như cảm thụ được niềm an lạc, sự vững tâm v.v., những yếu tố cần thiết cho sự ổn định đời sống, bảo đảm sự ổn định và bền vững của xã hội v.v.

2. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế: những sắc thái biểu hiện

Tín ngưỡng thờ Mẫu (Thiên Y A Na) ở vùng Thuận Hóa là một trường hợp của quá trình tiếp biến văn hóa Việt - Chiêm (người tiền trú)[3]. Dẫu có nhiều thay đổi qua thời gian, nhưng, hiện tượng này còn để lại nhiều dấu ấn trong đời sống văn hóa tín ngưỡng ở Thuận Hoá nói riêng và cả miền Trung nói chung.

Thánh Mẫu Thiên Y A Na ở miền Trung hay ở Huế nói riêng, không chỉ là vị thần tối thượng của riêng tín đồ thờ Mẫu, mà từ khi được triều đình phong kiến Nguyễn thừa nhận, cũng như Bà thực sự hiện hữu trong đức tin của người nông dân qua những truyền thuyết về sự linh ứng, Thiên Y A Na có mặt trong các thần vị của một số làng, được người nông dân thờ phụng với tên gọi Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc, hay đơn giản hơn là Bà Chúa Ngọc.

Một biểu hiện dễ nhận thấy, đó là sự hiện diện rất nhiều miếu thờ Thiên Y A Na ở các làng xã. Hầu hết, mỗi làng có một ngôi miếu thờ vị nữ thần này, nhưng cũng có nơi có từ 3 - 4 ngôi miếu. Qua khảo sát, phần lớn các ngôi miếu thờ Thiên Y A Na đều có quy mô nhỏ với thiết trí tự khí khá đơn giản, trong số đó, có một vài ngôi miếu vẫn còn bảo lưu đậm nét của kiến trúc miếu thờ dưới triều Nguyễn[4]. Nhưng bởi sự phá hủy của chiến tranh, hầu hết đã không còn nguyên trạng, một số được tái thiết, trùng tu. Điều đó cho thấy tín ngưỡng đối với vị nữ thần này vẫn còn tồn tại trong tâm thức của người dân. Đến nay, có không ít ngôi miếu đã không còn thần vị, sắc phong.

Qua các bài vị hiện còn được thờ trong miếu, chúng ta có thể nhận thấy, việc thờ Thiên Y A Na tương đối độc lập với các thần linh khác, được thể hiện ở dạng một miếu một thần vị. Tuy nhiên trên thực tế, còn có nhiều ngôi miếu hợp tự. Ở dạng thức này, chính giữa là nơi thờ Thiên Y A Na, và cùng phối thờ ở hai bên là Ngũ Hành, mà phổ biến ở vùng Thừa Thiên là bà Thủy, bà Hỏa. Cũng không ít trường hợp, các miếu còn thờ cả Cậu Tài và Cậu Quý, hay thờ đủ các vị thần trên[5]. Ngoài ra, Thiên Y A na còn được đưa vào thờ phụng trong các ngôi chùa. Trong trường hợp này, thì, Thiên Y A Na không thờ ở vị trí trung tâm, mà được thiết trí ở sau hệ thống Phật và Bồ Tát.

Qua các hình thức thờ phụng trên, chúng ta có thể nhận thấy, vị nữ thần này đã thâm nhập khá sâu vào đời sống tinh thần của người dân vùng Thuận Hóa. Thần linh được các cộng đồng làng xã nhìn nhận không chỉ là đấng linh thiêng có chức năng “hộ quốc tý dân”, mà còn giúp cho “phong điều vũ thuận”- một khát vọng ngàn đời của người nông dân, mà, Thiên Y A Na là một vị thần trong hệ thống thần linh mà họ thờ phụng[6].

Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ nữ thần Thiên Y A Na ở các làng Việt vùng Thuận Hóa ngày càng đơn giản trong hình thức biểu hiện trước những biến động của xã hội, trong khi đối với tín đồ đạo Mẫu, hình tượng Thiên Y A Na đã vượt ra khỏi chức năng của một vị thần nông nghiệp, thỏa mãn bao ước vọng của người nông dân, để vươn rộng ra nhiều lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần trong xã hội. Những hình thức tín ngưỡng cũng vì thế trở nên phong phú. 

Quan sát trên những biểu hiện, chúng ta dễ dàng nhận ra trong tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na ở vùng Huế có sự pha trộn với Đạo giáo, Phật giáo. Đặc biệt, vào thời Đồng Khánh (1885 - 1888), lúc con đường phát triển đất nước bằng hệ ý thức Nho giáo rơi vào bế tắc bởi nạn xâm lược của thực dân Pháp, tầng lớp quan lại, quý tộc đang tồn tại một cách mong manh trước ngôi vị của mình, điều đó đã dẫn họ tìm đến Thánh Mẫu như chiếc phao để bám víu qua cơn sóng dữ. Mà có thể trước đó, những lời nguyện cầu đến các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật phù hộ, độ trì… không thể cho họ thấy hết quyền năng bằng những điều linh ứng đang được lớp bình dân sùng tín, truyền tụng trong dân gian. Nhưng qua các giá hầu đồng, tế lễ tại các điện, miếu, đã cho họ thỏa mãn khát vọng quyền lực bằng những lời phán truyền của Mẫu.

Cũng chính từ những lớp người này, trong vai trò và địa vị của họ, khi đã toàn tâm toàn ý theo hầu Thánh Mẫu, thì, họ muốn xây dựng tín ngưỡng của mình trở thành một tôn giáo, bằng cách sửa sang kinh sách, giáo lý; sáng tác; chỉnh lý văn chầu, lễ nhạc… và cùng với hoạt động thờ cúng Thánh Mẫu, là việc xây dựng am, cảnh, điện thờ...

Biểu hiện rõ nét là vua Đồng Khánh cho đại trùng tu ngôi đền vào năm 1886, đồng thời đổi tên Ngọc Trản Sơn từ - một cơ sở thờ phụng trên núi Ngọc Trản thành Huệ Nam điện sau khi ông được khoác hoàng bào[7]. Nhưng trên thực tế, vị vua này đã mất hết quyền lực dưới sự bảo hộ và thao túng của thực dân Pháp. Trước những bi kịch của triều đại, ông đã gởi gắm linh hồn của mình cho Thánh Mẫu, để tìm sự bình an cho chính mình và tự nguyện đứng hàng thứ bảy trong Thất Thánh[8].

Sự sùng tín đạo Mẫu của vị vua đương thời, đã tạo nên một động lực mới, thu hút sự tham gia ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp của tầng lớp qúi tộc thượng lưu, quan lại ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây, tới giai đoạn này, đã được chính thống hóa và vua Đồng Khánh còn ra lệnh“mỗi năm hai lần vào mùa xuân, mùa thu làm lễ cúng có đại diện triều đình chủ lễ để nhớ ơn nữ thần” (Nguyễn Đình Hòe, 1997: 345).

Những ức chế trong quần chúng về những điều cấm kị của nhà Nguyễn đối với các hoạt động phù thủy, bùa chú trừ tà cũng được dịp giải tỏa. Sự thừa nhận của triều đình về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu được khẳng định bằng việc thành lập tổ chức Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo vào năm 1953[9]. Đây được xem là một bước phát triển mới của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế nói riêng và cả miền Trung nói chung.

Có thể nói, đến thời Đồng Khánh, khi chính thức có sự can thiệp của nhà nước phong kiến thì suy cho cùng, cũng chỉ là một sự bổ sung, tiếp nối trong không gian lễ nghi và thực hành nghi lễ thờ Mẫu ở điện Hòn Chén. Cụ thể là những điển lệ mới được đặt ra như cắt cử một số dân phu, lấy từ dân của làng Hải Cát để triều đình điều động vào sứ mạng coi sóc việc lễ Thánh Mẫu. Đội ngũ này bao gồm mười một người, đứng đầu là một Giám Thủ cùng với mười dân phu làm Thủ Từ. Họ được miễn các loại sưu thuế, sai dịch và còn được hưởng lương bằng tiền, hay bằng khẩu phần ruộng đất. Mười dân phu chia làm hai phiên, thay nhau để đảm trách quét dọn, hương đèn.

Bởi những đặc thù lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đã có sự pha trộn với các yếu tố tôn giáo khác, và trong môi trường hỗn dung đó, tất yếu là sự dung nạp nhiều đối tượng, để tất cả cùng được thiết trí trong trục thần linh được thờ tự. Chúng ta thường thấy phổ biến hệ thống Phật và Bồ Tát - là những vị thần vốn có, bên cạnh các Mẫu và các vị Đức Ông, Đức Bà, các Cô, các Cậu được thờ.

Trên cái chung trong sự phân bố về cách thờ tự ở các am, ở Huế và miền Trung nói chung, vị trí chính giữa và cao nhất là Ngọc Hoàng Thượng Đế, ở vị trí trung tâm là Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thánh Mẫu Thiên Y A Na còn được thờ phụng một cách trang trọng ở Điện Hòn Chén. Hằng năm, tại đây, ngoài hai lễ chính vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, còn có những lễ vía khác cũng được tiến hành nhưng với quy mô nhỏ hơn[10]. Vào những dịp này, con nhang đệ tử ở các phổ đều tề tựu về điện để tham gia cúng lễ, tuy nhiên, có những trường hợp, nghi lễ được tổ chức ở cả điện và phổ. Đặc biệt là lễ tế Mẫu vào thượng tuần tháng 7 ÂL, là dịp để đông đảo đệ tử của Mẫu trên địa bàn miền Trung quy tụ về trung tâm thánh địa - Huệ Nam điện để chiêm bái[11].

Bởi sự hiện thân của Thánh Mẫu Thiên Y A Na trên ngọn núi thiêng của làng Hải Cát, cho nên, trong nghi thức tế lễ vào dịp thu tế, đáng chú ý có nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu từ Điện Hòn Chén về ngự ở đình làng[12]. Nghi lễ rước Mẫu được tổ chức một cách trang trọng trong lộ trình Hòn Chén - Hải Cát, cho thấy, trong tâm thức của con dân Hải Cát, Mẫu Thiên Y A Na được xem là vị Thành Hoàng làng.

Sau buổi tế tại đình làng là lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về Huệ Nam điện. Đoàn đạo ngự lại theo tuần tự rước kiệu và long án, sắc phong của Mẫu quay trở lại Hòn Chén. Việc rời khỏi nơi linh thiêng tại điện Huệ Nam để đến với làng Hải Cát là một phần quan trọng được tiến hành đều đặn trong dịp vía Mẹ hằng năm. Đây cũng chính là nội dung mang tính lễ hội dân gian như bao làng xã khác, mang tinh thần bày tỏ sự nhớ ơn bậc tiền bối đã cho dân có cuộc sống an cư lạc nghiệp. Điểm đặc biệt ở đây là đã có sự kết hợp, chuyển hóa trong vai trò một vị nữ thần linh hiển trong tín ngưỡng thờ Mẫu phổ biến ở miền Trung và nữ thần Thành hoàng của làng.

3. Từ tín ngưỡng dân gian, thử hình thành tour du lịch tâm linh ở Huế

Có thể nói rằng, đời sống tín ngưỡng và những sinh hoạt mang tính nghi lễ ở làng xã miền Trung và Huế nói riêng tập trung vào dịp Xuân Thu nhị kỳ/Xuân kỳ, Thu tế. Trong đó, Thu tế thường được đề cao trong đời sống cộng đồng làng xã với những quy định chặt chẽ về mặt lễ nghi, bởi từ nguyên nghĩa, cụm từ này có nghĩa là Tế Thần.

Nếu quan sát trên lịch lễ nghi có thể thấy ở Huế, mùa Thu là mùa của những lễ hội tín ngưỡng. Dưới góc nhìn văn hóa làng xã, đó là thời điểm diễn ra Thu tế ở các cộng đồng làng; dưới góc nhìn Phật giáo: thời điểm khép lại của mùa An cư - Kiết hạ với điểm nhấn là Lễ hội Vu Lan (rằm tháng 7 ÂL); song song, dưới góc nhìn của những tín đồ thờ Mẫu: thời gian diễn ra lễ hội Rước Mẫu Điện Huệ Nam - dạng lễ hội, có thể nói là thuần đặc chất dân gian, tiêu biểu cho đời sống tín ngưỡng dân gian vùng Huế và khu vực.

Trên nền tảng của những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng trong đời sống tín ngưỡng vùng Huế, nếu có sự đầu tư và kết hợp một cách logic, những lễ hội này có thể trở thành điểm nhấn để hình thành một tuyến du lịch tâm linh khác lạ với nội dung chuyển tải toàn bộ đời sống tinh thần của người Huế trong một thời điểm cụ thể (mùa thu) và với một lộ trình nhất định.

Giữa rất nhiều làng xã phân bố trên lưu vực sông Hương, có thể nhìn thấy sự nổi lên của một số điểm nhất định, khi lễ Thu tế ở những địa điểm này vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn những yếu tố truyền thống, từ di tích đến lễ nghi. Từ thượng đến hạ nguồn, tiêu biểu với lễ Thu tế của làng Hải Cát (từ 8-10/7 ÂL), có nghi thức cung nghinh thánh Mẫu Thiên Y A Na - vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu về đình làng với tư cách là vị thành hoàng của làng, là nét khác lạ trong nghi lễ tế làng ở Huế.

Cùng trên trục nối kết là sông Hương, làng An Truyền trong lễ tế thu (từ 15 - 17/7 ÂL) với điểm đặc biệt là lễ rước cung nghinh ba vị Thành Hoàng thờ ở đồng Miễu, mà trong đó, mỗi năm dân làng lại thay đổi linh vật, hoặc vật thờ cúng được đan bện, trang hoàng kỳ công, khi thì hai chim hạc, khi thì cá hóa rồng, lại có lúc là cả bộ tam sự gồm lư trầm và hai độc bình. Gần cuối đám rước, sau đồ lỗ bộ và kiệu là đoàn hát Thài[13]. Hát thài trong đám rước cung nghinh ở làng Chuồn là một lễ tục hiếm có còn sót lại trong các đám rước Thành Hoàng ở Thừa Thiên Huế[14].

Một khía cạnh khác liên quan đến đời sống tâm linh của cư dân vùng Huế là dấu ấn Phật giáo với tầm ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng, đậm nét và phổ biến là việc duy trì thường xuyên nghi lễ cúng trong ngày sóc, ngày vọng. Trong đó, đáng đề cập đến là lễ cúng rằm tháng 7 - ngày lễ Vu lan[15].

Lễ Vu Lan[16] hay còn được gọi là ngày Tăng Tự Tứ[17], ngày xá tội vong nhân, ngày tết Trung Nguyên truyền thống của Phật giáo. Ngày tự tứ cũng còn gọi là ngày thọ tuế, nghĩa là chư tăng có thêm một tuổi đạo. Đây chính là việc làm truyền thống được chú trọng nhất của Phật giáo Huế từ xưa cho đến nay.

Một trong những hoạt động phổ biến rộng rãi trong ngày rằm tháng 7 là phóng sanh[18]. Trong ý nghĩa của Phật giáo, phóng sanh cũng là một cách thực hiện giới luật cấm sát sanh của nhà Phật, đem lại sự an lạc, tạo phước cho người sống, và giải thoát cho những sinh vật đang bị tù đày, mang lại sự sống cho chúng sinh.

Từ những lễ hội và hoạt động tín ngưỡng đa dạng trong loại hình, nếu chúng ta xâu chuỗi chúng theo trục xuyên suốt: “Vu lan - Mẫu - Thu tế”, sẽ trở thành mô hình du lịch tâm linh ấn tượng, với những tuyến/ý tưởng cụ thể:

1. Tuyến 1: Vu lan: mùa báo hiếu

Tuyến 1 gắn liền với những sự kiện phổ biến trong lễ hội Vu lan như [1]. tổ chức Giới đàn tại các tổ đình, hoặc [2]. Trai đàn tại các chùa, nhà thờ họ, gia đình v.v.; [3]. lễ phóng sanh; [4]. phóng đăng; [5]. hội trại của thanh niên Phật tử v.v.

Về mặt địa điểm, có thể nói, tuyến 1 khuôn khổ trong những không gian liên quan đến Phật giáo như các chùa, tổ đình Huế (tiêu biểu: Diệu Đế, Từ Đàm, Thiên Mụ), các khuôn hội Phật giáo. Với định tuyến này, người tham dự có thể tham gia các Giới đàn tại các tổ đình, Trai đàn tại các chùa, hội trại, đêm hoa đăng, gắn kết với việc tái hiện lễ Thu hưởng ở Thế Miếu và Thái Miếu - nghi lễ mang tính chất cung đình.

2. Tuyến 2: Cuộc hành hương đến với Mẹ

Tuyến 2 có thể xem là điểm nhấn cho toàn bộ nội dung của tuyến du lịch tâm linh với những sự kiện luôn thu hút đông đảo cộng đồng tham gia: [1.] lễ hội rước Mẫu Điện Huệ Nam với đầy đủ bằng án, trang phục các giá đồng và âm nhạc chầu văn; [2]. nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu về làng Hải Cát - lễ Thu tế làng Hải Cát; [3]. phục dựng lễ rước Mẫu trên bộ với lộ trình Tổng hội Tiên Thiên Thánh Giáo - Thiên Mụ - Hòn Chén.

Những địa điểm có mối quan hệ gắn kết với loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế và miền Trung như từng đề cập sẽ phát huy tác dụng trong định tuyến này với ý tưởng tổ chức thực hiện song song hai đoàn rước thủy và bộ lấy sông Hương làm trục nối kết, đôi bờ sông sẽ trở thành khán đài tự nhiên và người tham dự sẽ tham dự vào những sinh hoạt tín ngưỡng tại điện Huệ Nam lẫn đình làng Hải Cát. Việc thực hiện ý tưởng này không phải là điều khó khăn, bởi đoàn rước thủy trong lễ hội rước Mẫu điện Huệ Nam, tự thân nó đã tồn tại và được tổ chức rất bài bản hàng năm bởi sự gắn kết của nhiều cơ quan, ban ngành chức năng với vai trò chủ đạo của Hội Cứu tế điện Huệ Nam. Và việc phục dựng đoàn rước trên bộ cũng không phải nằm ngoài tầm với, bởi hình ảnh của nó vẫn nguyên vẹn trong ký ức của người dân Huế.

Sự phối hợp của hai đoàn rước trên và bên sông Hương trong ngày diễn ra sự kiện sẽ là một Carnavan/Carnival đa sắc màu và riêng có với sự tham góp của trang phục hầu đồng, âm nhạc hầu văn, vũ điệu… lẫn trang phục của các nhóm tộc người thiểu số - một dạng hóa trang để “gá vai thần thánh” trong quan niệm tứ phủ.

3. Tuyến 3: Thu tế/hội làng

Có thể xem tuyến 3 chính là sự kết nối của [1]. các làng xã vùng cận sông Hương trong dịp Thu tế thường niên với điểm nhấn là [2]. lễ hội làng An Truyền, và [3]. lễ tế tổ nghề gốm làng Phước Tích như là dạng hoạt động mang tính phụ trợ trong việc nới rộng không gian vùng Huế và tăng tính đa dạng cho nội dung.

Về mặt địa điểm, các làng xã ven sông Hương trong sự kết nối với khu vực đầm Sam/Chuồn - khu vực tiêu biểu cho ẩm thực đầm phá sẽ là không gian lý tưởng cho việc tham dự và cảm nhận lễ hội làng quê, tham dự các trò chơi dân gian, du lịch và thưởng thức ẩm thực đầm phá, tham quan/tham dự quy trình sản xuất các phẩm thủ công,…

4. Thay lời kết

Có thể hơn lúc nào hết, tảng nền văn hóa truyền thống cần được nhận diện chân xác và phát huy hiệu quả vai trò của nó. Và đối với Huế - vùng đất còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, đặc biệt là việc chú trọng đến khía cạnh sinh hoạt nghi lễ - là nội lực và cũng là nhu cầu của Huế, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần hình thành ý tưởng xây dựng một tuyến du lịch tâm linh sẽ là rất hữu ích và thiết thực. Đó không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế trực tiếp cho người dân tại chổ, mà trong tiến trình hội nhập văn hóa thương mại, du lịch sẽ là một yếu tố quan trọng để tạo dựng bản sắc địa phương[19]. Những hiệu quả có thể đạt được từ việc tổ chức tour du lịch tâm linh:

- Lễ hội truyền thống của cộng đồng là nền tảng cho những hoạt động mang tính sự kiện, và sự liên kết trong cùng thuộc tính không gây nên sự đứt vỡ.

- Bảo đảm mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống trong bối cảnh thành phố festival.

- Giới thiệu lễ hội làng và mang nó vượt khỏi phạm vi làng xã, điều này song hành với việc giới thiệu văn hóa truyền thống Huế trên phương diện làng xã.

- Với những hoạt động mang tính tín ngưỡng, việc tổ chức và khuôn khổ trong một chuỗi sự kiện sẽ là điều kiện cho các ban ngành chức năng dễ dàng quản lý.

- Việc đầu tư một cách có bài bản và hệ thống cho từng sự kiện với sự tham vấn của đội ngũ nghiên cứu sẽ góp phần bảo tồn văn hóa làng xã, cụ thể là lễ hội và những dạng hoạt động mang tính lễ nghi.

- Đa dạng hóa loại hình du lịch Huế hiện nay là việc làm cần thiết.

N.P.B.Đ - T.N.K.T

Tài liệu tham khảo:

http://viettems.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1514:ea-ngh-thut-ng-i-vao-l-hi-vn-hoa-truyn-thng&catid=172:tng-hp&Itemid=185, truy cập ngày 25/06/2010).

http://www.baomoi.com/Xem-xet-gian-chu-ky-to-chuc-Festival-Hue/137/14347113.epi, truy cập ngày 19/11/2014).

http://www.hue.vnn.vn/vi/55/4482/Le-hoi/Thu-te-lang-An-Truyen.html#.VJjepsgWA, truy cập ngày 17/12/2014.

Lê Đình Hùng, Tôn Nữ Khánh Trang (2009), “Từ nữ thần Poh Nagar đến tục thờ Thiên Y A Na ở miền Trung Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trên địa bàn vùng Thuận Hóa”, trong Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Nhận thức về miền trung Việt Nam - hành trình 10 năm tiếp cận, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 99 - 122. 

Nguyễn Đình Hòe (1997), “Huệ Nam Điện”, trong Những người bạn cố đô (B.A.V.H năm 1915), Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 345.

Nguyễn Hữu Thông (cb), 2000, Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

Nguyễn Hữu Thông (cb), 2006, Hải Cát - Đất và người, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

Nguyễn Phước Bảo Ðàn, 2005, “Làng Hải Cát: những biểu hiện trong mối quan hệ với nữ thần Thiên Y A Na”, trong Thông Báo Văn hoá Dân Gian 2004, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1977), Đại Nam thực lục chính biên [bản dịch của Viện Sử học], Đệ lục kỷ, tập XXXVII, H.: Nxb. KHXH, tr. 127 - 128.

Timothy S.Oakes (2005), “Du lịch làng dân tộc ở nông thôn Guizhou: Ý thức làng tộc và nền thương mại giá trị nguyên bản”, trong Hợp tuyển tính Dân tộc và quan hệ ở Việt Nam và Ðông Nam Á (Tài liệu lưu hành nội bộ). Hà Nội: Ðại học Quốc Gia Hà Nội - Trường Ðại học KHXH & NV - Khoa Lịch sử - Bộ môn Nhân học, Hội Dân tộc học Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xuất bản: 501 - 527.: 501).



[1] Miền Trung Việt Nam, xét trong bối cảnh lịch sử - văn hoá Đông Á và Đông Nam Á, là một vùng đệm cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, chịu ảnh hưởng từ hai trung tâm văn hóa lớn của nhân loại Trung Hoa và Ấn Độ. Đối với Ulik (Ô Lý) - Thuận Hóa, vùng đất phía Bắc của Champa và phía Nam của Đại Việt, do vậy, hiện tượng tiếp biến văn hóa là một tất yếu được diễn ra trên vùng đất này. Bên cạnh đó còn có những nhân tố lịch sử, quá trình giao lưu văn hóa trên tầm khu vực, vùng miền tác động làm cho các hiện tượng văn hóa biến đổi theo thời gian.

[2] Những thông tin liên quan đến những điểm di tích này, xin tham khảo thêm: Nguyễn Hữu Thông (cb), (2000), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

[3] Xem thêm Lê Đình Hùng, Tôn Nữ Khánh Trang (2009), “Từ nữ thần Poh Nagar đến tục thờ Thiên Y A Na ở miền Trung Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trên địa bàn vùng Thuận Hóa”, trong Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Nhận thức về miền trung Việt Nam - hành trình 10 năm tiếp cận, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 99 - 122. 

[4] Phổ biến có hai dạng miếu: một là dạng vòm cuốn với tường dày được xây bằng gạch, đá, kết dính bằng vôi vữa. Và một kiểu kiến trúc khác, đó là dạng gác lửng: có bốn cột chính, kết cấu theo kiểu nhà rường, mái lợp ngói, bên ngoài có thêm một lớp tường bao.

[5] Dân gian thường gọi dạng miếu thờ này là miếu “ba Bà hai Cậu” (Bà Thiên Y, Bà Thổ, Bà Hoả và Cậu Tài, Cậu Quý). Chẳng hạn, như miếu Bà tại chợ Kệ làng Thanh Lương (Hương Xuân - Hương Trà - Thừa Thiên Huế). Phổ biến hơn là miếu thờ Thiên Y A Na với Bà Thủy và Bà Hỏa hoặc cậu Tài và cậu Qúy (các miếu thờ ở làng Văn Xá - Hương Trà, Mỹ Lợi - Phú Lộc, An Thành - Quảng Điền … - Thừa Thiên Huế).

[6] Tại miếu thờ Thiên Y A Na tại làng Phổ Trì (Phú Mậu - Phú Vang - Thừa Thiên Huế) có câu đối phần nào thể hiện được tinh thần của vị thần này:

雨露從 前蒙國寵

焄熇靜震慶民生

Dịch: Vũ lộ tòng tiền mông quốc sủng;

Huân hốc tĩnh chấn khánh dân sinh.

水拱山朝萬載英風霑廟貌

民康物阜百年香火答神庥

Dịch: Thủy củng sơn triều, vạn tải anh phong triêm miếu mạo;

Dân khang vật phụ, bách niên hương hỏa đáp thần hưu.

[7] “Vua khi còn ẩn náu thường chơi xem núi ở đây. Mỗi khi đến cầu khẩn, phần nhiều có ứng nghiệm. Đến nay vua phê bảo rằng: đền Ngọc Trản thực là núi Tiên Nữ, linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ là hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người độ đời, giúp cho phúc lộc hàng muôn, giúp dân giữ nước. Vậy cho đổi đền ấy làm Điện Huệ Nam để biểu hiện một phần trong muôn phần” (Quốc sử quán triều Nguyễn (1977), Đại Nam thực lục chính biên [bản dịch của Viện Sử học], Đệ lục kỷ, tập XXXVII, H.: Nxb. KHXH, tr. 127 - 128).

[8] Trong lời tự bạch ghi ở bức chân dung, đang được thờ ở điện Ngưng Hy, Đồng Khánh có viết: “Ta vốn là người cõi Tiên, là con thứ ở Long cung, ngày thượng nguyên đã kính vâng mệnh, thân ngồi xe ngựa, đầu đội mũ vàng, đầu thai vào Bùi Quý Phi của Kiên Thái Vương để sinh ra đời”. Điều này cũng có thể lí giải cho việc Đồng Khánh nhận lục vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu làm huynh đệ” (Xem ngự bút của Đồng Khánh, hiện thiết trí tại bàn thờ Lục Vị Tôn Ông, tại điện Hòn Chén, qua lời tựa của bài “Âm dương huynh đệ thất Thánh nghĩa hội”).

[9] Lúc này Bửu Bành được cử làm Tổng Hội trưởng, ông Cửu Cường làm Tổng Kiểm soát, bên dưới có 28 chi hội, mỗi Chi Hội có một Chi Hội trưởng. Trụ sở đầu tiên đặt tại Phước Linh Điện (số 23 đường Gia Hội - Tp. Huế), về sau được dời về vị trí hiện nay (252 Chi Lăng - Huế), ngôi điện này được xây dựng vào tháng 6. 1965, và trực thuộc vào Tổng hội có đến 48 chi hội phân bố khắp cả Trung và Nam phần Việt Nam.

[10] Các lễ vía hằng năm tại điện Hòn Chén:

- 17 - 18/1 ÂL: vía Mẫu Thượng Ngàn.

- 17/4: vía Mẫu Vân Hương.

- 5/5: vía ngũ vị Thánh Bà.

- 24/6: vía đức Quan Công.

- 25/6: vía quan đệ ngũ.

- 15/8: vía Nhị vị tôn ông.

- 20 - 22/8: vía Đức bà ngoại cảnh.

- 22/8: vía Mẫu Thủy, kết hợp vía đệ nhất, đệ nhị tôn ông.

- 9/9, lễ trùng cửu, sau lễ vía, người ta tiến hành nghi thức đưa bàn thờ Thánh Mẫu ở phủ hạ lên điện, bởi thời điểm này là lúc mực nước sông dâng cao.

[11] Ngày đầu tiên là thời gian mà bằng án của các phổ từ khắp các nơi tập trung về điện Hòn Chén để làm lễ cáo yết Mẹ. Vào ngày thứ hai, diễn ra lễ chánh tế điện Huệ Nam. Nghi thức tế lễ tuân theo điển lệ “Tam hiến, bát bái”, sau đó các phổ cũng như từng gia đình, đệ tử thay nhau dâng lên Mẹ các vật phẩm hiến cúng để cầu ban phúc lành. Vào buổi chiều, người ta tiến hành cung nghinh Mẫu từ điện Huệ Nam tuần du làng Hải Cát. Ngày thứ ba là lễ chánh tế tại đình làng Hải Cát. Sau buổi tế tại đình làng là lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan điện Huệ Nam.

[12] Xem thêm H. Délétie (1915), “La fête du Ruoc-sac de la déesse Thien - Y - A - Na au temple Huê - Nam - Diên”, in trong Bulletin Des Amis du Vieux Huế, N0 4, tr. 357 - 360; H. Délétie (1997), “Lễ rước sắc thần Thiên Y - A - Na ở điện Huệ Nam” in trong Những người bạn Cố Đô Huế (B.A.V.H năm 1915), Huế: Nxb. Thuận Hóa, tập 2, tr. 337 - 341. Đây là một bài khảo sát khá cụ thể về nghi lễ này vào những năm đầu thế kỷ XX.

[13] Thài là điệu hát chỉ dành riêng cho lễ cung nghinh. Ðám hát Thài gồm khoảng 20 người, mặc lễ phục dân tộc. Một vị bô lão xướng một câu thài 4 chữ, đám thài đọc theo, câu này tiếp câu khác, giọng ngân nga, trầm bổng, trang nghiêm.

[14] Có thể tham khảo thêm tại: http://www.hue.vnn.vn/vi/55/4482/Le-hoi/Thu-te-lang-An-Truyen.html#.VJjepsgWA, truy cập ngày 17/12/2014.

[15] Hiểu theo nhà Phật, rằm tháng 7 là ngày lễ báo hiếu, cùng với quan niệm là ngày mở cửa địa ngục, cho nên, dân chúng thường tổ chức cúng để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên sớm thoát được cảnh khổ đày. Họ tin rằng, vong hồn của người chết trong ngày này có thể trở về với dương gian, và sẽ nhận được những vật phẩm cúng.

Xuất phát từ quan niệm, rằm tháng 7 là ngày tha tội cho tất cả những người chết, hay còn được gọi là ngày xá tội vong nhân. Trong ngày này, người ta thường cầu nguyện cho hàng thập loại chúng sanh được no đủ, thoát khỏi nghiệp đày, nên, dân gian thường gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn.

[16] Vu Lan được phiên âm từ tiếng Phạn (Ullambana), dịch nghĩa theo chữ  Hán là giải đảo huyền. Chữ “đảo huyền” nghĩa là sợi dây treo ngược. Đó là hình ảnh được thí dụ cho nỗi khổ của chúng sanh là vô cùng vô tận, không thể nào tả xiết. Giải đảo huyền nghĩa là mở sợi dây đang treo ngược tức có nghĩa là cứu giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau, sanh về cực lạc và cảnh tỉnh chúng sanh, thấy được sự vô thường và nhân quả, nghiệp báo nhằm hướng đến đời sống từ bi theo giáo lý Phật đà.

[17] Tự Tứ là chữ phiên âm từ tiếng Phạn. dịch nghĩa theo chữ Hán gọi là hỷ duyệt, nghĩa là sau ba tháng an cư tu tập, vào ngày mười bốn tháng bảy, chư Tăng cùng nhau tập trung tại một giới trường, đối chiếu với giới luật mà mình đã thọ trì, mỗi một người tự xét bản thân qua thấy, nghe. Nếu thấy việc gì đó không đúng, tự mình nói lên hoặc nhờ một vị tỳ kheo khác nói lên, sau đó nếu thấy rằng, mình có sai phạm thì phải sám hối đúng như pháp.

[18] Lễ vật cúng rằm tháng 7 gồm xôi, chè, hoa quả, bông chuối, hạt nổ, cháo thánh, các loại đồ giấy: áo quần, giày dép, giấy tiền vàng bạc…, và không thể không có mâm cơm cỗ với nhiều món ăn. Lễ vật ở đây không chỉ hiểu là dành riêng cho ông bà tổ tiên trong gia đình, mà trong đó, người ta còn thí thực cho những cô hồn đang đói khát. Cúng cô hồn (âm hồn) không phải không phổ biến ở nhiều nơi, nhưng, có lẽ hiếm thấy nơi nào được tổ chức quy mô và rộng rãi như ở Huế - khía cạnh sinh hoạt lễ nghi mang đậm tính nhân văn của cư dân làng xã miền Trung và Huế nói riêng, là sự thể hiện tình cảm đối với những vong hồn không chốn nương thân. Mặt khác thì đây là một liệu pháp tâm lý hữu hiệu nhằm tránh đi những bất trắc, tai ương có thể có từ sự phá phách của các hồn ma hung thần.

[19] Timothy S.Oakes, (2005), “Du lịch làng dân tộc ở nông thôn Guizhou: Ý thức làng tộc và nền thương mại giá trị nguyên bản”, trong Hợp tuyển tính Dân tộc và quan hệ ở Việt Nam và Ðông Nam Á (Tài liệu lưu hành nội bộ). Hà Nội: Ðại học Quốc Gia Hà Nội - Trường Ðại học KHXH & NV - Khoa Lịch sử - Bộ môn Nhân học, Hội Dân tộc học Việt Nam,  Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xuất bản: 501 - 527.: 501).

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng